Tổ chức phi chính phủ Mỹ International Rescue Commitee đã thực hiện một dự án nhiếp ảnh theo concept “Trong túi bạn có gì” với đối tượng nhắm tới là những người tị nạn trên đảo Lesbos, Hi Lạp.
Thoạt tiên cứ tưởng đây là một bộ ảnh với concept quen thuộc “Trong túi bạn có gì”, nhưng thực ra ý nghĩa bộ ảnh này lại hoàn toàn khác. Được chụp bởi nhiếp ảnh gia thuộc tổ chức phi chính phủ International Rescue Commitee, bộ ảnh đã cho người xem một cái nhìn tổng quát về những gì mà người tị nạn mang theo mình trên những cuộc hành trình gian nan nguy hiểm.
Bộ ảnh “Trong túi người tị nạn có gì” do tổ chức International Rescue Commitee thực hiện.
IRC đã cử một trong những nhân viên xuất sắc của tổ chức là nhiếp ảnh gia Tyler Jump tới Hi Lạp để thực hiện bộ ảnh về hơn 10.000 người tị nạn, chủ yếu là người Syria và Afghanistan. Juliette Delay, chỉ đạo dự án cho biết, bà muốn mang câu chuyện của những tị dân này tới cho cả nhân loại, những người đã rời bỏ quốc gia, mạo hiểm tính mạng trên những chiếc thuyền cao su băng qua Địa Trung Hải đi tìm vùng đất mới, nơi không còn giao tranh bạo lực mỗi ngày.
Với ý tưởng chủ đạo: “Bạn sẽ mang gì khi chỉ còn 2 giây và buộc phải chạy trốn?”, Tyler Jump bắt đầu đi phỏng vấn những người tị nạn đang trú chân trên đảo Lesbos, một hòn đảo thuộc Hi Lạp cách Thổ Nhĩ Kỳ không xa, nơi đang là mái nhà chung cho hơn 10.000 tị dân có mong ước được tiến vào lãnh thổ các nước Châu Âu. Đối với những con người này, những kẻ phải dành hàng tuần, có khi cả tháng để vượt qua hàng trăm dặm đường đầy hiểm nguy, những thứ trong túi họ mang theo mình chính là tấm vé đảm bảo cho sự sinh tồn.
Trên đảo Lesbos, Tyler gặp được một tị dân người Syria. Anh này có vẻ là một dược sĩ, đã cùng 50 người khác tới Hi Lạp bằng thuyền cao su. Trong những vật dụng anh mang theo có một chiếc thẻ nhớ dung lượng 16GB, chứa đầy ảnh kỷ niệm với gia đình. Anh chia sẻ rằng mình đã phải bỏ lại cha mẹ, chị gái ở Thổ Nhĩ Kỳ để tới Hi Lạp, và nếu chẳng may anh chết, anh sẽ được chết cùng với những ký ức tươi đẹp nhất với gia đình.
Dược sĩ Syria giấu tên.
Trong túi có:
+ Tiền – được gói cẩn thận để chống thấm nước.
+ Một chiếc điện thoại cũ và một chiếc mới.
+ Phụ kiện điện thoại, pin dự phòng.
+ USB 16GB chứa ảnh gia đình.
Một nữ tị dân khác có tên Aboessa đi cùng chồng và đứa con mới 10 tháng tuổi. Aboessa cảm thấy rất vui trước lòng tốt của người dân đảo Lesbos đối với dân tị nạn. Cô kể rằng lúc gia đình mình tới Hi Lạp, đã có một người đàn ông tốt bụng tặng cho họ 2 lọ thức ăn và một người khác tặng họ bánh quy, nước uống khi nhìn thấy con của Aboessa.
Aboessa, người Syria.
Trong túi Aboessa có:
+ Mũ chống nắng, tất cho em bé.
+ Các loại thuốc, đồ tẩy trùng, thức ăn cho em bé.
+ Giấy ăn dùng để trong lúc thay tã.
+ Giấy tờ cá nhân, bao gồm lịch sử tiêm vắc-xin của em bé.
+ Ví tiền.
+ Sạc điện thoại.
+ Băng đô.
Trong những người Tyler phỏng vấn có một cậu bé 6 tuổi tên Omran tới từ Syria. Cậu bé mang theo rất nhiều thuốc và đồ cứu thương theo mình, bởi cha mẹ Omran biết rằng chắc chắn họ sẽ phải băng qua rừng để tránh sự phát hiện của lực lượng chức năng địa phương.
Omran, 6 tuổi, người Syria.
Trong túi của Omran có:
+ 1 đôi tất, 1 chiếc áo phông.
+ Dụng cụ cứu thương.
+ Kẹo bông, kem ngọt (món ăn ưa thích của cậu bé).
+ Xà phòng, kem đánh răng, bàn chải.
Nour, 20 tuổi, tới từ Syria. Chàng nhạc công kiêm họa sĩ này mang từng theo mình 2 chiếc túi, nhưng tới hiện tại Nour chỉ đem theo mình một chiếc túi chứa những kỷ vật và vật dụng cần thiết.
Nour, 20 tuổi, đến từ Syria.
Trong túi Nour có:
+ Túi đựng giấy tờ cá nhân bọc cẩn thận.
+ Một chiếc thánh giá do bạn gái tặng (Nour không để chiếc thánh giá chạm xuống đất).
+ Một chiếc đồng hồ cũng do bạn gái tặng.
+ Cờ Syria, bùa hộ mệnh của người Palestine, vòng tay do bạn bè tặng.
+ Miếng gảy đàn guitar do bạn gái tặng.
+ Điện thoại di động và SIM nhà mạng Syria.
+ Một chiếc áo phông.
Ý nghĩa của bộ ảnh “Trong túi bạn có gì” phiên bản tị nạn này là để phác họa tình cảnh của những tị dân đang sống vất vưởng mỗi ngày ở nơi đất khách quê người. Họ bị ép phải rời khỏi căn nhà của mình, không phải để đi kiếm một môi trường sống tốt hơn, mà bởi họ không còn lựa chọn nào khác.
Chiến sự nổ ra mỗi ngày tại quê nhà không cho họ một cuộc sống êm ấm, một môi trường lý tưởng để những đứa trẻ lớn lên. Cái mà cả thế giới nên làm bây giờ là chung tay dập tắt chiến tranh ở các quốc gia này, trả lại cho người dân một cuộc sống bình yên, và hơn cả, trẻ thơ sẽ không phải mất đi nụ cười hồn nhiên như những gì Aylan Kurdi đã phải chịu đựng.
( Nguồn: Gizmodo)