Nhật ký Thượng Hội đồng Giám mục về gia đình – Ngày thứ chín

 

WHĐ (17.10.2014) – Ngày 16-10, các nghị phụ Thượng Hội đồng Giám mục ngoại thường về gia đình (THĐ) bước sang ngày làm việc thứ chín với Phiên họp khoáng đại XII.

Phiên họp khoáng đại XII

– Hiện diện: Đức Thánh Cha Phanxicô và toàn thể nghị phụ, dự thính viên và 8 đoàn khách mời thuộc các Giáo hội anh em.

– 10 nhóm thảo luận (Circuli minores) trình bày kết quả thảo luận và những kiến nghị của nhóm về bản Tường trình đúc kết thảo luận (Relatio post disceptationem) qua mười phiên họp kháng đại trong giai đoạn một của THĐ.

– Ngoài 9 vị được Đức Thánh Cha bổ nhiệm vào ban soạn thảo văn kiện THĐ cuối giai đoan một (x. Bản tin của WHĐ: hôm nay THĐ đã tăng cường hai vị vào ban này cho đầy đủ đại diện 5 châu lục: Đức hồng y Napier (Nam Phi) và Đức Tổng giám mục Hart (Úc). Như vậy ban văn kiện THĐ có 11 vị.

– Ban soạn thảo văn kiện của THĐ đã tóm tắt những điểm chính được các vị Đại diện tường trình của các nhóm trình bày tại Phiên họp khoáng đại XII.

Sau đây là toàn văn bản tóm tắt:

Nội dung làm việc tại phiên họp khoáng đại XII của THĐ gồm các bản tường trình của 10 nhóm, được chia theo ngôn ngữ: ba nhóm tiếng Anh, ba nhóm tiếng Ý, hai nhóm tiếng Pháp và hai nhóm tiếng Tây Ban Nha. Nhìn chung, các nhóm trình bày hai nội dung, một là nhận định về bản Tường trình đúc kết thảo luận, một văn kiện mang tính chất tạm thời, sơ kết nửa chặng đường làm việc của THĐ, và hai là, đưa ra những đề nghị đóng góp vào bản Tường trình đúc kết Thượng Hội đồng (Relatio Synodi), văn kiện cuối cùng, kết thúc THĐ.

Trước hết, có một số lo ngại cho rằng, bản Tường trình đúc kết thảo luận mặc dù hợp lệ, được coi là một tài liệu làm việc, nhưng không thể hiện được ý kiến đã được các nghị phụ nhất trí. Vì vậy, sau khi biểu dương công việc soạn thảo và cấu trúc của văn kiện này, các nhóm thảo luận đã đưa ra các đề nghị của mình.

Điều đầu tiên được các nhóm nhấn mạnh là, bản Tường trình đúc kết thảo luận đã tập trung vào các mối quan tâm đến các gia đình đang gặp khủng hoảng, nhưng lại không liên hệ rộng hơn đến sứ điệp tích cực của Tin Mừng về gia đình hoặc thực tế hôn nhân chính là một bí tích, là sự liên kết bất khả phân ly giữa một người nam và một người nữ, điều này vẫn là một giá trị rất thời sự, được nhiều đôi vợ chồng xác tín. Vì vậy, mong rằng bản Tường trình đúc kết Thượng Hội đồng sẽ thể hiện một sứ điệp mạnh mẽ nhằm khích lệ và nâng đỡ Hội Thánh và các đôi vợ chồng tín hữu.

Hơn nữa, các kiến nghị cũng đã nhấn mạnh việc chính yếu là phải nhấn mạnh rõ ràng hơn nữa giáo thuyết về hôn nhân, đặt trọng tâm vào hôn nhân chính là quà tặng được Thiên Chúa ban cho. Ngoài ra còn đề nghị những nội dung chưa được đề cập trongbản Tường trình đúc kết thảo luận sẽ được đưa vào bản Tường trình đúc kết Thượng Hội đồng, chẳng hạn vấn đề nhận con nuôi, sao cho các thủ tục hành chính được sắp xếp hợp lý, cả ở cấp quốc gia cũng như quốc tế, cũng như các vấn đề về công nghệ sinh học và sự quảng bá văn hoá qua internet đang ảnh hưởng lên đời sống gia đình, cũng như lưu ý về tầm quan trọng của các chính sách đối với gia đình.

