Nhìn lại Sài Gòn những ngày đau, và thương

Nguyễn Ngọc Lan Chi

“Thương quá Sài Gòn ơi” đã gởi về thành phố phương Nam trọn vẹn tấm lòng của cộng đoàn Dân Chúa ở khắp nơi.

Đầu tháng 7.2021, khi TPHCM bắt đầu áp dụng chỉ thị 16, giãn cách nghiêm ngặt vì tình hình nguy cấp của dịch bệnh, Đức Tổng Giám mục Giuse Nguyễn Chí Linh, Chủ tịch Hội đồng Giám mục Việt Nam đã viết thư gởi đồng bào Công giáo. Trước tình cảnh “thành phố đầu tàu kinh tế đang lâm nguy”, ngài nhắn nhủ: “Anh chị em hãy nhớ lại: Chính người dân Sài Gòn hôm nay đang khốn khó, đã từng vội vã lên đường mỗi khi nghe tin đồng bào mình đây đó lâm cơn hoạn nạn… Các tỉnh miền Trung, qua trận bão lũ năm 2020, vẫn còn ghi lại dấu chân người Sài Gòn khắp hang cùng ngõ hẻm. Trái tim Việt Nam lúc nào cũng thì thào: Một miếng khi đói bằng một gói khi no; nhiễu điều phủ lấy giá gương, người trong một nước hãy thương nhau cùng. Lá lành đùm lá rách, lá rách ít đùm lá rách nhiều.”. Trong tâm tình đó, Đức Tổng Giám mục Giuse Nguyễn Chí Linh kêu gọi đồng bào trong nước và bà con hải ngoại, mọi thành phần Dân Chúa, các giáo phận, dòng tu, giáo xứ, tổ chức từ thiện, Bác ái – Caritas, đoàn thể, ngành giới, nhóm thân hữu… “hãy coi đây là cơ hội thực thi bác ái theo Lời Chúa dạy”“Hãy khẩn cấp ra tay”. Lời kêu gọi của ngài đã được lập tức hồi đáp, bằng nhiều cách thức, với mọi phương tiện.

Bao gạo cột nơ, và “lạc” thành “đậu phộng”

Sá bấu, hành tím, đu đủ, “đặc sản Hương Lài”, rau củ Đà Lạt, cá khô, bầu, bí, chuối, tép khô, nước mắm, măng muối, nhút Thanh Chương – tương Nam Dan… Các chuyến xe cứu trợ từ khắp các miền gấp rút đổ về Sài Gòn trong những tháng ngày ấy. Mỗi chuyến xe là những ngày đội nắng, đội mưa thu hoạch nông sản, phơi cá, lựa tôm để mau mau gởi về miền Nam; là những đêm thức trắng chuyển hàng của người trao và người nhận; là những bữa ăn vội bên vệ đường khi các tiệm ăn dọc quốc lộ đều đóng cửa vì dịch bệnh; là những tính toán tỉ mỉ để giữ an toàn phòng dịch ở mức tối đa cho những anh chị em đến từ phương xa. Ai có gì góp đó, sản vật địa phương, hoa trái nhà trồng, sức vóc của tuổi trẻ, kinh nghiệm về phân phối, quản lý. Ai cũng thương, cũng quý Sài Gòn.

Cha Ngô Sĩ Đình, Giám đốc Caritas Việt Nam kể trong một bài viết được đăng trên website của Hội đồng Giám mục Việt Nam: “Trong số các món quà của Vinh, có một bao gạo mang theo lời thăm hỏi người anh em Sài Gòn chưa quen biết: ‘Gạo Gx Bàn Thạch, GP Vinh. Chào anh em!’. Còn những món quà khác cũng rất dễ thương, chẳng hạn một bao gạo không lớn lắm, nhưng người tặng quà đã chăm chút bằng chiếc nơ đơn sơ. Sự trân trọng còn được thể hiện qua cách thông tin về món hàng, có khi cần phải có… hai tên. Trên một bao hàng, chúng tôi đọc được ghi chú ‘Đậu phộng (lạc)’, hẳn chủ nhân món hàng biết rằng món quà này sẽ đến với người Sài Gòn, do đó, cách gọi của người miền Nam được đặt trước, sau đó mới đến cách gọi mà họ quen dùng”. Những tấm lòng gởi về Sài Gòn không chỉ quảng đại, mà còn rất ý nhị và tinh tế.

Nhờ những tấm lòng đó, cả hiện kim lẫn hiện vật, chương trình “Thương quá Sài Gòn ơi” đã có thể cụ thể hóa thành những hoạt động cứu trợ thiết thực.

