
Chìa khóa để trở thành một linh mục tốt bao gồm nhiều chiều kích khác nhau trong cuộc sống của ngài: tu đức, sự gần gũi với cộng đoàn, trung thành với giáo lý, lòng bác ái, sự hy sinh và truyền giáo.
Linh mục không chỉ là nhà lãnh đạo tôn giáo mà còn là người hướng dẫn tinh thần biết gắn kết với sứ mệnh của Giáo hội và với việc đào tạo toàn diện những tâm hồn được giao phó cho ngài chăm sóc. Trong truyền thống Công giáo, chúng ta có một số chìa khóa giúp xác định phẩm chất của một linh mục tốt, không chỉ dựa trên sự đào tạo về thần học mà còn dựa vào sự tận tụy phục vụ Chúa và tha nhân.
Dưới đây là những chìa khóa cơ bản mà mọi linh mục phải vun đắp để hoàn thành ơn gọi của mình cách hiệu quả.
1. Đời sống tâm linh sâu sắc
Linh mục phải là người cầu nguyện liên tục, sống trong sự hiệp thông mật thiết với Chúa. Đời sống tâm linh của ngài phải được nuôi dưỡng bằng Bí tích Thánh Thể, Lời Chúa và lời cầu nguyện cá nhân. Như Đức Giáo hoàng Phanxicô đã nói, linh mục là “người của Chúa” và mối quan hệ cá nhân của ngài với Chúa phải là trung tâm của cuộc sống. Một linh mục tốt luôn cố gắng duy trì đời sống nội tâm của mình, vì khi có đức tin vững chắc ngài mới có thể rao truyền đức tin ấy cho giáo dân của mình.
“Linh mục được kêu gọi trở thành người cầu nguyện, lắng nghe Thiên Chúa và dân Người, phục vụ liên tục và vô vị lợi” (Đức Giáo hoàng Phanxicô, Evangelii Gaudium, 2013).
2. Là mục tử gần gũi với dân chúng
Gần gũi với cộng đồng là một chìa khóa cơ bản khác. Một linh mục tốt không nên chỉ coi mình là người giảng thuyết trên bàn thờ, mà còn là một mục tử đồng hành với giáo dân của mình trong niềm vui và nỗi khổ của họ. Ngoài việc giảng dạy, chăm sóc mục vụ còn bao gồm đồng hành, lắng nghe và gần gũi với nhu cầu của mỗi người.
Linh mục phải là mẫu gương của lòng trắc ẩn và quảng đại, noi gương Đức Kitô, Đấng đã gần gũi với những người bị thiệt thòi, với bệnh nhân và tội nhân.
“Một mục tử gần gũi là trái tim của ơn gọi linh mục, đó là người rời khỏi vùng an toàn của mình, người tiếp cận dân chúng với lòng thương xót” (Giáo lý Giáo hội Công giáo, 2002).
3. Trung thành với giáo huấn của Giáo hội
Linh mục phải trung thành với giáo huấn của Giáo hội. Điều này không chỉ ngụ ý việc giảng dạy giáo lý một cách đúng đắn mà còn phải sống theo giáo lý đó. Chức linh mục không phải là con đường thích nghi với thời đại, mà là lời kêu gọi phải kiên định với những chân lý mà Đức Kitô đã mặc khải, những chân lý ấy luôn có giá trị.
“Linh mục phải là người phục vụ trung thành với chân lý đã được mặc khải cho chúng ta, chứ không phải những kiểu mẫu của thời đại” (Đức Giáo hoàng Benedict XVI, Sacramentum Caritatis, 2007).
4. Sự thánh hóa chính mình và người khác
Linh mục phải hiểu sứ mệnh của mình là sứ mệnh của người thánh hóa, người không chỉ cử hành các bí tích mà còn biết khích lệ người khác sống thánh thiện. Cuộc sống của linh mục phải là chứng nhân kiên vững về sự hiện diện của Chúa và là tấm gương về lòng bác ái và hy sinh.
