Những di tích lịch sử quan trọng của Iraq để hiểu Kitô giáo

Di tích khảo cổ thành Ur cổ xưa, được tin là nơi sinh của tổ phụ Abraham

Với chuyến tông du Iraq từ ngày 5 đến 8/3 tới đây, Đức Thánh Cha sẽ là vị Giáo hoàng đầu tiên thực hiện cuộc viếng thăm Iraq, vùng đất trong Kinh Thánh, trong cuộc hành hương đến nơi được biết đến trong tiếng Ả rập là “vùng đất của hai con sông” – Tigris và Euphrates mạnh mẽ – và từng được biết đến với tên Mesopotamia, “chiếc nôi của nền văn minh.” Đất nước giàu truyền thống lịch sử này có rất nhiều các địa điểm tôn giáo quan trọng để tìm hiểu đức tin Kitô giáo.

Vườn Treo Babylon, Tháp Babel, những nơi chốn cổ xưa, nổi tiếng được cho là nằm ở Iraq cổ đại. Những người Do Thái bị lưu đày đến Iraq cổ đại vào thời Cựu Ước, chẳng hạn như ngôn sứ Đaniel, đã cảm nghiệm được ân sủng kỳ diệu của Thiên Chúa: Đaniel được cứu thoát khỏi hang sư tử và những người bạn thoát khỏi lò lửa.

Thành Ur

Iraq cũng là nơi tổ phụ Abraham bắt đầu cuộc hành trình. Tổ phụ Abraham được người Do Thái, Kitô hữu và tín đồ Hồi giáo công nhận là tổ phụ của ba tôn giáo độc thần. Ngài sinh tại thị trấn phía nam thành Ur, địa điểm có từ năm 6.000 trước Công nguyên, nằm trên một lộ trình cũ của sông Euphrates, và là một trong những địa điểm lâu đời nhất của Iraq.

Đến đây Đức Thánh Cha sẽ thấy một vùng đồng bằng khô ráo, bằng phẳng và đất màu nâu vàng, nổi tiếng với các các tháp bậc thang hình chữ nhật được bảo quản tốt, có niên đại từ thiên niên kỷ thứ ba trước Công nguyên. Ngoài ra, một số chữ viết được biết đến sớm nhất, chữ hình nêm, đã được phát hiện tại Ur.

Tháp bậc thang hình chữ nhật – Great Ziggurat – tại thành Ur

Vào khoảng năm 2.000 trước Công nguyên, Ur là một trung tâm đô thị sầm uất, thu hút các thương nhân từ cả Địa Trung Hải và tiểu lục địa Ấn Độ, cho đến khi bị Alexander Đại đế chinh phục vài thế kỷ trước Công nguyên. Đức Thánh Cha Phanxicô sẽ tham dự một cuộc họp liên tôn tại đó.

Najaf

Đức Thánh Cha sẽ đến Najaf, cũng ở miền Nam, nơi ngài sẽ có cuộc gặp gỡ quan trọng với một trong những nhân vật có thẩm quyền nhất của Hồi giáo dòng Shiite, Đại Giáo trưởng Ali al-Sistani, như một phần trong nỗ lực của ngài để ôm lấy toàn bộ thế giới Hồi giáo.

Các phụ nữ Iraq tại thành phố Najaf

Nằm cách thủ đô Baghdad gần 160 cây số về phía nam, Najaf, thành phố có hơn 1,2 triệu dân, là một trung tâm quyền lực tinh thần và chính trị của Hồi giáo Shiite cũng như một địa điểm hành hương cho tín đồ Shiite. Đền thờ Hồi giáo Imam Ali có mái vòm bằng vàng được coi là địa điểm linh thiêng thứ ba đối với người Hồi giáo dòng Shiite, sau Mecca và Medina ở Ả Rập Saudi.

Thủ đô Baghdad

Từ Roma bay đến Baghdad, Đức Thánh Cha Phanxicô sẽ được đón tiếp trong một nghi lễ chào đón chính thức tại dinh tổng thống. Tại Nhà thờ Chính tòa Đức Mẹ Cứu độ của Giáo hội Công giáo Syria ở thủ đô, ngài sẽ gặp gỡ các giám mục, linh mục, các tu sĩ nam nữ, chủng sinh và giáo lý viên. Nhà thờ là nơi xảy ra một vụ thảm sát vào ngày 31 tháng 10 năm 2010: 6 chiến binh thánh chiến đã tấn công nhà thờ trong Thánh lễ chiều Chúa Nhật và sát hại 58 người, trong đó có hai linh mục. Trong số những người bị sát hại có toàn bộ một gia đình gồm cha mẹ, con cái, một bé trai 3 tháng và cả một em bé còn trong bụng người mẹ bị sát hại. Ngày 31/10/2019, hồ sơ phong chân phước ở cấp giáo phận và công nhận sự tử đạo của các vị đã được kết thúc ở Baghdad. Nhóm al-Qaida của Iraq đã nhận trách nhiệm về vụ thảm sát.

Nhà thờ chính tòa thánh thánh Giuse của Giáo hội Công giáo Can-đê, ở thủ đô Baghdad

Thánh lễ được dự kiến tổ chức tại Nhà thờ Công giáo Thánh Giuse của Giáo hội Công giáo Can-đê, cũng ở thủ đô Baghdad, một thành phố có bề dày lịch sử, nơi có khoảng 8 triệu dân hiện đang sinh sống.

