Xuất thân là một nhà giáo, duyên cớ đến với nghiệp lương y của ông Tuấn bắt đầu từ suy nghĩ hồi trẻ là muốn làm một việc bác ái gì đó, mang lại niềm vui cho người khác. Thế rồi khi thôi dạy học, có nhiều thời gian rảnh rỗi, ông bắt tay vào thực hiện dự định của mình. Đó là thời điểm cách đây hơn mười năm, bước vào tuổi trung niên, ông hay bị những cơn đau mỏi thật khó chịu và nghe mách về phương thức bấm huyệt trong môn “diện chẩn”, một liệu pháp Đông y tác động lên các huyệt có nhiều công hiệu, nên đã gom góp tiền ra tận Hà Nội học hành hơn một năm rưỡi. “Với ý nghĩ trước là tự phục vụ mình, sau có cơ hội giúp đỡ người bệnh nghèo nên tôi đã tích cực rèn luyện, lấy bản thân làm “thí nghiệm” để hiểu về các phương pháp trị liệu sau mỗi ngày học”, ông kể. Khi trang bị đủ kiến thức cùng kỹ năng, ông trở về bắt đầu chuỗi ngày cần mẫn với phòng bấm huyệt từ thiện tại tư gia (55 Nguyễn Thái Học, Tân Phú, TPHCM). Mỗi sáng thứ năm, thứ sáu trong tuần, thầy “diện chẩn” này lại có mặt ở điểm hẹn quen thuộc là khoảng sân nhỏ phía cổng sau nhà xứ để chữa trị miễn phí cho những ai có nhu cầu.
Với nghiệp vụ và sự ân cần, ông đem lại cho người đối diện cảm giác tin tưởng, gần gũi. Người bệnh thuộc đủ thành phần, từ cô bán vé số, bà lão lưng còng, chị em nội trợ, bác xe ôm, anh phụ hồ cho đến những nữ tu lớn tuổi. Vừa làm vừa trò chuyện, ông nghiệm ra cũng như ngày càng hiểu rõ hơn về những cơn đau nhức nơi mỗi người. Từ đó, ngoài giúp xoa bóp, khai thông kinh lạc giúp người bệnh dễ chịu hơn, ông còn tận tình chỉ bảo thêm cho họ những bài thuốc dân gian dễ áp dụng hoặc đưa ra những lời khuyên có lợi sức khỏe. Nhiều người đến đây vẫn thường nghe những câu nói giản dị mà đầy sự quan hoài như “Phải ăn nhiều rau xanh, dành thời gian tập thể dục thêm vào chị ơi!” hay “Ông bỏ hoặc giảm hút thuốc để bớt ho nhé!”, “Tôi bày cho cô cách rang muối hột chườm mỗi ngày giúp giảm đau!”…
Bản thân là một thừa tác viên trao Mình Thánh Chúa và kiêm nhiều công việc khác gắn với giáo xứ nên những câu chuyện nhà đạo cũng thường được ông chia sẻ với mọi người, tạo thêm sự đồng cảm và mối liên hệ thân quen. Mỗi buổi làm việc, ông giúp khoảng 20-30 người, hầu hết đều cảm thấy khỏe và vui hơn vì không những được chữa trị mà còn được quan tâm hỏi han. Một ca thường chừng dăm, bảy phút nhưng cũng có trường hợp kéo dài mười lăm, hai mươi phút. Dù khá mệt nhưng ông chỉ ngừng tay hớp ngụm nước trà rồi lại trở về với công việc cho tới khi vị khách cuối cùng rời gót. Thấy việc này mang lại hiệu quả tốt nên cha chánh xứ Tân Hương cũng như những người gắn bó với nhà xứ đều vui vẻ ủng hộ, sẵn sàng giúp đỡ ông khi cần.
Bây giờ, ở tuổi 63, ông nói mình vui với cuộc sống và công việc phục vụ hiện tại, đồng thời tin rằng việc san sẻ yêu thương là cách nhanh nhất để Tin Mừng lan tỏa trong cộng đồng.
MINH MINH
Nguồn tin: Báo Công giáo và Dân tộc