CGvDT : Xin Cha giới thiệu đôi nét về hai cuốn tuyển tập Thánh ca Việt Nam ?
– Lm Rôcô Nguyễn Duy : Quyển 1 phát hành năm 2010 dịp mừng 50 năm thành lập Hàng Giáo phẩm Việt Nam với hơn 500 bài thánh ca được chọn lọc từ khi có nền thánh nhạc Việt Nam cho đến năm 1975 trong kho tàng thánh nhạc rất phong phú của Giáo Hội Việt Nam. Quyển 2 phát hành cuối năm 2015 gồm 341 bài của nhiều tác giả từng in thành sách được xuất bản từ 1975 cho đến nay, và đã được Imprimatur.
Khi thực hiện hai tuyển tập này (và hiện còn đang tiếp tục quyển 3 và 4), Ủy Ban Thánh Nhạc mong ước giới thiệu mỗi nhạc sĩ với một số bài tiêu biểu trong mỗi giai đoạn hình thành và phát triển nền Thánh nhạc Việt Nam, nhất là sau khi Công Đồng Vaticanô II cho sử dụng tiếng bản địa trong Phụng vụ. Để thực hiện, Đức cha Vinhsơn Nguyễn Văn Bản, Chủ tịch UBTN (tiếp nối ý muốn của các Đức cha tiền nhiệm) đã quyết định thành lập một tiểu ban sơ tuyển và giao trách nhiệm cho tôi trực tiếp điều hành.
Bước đầu, tiểu ban này quy tụ các anh chị em nhạc sĩ, giảng viên âm nhạc để thống nhất về số lượng bài của mỗi nhạc sĩ, tiêu chuẩn về lời và… Tiếp theo là việc thu thập các tài liệu thánh nhạc từ đầu cho đến nay. Giai đoạn này chúng tôi được sự hỗ trợ rất lớn từ linh mục nhạc sư Kim Long vì ngài có sẵn một thư viện thánh nhạc thật phong phú. Sau đó tiểu ban làm việc liên tục trong 5 năm (từ năm 2006) để chọn lọc. Đa số các bài được chọn đều có giá trị về mặt ca từ và nghệ thuật âm nhạc. Có những bài thánh ca đã đi vào “máu thịt” của người Công giáo Việt Nam, nhưng ca từ có nhiều chỗ không ổn, chưa đúng với giáo lý, nên ban sơ tuyển đã cẩn trọng sửa lại để có thể tiếp tục sử dụng trong Phụng vụ. Chẳng hạn các bài “Thờ Lạy Chúa”, “Mùa Đông năm ấy” của Lm Hoài Đức; “Đền tạ Trái tim Mẹ” của Nguyễn Khắc Tuần; “Tiếng hát thiên thu” của Dao Kim – Thiên Tân… Cuối cùng, trước khi trình Đức cha Chủ tịch UBTN chấp thuận cho phổ biến, các bài thánh ca trong tuyển tập quyển 1 đã được cha Kim Long rà soát, còn quyển 2 được Đức cha Phaolô Nguyễn Văn Hòa xem lại.
Vậy những bài Thánh ca nếu không có trong danh mục các tuyển tập này nhưng đã được Imprimatur thì có được sử dụng không, thưa cha ?
– Như đã trình bày ở trên, những bài được chọn trong hai tuyển tập này chỉ mang tính cách giới thiệu, nhất là có những bài cần được sửa lại lời ca cho đúng giáo lý nhằm giúp cộng đồng dân Chúa sử dụng hiệu quả và đúng ý Giáo Hội. Vì thế, bất cứ những bài thánh ca khác (dù không có trong 2 tuyển tập này) mà đã được Imprimatur (được phép dùng trong Phụng vụ) thì vẫn được phép chọn để hát trong Phụng vụ.
Một lời khuyên của cha dành cho các ca trưởng, để họ chọn bài hát sao cho thống nhất và đúng Phụng vụ ?
Khi chọn bài hát, các ca trưởng nên soát lại xem bài hát muốn chọn đã có trong hai tuyển tập này chưa, nếu có, cần so lại xem có chỗ nào đã được chỉnh sửa (về lời cũng như về nhạc). Văn kiện “Hướng dẫn Mục vụ Thánh nhạc” cũng đã có những hướng dẫn cụ thể về ý nghĩa các bài ca, cách hát từng phần trong thánh lễ; đặc biệt các số 110 (Cẩn trọng trong việc chọn bài hát); 116 đến 125 (Những tiêu chuẩn thẩm định bài hát về phương diện Phụng vụ, Mục vụ và Âm nhạc). Những chỉ dẫn này rất hữu ích giúp các ca trưởng chọn bài phù hợp.
Có thêm một thắc mắc khác, đó là việc chọn hát Thánh vịnh Đáp ca trong các ngày lễ thường, lễ kính hay lễ trọng ở một số giáo xứ vẫn còn lúng túng, cha có thể hướng dẫn thêm về vấn đề này ?
