Những giấc mơ dang dở

Người đời thường nói rằng cuộc đời không như mơ. Tuy nhiên, khi khác chúng ta lại được nghe nói cách đầy thi vị rằng đời đẹp như giấc chiêm bao. Chúng ta thử tìm hiểu xem điều này.
 
Từ những giấc mơ trong Kinh Thánh
 
Kinh Thánh kể rằng Adam được Thiên Chúa ban cho rất nhiều thứ: “Làm bá chủ cá biển, chim trời, gia súc, dã thú, tất cả mặt đất và mọi giống vật bò dưới đất” (St 1, 26).  Thế nhưng, thủy tổ nhân loại chưa cảm thấy vui mãi đến khi giấc ngủ ập đến với mình: “Đức Chúa là Thiên Chúa cho một giấc ngủ mê ập xuống trên con người, và con người thiếp đi” (St 2, 20). Thế là giấc mơ đến với con người từ đó! Sau giấc ngủ mê, lần đầu tiên Adam đã thốt lên sung sướng khi thấy “người đàn bà” trước mặt hoàn toàn không phải chiêm bao (St 2, 23). Đó là cung bậc tình cảm đầu tiên chớm nở nơi con người.
 
Trong Cựu Ước, hẳn chúng ta còn nhớ trường hợp của Giuse, con Giacóp. Cậu có những giấc mơ thật đẹp. Khi tỉnh giấc, cậu kể cho các anh của mình: “Em lại chiêm bao. Em thấy mặt trời, mặt trăng và mười một ngôi sao đang sụp xuống lạy em” (St 37, 9). Giấc mơ ấy đẹp thật! Tuy nhiên, chính giấc mơ này khiến “các anh ghen với cậu” và tìm cách loại trừ em mình ra khỏi giấc chiêm bao kia.
 
 
Tân ước cũng nhắc đến giấc mơ của Giuse thuộc dòng dõi Vua Đavít. Ông đang xây mộng mái ấm gia đình cùng thục nữ Maria thì bỗng dưng lại gặp thử thách: “ trước khi hai ông bà về chung sống, bà đã có thai do quyền năng Chúa Thánh Thần” (Mt 1,18). Giuse bèn quyết định hành động theo cách của mình là “bỏ bà cách kín đáo”. Nhưng rồi một giấc mơ đã đến: “Ông đang toan tính như vậy, thì kìa sứ thần Chúa hiện đến báo mộng cho ông rằng: Này ông Giuse, con cháu Đavít, đừng ngại đón bà Maria vợ ông về, vì người con bà cưu mang là do quyền năng Chúa Thánh Thần” (Mt1, 20). Lần này đúng là mơ, nhưng khi tỉnh dậy, Giuse hành động theo sự chỉ dẫn của sứ thần trong giấc mơ.
 
Đức Giêsu cũng có ước mơ cháy bỏng. Ngài đến để loan báo cho nhân loại Tin Mừng cứu độ và chữa lành họ khỏi mọi bệnh tật. Sứ mạng đang tốt đẹp bỗng dưng Ngài bị bắt, bị kết án, bị chết nhục nhã trên thập giá. Theo cái nhìn của người đời, đây là sự dang dở lớn nhất đặt dấu chấm hết cho một cuộc đời.
 
Bài học từ những dang dở
 
Với Adam, niềm vui sướng vì được một trợ tá mà ông cho là tương xứng nhất đời chưa được lâu, ông đã ở bên bờ vực sa ngã. Khi choàng tỉnh thức “mắt hai người mở ra” và họ thấy bóng tối phủ chụp xuống trên cuộc đời mình. Từ lúc ấy, giấc mơ cuộc đời của hai người không còn hòa chung với Thiên Chúa nữa, nên họ đã lẩn tránh khi nghe tiếng Ngài gọi.
 
Còn Giuse con Gia cóp khi bị bán làm nô lệ, ta cứ ngỡ mọi sự đối với cậu thế là hết. Nhưng không, đây lại là lối mở để Thiên Chúa biến giấc mơ thành sự thật. Kết cục, cậu trở thành quan lớn trong triều Pharaô để cứu dân qua khỏi nạn đói. Gặp lại các anh, Giuse không báo oán nhưng lại an ủi họ rằng: “Chính là để duy trì sự sống mà Thiên Chúa đã gửi tôi đi trước anh em” (St 45, 5). Ông đã nhìn nhận giấc mơ cuộc đời mình được hòa trong chương trình của Thiên Chúa.
 
Trở lại với Giuse trong Tân Ước, biến cố có thai ngoài ý muốn của Maria cho thấy gì? Nhờ hai chương đầu của Tin mừng Matthêu, chúng ta thấy tiếp nối sự dở dang trên là nhiều giấc mơ khác hướng dẫn ông hành động: từ việc đón bà Maria về nhà, đến lệnh truyền đưa Hài Nhi trốn sang Ai cập, rồi lại được báo mộng đem Hài Nhi trở về Ítraen… Kết thúc mọi hành trình bôn ba, lao nhọc sau những giấc mơ ấy là một Giuse, Cha nuôi Con Thiên Chúa.
 
Sau thất bại trên thập giá của Giêsu, qua ba ngày vùi thân trong mồ đá, ta thấy một Giêsu rực rỡ ánh quang vào buổi sáng Phục Sinh. Nếu không có thập giá, sẽ chẳng có ơn cứu độ. Những thất bại và dang dở đã trở nên khúc khải hoàn ca.
 
Sử sách nhân loại còn ghi nhận biết bao ước mơ. Có những ước mơ đã thành hiện thực. Cũng có ước mơ mãi còn dang dở. Có ước mơ đẹp lãng mạn như “mưa hoa hồng” của Têrêxa. Có ước mơ rất đơn thường: “ước có được chút thức ăn thừa trên mâm người phú hộ cho no bụng” của Nadarô. Lại có ước mơ được niềm vui Nước Trời như người trộm lành trên thập giá…
 
Nói tóm lại, bài học sau cùng cho những điều ấy là: dù thành công hay thất bại, cao vời hay giản đơn, giấc mơ của chúng ta sẽ chỉ đẹp khi nó thuận theo thánh ý Thiên Chúa. Chỉ trong Ngài mọi dang dở mới trở nên trọn vẹn mà thôi. Thiên Chúa vẫn đang mời gọi chúng ta tiếp tục hòa giấc mơ của mỗi người vào trong kế hoạch nhiệm màu của Người. Đó là ước mơ về mùa cứu độ mở ra cho nhân loại.
Nt. Scholastica, Đaminh Bùi Chu