Nhân cách đời tu ( tiếp theo)

NHỮNG THÁCH ĐỐ CHO ĐỜI TU HÔM NAY (TIẾP THEO)

bansechongi.jpgMột số tu sĩ chỉ biết tìm kiếm những thuận lợi nhất cho bản thân và sống chết mặc bay. Đôi khi họ tỏ ra cao thượng như một người sẵn sàng xả kỷ nhưng kỳ thực họ muốn chiếm hữu trái tim người khác và điều khiển người khác theo đường hướng của mình.


1/ LỢI

Chủ nghĩa duy vật

Với chủ trương mọi sự đều từ vật chất mà ra, điều này kéo theo chủ trương con người sẽ tìm được hạnh phúc đích thực trên thế gian này (thiên đàng trần thế). Từ đó, con người ra sức tìm thoả mãn nơi vật chất vốn chóng qua. Chúng ta không khẳng định rằng họ đang đi tìm hạnh phúc giả trá nhưng hạnh phúc của họ chóng qua và vô thường như bản chất vốn có của sự vật vậy. Đúng thế, chúng ta chỉ cần đưa ra một lý luận đơn giản để thấy rằng sự bất tương xứng giữa hạnh phúc thực sự và bản chất của vạn sự hữu hình. Thật vậy, hạnh phúc thuộc giá trị tinh thần và nó chỉ tương xứng với khát vọng thuộc về tinh thần. Bởi đó, vật chất có cao cả đến đâu cũng không sao thoả mãn thích đáng cho khát vọng của con người. Ngay cả con người là tạo vật ưu việt nhất cũng không thể mang đến hạnh phúc đích thực cho con người. Như thế, chúng ta đã rõ chủ nghĩa duy vật đã nguỵ biện hầu xoa dịu những khát vọng sâu xa của con người bằng những sự đời này. Hậu quả là đã có những người tự vẫn trên chính đóng vàng kết xù của mình, bởi vì không tìm được hạnh phúc thực sự và ý nghĩa cuộc đời.

Quan sát kỹ trong các dòng tu, chúng ta cũng dễ nhận ra những người mặc nhiên theo chủ trương này khi họ lấy vật chất làm đủ và cảm giác an toàn khi được sống một ngày bình yên trong cộng đoàn. Sự an toàn tạm bợ này sẽ được vạch trần khi mà cộng đoàn không còn khả năng đáp ứng cho những yêu sách của họ nữa ! Họ tiếp tục ra đi để kiếm một nơi chốn với những con người nhiệt tình phục vụ cho những yêu sách của họ. Có những tu sĩ về già do thiếu đức tin, họ đi tìm sự an toàn trong vật chất. Mặc dù, bề trên không để họ thiếu sự gì hầu giúp họ sống sung mãn đời tu, nhưng sự nghèo đói của tuổi thơ vẫn đeo bám họ.

Cũng từ lập luận trên, khi coi mọi sự đều từ vật chất mà ra, những người chủ trương duy vật xác quyết rằng chỉ có thiên đường ở trần gian. Thật vậy, nếu vật chất có thể làm thoả mãn khát vọng hạnh phúc của con người thì cần gì đến đời sau. Bởi đó, người ta chỉ có một thiên đường tại thế. Lập luận đó, đã kéo trì họ trong sự tù túng của thế gian này. Và rồi họ cảm thấy bất lực khi đối diện với những vấn đề gai góc của cuộc sống như đau khổ, sự chết. Thái độ này chúng ta cũng nhận thấy nơi một số tu sĩ khi họ không khát khao Nước Thiên Chúa và sự công chính của Ngài mà chỉ quay quắt trong sự hào nhoáng của thế gian. Đối với họ, khát khao nên hoàn thiện là một điều xa xỉ mà người ta chỉ trang điểm cho đẹp mắt người khác thôi ! Khi cộng đoàn gặp khó khăn họ sẽ là người tiên phong trong cuộc tìm kiếm một vùng đất mới khả dĩ thoả mãn những yêu sách của họ.

Xét cho cùng, không nơi nào là hạnh phúc cho người chủ trương duy vật vì thế gian là thiên đàng mộng tưởng.

Chiếm hữu

Hạnh phúc của người đam mê chiếm hữu là tìm kiếm những sự khác thường. Những gì thế gian có, tôi cũng có, ấy là lẽ thường. Thế nên, họ tìm mọi cách để thu quén vì đối với họ: cái lợi lớn nhất là được lời lãi cả thế gian này. Họ tin rằng giá trị của con người tuỳ thuộc những gì họ chiếm hữu được và hạnh phúc hệ tại ở việc được người khác đánh giá là người hữu dụng. Vì thế, họ chạy theo thành tích và làm việc không biết mỏi mệt. Những người có khuy hướng này bước vào đời tu với một khí thế lớn lao vì đây là môi trường thuận lợi giúp họ khẳng định bản thân và thể hiện chính mình là người hữu dụng. Những việc phục vụ bên ngoài đã choán hết giờ để họ có thể sống đời nội tâm và cầu nguyện. Họ sống như một người giáo dân bình thường vì đã mất dần căn tính đời tu, mọi sự qui hướng về Chúa và lấy Chúa làm lẽ sống cho mình.