Bình nguyên Ninive

Đi về phía Bắc, Đức Thánh Cha Phanxicô sẽ gặp các cộng đồng Kitô giáo ở vùng bình nguyên Ninive, một khu vực bị nhóm Nhà nước Hồi giáo chiếm vào năm 2014 cho đến khi được giải phóng ba năm sau đó. Ngôn sứ Giôna trong Cựu ước, người đã yêu cầu mọi người ăn năn và quay trở về với Thiên Chúa, đã sống ở Ninive.

Một thị trấn cổ ở Ninive, nơi các Ki-tô hữu sống

Đây là miền đất trung tâm lịch sử của Kitô giáo ở Iraq, nơi các Kitô hữu đã sống từ khi Chúa Giêsu thi hành sứ vụ trên thế gian, khi thánh Tôma, với sự trợ giúp của Thánh Giuđa, đã mang sứ điệp Tin Mừng đến vào khoảng năm 35 sau Công nguyên. Hai vị này được cho là đã đặt trụ sở tại thành phố Erbil, phía bắc của Kurdistan ngày nay, nơi các ngài rao giảng cho người dân địa phương.

Và chính tại thành phố đó, Đức Thánh Cha Phanxicô sẽ được chào đón bởi các nhà lãnh đạo tôn giáo và dân sự. Erbil và vùng đất Kitô giáo Ankawa gần đó đã đón nhận hàng chục ngàn Kitô hữu và các tôn giáo thiểu số khác buộc phải trốn thoát khỏi những hành động tàn bạo của Nhà nước Hồi giáo.

Giới trẻ tại Erbil

Đức Tổng giám mục Công giáo Chaldean Bashar Warda của Erbil nói rằng: cần có “sự hỗ trợ quốc tế cho các chương trình sinh sống” để giúp các gia đình ở lại Iraq.” Một số trong các nhóm đó bao gồm tổ chức bác ái Trợ giúp các Giáo hội đau khổ, Hội Hiệp sĩ Columbus và Hiệp hội Phúc lợi Công giáo Cận Đông.

Chương trình tái thiết

Một trong những chương trình cung cấp việc đào tạo để tìm sinh kế đó là Chương trình Viện trợ Kitô giáo miền Bắc Iraq do cha Emanuel Youkhana, người Iraq, giám đốc điều hành của Giáo hội Syria Đông phương, thành lập.

Cha Youkhana nói với hãng tin Công giáo Hoa Kỳ rằng: “Chương trình Viện trợ Kitô giáo miền Bắc Iraq đã hỗ trợ khoảng 8.500 gia đình Kitô giáo di tản trở về các thị trấn ở vùng bình nguyên Ninive của họ, bằng cách trước tiên giúp xây dựng lại nhà cửa, cơ sở hạ tầng và cơ sở kinh doanh. Giờ đây, tổ chức này đang hỗ trợ việc học tiếng Anh và cung cấp việc đào tạo nghề cho các công việc thực tế cần thiết trên thị trường.”

Hình ảnh chào đón Đức Thánh Cha tại Qaraqosh

Cha Youkhana nói rằng: mặc dù do thời gian hạn hẹp, Đức Thánh Cha Phanxicô có thể là không thể đến thăm các dự án xây dựng lại, nhưng chắc chắn ngài sẽ được thông báo. Cha nói: “Khi Ngài đến thăm các nhà thờ ở Mosul và Qaraqosh, tất nhiên, Ngài sẽ được cập nhật về những nỗ lực tái thiết, bởi vì Ngài sẽ hỏi về điều đó và sự phá hủy đã xảy ra ở đó.”

Hội đồng giám mục Ý cho biết: một dòng nữ hiện đang điều hành một trường mẫu giáo ở Qaraqosh cho 130 trẻ em. Việc xây dựng lại Nhà thờ Đức Mẹ Đồng Hồ nổi tiếng của Mosul, được các tu sĩ Đaminh xây dựng vào những năm 1870, cùng với Nhà thờ Al-Tahera của Giáo hội Công giáo Syria, đang được tiến hành.

Các cộng đồng Hồi giáo và Kitô giáo cùng nhau hoạt động vì ích chung

Từ Erbil, cha Olivier Poquillon người Pháp nói với hãng tin Công giáo Hoa Kỳ rằng: các nỗ lực tái thiết, bao gồm cả đền thờ Hồi giáo Al-Nouri mang tính biểu tượng của Mosul, là để nhìn thấy người Hồi giáo, Kitô hữu và các cộng đồng khác “làm việc cùng nhau, để làm điều gì đó tích cực cùng nhau.”. Và cha nói thêm rằng: các Kitô hữu và các tôn giáo thiểu số khác phải nhìn thấy lại rằng, Mosul là “nhà của họ và họ đang ở trên đất của mình.”

Mosul đang được tái thiết

Cha nói: “Chúng tôi biết sẽ là một thách đố đối với mọi người để xây dựng lại sự tin tưởng giữa mọi người, gia đình và cộng đồng. Nhưng đây là đức tin của chúng tôi. Chúng tôi tin vào Thiên Chúa của lòng thương xót và chúng tôi tin rằng: chúng tôi có nhân loại này như một trách nhiệm chung.”

 Hồng Thủy

vaticannews.va/vi/