Nhà thờ Đức Bà trùng tu 5 hạng mục với nhiều choáng ngợp

TTO – Sau hơn 2 năm kiểm định, khảo sát hiện trạng, với sự tham gia của nhiều công ty, chuyên gia tư vấn trong và ngoài nước, công trình nhà thờ Đức Bà bắt đầu được khởi công trùng tu tổng thể.

TTO điểm qua một số hạng mục sắp được trùng tu:

Mái ngói

Trong suốt lịch sử tồn tại, mái nhà thờ đã được sửa chữa, chống dột nhiều lần.

Hiện nay vùng mái ngói chính của nhà thờ có khoảng 6 loại ngói khác nhau, mà nhiều nhất là ngói Phú Hữu (một địa danh ở quận 9 hiện nay). Số lượng ít hơn là ngói Đồng Nai (thường gọi là ngói Biên Hòa) và ngói của thương gia Vương Đại với thương hiệu Wang Tai-Saigon.

 

Số ngói nhập từ Pháp về khi xây dựng nhà thờ do Marseille st. André France sản xuất thì chuẩn mực cao hơn nhưng hiện chỉ còn lại 4.900 viên.

Đặc biệt là phần ngói âm dương, một loại ngói Việt Nam trăm phần trăm vốn được sản xuất để lợp mái nhà của người Sài Gòn xưa, nay không còn nơi nào sản xuất.

Gần 140 năm tồn tại, các vùng mái ngói bị cũ mục, bể gãy. Trời mưa, nước đổ từ mái xuống gây thấm dột, khiến tường nứt, gạch mục bể. Hư mục nặng nhất là năm vòm phía sau đối diện trung tâm thương mại Diamond.

Đợt trùng tu này, để lợp lại mái, ban trùng tu nhà thờ tìm kiếm mua hơn 27.000 viên ngói mũi tên (Marseille) tại hãng ngói Monie (Pháp). Đây chính là hãng sản xuất ra số ngói nhập từ Pháp được lợp trên mái nhà thờ Đức Bà hiện nay.

Ngoài ra, ban trùng tu cũng tìm mua được loại ngói vảy cá và ngói âm dương tại hãng Meyer-Holsen (Đức).

Hai chóp tháp chuông

Năm 1895, theo thiết kế bổ túc của kiến trúc sư Fernand Gardes, hai tháp thép dạng chóp nhọn được lắp dựng thêm bên trên gác chuông, phần tháp thép này cao khoảng 20m, cùng thánh giá cao 3,5m được lắp đặt trên đỉnh tháp.

Kết cấu khung bên của hai chóp tháp làm bằng sắt được gắn vào tháp với một hệ thống đã được tính toán rất chính xác. Bên ngoài tháp được lợp bằng tôn kẽm giả ngói màu xám trắng, khi đứng nhìn lên tháp ta cảm nhận được sự thanh thoát, hòa mình vào thiên nhiên.

Hiện nay, phần tôn kẽm đã bị hư hại, có những chỗ rớt cả tấm xuống đường, nguy hiểm cho người đi đường.

Trong đợt trùng tu, toàn bộ hai mặt tháp nhọn phía trước nhà thờ sẽ được bọc lại bằng tấm tôn kẽm Azengar của Công ty VMZINC (Pháp). Bốn chân tháp gạch bị mục được gia cố lại cho chắc. Những họa tiết trang trí rất đẹp, tạo nên hồn tháp cũng được bảo tồn nguyên tác.

 

Bộ chuông

Bộ chuông 6 chiếc được thiết kế và vận hành bằng điện ngay từ lúc khánh thành nhà thờ. Hoa văn được chạm khắc trên mỗi quả chuông rất tinh xảo và không giống nhau, duy có điều trên tất cả 6 quả chuông đều có tên của KTS thiết kế nhà thờ Đức Bà Sài Gòn là J. Bourad.

