Nhân dịp năm 2017 sắp sửa qua đi, nhiều nhà báo chuyên theo dõi các hoạt động của Đức Phanxicô có thói quen nhìn lại các hoạt động của ngài trong năm qua. Inés San Martin của tạp chí Crux có tới 3 bài xoay quanh ba chủ đề lớn sau đây liên quan tới Đức Phanxicô trong năm 2017: Đi dây trong các chuyến tông du, cải tổ Giáo Hội cả ở Rôma lẫn ở ngoài Rôma và theo đuổi hòa bình thế giới.
Bài đầu tiên bà viết về các chuyến tông du của Đức Phanxicô. Nói chung, năm nay, ngài cắt bớt con số các chuyến tông du, có thể vì việc chuẩn bị cho chúng không dễ dàng. Năm ngoái, ngài thực hiện 6 chuyến đi: Cuba và Mễ Tây Cơ, Hy Lạp, Armenia, Ba Lan, Georgia và Azerbaijan và Thụy Điển. Năm nay, 2017, ngài chỉ rời Rôma 4 lần để đi Ai Cập, Bồ Đào Nha, Colombia, và Myanmar và Bangladesh.
Trong 4 trường hợp trên, hết 3 lần Đức Phanxicô phải đắn đo lời nói và việc làm một cách rất cẩn thận, vì biết rằng nói nhiều quá, hay ít quá, có thể khơi bạo động chống lại các Kitô hữu ở các nước đa số theo Hồi Giáo, như Ai Cập chẳng hạn; có thể đánh đổ một hòa ước yếu ớt nhằm kết thúc một cuộc nội chiến kéo dài cả mấy thập niên nay, như ở Colombia; hoặc gây nguy hại cho thiểu số Hồi Giáo vốn đang bị bách hại, như ở Miến Điện.
Ai Cập
Cuộc tông du Ai Cập diễn ra vào cuối tuần sau cùng của Tháng Tư, và được công bố lần đầu vào Tháng Ba. Giữa khoảng thời gian ấy, khi Đức Phanxicô đang cử hành Lễ Lá ở Quảng Trường Nhà Thờ Thánh Phêrô, thì các tên khủng bố đã lại một lần nữa phủ bóng tối lên Tuần Thánh, lần này bằng vụ nổ bom tại 2 Nhà Thờ Kitô Giáo Coptic tại Ai Cập khiến 45 người thiệt mạng và hơn 1 trăm người bị thương.
Dù Đức Phanxicô chỉ ở Ai Cập hơn 24 tiếng đồng hồ một chút, cuộc tông du tới quốc gia Hồi Giáo hàng thứ sáu của thế giới, và hàng thứ nhất tại Trung Đông, là một cuộc chơi xúc xắc, và ở thời điểm ấy được mô tả là một trong các cuộc tông duy nhiều rủi ro hơn cả trong triều giáo hoàng của ngài.
Thế nhưng, Đức Phanxicô rõ ràng đã ra khỏi nó một cách ngẩng cao đầu. Vào ngày đầu tiên, ngài đã đọc một bài diễn văn theo khuôn khổ bài diễn văn thời danh của Đức Bênêđictô XVI tại Regensburg, kêu gọi các nhà lãnh đạo tôn giáo, mà, trong bối cảnh Ai Cập, rõ ràng ám chỉ các nhà lãnh đạo Hồi Giáo, trước nhất và trên hết, bác bỏ bạo lực nhân danh Thiên Chúa.
Ngài nói: “một lần nữa, chúng ta hãy mạnh mẽ và rõ ràng nói lên chữ ‘không’ đối với mọi hình thức bạo lực, trả thù và thù hận nhân danh tôn giáo hay nhân danh Thiên Chúa. Cùng nhau, chúng ta hãy khẳng định sự bất khả tương hợp giữa bạo lực và đức tin, giữa niềm tin và thù hận”.
Tại một quốc gia Trung Đông có số dân Kitô Giáo đông nhất, Đức Giáo Hoàng Phanxicô cũng đã đưa ra lời khích lệ đối với các Kitô hữu bị bách hại của Ai Cập; họ chiếm từ 10 tới 20 phần trăm dân số quốc gia.
