Những cách cho trong cuộc sống

CHÚA NHẬT XXXII THƯỜNG NIÊN B

Mẹ Têrêxa thuật lại câu chuyện như sau: “Một hôm, có một cặp vợ chồng trẻ đến thăm tu viện và trao tặng cho chúng tôi một khoản tiền lớn, bảo là để đóng góp vào việc chi phí mua thức ăn cho những người nghèo”.

 

Ở Calcutta, mọi người đều biết là: Mỗi ngày, tất cả các cơ sở của dòng Nữ Tử Bác Ái Truyền Giáo chúng tôi phải cung cấp thực phẩm cho khoảng 9 ngàn người. Bởi lẽ đó, không lạ gì hai bạn trẻ này muốn dùng khoản tiền họ trao tặng vào mục tiêu trên.

Sau khi giải thích, Mẹ Têrêxa kể tiếp: Thấy họ còn quá trẻ, tôi tò mò hỏi: “Hai con có thể cho Mẹ biết tiền đâu mà hai con có nhiều thế?” . Họ trả lời: “Chúng con vừa cưới nhau hai ngày. Trước ngày cưới, chúng con đã suy nghĩ nhiều và quyết định không may quần áo cưới, cũng không tổ chức yến tiệc linh đình. Thay vào đó, chúng con muốn dùng khoản tiền chi phí đám cưới đó để trao tặng cho những người không được may mắn như chúng con” .

Mẹ Têrêxa cắt nghĩa: “Ở Ấn Ðộ, đối với một người Hindu thuộc giai cấp thượng lưu khá giả, đám cưới mà không có quần áo cưới và tiệc cưới là điều nhục nhã. Vì thế chắc chắn mọi người, nhất là những kẻ có họ hàng với cặp vợ chồng trẻ đó đã rất lấy làm lạ và cho quyết định của họ là một việc tủi hổ cho cả hai gia đình đàng trai cũng như đàng gái” .

Ðể biết rõ thêm, Mẹ Têrêxa hỏi: “Tại sao chúng con lại quyết định táo bạo như thế, làm phật lòng cha mẹ, họ hàng?” . Hai bạn trẻ đó trả lời: “Chúng con yêu nhau tha thiết, vì thế chúng con muốn tặng nhau một quà cưới đặc biệt. Chúng con muốn khởi đầu cuộc chung sống của chúng con bằng một hy sinh mà cả hai đều đóng góp vào”. (Câu chuyện được sưu tầm từ Internet)

Tấm lòng hy sinh quảng đại của đôi vợ chồng trẻ trong câu chuyện trên đây cũng tương tự tấm lòng của hai bà goá mà lời Chúa hôm nay tường thuật lại.

 

Bài đọc I, sách Các vua kể lại câu chuyện ông Êlia đến xin bánh của một bà goá Sarephta. Hoàn cảnh của bà thật đáng thương. Bà chỉ còn một nắm bột trong hũ với một ít dầu trong bình. Theo lời bà nói : « Bà đang đi lượm mấy que củi để về nấu cho bà và con bà ăn, rồi chết »(x. 1V 17,12). Vậy mà, ông Êlia lại đến xin bà. Bà đắn đo nhưng không từ chối. Lý do bà đắn đo là vì bà muốn ông Êlia biết được hoàn cảnh của mình. Sau khi lắng nghe bà trình bày, ông Êlia đưa ra đề nghị : “Bà đừng lo, cứ đi và làm như bà đã nói. Nhưng, với chút bột ấy trước hết hãy làm cho tôi một cái bánh nhỏ, đem ra đây cho tôi, sau đó hãy làm cho bà và con trai bà. Vì Chúa là Thiên Chúa Israel truyền rằng: ‘Hũ bột sẽ không cạn và bình dầu sẽ không vơi đi cho đến ngày Chúa cho mưa xuống trên mặt đất”. Sau khi ông Êlia giải thích, bà đã mạnh dạn nhường phần ăn duy nhất của bà và con bà. Đây là một cử chỉ anh hùng. Tuy bà nghèo của cải vật chất nhưng lại có tấm lòng quảng đại. Bà đã cho ông Êlia không phải cái dư thừa nhưng là cái bà đang cần, là sự sống của mẹ con bà. Sở dĩ bà làm được như vậy là vì bà biết phó thác tin tưởng vào lời Chúa : « Hũ bột sẽ không cạn và bình dầu sẽ không vơi đi cho đến ngày Chúa cho mưa xuống trên mặt đất ».

