Những chuyện thú vị về chuyến bay của giáo hoàng

Tách rõ chuyện tưởng tượng với thực tế về ‘Mục tử chuyên cơ số một’ [Shepherd One]

Papal-seat-cushion.jpg

 

Khi máy bay chở Đức Giáo hoàng Phanxicô sắp hạ cánh xuống Washington DC, gần sân bay quân lực Andrews, vào ngày 22-9, thì trên truyền hình nhan nhản những tin như ‘Mục tử chuyên cơ số một’ đang trên đường đến, Shepherd One hạ cánh, và cuối cùng là Đức Giáo hoàng bước xuống từ Shepherd One, đại loại như thế.

 

Có những lúc chỉ hai từ mà chuyển tải đến 3 hiểu lầm hoàn toàn, và từ ‘Shepherd One’ là như thế.

 

1- Chiếc máy bay này không thực sự có tên là ‘Shepherd One.’ Người dân ở Hoa Kỳ gọi tên là Shepherd One, nhưng đây là một hình tượng do truyền thông, hơn là một tên gọi thực sự.

 

Chính thức thì, máy bay của giáo hoàng không có tên. Thiết kế của máy bay này thường là một chiếc AZ4000 chuyên dụng bay nước ngoài của hãng Alitalia, và người Ý chỉ đơn giản gọi đây là volo papale, hay là chuyến bay của giáo hoàng.

 

2- Giáo hoàng không sở hữu một chiếc máy bay. Cụm từ ‘Shepherd One’ gợi ý rằng giáo hoàng có một chiếc máy bay, nhưng thực sự thì không. Ngay cả cái tên ‘máy bay của giáo hoàng’ cũng là một chuyện tưởng tượng, do bởi giáo hoàng không có máy bay riêng.

 

Vatican luôn luôn thuê một chiếc máy bay cho các chuyến công du dài ngày của giáo hoàng, và thường là mỗi lần một chiếc khác nhau. Đây là những máy bay thương mại bình thường, một ngày trước chuyến công du của giáo hoàng, máy bay vẫn chở khách từ Roma đến Luân Đôn, và ngay khi kết thúc cũng thế.

 

Truyền thống là giáo hoàng dùng máy bay của hãng hàng không quốc gia Ý, Alitalia, để đến đất nước công du, rồi bay bằng máy bay của hãng tại nước sở tại trên chuyến đi về. Khi Đức Phanxicô công du đến Sri Lanka và Phi Luật Tân hồi tháng 1, ngài đi Alitalia chặng đi, và đi Philippine Airlines cho chặng trở về Roma.

Trong chuyến đi lần này, Đức Phanxicô sẽ đi Alitalia đến Washington, và rồi dùng máy bay của American Airlines cho toàn hành trình còn lại.

 

(Một điểm nho nhỏ, đó là các hãng báo chí thực sự hỗ trợ cho chi phí của giáo hoàng, bởi vì 70 phóng viên yêu cầu thanh toán vé hạng thương gia để ngồi trong hạng thường. Và bởi 30 người trong đoàn tùy tùng của giáo hoàng, được ngồi hạng thương gia miễn phí, nên có nghĩa là toàn bộ chi phí hầu như được chi trả bởi những người ngồi hạng thường.)

 

(Lần này, vé của Alitalia cho chặng Roma-Cuba-Washington là khoảng $3.200, còn chặng Washington-NewYork-Philadelphia-Rome của American Airlines là $2.300, tổng cộng là $5.500 cho mỗi người. Điều này nghĩa là 70 nhà báo góp $385.000 cho chi phí chuyến đi này.)

 

3- Chiếc máy bay không có gì giống với Air Force One (Không lực một) Việc gọi máy bay mà giáo hoàng đi là Shepherd One, ý muốn nói nó cũng ngang với chiếc Air Force One, chuyên cơ của tổng thống, một hình ảnh ăn sâu vào đầu người dân Mỹ, với các phòng họp bàn tròn, phòng nghỉ tổng thống, các đường dây nóng, phòng liên lạc với tín hiệu vệ tinh, cùng với đủ thứ khác.

 

Nhưng sự thật thì khác hẳn. Trong thực tế, máy bay của giáo hoàng là một chiếc máy bay thương mại bình thường, và thường thì điều đặc biệt duy nhất dành cho giáo hoàng, là ngài được ngồi ở hàng ghế đầu tiên của hạng thương gia.