Fatima
Chuyến tông du Fatima, Bồ Đào Nha, chuyến đi duy nhất, mà đến cuối năm 2016, đã có ngày giờ nhất định, là một cuộc nhàn du so với chuyến đi Ai Cập. Diễn ra chỉ sau chuyến đi sau 2 tuần, tức các ngày 12-13 tháng Năm, Đức Phanxicô tránh mọi yếu tố chính trị bằng cách đi thẳng tới Fatima, để tôn kính Đức Nữ Trinh Maria.
Thế nhưng bất kể sắc thái thiêng liêng của chuyến đi, yếu tố chính trị vẫn không thể tránh được.
Các lần Đức Mẹ Mân Côi hiện ra bên ngoài làng với 3 trẻ chăn chiên thất học vào năm 1917 mãi mãi vẫn là những lần hiện ra tuy được nhiều người yêu mến nhất nhưng cũng gây tranh luận nhiều hơn cả trong các lần Đức Mẹ hiện ra và được Giáo Hội công nhận. Trong 6 lần hiện ra, Đức Mẹ đã trao cho các em 3 “bí mật” hay sứ điệp liên quan tới Hỏa Ngục, hai cuộc thế chiến, và mưu toan ám sát Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II năm 1981, một cuộc mưu sát diễn ra đúng vào ngày lễ Đức Mẹ Fatima.
Chưa bao giờ phải đắn đo lời nói khi thách thức đoàn chiên của mình, trong bài giảng lễ phong thánh cho hai trẻ thị kiến Phanxicô và Giaxinta, Đức Phanxicô cảnh cáo hàng trăm ngàn tín hữu tụ tập tại quảng trường Nhà Thờ Thánh Phêrô rằng “Đức Mẹ tiên báo và cảnh cáo chúng ta rằng lối sống không có Thiên Chúa và quả thực xúc phạm tới Thiên Chúa nơi các tạo vật của Người… Một đời sống như thế, thường được đề xuất và áp đặt, có nguy cơ dẫn đến hỏa ngục”.
Colombia
Chuyến tông du của Đức Phanxicô tới Colombia là một chuyến tông du được ngài nói đến gần như từ khi khởi đầu triều giáo hoàng của ngài. Duy trì lời hứa từng được lặp đi lặp lại một số lần khi hoà ước giữa chính phủ của Ông Juan Manuel Santos và phe kháng chiến lớn nhất có tên là FARC mới được ký và chưa ráo mực, chính Đức Phanxicô xác nhận nó sẽ diễn ra.
Gần đến ngày ngài lên đường, một số nhà bình luận sợ rằng chuyến đi Colombia trong các ngày 6-11 tháng Chín của Đức Phanxicô sẽ chỉ là việc ủng hộ chính phủ Colombia và hòa ước đầy tranh cãi của họ với phe nổi loạn Mácxít, để lại phía sau nhiều chia rẽ sâu xa hơn, thay vì hòa giải.
Tuy nhiên, cuối cùng, nếu chuyến tông du có mừng chiến thắng của ai thì ai đó không phải là Ông Santos, dù ông rất có lợi, mà là chính nhân dân Colombia.
Đức Phanxicô thăm 4 thành phố trong 5 ngày, tại đấy, hàng triệu người một lúc đã tới tham dự các Thánh Lễ ngài cử hành tại Bogotá, Villavicencio và Medellín, chưa kể nửa triệu người tại Cartagena, đại diện gần như một nửa dân thành phố.
Ngài khuyên giới trẻ trở thành các thầy cô của sự tha thứ. Ngài nhắc các nạn nhân và những kẻ phạm bạo lực nhớ rằng “hận thù dẫn đến hận thù, chết chóc dẫn đến chết chóc”. Ngài kêu gọi việc tôn trọng sự sống ở mọi giai đoạn của nó, ngài lên án việc trẻ em bị cướp mất tuổi thơ, coi đây là điều không thể chấp nhận được, ngài kết án chủ nghĩa tự tôn nam tính (machismo), và nhắc người Công Giáo Colombia, chiếm tới 70 phần trăm dân số, nhớ rằng Chúa Giêsu không phải chỉ đòi hỏi người ta tuân hành luật lệ, trái lại, Người gần như tê liệt trước các lối giải thích luật lệ khe khắt.
Nhưng trên hết, điều mà cuộc tông du 5 ngày để lại là bằng chứng rờ mó được rằng bất chấp sự chia rẽ chính trị do hòa ước tạo ra, Colombia vẫn là một quốc gia có khả năng tạo hòa bình.