 

Bài Tin mừng thuật lại việc người ta dâng cúng tiền của vào đền thờ. Đang khi họ dâng cúng, Chúa Giêsu đứng quan sát. Ngài thấy những người giàu có bỏ nhiều tiền. Đồng thời, Ngài thấy người đàn bà goá nghèo bỏ hai đồng tiền (1/4 xu). Ngài đưa ra nhận xét : “Thầy nói thật với các con: Trong những người đã bỏ tiền vào hòm, bà goá nghèo này đã bỏ nhiều hơn hết“(Mc 12,43).  Lời nhận xét của Chúa Giêsu có vẻ nghịch lý. Nếu tính theo số lượng, hai đồng tiền của bà goá quá ít so với những người giàu có bỏ nhiều tiền. Thế thì tại sao Chúa lại bảo người đàn bà bỏ vào hòm tiền nhiều nhất ? Câu trả lời đã được Chúa Giêsu giải thích ở câu kế tiếp: « Vì tất cả những người kia bỏ của mình dư thừa, còn bà này đang túng thiếu, đã bỏ tất cả những gì mình có để nuôi sống mình »(Mc 12,41). Thế mới biết, Chúa Giêsu đánh giá việc làm của người khác ở tấm lòng, ở cách cho chứ không phải ở số lượng, ở của cho. Đúng như lời Người nói : “Ta muốn lòng nhân, chứ đâu cần lễ tế”(Mt 9, 13; 12, 7).

Trong cuộc sống, chúng ta nhận thấy có nhiều cách cho :

Có người cho vì sợ quấy rầy, vì ép buộc: Chúa Giêsu đã nói rõ điều này qua câu chuyện người xin bánh ban đêm. Chúa nói : « Thầy bảo các con, dù người đó không dậy vì tình bạn để lấy bánh cho người bạn, người đó cũng sẽ dậy, ít nữa là vì sự quấy rầy của người kia mà cho anh ta tất cả những gì anh ta cần »(x. 11,5-8).

 

Có người cho vì muốn nổi tiếng hoặc để khoe khoang : Dâng cúng vào nhà thờ, đóng góp vào việc chung với ý muốn được nêu danh trong nhà thờ hay được khắc tên vào bia kỷ niệm. Làm việc bác ái là để phô trương cho người ta biết.

 

   Có người cho theo kiểu « Thả con tép bắt con tôm » hay “Hòn đã ném đi, hòn chì ném lại”.

Có người cho chỉ vì bổn phận : Cha mẹ cho con cái những cái tối thiểu để con cái vào đời : học hành, nghề nghiệp, gia đình…đó là cha mẹ đang làm việc bổn phận. Con cái giúp đỡ cha mẹ khi còn sống cũng như khi đã qua đời bằng tinh thần và vật chất những cái tối thiểu, đó là con cái đang thể hiện lòng hiếu thảo, thể hiện bổn phận đối với cha mẹ. Người giàu bố thí cho người nghèo. Người thầy giáo dạy chữ nghĩa cho học sinh…Đó là cách cho vì bổn phận, mà bổn phận thì ai cũng phải chu toàn. Sách Giáo lý HTCG số 2446 dạy: « Không cho những người nghèo dự phần vào của cải cải của ta, đó là ăn trộm của họ và cướp lấy mạng sống của họ. Của cải ta giữ đó không phải là của chúng ta, nhưng là của họ”. Nói là vậy, nhưng thực tế cho chúng ta thấy: Có nhiều bậc cha mẹ giàu có nhưng để cho con cái sống trong cảnh nghèo nàn. Ngược lại, con cái giàu có, sung túc, nhưng bỏ bê cha mẹ thiếu thốn, nghèo khó. Có nhiều người giàu có nhưng lại ích kỷ không bao giờ làm việc bác ái, không dám cho đi.