Tôi xin trích lại một số quy định để những người liên quan có thể tham khảo :
* Hướng dẫn Mục vụ Thánh nhạc số 144 dạy :
– Thánh vịnh Đáp ca (TVĐC) là thành phần trọn vẹn của Phụng vụ Lời Chúa và là bài đọc từ Kinh Thánh, nên bài ca này rất quan trọng về Phụng vụ và Mục vụ;
– Thánh vịnh Đáp ca tương ứng với mỗi bài đọc giúp suy niệm Lời Chúa;
* Hướng dẫn Mục vụ Thánh nhạc số 146 xác định :
Chỉ được sử dụng các Thánh vịnh và các bài Thánh ca Cựu và Tân ước (vd: Magnificat, Benedictus, v..v..) đã được chỉ định trong sách Bài Đọc và các câu đáp chung và Thánh vịnh Đáp ca chung cho từng Mùa (Vọng, Giáng Sinh, Chay, Phục Sinh, Thường Niên) đã phổ biến trong thông báo của UBTN ký ngày 1 tháng 11 năm 2016. Vì thế, không được phép tự ý thay thế hoặc chọn một bài Thánh ca do nhạc sĩ tự sáng tác, hay một bài ca nhạc sĩ cảm hứng hoặc lấy ý từ Thánh vịnh. Thí dụ 1 : Bài “Chúa Chăn Nuôi Tôi” của Phanxicô rất hay về âm nhạc và lời ca có những ý tưởng mượn từ Thánh vịnh 22, nhưng không thể sử dụng để hát đáp ca như nhiều cộng đoàn hay làm, vì cứ nghĩ đó là Thánh vịnh 22 nên có thể hát làm Thánh vịnh Đáp ca. Thí dụ 2 : Bài “Lắng Nghe Lời Chúa” của Nguyễn Duy dễ bị hiểu lầm là đáp lại lời Chúa vừa nghe nên tự do chọn hát thay thế cho Thánh vịnh Đáp ca. Điều này hoàn toàn không đúng.
Nói chung, để tránh tình trạng lúng túng khi chọn Thánh vịnh đáp ca, chúng ta cần lưu ý mở sách Bài Đọc xem sách chỉ định Đáp ca là Thánh vịnh nào, có mấy câu xướng, câu đáp là gì ?; So bài Thánh vịnh Đáp ca với bài hát được dệt nhạc của tác giả đã soạn xem có trung thành trọn vẹn với bản văn đã ghi trong Sách Bài Đọc hay không. Vì Hướng dẫn Mục vụ Thánh nhạc số 148 và 149 đã quy định một cách rất nghiêm ngặt về việc Dệt nhạc Thánh vịnh Đáp ca.
Có nhiều bài hát sáng tác cách đây đã vài chục năm, ngày nay khi đối chiếu với thần học thì có một số từ ngữ dùng sai, ví dụ “Giavê, tạo vật….”. Khi hát giáo dân có được phép sửa không?
Thông báo của UBTN ký ngày 1 tháng 11 năm 2016 đã viết : “GIAVÊ là danh Chúa trong Cựu ước. Trong một số bài hát tiếng Việt còn gặp từ này. Thực ra trong Cựu ước Hípri, tên Chúa được viết tắt bằng bốn phụ âm YHVH. Bốn phụ âm này đọc với nguyên âm nào thì không rõ, vì chính người Do Thái, do kính trọng, đã từ lâu không đọc tên Chúa, mà hễ gặp YHVH thì đọc là A-đo-nai, nghĩa là “Chúa chúng tôi”. Đọc là Giê-hô-va chắc chắn là không đúng. Nhiều học giả Thánh Kinh cho rằng đọc là Giavê (Yahveh), nhưng cũng không chắc, vì có ý kiến cho rằng có lẽ đọc là Giavô (Yahvoh). Dầu sao, đối với chúng ta, vấn đề đó không quan trọng vì Phụng vụ Giáo hội, tiếp nối truyền thống Do Thái, không hề đọc tên Chúa, mà chỉ dùng Ky-ri-os (Hy lạp) hoặc Dominus (Latinh), nghĩa là “Chúa”. Vì thế chúng ta tránh dùng Giavê trong các bài hát (trừ khi những bài cũ đã lỡ soạn rồi, cần phải sửa lại), và khi soạn bài hát mới thì nên dùng “Chúa”. Như thế hợp với truyền thống phụng vụ hơn”.
Do đó, khi chọn một bài Thánh ca để hát mà không an tâm về một ca từ nào đó, ca trưởng hay giáo dân không được phép thay đổi hay sửa theo ý mình. Vì có sửa thì cũng phải được sự đồng thuận của Ban Thánh Nhạc hay UBTN. Khi hồ nghi có nên hát hay không thì cách khôn ngoan nhất là hỏi ý kiến những vị hữu trách.
Xin cảm ơn cha !
ĐÀM VĂN LỰC thực hiện
Nguồn tin: Báo Công Giáo & Dân Tộc