 

Nhiều năm về trước, trong các chuyến công du đặc biệt dài ngày, các hãng hàng không sẽ bỏ bớt một vài dãy ghế đầu ở hạng thương gia để thay vào đó một chiếc giường cho giáo hoàng. Hiện nay, ở bảo tàng tại thành phố Kansas, người ta có thể thấy chiếc giường mà Đức Gioan Phaolô II đã dùng năm 1979, trong chuyến bay của hãng Trans World Airlines TWA, mà giường này có cả dây an toàn nữa nhé. Giám mục Fulton Sheen từng đùa rằng tên viết tắt của hãng này nhân dịp đó được chuyển thành Bay cùng Thiên thần (Traveling With Angels.)

 

Tuy nhiên, bây giờ do bởi hầu hết các máy bay đều trang bị trong khoang hạng thương gia các ghế có thể chuyển thành giường hoàn toàn phẳng, nên hầu như không cần phải thay đổi thiết kế tùy dịp làm gì.

 

Những thông tin tôi vừa đưa, cũng sẽ chẳng làm mất được từ ‘Shepherd One’ vốn rất giật gân, và do đó được truyền thông ưa chuộng. Nhưng đừng lầm, giáo hoàng không có chiếc máy bay nào kiểu như Air Force One đâu.

 

DucGiaoHoang.jpg

 

Và tôi xin đưa ra thêm vài chi tiết vui về các chuyến công du của các Đức Giáo hoàng.

 

Gặp gỡ báo chí

 

Khi Đức Giáo hoàng Phaolô VI bay đến Jordan và Israel hồi tháng 1, 1964, ngài trở thành giáo hoàng đầu tiên trong lịch sử đi máy bay. Một năm sau, Đức Phaolô VI đến thăm New York, nghĩa là chuyến đi lần này của Đức Phanxicô cũng là kỷ niệm 50 năm lần đầu tiên có một giáo hoàng đặt chân đến Hoa Kỳ.

 

Trên máy bay, mỗi giáo hoàng có một cách riêng để nói chuyện với các nhà báo đi cùng.

 

Trong những năm đầu triều, thánh Gioan Phaolô II đi về khoang hạng phổ thông và nói chuyện với các ký giả bằng nhiều thứ tiếng, dành vài phút với người Ý, vài phút với người nói tiếng Anh, và cứ thế. Tất cả đều nói chuyện tự phát, và tất cả đều được thu âm.

 

Tuy nhiên, về sau, khi tuổi tác và bệnh tật không cho phép ngài làm thế, thì thông lệ này lại chuyển thành gọi lên từng người một được một phút ngồi bên cạnh ngài, thường chỉ là chào đơn giản mà thôi.

 

Với Đức Bênêđictô XVI, ngài sẽ có một buổi tương tự họp báo ở đầu chuyến đi. Và thường là những chuyện được sắp xếp trước. Phát ngôn viên Vatican sẽ thu thập các câu hỏi 48 tiếng trước chuyến bay bằng email và chọn ra một số để hỏi giáo hoàng. Có khi các ký giả sẽ được gọi lên để đặt câu hỏi, có khi thì phát ngôn viên tự mình làm việc này.

 

Ngay cả như thế, những buổi này đôi khi vẫn lên trang nhất.

 

Ví dụ như, khi Đức Bênêđictô đến Cameroon năm 2009, ngài đã khơi lên một trận bão khi tuyên bố rằng việc phát bao cao su ở châu Phi khiến cho vấn đề HIV/AIDS trầm trọng hơn.  (Dòng này đã khiến nghị viện Bỉ chính thức lên tiếng chỉ trích, và chính phủ Tây Ban Nha đã gởi nguyên một đợt bao cao su cho châu Phi để phản đối.)

 

Đức Phanxicô thì trong chuyến đi, ngài sẽ đi quanh chào hỏi các phóng viên, rồi trên chuyến về sẽ có một buổi họp báo không giới hạn. Các buổi họp báo này đã cho chúng ta vô số câu đáng nhớ, bao gồm ‘Tôi là ai mà phán xét?’ trên chuyến bay về từ Brazil năm 2013, và lời xác quyết của Đức Giáo hoàng rằng người Công giáo không cần phải ‘sinh đẻ như thỏ,’ trên chuyến bay về từ Manila hồi đầu năm nay.

 

Thật sự là thiên hướng tạo bầu khi của Đức Phanxicô, đã khiến người ta nhận xét rằng, mặc dù ghế trong máy bay của giáo hoàng thường không thoải mái và thức ăn thì tệ, nhưng ít nhất nhờ sự hiện diện của ngài nên không khí vui vẻ trong chuyến bay thật tuyệt vời.

 

Đoàn tùy tùng

 

Thường thì giáo hoàng công du với một đoàn tùy tùng khoảng 30 người.

 

Đoàn tùy tùng này thường gồm hồng y Quốc vụ khanh Pietro Parolin, một hay hai hồng y hay giám mục khác, khoảng 10 linh mục, hầu hết là nhân viên Phủ Quốc vụ khanh, và 20 giáo dân, hầu hết là nhân viên văn phòng báo chí Vatican cũng như các nhân viên thường phục của ban an ninh Vatican và vệ binh Thụy Sỹ.

