Yêu và chơi nhạc là chuyện bình thường
Các nữ tu Miriam, Louis Marie, Peter Grace và Mary André là thành viên ban nhạc Force of Habit, do những sơ đang sống và theo học tại Đại học Công giáo Mỹ khởi xướng, và được hoàn thiện bởi thầy Brad và cha Jude DeAngelo, tuyên úy của Viện đại học. Trên thực tế, chuyện thành lập và tham gia chơi một ban nhạc như thế chẳng phải là điều gì xấu xa đối với những người đã dâng hiến cả cuộc đời cho Chúa. Tờ The Washington Post dẫn lời thầy Brad nhận định : “Nó cho thấy chúng tôi là những con người hoàn toàn tự nhiên, bình thường, với những thói quen và sở thích riêng. Chúng tôi hoàn toàn giống mọi người và nhất là những người yêu âm nhạc. Thói quen chơi nhạc chỉ là một khía cạnh khác của bản thân chúng tôi”.
Bốn nữ tu, và những người biết rõ về họ, cho hay ban nhạc là một phần của sứ mệnh lớn hơn, tạo nên sự kết nối với những sinh viên khác, và chia sẻ cũng như thể hiện đức tin của họ. “Về một mặt nào đó, nó thể hiện cái mà chúng tôi có thể làm cho các sinh viên, chứng tỏ chúng tôi yêu họ, và chúng tôi muốn trở thành một phần của cộng đồng”, theo nữ tu Louis Marie. Ngoài ra, tham gia ban nhạc thật sự là trải nghiệm vô cùng vui vẻ khi cùng quây quần với các chị em trong dòng.
Trước Force of Habit, nhóm nữ tu lập một ca đoàn tên là Nun of the Above, và đến tháng 8 năm ngoái chuyển thành ban nhạc. Sơ Miriam, người vùng Saskatchewan, Canada cho hay : “Tôi biết các nữ tu có khiếu âm nhạc, và tôi cho rằng bổ sung thêm thầy Brad vào phần trống và cha Jude làm ca sĩ chính, chúng tôi sẽ nắm trong tay phương thức hữu hiệu để tham gia cộng đồng sinh viên”. Ban nhạc đã biểu diễn tại 4 sự kiện trong năm học 2017, và thu hút được một số lượng người hâm mộ trong cộng đồng khoảng 7.000 sinh viên của đại học ở phía đông bắc Washington này. “Tôi là một trong những người hâm mộ cuồng nhiệt nhất của Force of Habit. Tôi yêu ban nhạc ấy”, theo sinh viên năm nhất Amanda Martin, người cho rằng các nữ tu chơi nhạc blue thật giỏi và đầy sự vui nhộn. Cô Martin, 18 tuổi, sinh viên thần học và tôn giáo đến từ Lancaster, Pennsylvania, thậm chí còn thiết kế và bán áo thun để ủng hộ các nữ tu : “Khi xem họ biểu diễn với thầy Brad – tay trống, và một trong các linh mục của chúng tôi, cha Jude – ca sĩ chính của ban, bạn sẽ thấy họ luôn mỉm cười và trải qua thời khắc vui vẻ với nhau”.
Phụng sự qua âm nhạc
Những nữ tu được nhiều sinh viên yêu mến, với độ tuổi từ 25 đến 35, thuộc về Dòng Đaminh của Maria, Mẹ của Thánh Thể, có tỉnh dòng đặt ở Ann Arbor, Michigan. Cả bốn người đều là sinh viên chuẩn bị tốt nghiệp vào tháng 5. Nữ tu Miriam và Louis Marie đang hoàn tất bằng thạc sĩ triết học, trong khi nữ tu Peter Grace và Mary André theo chuyên ngành giảng dạy tiếng Anh bậc trung học. Mẹ của nữ tu Miriam chịu trách nhiệm sắp xếp các bản nhạc cho họ. Nữ tu Peter Grace học đàn bass guitar từ chị Miriam để đảm nhiệm vị trí này cho ban nhạc. Còn sơ Louis Marie bắt đầu chơi saxophone khi học lớp 5, nhưng chưa bao giờ nghĩ rằng có một ngày mình sẽ dùng đến “tài lẻ” đó, nhất là khi đã quyết định đi tu. Nữ tu Mary André cũng chơi kèn trumpet từ cuối cấp một, nhưng đã ngưng tập luyện khi lên trung học, cho đến khi vào tu viện mới quyết định ôm lấy nhạc cụ yêu thích một lần nữa.
Sơ Miriam trả lời khi được hỏi giới sinh viên sẽ nhìn thấy gì về vai trò phi truyền thống của họ : “Tôi cho rằng ban nhạc là minh chứng tốt (để các sinh viên) thấy được khi chúng tôi gia nhập dòng tu, toàn bộ bản thân chúng tôi đều dâng tặng cho Chúa. Đó không phải là sự áp chế chính mình, mà ai nấy đều sẽ cảm thấy hoàn toàn tự do trở thành bản thân trong đời sống tôn giáo, và trao tặng những gì thuộc về mình. Tôi cho rằng họ sẽ thấy được chúng tôi tự do và hạnh phúc”.
Trong thời gian ở đại học, các nữ tu ăn uống trong phòng ăn chung, cầu nguyện trong nhà thờ của trường và sống cùng ký túc xá với các sinh viên. Chị Clare Whitton, 21 tuổi, người Hopewell Junction, bang New York, trợ lý của một trong các khu nhà trong khuôn viên trường, kể lại thường thấy các nữ tu dùng cà phê với sinh viên. Cô gọi họ là “những người phụ nữ cảm thấy tự do và thật sự hạnh phúc” mà mình từng có dịp gặp gỡ : “Tôi nghĩ rằng niềm hạnh phúc toát ra từ cách họ sống, và rằng họ chẳng hề do dự. Họ không tỏ ra ngượng ngùng vì cách sống của bản thân, không hề e ngại về đức tin của chính mình”.
GIANG VÔ YÊN
Nguồn tin: Báo Công Giáo & Dân Tộc