Nhà thờ lưu giữ hơn 5.000 thánh tích

Một nhà thờ ven khu đô thị sầm uất của bang Pennsylvania đang lưu giữ hơn 5.000 thánh tích Công giáo, cũng là nơi có nhiều thánh tích nhất ngoài Vatican.
Nhà thờ lưu giữ hơn 5 000 thánh tích

Nằm nép mình một cách khiêm tốn trên sườn đồi yên bình nhìn xuống thành phố Pittsburgh, bang Pennsylvania (Mỹ), nhà thờ thánh Anthony hãnh diện với bộ sưu tập hơn 5.000 thánh tích được công nhận từ khắp nơi trên thế giới.

Kho tàng thánh tích

Tại địa chỉ 1704 đường Harpster, thị trấn Troy Hill thuộc vùng ven đô thị Pittsburgh của bang Pennsylvania, nhà thờ nhỏ bé đang lưu giữ xương, huyết tích, răng, tro, tóc và những vật dụng riêng tư của những vị thánh Công giáo : thánh tông đồ, thánh được tuyên phong và thánh tử đạo. Nhiều thánh tích đã chu du khắp thế giới nhằm tránh vô số cuộc chiến tranh, xung đột, các vụ tịch thu, những hành động báng bổ để đến tay bác sĩ kiêm linh mục gốc Bỉ, cha Suitbert Mollinger, nhà sáng lập nơi này. Nhà thờ thánh Anthony hiện sở hữu bộ sưu tập thánh tích lớn nhất bên ngoài Tòa Thánh.

Khi bước vào bên trong nhà thờ, tầm mắt mọi người lập tức hướng đến trần nhà được tô vẽ các biểu tượng tôn giáo và những cái tên, kế đến là những chiếc tủ cao đang trưng bày hàng trăm cổ vật bằng kim loại đằng sau mặt kính trong suốt. Mỗi chiếc chứa một vật nhỏ đầy bí ẩn, được thắt bằng những chiếc nơ đỏ và niêm phong lại bằng sáp. Nếu nhìn kỹ vẫn có thể thấy được hình dạng của móng tay, hoặc các mẩu xương, hoặc một số mẩu vải nhuốm chất lỏng màu nâu đã khô. Đó toàn là thánh tích, và đặc biệt đa số thánh tích tại nhà thờ thánh Anthony đều thuộc cấp 1 hoặc cấp 2, có nghĩa chúng là những phần cơ thể của một vị thánh, một đồ vật từng được Chúa Giêsu chạm vào, hoặc vật phẩm từng được thánh sử dụng khi còn tại thế. Mọi thánh tích đều được kiểm tra cặn kẽ và xác nhận trước khi trưng bày.

Những thánh tích quan trọng nhất của nhà thờ ở Pittsburgh bao gồm 22 mảnh vụn và đinh từ Thánh giá, một cái gai từ mão gai, một mảnh từ cái bàn trong Bữa tiệc Ly, hộp sọ của thánh Theodore, răng của thánh Anthony, quần áo của Mẹ Maria và thánh Giuse, cũng như các mẩu xương của tất cả 12 thánh tông đồ. Trang Catholic News Agency dẫn lời bà Carole Brueckner, chủ tịch ủy ban điều hành nhà thờ cho biết : “Cha Stewart Mollinger có sở thích khác người là sưu tập thánh tích. Nhưng trong bối cảnh hỗn loạn về chính trị lẫn xã hội tại châu Âu vào cuối thế kỷ 19, chính sở thích này đã giúp lưu giữ nhiều thánh tích quan trọng trải khắp lục địa thời đó”.

Người giải cứu thánh tích

Kể từ thế kỷ thứ 2, các Kitô hữu bắt đầu thờ kính thánh tích của các vị thánh, từ những phần của cơ thể đến đồ vật từng thuộc về những con người thánh thiện nhất. Trong khi giới thần học và các tài liệu tôn giáo đã chỉ rõ thánh tích không có quyền năng, nhưng cần phải được đối xử đầy trân trọng vì chúng thuộc về các cá nhân đang ở trên thiên đàng. Và dù thánh tích không tự xuất hiện quyền năng, Thiên Chúa có thể tiếp tục thực hiện những phép lạ thông qua sự hiện diện của các phần cơ thể của những vị thánh sau khi qua đời. Do tầm quan trọng trong đức tin của các tín hữu lẫn sự hiện diện của thánh tích cần thiết tại thánh lễ, không ngạc nhiên khi chúng trở thành mục tiêu của phong trào bức hại Kitô giáo ở châu Âu cách đây hàng thế kỷ.