Từ khẩu trang đến tiền thuê nhà

Văn phòng Hội đồng Giám mục Việt Nam, Tòa Tổng Giám mục và Caritas các cấp đã phối hợp chặt chẽ để có thể trợ giúp nhiều nhất, đúng nhu cầu nhất, cho những anh chị em lâm cảnh khốn khó trong dịch bệnh. Trước thực tế Covid-19 hoành hành nghiêm trọng ở Sài Gòn vào các tháng 7, 8, 9.2021, thì các vật tư, trang thiết bị y tế là rất cần thiết. “Thương quá Sài Gòn ơi” đã tặng tuyến đầu 2 máy tạo oxy; 4 thiết bị đo độ bão hòa oxy SpO2; 1.800 khẩu trang N95, 100 bộ đồ phòng dịch và 7.000 bộ xét nghiệm nhanh Covid-19 dành cho các nhóm tu sĩ phục vụ tuyến đầu, các cộng đoàn dòng tu có nhu cầu xét nghiệm, các đại chủng sinh và anh chị em phục vụ thiện nguyện trong chương trình cứu trợ. Ngoài ra, chương trình đã tiếp nhận thủ tục nhập khẩu 200.000 khẩu trang FFP2 trị giá 88.500 euro (gần 2,3 tỷ đồng) để trao tặng một số bệnh viện và anh chị em ở tuyến đầu.

Dịch bệnh không chỉ đe dọa đến sức khỏe, mà còn ảnh hưởng nặng nề đến sinh kế của nhiều bà con. Do đó, “Thương quá Sài Gòn ơi”, thông qua Caritas Tổng Giáo phận, đã thực hiện nhiều gói hỗ trợ hiện kim: Gói 10 ngày lương thực (750.000 đồng/người), giúp 24.439 người thuộc 178 giáo xứ và cộng đồng; Gói tiền thuê nhà (tối đa 1.500.000 đồng/nhà): 4.847 nhà; Gói trợ giúp các Bếp từ thiện xã hội (21.000.000 đồng/bếp): 31 Bếp; Gói trợ giúp các Mái ấm (21.000.000 đồng/mái ấm): 13 Mái ấm; Gói thuốc điều trị của người cao tuổi (theo toa): 69 người.

Với nhiều hộ nghèo, với những gia đình mà hầu hết các thành viên đều mất việc hoặc tạm phải ngưng việc, không có thu nhập, lại ở những khu trọ heo hút, khó tiếp cận thì việc lo đủ bữa ăn hoặc có được các nhu yếu phẩm cũng rất chật vật trong giai đoạn Sài Gòn giãn cách nghiêm ngặt để phòng dịch. Trước thực tế này, các giáo xứ và nhiều cộng đoàn dòng tu đã âm thầm nấu ăn, cung cấp lương thực và hỗ trợ tài chánh cho những hoàn cảnh khó khăn. Số lượng quá nhiều, đến mức khó có thể thống kê. Riêng chương trình “Thương quá Sài Gòn ơi” đã phân phối từ Văn phòng Hội đồng Giám mục Việt Nam và Caritas Tổng Giáo phận 5.133 thùng sữa (loại 48 hộp 110ml/thùng), 35.600 phần thực phẩm (cá, thịt), 14.062 thùng mì và cháo gói, 3.050 lít nước mắm và nước tương, 1 tấn đường, 1 tấn muối ăn, 3.000 lít dầu thực vật, 3 tấn cá khô, 700 kg tôm, hơn 110 tấn thịt (heo, gà, vịt), hơn 290 tấn gạo và hơn 1.032 tấn rau, củ, quả…

Đồng hành với chương trình, Giới Doanh nhân Công giáo cũng đóng góp 1.275 tấn gạo chia làm 25.500 phần quà giúp các gia đình khó khăn và chia sẻ với 1.704 gia đình có người qua đời vì Covid-19, mỗi nhà 3 triệu đồng. Bên cạnh đó, “Thương quá Sài Gòn ơi” cũng tặng 8 tỷ đồng thực hiện Siêu thị 0 đồng, mang những lựa chọn thiết yếu đến 20.000 gia đình khó khăn tại thành phố. Mùa Trung thu 2021, chương trình đã gởi 10.000 bánh trung thu và 10.000 lồng đèn tặng các em mắc Covid-19 và các em mồ côi.