Có một điều rất lý thú là bộ chuông tạo ra tiếng đàn của chiếc đồng hồ cổ (đồng hồ vẫn còn hoạt động) báo giờ trước mặt tiền nhà thờ, cũng chính là bộ chuông này.

Chiếc đồng hồ được lắp đặt sau bộ chuông. Có một hệ thống cần trục gắn liền bộ cơ của đồng hồ với 4 quả chuông lớn.

Hệ thống này được thiết kế tự động. Khi báo giờ hệ thống này vận hành, 4 búa sắt gõ nhẹ vào mặt ngoài của 4 quả chuông tạo ra tiếng đàn trong khoảng 30 giây. Khi báo giờ (đúng giờ) thì có búa gõ vào chuông Sol tạo ra âm thanh báo giờ vang xa trong nhiều phút.

Năm 1978, hệ thống âm thanh báo giờ bị hư.

Hiện ban trùng tu đã chọn Hãng Bollée (Pháp) trùng tu lại tháp chuông. Điều tình cờ, chủ hãng này chính là “hậu duệ” của những kỹ sư đã đúc 6 quả chuông cho nhà thờ Đức Bà vào năm 1878.

Qua khảo sát, Hãng Bollée đề xuất lắp thêm hai chuông nhỏ. Hai quả chuông này kết hợp với sáu quả chuông hiện nay tạo thành bộ hợp âm, giúp tái lập hệ thống chuông đệm. Khi tới giờ đồng hồ gõ sẽ phát ra từng bản nhạc.


Trên tường, phía dưới và trên cao có các cửa cổ được lắp đặt các tác phẩm nghệ thuật bằng kính màu, có nội dung diễn tả hình tượng các vị thánh và sự kiện trong kinh thánh, phúc âm. Nhưng thú vị là cũng xen kẽ rất nhiều họa tiết và hình tượng phương Đông. Hệ thống kính màu được thiết kế rất đặc sắc và phối sáng hài hòa, tạo nên một hiệu ứng ánh sáng tuyệt vời.
Thay những bức tranh kính màu

Trong lòng nhà thờ, một làn ánh sáng nhẹ nhàng, tạo bầu không khí trang nghiêm, an bình. Ánh sáng huyền ảo cũng làm cho các chi tiết kiến trúc, nội thất bên trong thánh đường nổi bật và đẹp hơn. Toàn bộ các ô cửa kính màu do Hãng Lorin (Pháp) sản xuất.

Tuy nhiên qua thời gian, chiến tranh, nhiều mảng kính màu bị bể, nhà thờ phải thay thế bằng bông gió. Hiện ban trùng tu cũng đã liên hệ với các hãng kính màu bên Pháp để đặt thay thế những bức tranh kính màu bị bể.


Tường nhà thờ Đức Bà được xây trên những khối đá vững chắc và được xây bằng gạch thẻ. Chất liệu gạch rất đặc biệt nên tuy đã trải quả hơn một thế kỷ mà màu sắc của gạch vẫn hồng tươi. Hầu hết bề mặt tường không bị đóng rêu.
Phần tường gạch

Gạch được xếp theo thứ tự: một viên nằm ngang xen kẽ một viên nằm dọc. Gạch sử dụng để xây mặt ngoài của tường có in tên thương hiệu lò gạch, nơi và năm sản xuất: WT 1878-Saigon.

Gạch sử dụng trong các lớp kế tiếp của tường là loại gạch thẻ thường được sản xuất trong nước thời bấy giờ (trên gạch không có ghi thương hiệu).  Tường được thiết kế khá dày để giúp cách âm và cách nhiệt cho không gian bên trong nhà thờ.

Hiện nay theo khảo sát, có những viên gạch bị bong tróc, khuyết sâu. Nhiều chỗ nước mưa chảy xuống mọc rêu, mục. Ban trùng tru đang nhờ nhóm công ty Pháp và Đức hỗ trợ khảo sát, tìm phương án trùng tu.

Tiến Long(tuoitreonline)