“Thời đó cực kỳ hỗn loạn đối với người theo đạo Kitô, vì con người hăng say chiến đấu để tranh đoạt lãnh thổ”, theo bà Brueckner. Trong giai đoạn vào giữa đến cuối thế kỷ 19, các biên giới chính trị ở những vùng lãnh thổ trên khắp châu Âu thay đổi nhanh chóng. Sức mạnh của tôn giáo cũng như quyền năng của giáo hội bị suy yếu, nhường chỗ cho các chính quyền thế tục lên ngôi. Nhiều quý tộc và người theo đạo lo sợ chính quyền mới sẽ tịch thu thánh tích, chưa kể đến những trường hợp có hành động báng bổ đối với những vật linh thiêng. Thậm chí, một số chính quyền còn giam cầm những người bảo quản di vật của các vị thánh.

Trong bối cảnh đó, cha Mollinger đứng ra tiếp nhận mọi thánh tích dưới sự nhờ cậy của nhiều người từ Bỉ cũng như Hà Lan, Ý và các nơi khác. Ngài cũng cử các đại diện đến những khu vực bất ổn và tìm cách đưa thánh tích về nơi an toàn. Ban đầu, cha giữ các thánh tích tại nhà, và các bệnh nhân tìm đến để có cơ hội tôn sùng. Nhiều người hành hương đã được chữa lành sau những chuyến đi này, thế là cha Mollinger trở nên nổi tiếng như một người có thể trị bách bệnh. Các bài viết trên nhiều tờ báo địa phương ở Pittsburgh vào thời đó từng đề cập đến những lần trị bệnh của cha Mollinger, cũng như làn sóng hành hương đến chiêm bái thánh tích ngày một đông. Tuy nhiên, sau đó cha Mollinger nhận ra rằng cần phải có một nhà thờ đẹp đẽ để chứa những thánh tích này. Thế là nhà thờ đầu tiên đã được hoàn thành vào dịp lễ thánh Anthony trong năm 1883. Đến 9 năm sau, tức vào năm 1892, phần thứ hai của nhà thờ cũng được hoàn tất đúng dịp lễ bổn mạng, chứa các mảnh vụn của thánh giá và những thánh tích khác. Cha Mollinger đã qua đời 2 ngày sau khi nhà thờ hoàn công.

Nhiều người đến thăm nhà thờ đã kể lại khoảng khắc mà họ cảm thấy hết sức thiêng liêng khi đứng giữa rừng thánh tích. Bà Brueckner kết luận : “Tôi muốn nói rằng cái cảm giác đó như thể chúng ta đang bước vào một góc của thiên đàng, vì bạn được bao quanh bởi nhiều nhân vật đã được Giáo hội xác tín rằng họ đang ở trên thiên đường”.

 

Phép màu của thánh tíchTheo tờ Pittsburgh Post Gazette, vào năm 1999, bà Jill Chadwick đang mang thai đến tuần thứ 24 thì bụng quặn đau, dấu hiệu cho thấy thai phụ chuẩn bị sinh non. Mẹ của Chadwick đã đến nhà thờ và linh mục tại đây đã cho mượn thánh tích là sợi tóc của vị chân phước – linh mục người Canada Frédéric Janssoone. Chadwick đã cầu nguyện cha Janssoone trong lúc ở bệnh viện, tay nắm chặt thánh tích ngay bụng. Một mình trong phòng sinh, bà Chadwick kể lại đã thấy cha Janssoone đứng cạnh mình. Bà hạ sinh an toàn một bé trai dù thiếu tháng nhưng hồi phục đặc biệt nhanh. 17 năm sau, bà vẫn nhớ rõ mồn một hình ảnh đó.

HỒNG HOANG

Nguồn tin: Báo Công Giáo & Dân Tộc