Xông pha ở tuyến đầu

Khi Sài Gòn đang đau bệnh, thì tu sĩ của các dòng tu đã tất bật đêm ngày, mong cho thành phố sớm “khỏe” lại. Các nhóm tu sĩ tình nguyện đã tạm xếp lại tu phục để khoác lên mình chiếc áo bảo hộ kín bưng, trông không khác gì các phi hành gia, giữa tiết trời mùa hè của Sài Gòn. Ngộp không? Nhiều tu sĩ những ngày đầu phục vụ bệnh viện dã chiến chưa quen với đồ bảo hộ đã ngất xỉu trong lúc làm việc. Nóng không? Mồ hôi của họ trong những ngày ấy có lẽ không tính bằng giọt, mà phải bằng vũng, mỗi bước đi hay mỗi cử động lại nghe tiếng lép nhép vì nước đọng trong đồ bảo hộ. Ngại siêu vi Corona không? Nhìn sự trang bị “hầm hố” khi cần tiếp xúc với các ca nhiễm SARS-CoV-2, có lẽ bệnh viện dã chiến điều trị Covid-19 là nơi mà bất cứ ai cũng phải e dè. Thế nhưng, bệnh nhân cần người chăm sóc, các bác sĩ, nhân viên y tế cần tiếp sức, thì không chút ngần ngại, các tu sĩ vác ba lô xông pha vào thẳng những nơi “nóng” nhất.

Nhóm này về, nhóm khác tiếp bước, chia nhau phục vụ tại nhiều bệnh viện điều trị Covid-19 của thành phố. Có những tu sĩ dự kiến ban đầu là tham gia tình nguyện trong một tháng, nhưng chứng kiến các bác sĩ, nhân viên y tế làm việc quên mình, chứng kiến bệnh nhân khổ sở trong từng hơi thở để giữ lại sự sống, họ đã xin bề trên được ở lại để phục vụ thêm. Có những tu sĩ lỡ hẹn ở những kỳ tình nguyện đầu tiên, mong chờ từng ngày để được đến với bệnh nhân Covid-19, để được sống tinh thần cúi xuống phục vụ anh chị em, như Thầy Giêsu. Và tất cả tu sĩ, sau những ngày tháng hết mình ở bệnh viện dã chiến, đến lúc chia tay, trong tâm trí của họ không phải là sự nóng bức, ngột ngạt của bộ đồ bảo hộ, hay mối lo bị lây nhiễm, mà là những giây phút yêu thương chăm sóc từng miếng ăn, giấc ngủ cho bệnh nhân, là những cụ ông, cụ bà, cô dì, chú bác, anh chị em từ người lạ bỗng thành thân thương như người nhà, là tinh thần đồng đội với các bác sĩ, điều dưỡng, hộ lý…

Trong giai đoạn từ ngày 22.7 đến 30.10.2021, tổng cộng có 526 thiện nguyện viên (trong đó có 21 linh mục và 505 tu sĩ) phục vụ tại 8 bệnh viện điều trị Covid-19. Sau đó, dù tình hình tại Sài Gòn đã ổn định hơn, nhưng khi tuyến đầu cần trợ giúp, từ ngày 1.11.2021 cho đến giữa tháng 1.2022, 131 tình nguyện viên – gồm 2 linh mục và 129 tu sĩ – lại tiếp tục đến với 5 bệnh viện.

Tận lực ở hậu phương

Các tu sĩ không nề hà bất kỳ việc gì, từ dấn thân phục vụ bệnh nhân Covid-19 tại các bệnh viện dã chiến đến phụ trách tiếp nhận, phân loại rau củ, thực phẩm do các giáo phận gởi về, rồi hì hụi với các bếp ăn thiện nguyện. Ở những dòng phụ trách nhận hàng cứu trợ, các nữ tu không ngại lái xe bán tải, xe ba gác to dềnh dàng để chuyển hàng đến các khu trọ, rồi giữa đêm khuya xe tải về thì xắn tay áo mang vác các bao rau củ có khi còn to hơn thân mình để dỡ hàng. Tại nhiều dòng khác thì khói bếp không ngừng bốc lên nghi ngút, mỗi người một tay, lặt rau, vo gạo, chiên xào, nấu nướng, vào hộp…, để có những phần ăn ngon lành nhất. Từ ngày 3.8.2021, trong khuôn khổ chương trình “Thương quá Sài Gòn ơi”, hệ thống 11 Bếp Tu sĩ của Tổng Giáo phận đã nấu mỗi ngày trung bình 3.000 suất ăn phục vụ tuyến đầu và các khu vực phong tỏa y tế, các bệnh viện tại Quận 3, Quận 7, Quận Gò Vấp và Thành phố Thủ Đức. Tính đến nay, đã thực hiện tổng cộng 190.114 suất ăn. Bên cạnh đó, Bếp Văn phòng Hội đồng Giám mục mỗi ngày đảm nhận khoảng 250 suất ăn cho tuyến đầu và người dân khu vực cách ly y tế từ ngày 8.6 đến ngày 31.10.2021.