 

Do có thêm khoảng 70 nhà báo, nên mỗi chuyến bay của giáo hoàng có khoảng 100 hành khách không kể phi hành đoàn.

 

Với các nhà báo, những thời điểm tuyệt nhất trong chuyến bay là khi các thành viên của đoàn tùy tùng đi về phía cuối máy bay để dùng nhà vệ sinh, và như thế thì có thể được kéo lại hỏi một câu về chuyện này chuyện kia, hay đơn giản là xem thử giáo hoàng đang làm gì.

 

Bay suốt hành trình

 

Các ký giả đi trên chuyến bay với giáo hoàng, được yêu cầu theo sát toàn bộ chuyến đi, hơn là chỉ đến một chặng nào đó. Nếu có ai đó quyết định bỏ qua chặng bay về, thì đó coi như là bảo đảm lần sau họ sẽ không bao giờ được bay cùng giáo hoàng nữa.

 

Vài năm trước, tôi có yêu cầu tự bay trở về, bởi tôi có bài phát biểu ở Washington, nhân dịp giới thiệu quyển sách của Đức Bênêđictô XVI, Giêsu thành Nazareth, một việc theo mong muốn của tổng giám mục Pietro Sambi, sứ thần tòa thánh.

 

Yêu cầu này phải đến tận Phủ Quốc vụ khanh, rồi được hồng y Tarcisio Bertone chấp thuận mới xong. Về sau tôi có hỏi giám mục Sambi rằng tại sao Vatican quá bận tâm xem các ký giả bay về bằng cách nào,

bởi dù gì chúng tôi cũng đã trả tiền vé, và việc bớt đi một hay hai ký giả trên khoang thì càng dễ chịu chứ sao.

 

Câu trả lời của ngài rất đơn giản: ‘Không thể để giáo hoàng bay trên một chiếc máy bay trống không. Nó có vẻ như chuyến công du đã gây thất vọng.’

 

Chuyến bay về

 

Cho đến bây giờ, Alitalia đã chuyên chở quá nhiều giáo hoàng đến thành quen. Thời trước, khi các ký giả lên máy bay, Alitalia sẽ cung cấp các túi đầy quà lưu niệm – là các chai rượu và nước hoa, hộp thuốc lá, hộp chocolate, và đủ thứ khác.

 

Còn ngày nay, quà lưu niệm duy nhất Alitalia cung cấp là một bọc ghế bằng vải với triện của giáo hoàng, mà hầu hết ký giả đều lấy về làm kỷ niệm.

 

Khi giáo hoàng đi máy bay các hãng sở tại về Roma, mọi chuyện lại hoàn toàn khác. Các máy bay hiếm khi được chở giáo hoàng, nên họ rất sốt sắng. Thường họ cung cấp một máy bay lớn, để mọi người có thể thoải mái đi lại, và thức ăn nước uống thường là hạng nhất.

 

Ngày xưa, các ký giả thường ngóng chờ chuyến bay về bởi đó là thời gian xả hơi. Và đúng là thế, bạn có vài tiếng để chuyện trò với các đồng nghiệp, có một món ngon, thậm chí là xem phim, hay bù lại những ngày mất ngủ.

 

Tuy nhiên, với Đức Phanxicô, mọi chuyện đã thay đổi, bởi vì buổi họp báo.

 

Thường thì buổi họp báo này diễn ra khoảng nửa giờ sau khi cất cánh, và kéo dài một tiếng. Ngài thường nói bằng tiếng Ý, vậy nên các phóng viên nói tiếng Anh, phải thu âm lại để dich sang tiếng Anh.

 

Thời gian còn lại thường là để trau chuốt lại bài báo hay chuẩn bị tư liệu cho buổi phát sóng khi đến nơi, vậy nên một phút xả hơi là rất quý.

 

Nhưng tất nhiên, chẳng có ai phàn nàn, bởi các buổi họp báo trên máy bay là một món quà đặc biệt dành cho giới truyền thông mà. Mặt khác, như thế, việc du hành cùng với giáo hoàng trở nên cần nhiều tập trung sức lực hơn. Mà điều này cũng là một việc xác nhận Đức Phanxicô thực sự là một tác nhân thay đổi.

 

(J.B Thái Hòa chuyển dịch, phanxico.vn 19.09.2015/

Crux – John L. Allen Jr.  – 18/9/2015)

 

Nhân tiện, khi bạn đang đọc bài này, thì Đức Phanxicô đang trên máy bay đến Havana, cho chuyến công du Cuba- Hoa Kỳ của ngài.