Hơn nữa, sự thánh thiện cá nhân của linh mục là nền tảng để giúp người khác trong quá trình nên thánh của họ. Ân sủng của các bí tích mà linh mục cử hành phải biến đổi cuộc sống của chính mình và cuộc sống của những người lãnh nhận các bí tích.
“Linh mục được kêu gọi nên thánh để thừa tác vụ của mình có thể đơm hoa kết trái. Cuộc sống của linh mục phải phản ánh sự thánh thiện của Thiên Chúa” (Đức Giáo hoàng Gioan Phaolô II, Pastores Dabo Vobis, 1992).
5. Là người bác ái và phục vụ
Bác ái là một trong những nhân đức cốt yếu định hình người linh mục. Giáo hội dạy rằng linh mục phải là người đầu tiên biết yêu thương tha nhân, đặc biệt là những người túng thiếu nhất, vì ơn gọi của linh mục là phục vụ chứ không phải được phục vụ. Linh mục phải thể hiện tình yêu cụ thể đối với mọi người, giúp họ tìm thấy nơi Thiên Chúa câu trả lời cho những đau khổ và những nhu cầu của họ.
“Linh mục là người phục vụ, và cuộc sống của linh mục phải được đánh dấu bằng tình yêu thương được thể hiện bằng sự phục vụ quảng đại đối với người khác” (Đức Giáo hoàng Phanxicô, Evangelii Gaudium, 2013).
6. Có khả năng truyền giáo và đào tạo
Một linh mục tốt phải là người truyền giáo. Linh mục không chỉ rao giảng lời Chúa mà còn được kêu gọi không ngừng rèn luyện bản thân để truyền đạt chân lý của Phúc âm cách rõ ràng, dễ hiểu và có trải nghiệm cá nhân. Việc đào tạo liên tục về thần học, tu đức và văn hóa là điều cần thiết để hướng dẫn cộng đồng trên hành trình đức tin.
“Linh mục phải là người đào tạo tâm hồn và là ngọn đèn dẫn đường đến với Đức Kitô” (Giáo lý Công giáo, số 157).
7. Ý thức về sự hy sinh và từ bỏ
Hy sinh là một khía cạnh thiết yếu trong cuộc sống của một linh mục. Ơn gọi linh mục đòi hỏi phải từ bỏ nhiều khía cạnh trong cuộc sống cá nhân để toàn tâm toàn ý cho sứ mạng của Giáo hội. Sự từ bỏ này không nên bị xem là gánh nặng, mà là một sự đáp trả trọn vẹn cho tình yêu Thiên Chúa.
“Chức linh mục là một món quà, một sự phục vụ đòi hỏi phải từ bỏ. Nhưng sự từ bỏ này không phải là nỗi buồn, mà là niềm vui trao tặng cho Đức Kitô” (Đức Giáo hoàng Gioan Phaolô II, Christifideles Laici, 1988).
Chìa khóa để trở thành một linh mục tốt bao gồm nhiều chiều kích khác nhau trong cuộc sống của ngài: tu đức, sự gần gũi với cộng đoàn, trung thành với giáo lý, lòng bác ái, sự hy sinh và truyền giáo. Một linh mục sống các nhân đức này sẽ không chỉ là một mục tử tốt, mà còn là sự phản ánh chân thực về Đức Kitô trong thế giới hôm nay. Ơn gọi của ngài phải tập trung vào Chúa và hướng đến việc phục vụ người khác, và luôn là hình mẫu của sự thánh thiện và tình yêu.
Tuân theo những nguyên tắc này, các linh mục có thể đóng góp rất nhiều vào sự phát triển tâm linh của Giáo hội và về phúc lợi của xã hội, bởi các ngài luôn được hướng dẫn bởi tấm gương của Đức Kitô, Vị Linh Mục vĩ đại.
Tác giả: Javier Ferrer García
Lm. Giuse Nguyễn Xuân Phúc
chuyển ngữ từ https://www.exaudi.org (02/04/2025)
Để lại một phản hồi