Phóng viên Ngọc Lan ghi nhận trong bài viết trên Báo Công giáo và Dân tộc hồi cuối tháng 10.2021 về việc cung ứng nguyên liệu, thực phẩm cho Bếp Tu sĩ: “Thực đơn được cân đối dinh dưỡng một cách khoa học, bao gồm các món ăn phổ biến thường ngày của người Việt Nam, hài hòa khẩu vị giữa ba miền. Ngoài ra, hai loại hộp đen và trắng dùng để đựng các phần ăn sau khi chế biến không phải là loại hộp xốp thông dụng ngoài thị trường, mà là loại có đăng ký hợp quy để sử dụng cho thực phẩm, bảo đảm an toàn cho người sử dụng. Cứ 3 ngày một lần, mỗi bếp cơm sẽ được cung cấp khoảng 500 kg nguyên liệu, thực phẩm”.

Chưa kể, vì không thể làm bài toán nhân cho đủ, hầu hết các giáo xứ tại Sài Gòn và đa số các cộng đoàn dòng tu đã liên tục có những nỗ lực và sáng kiến phục vụ như “ATM lương thực” của giáo xứ Tân Sa Châu thuộc giáo hạt Chí Hòa hoặc như “quán ăn” cung cấp trên 2000 phần ăn/ ngày của giáo xứ Martinô ở giáo hạt Gia Định. Nhiều nhóm giới trẻ cũng có sáng kiến kêu gọi anh chị em cùng giới và các “đầu mối” hàng cứu trợ khắp nơi để thu gom nhu yếu phẩm, thực phẩm, khẩu trang, đồ bảo hộ… mang đi phân phát và chia sẻ với những xóm nghèo hoặc các gia đình khó khăn chưa được giúp đỡ.

Những phòng học “lạ” tại Đại Chủng viện

Tháng 9 là tháng của tựu trường, của sách vở. Tháng 9 những năm trước, Đại Chủng viện Thánh Giuse Sài Gòn đã mang đậm sắc màu của học thuật, nhưng tháng 9 vừa qua, vì Sài Gòn vẫn còn giãn cách, các chủng sinh chưa học trực tiếp trở lại nên các phòng học đã được dùng làm nơi chứa… lương thực, thực phẩm. Đây là những phần quà mà “Thương quá Việt Nam” phối hợp cùng Ban Caritas tặng những gia đình khó khăn của 203 giáo xứ và 15 giáo điểm trong Tổng Giáo phận. Chương trình đã tặng 26.160 phần quà (350.000đ/ phần), tổng giá trị 9.156.000.000đ.

Sau 3 tháng chịu quá nhiều thương tổn vì đại dịch, Sài Gòn từng bước hồi phục, nhưng vẫn còn đó nhiều cảnh đời bấp bênh. Vì vậy, “Thương quá Sài Gòn ơi” tiếp tục cùng với Ban Caritas thực hiện nhiều chương trình hỗ trợ. Tháng 10.2021, Chương trình cứu trợ Di dân Tháng Mân Côi đã tặng 38.500 phần quà cho những gia đình khốn khó, khu chế xuất, khu công nghiệp và bệnh viện trong Tổng Giáo phận, với tổng chi phí là 4.169.000.000đ. Tháng 11.2021, 7.002 hộ tại 14 Giáo hạt trong Tổng Giáo phận đã được “tiếp sức” mỗi hộ 1 triệu đồng, tổng cộng 7.002.000.000đ. Ngoài ra, 600 phần quà (105.000đ/phần) đã được gởi đến các gia đình có hoàn cảnh khó khăn tại Phường Võ Thị Sáu, Quận 3. Tháng 12.2021, Ban Caritas đã gởi tặng các gia đình khó khăn tại huyện Cần Giờ 200 phần quà, tổng giá trị là 58.260.000đ; và tổ chức chương trình Giáng Sinh 2021 tại các bệnh viện, thăm hỏi, tặng quà cho 800 bệnh nhân mắc Covid-19, tổng chi phí là 148.744.000đ. Tháng đầu năm 2022, Chương trình Xuân Yêu Thương tặng quà và tiền lì xì mừng năm mới đến 22.060 hộ dân có hoàn cảnh khó khăn tại 14 giáo hạt trong Tổng Giáo phận, tổng chi phí là 22.060.000.000đ.

“Thương quá Sài Gòn ơi” đã, đang và sẽ tiếp tục là nhịp cầu nối của tinh thần bác ái, từ muôn nơi với Sài Gòn, và giữa người Sài Gòn với nhau.

Trích Bản tin Hiệp Thông / HĐGMVN, Số 128 (Tháng 3 & 4 năm 2022)