Bogotá, một thành phố trung bình mỗi ngày có 3.4 vụ chém giết đầy bạo lực, đã không có vụ chém giết nào trong 48 tiếng đồng hồ đầu tiên của chuyến tông du, và cũng một hiện tượng này đã diễn ra tại các thành phố khác được ngài viếng thăm. Truyền thông địa phương mô tả điều này như 1 phép lạ.
Một thành quả tức khắc khác của chuyến đi là lãnh tụ nổi tiếng của phe phản loạn, Rodrigo Londoño, tư lệnh FARC và trước đây thường được biết dưới biệt danh “Timochenko”, đã gửi một lá thư cho Đức Phanxicô lúc ngài còn ở Colombia: “Các thông điệp được lặp đi lặp lại của Đức Thánh Cha về lòng thương xót hải hà của Thiên Chúa đã thúc đẩy con khẩn khoản xin Đức Thánh Cha tha thứ cho bất cứ dòng nước mắt hay đau khổ nào chúng con đã gây ra cho nhân dân Colombia”.
Miến Điện và Bangladesh
Khi các vị giáo hoàng tông du, các ngài thường muốn đưa ra các thông điệp về công lý, nhân phẩm và hòa bình, trong khi cũng củng cố các mối liên hệ với các chính phủ chủ nhà. Trong đường hướng này, chuyến đi ngoại quốc cuối cùng của Đức Phanxicô trong năm 2017 là một bãi mìn hơn là một dây leo lơ lửng.
Quyết định đi Miến Điện và Bangaldesh là một quyết định vào phút chót, do sự kiện chuyến đi nguyên thủy tới Ấn Độ và Bangladesh đã không thực hiện được. Theo chính lời Đức Phanxicô, chuyện “giấy tờ” rất mất thì giờ. Từ chuyến đi trở về, ngài nói với các nhà báo rằng ngài hy vọng chuyến thăm Ấn Độ sẽ xẩy ra trong một tương lai gần.
Phần lớn việc tường trình về chuyến đi từ ngày 27 tháng 11 tới ngày 2 tháng 12 rút gọn vào vấn đề liệu ngài có sử dụng hay không danh xưng Rohingya khi nhắc đến nhóm thiểu số Hồi Giáo hiện đang chạy trốn Miến Điện qua Bangladesh. Khoảng 650,000 người của nhóm này đã phải bỏ trốn kể từ cuối tháng 8, và Liên Hiệp Quốc vốn tố cáo chính phủ Miến Điện tội thanh trừng sắc tộc.
Trước đó, Đức Giáo Hoàng vốn đã được các vị giám mục địa phương khuyến cáo không nên sử dụng danh xưng ấy, vì các ngài sợ rằng hậu quả sẽ là các cuộc biểu tình bạo động trên đường phố. Miến Điện vốn không thừa nhận người Rohingya là công dân, bất kể sự kiện họ từng sống ở đây nhiều thế hệ.
Đức Phanxicô tránh dùng danh xưng ấy tới ngày 1 tháng 12, khi ngài gặp 16 người tị nạn Rohingya ở Bengladesh, nhân một cuộc gặp gỡ liên tôn. Sau khi đích thân thăm hỏi ừng người, ngài đã ứng khẩu nói một số nhận định trong đó, có lời xin lỗi vì sự “dửng dưng” của thế giới trước nỗi đau thương của họ.
Ngoài những lời kêu gọi trực tiếp và gián tiếp cho những người này và nhiều nhóm thiểu số khác bị cách hại ở Miến Điện trong đó, có các Kitô hữu, chiếm khoảng 6 phần trăm tổng dân số, Đức Phanxicô cũng đưa ra một chiến lược liên tôn đặt căn bản trên việc chống lại bạo lực tôn giáo.
Trong danh sách các chuyến đi không được thực hiện, Nam Sudan và Congo đứng đầu sổ. Bất kể ý định của Đức Giáo Hoàng, các khủng hoảng đang diễn ra tại các nước này khiến cho chuyến đi không tài nào diễn ra được. Tuy nhiên, ngài có hướng dẫn một buổi cầu nguyện ở Vương Cung Thánh Đường Thánh Phêrô cho hòa bình tại hai quốc gia đang tả tơi vì tranh chấp này.
(Vũ Văn An, vietcatholic 30.12.2017)