Ngoài ra, các kiến nghị cho rằng cần lưu tâm hơn nữa đến sự hiện diện của bậc cao niên trong các gia đình, đến những gia đình đang sống trong cảnh đói nghèo cùng cực. Các phát biểu cũng đã tố cáo những vấn đề nghiêm trọng như nạn mại dâm, tục cắt bỏ cơ quan sinh dục nữ và tình trạng khai thác trẻ em vào các mục đích tình dục và lao động. Các ý kiến còn đề cập việc cần nhấn mạnh vai trò chính của gia đình trong công cuộc Phúc âm hoá và thông truyền đức Tin, làm nổi bật ơn gọi thừa sai của các gia đình. Tất cả đều nhằm mục đích mang lại một ý niệm quân bình và toàn cục về “gia đình” mang ý nghĩa Kitô giáo.

Về những hoàn cảnh khó khăn của gia đình, các nhóm thảo luận đã nhấn mạnh Giáo hội phải là ngôi nhà chào đón mọi người, để không một ai thấy mình bị khước từ. Tuy nhiên, cần nói rõ ràng hơn, tránh sự nhầm lẫn, cách nói lấp lửng, vòng vo, chẳng hạn nói về “luật tiệm tiến” sao cho không trở thành là “sự tiệm tiến về luật”. Ngoài ra, nhiều nhóm cũng thấy lúng túng về sự loại suy được nói đến trong số 8 của Hiến chế Lumen Gentium (Ánh sáng muôn dân), vì điều này có thể gợi lên ấn tượng Giáo hội sẵn sàng hợp pháp hoá những tình trạng gia đình không hợp lệ, mặc dù những tình trạng này có thể tiêu biểu cho một giai đoạn trong hành trình hướng đến bí tích hôn nhân.

Về khả năng những người ly dị tái hôn được rước lễ, có hai quan điểm chính được nêu lên: một đàng cho rằng không được thay đổi giáo thuyết và giữ nguyên như hiện nay; đàng khác lại nêu ý kiến, nên mở khả năng cho mối liên lạc với nhau, dựa trên sự đồng cảm và lòng thương xót, và chỉ thực hiện với những điều kiện nhất định. Ngoài ra một số ý kiến khác đề nghị: vấn đề này cần được nghiên cứu bởi một Uỷ ban liên ngành chuyên biệt. Có ý kiến đề nghị cần chú ý hơn đến những người ly dị không tái hôn, và thường họ là những chứng nhân anh hùng cho sự trung tín trong đời sống hôn nhân. Đồng thời, cũng cần thúc đẩy tiến độ của thủ tục tuyên bố hôn nhân vô hiệu hoặc thành hiệu, ngoài ra cần nhấn mạnh con cái không phải là gánh nặng mà chính là quà tặng của Thiên Chúa, hoa trái của tình yêu vợ chồng.

Sự định hướng cần “quy về trung tâm là Chúa Kitô” hơn nữa, cũng như cần phải nhấn mạnh một cách rõ ràng hơn về mối liên hệ giữa bí tích hôn nhân và bí tích thánh tẩy. Thế giới quan cần phải thông qua lăng kính Tin Mừng, khích lệ mọi người nam nữ hoán cải tâm hồn mình.

Hơn nữa, cần phải nhấn mạnh, dù không thể nào có chuyện đặt hôn nhân giữa một người nam và một người nữ ngang bằng với sự kết hợp của những người đồng tính, nhưng người người có khuynh hướng đồng tính này cũng phải được nhận sự đồng hành mục vụ và phẩm giá của họ cần phải được bảo vệ, tuy nhiên điều đó không hàm ý như vậy là đã được chấp thuận về phía Giáo hội đối với khuynh hướng và lối sống của họ. Còn về vấn đề đa thê, nhất là những người đa thê trở lại đạo Công giáo và muốn được lãnh nhận các bí tích, vấn đề này cần được nghiên cứu thấu đáo.

Các nhóm thảo luận ủng hộ việc cần suy tư hơn nữa, để khuyến khích các gia đình noi theo mẫu gương Đức Maria và Thánh gia về đời sống gia đình.

Cuối cùng, các nhóm đề nghị bản Tường trình đúc kết Thượng Hội đồng sẽ là văn kiện chuẩn bị cho Thượng hội đồng Giám mục khoá thường lệ được tổ chức vào tháng Mười 2015.

 

Thành Thi