Hơn nữa, người đam mê chiếm hữu còn muốn chiếm trọn trái tim con người bằng cách chinh phục người khác từ những gì mình sở hữu. Họ sống cho người khác nhiều hơn là cho mình. Xét cho cùng, họ phục vụ người khác để mặc nhiên trục lợi cho mình. Tình yêu vị kỷ này đôi khi giúp họ cảm nhận phần nào yên ổn trong tâm hồn. Một lần nữa, chúng ta nhận ra thái độ này nơi một số tu sĩ chỉ biết tìm kiếm những thuận lợi nhất cho bản thân và sống chết mặc bay. Đôi khi họ tỏ ra cao thượng như một người sẵn sàng xả kỷ nhưng kỳ thực họ muốn chiếm hữu trái tim người khác và điều khiển người khác theo đường hướng của mình.

Tắt một lời, khả năng chiếm hữu là ưu thế của những người này và cái lợi lớn nhất của họ là được lời lãi cả thế gian.

2/ THÚ

Chủ nghĩa khoái lạc

Nhóm này chú trọng đến cảm giác. Nói cách khác, họ vui thú trên thân xác. Thật vậy, niềm vui này họ tận hưởng đến nỗi chỉ còn biết đến hiện tại. Tương lai là một điều không tưởng. Họ lập luận rằng, tôi tận hưởng xứng với công khó mình làm ra, từ đó, họ dùng tiền để mua lấy niềm vui cả trên thân xác người khác. Người khác đôi khi chỉ là phương tiện giúp họ tiêu khiển. Bước vào đời tu, những người có khuynh hướng này cũng mang một sắc thái dễ nhận ra khi họ đã khấn giữ độc thân nhưng vẫn còn tìm thú vui xác thịt. Những vụ lạm dụng tình dục của giới tu sĩ linh mục là một điển hình. Mặc dù khấn độc thân nhưng họ vẫn chủ trương tình dục là nhu cầu tự nhiên của con người. Bởi vậy, khi nào dục tình dâng cao họ nghỉ tu ít phút: tu cả đời ấy mà ! Cũng có những tu sĩ khác lại tìm đến rượu bia như một cách giải toả, tệ hơn, họ lấy làm thích thú khi so bì tửu lượng với người khác và huênh hoang từ những thành tích của mình.

Nhóm chủ trương khoái lạc thích tìm cảm giác mà là cảm giác mạnh nơi những thú tiêu khiển. Họ thích khẳng định mình trong những cuộc chơi; đồng thời thể hiện đẳng cấp của mình và vô tình tách bản thân ra khỏi đám đông. Khuynh hướng này cũng chi phối khá mạnh các tu sĩ ngày nay, khi họ tìm nổi bật trong việc khoe khoang những tiện nghi. Hơn nữa, thích thể hiện mình là người sành điệu trong những lãnh vực thể thao, giải trí.

Hưởng thụ

Những người theo chủ trương này cho rằng: “ Hãy ăn uống và vui thú, bởi vì rồi mai đây chúng ta sẽ chết”. Họ đề cao việc tận hưởng lạc thú nhất thời như là mục đích chính yếu trong đời. Trường phái này quan niệm rằng nên tận hưởng mọi thú vui và khoái cảm hiện có; nếu không, cơ hội hưởng thụ những kinh nghiệm như thế sẽ trôi qua và không bao giờ trở lại. Những người theo trường phái này chẳng hề quan tâm đến cuộc sống tương lai, chỉ chú tâm đến những lạc thú ở thời điểm hiện tại. Họ cũng nhấn mạnh rằng, bởi vì lạc thú chỉ mang đến điều tốt đẹp, mỗi cá nhân nên tận dụng mọi cơ hội có thể để hưởng thụ chúng.(4) Điều này cổ võ cho một phong trào sống phóng túng trong các mối quan hệ “qua đường”. Dẫn đến tình trạng sống hời hợt và không có ý nghĩa. Vì đối với họ, giá trị đáng ước ao là hưởng thụ. Thái độ này đã ảnh hưởng sâu rộng nơi các tu sĩ trẻ hôm nay cả trong tư tưởng cũng như hành động. Một số tu sĩ xuất thân từ giới bình dân, họ bước vào đời tu như thực hiện một cú ngoạn mục lên đời, đẳng cấp của bậc cha chú. Họ chủ động chọn cỗ nhất trong bữa tiệc hay tự coi mình là cha linh hướng mọi người.

Tóm lại, mặc dù chủ trương khoái lạc và hưởng thụ đời nào cũng có nhưng với xã hội phát triển chóng mặt như ngày nay, nó trở thành phong cách của người trẻ. Rồi bước vào đời tu, họ mặc cho nó một bộ mặt dễ chịu hơn khi nói lên cách sống và những yêu sách của mình.

Ngoài những thách đố là những yếu tố ngoại lai tác động đến đời tu, chúng ta còn phải đối diện với tính cách của mỗi tu sĩ. Nếu tính cách ấy được chủ thể biểu hiện cách trung thực thì đó là một lợi thế giúp họ hình thành nhân cách, thế nhưng, họ lại đeo vào những mặt nạ như một cách đối phó với các tương giao. Họ dùng những mặt nạ này để che giấu đời sống nội tâm và chính bản thân mình.

EYMARD An Mai Đỗ O.Cist.