Có người cho vì tình thương, vì lòng mến thực sự: Đôi bạn trẻ và bà goá Sarephta đã cho vì tình thường. Bà goá trong bài Tin mừng đã cho vì lòng mến. Họ đã cho đi tất cả, cho đi chính cái mình đang cần, cho vì tình thương và lòng yêu mến. Đó cũng là cách cho của Chúa Giêsu vị thượng tế tối cao (x. Dt 9, 24-28). Cả cuộc đời của Ngài đều cho đi: Cho đi thời gian, sức lực, lời giáo huấn, tình thương yêu. Đỉnh cao của sự cho đi là cái chết trên thập giá: “Không có tình yêu nào cao quý cho bằng tình yêu của người hy sinh tính mạng vì bạn hữu của mình”(Ga 15,13). Theo gương Chúa Giêsu, biết bao vị thánh đã cũng cho đi vì tình thương, vì lòng mến. Chẳng hạn, các thánh Tử đạo “Đã can đảm tuyên xưng đức tin, đến hy sinh mạng sống mình vì lòng yêu mến Chúa”. Thánh Maximilianô Kolbe đã tự nguyện nộp mình chịu chết thay cho người bạn tù. Mẹ Têrêxa Cacutha đã cho đi cả cuộc đời mình vì người nghèo.

 

Còn chúng ta thì sao? Rất có thể chúng ta đã từng cho, nhưng cách cho của chúng ta như thế nào? Cho nhiều nhưng luôn cho cái dư thừa? Cho vì khỏi bị quấy rầy? Cho để khoe khoang? Cho vì bổn phận ? Cho vì tình thương và lòng mến?

Hãy nhớ rằng: “Của cho không bằng cách cho” hay “Của ít lòng nhiều”. Vì thế, hãy cho vì tình thương, vì lòng mến Chúa yêu người. Hãy quảng đại cho đi, vì “Những điều duy nhất ta còn giữ lại được là những gì ta đã cho đi” (Lm. Mark Link). Tôi còn nhớ lời khuyên ngắn gọn nhưng đầy súc tích và ý nghĩa của Cha Bề Trên khi tôi còn học ở Đại chủng viện rằng: “Cụ tụ thì dân tán, cụ tán thì dân tụ”. Ý của Ngài muốn dạy cho các chủng sinh là những linh mục tương lai bài học về lòng quảng đại với giáo dân. Với mười lăm năm làm cha xứ, tôi nhận thấy lời khuyên đó thật chính xác. Không chỉ chính xác đối với cha xứ mà còn chính xác trong mọi lãnh vực: Tôn giáo, xã hội, gia đình, cộng đoàn, đặc biệt cho những người đang có trách nhiệm lãnh đạo. Đúng như lời dạy của Kinh Hoà Bình:

 “Vì chính khi hiến thân là khi được nhận lãnh,

Chính lúc quên mình là lúc gặp lại bản thân,

Vì chính khi thứ tha là khi được tha thứ,

Chính lúc chết đi là khi vui sống muôn đời”.

 

Lạy Chúa Giêsu lòng con mến yêu, xin ban cho mỗi chúng con có tấm lòng

rộng mở, biết cho đi một cách quảng đại những gì chúng con đang có. Cho đi không phải vì miễn cưỡng. Cho đi không chỉ vì bổn phận nhưng cho đi vì tình thương và lòng mến. Amen

 

Lm. Anthony Trung Thành