Người Kitô hữu được quyền chọn cha giải tội nào?

Điều 991 của Bộ Giáo Luật quy định như sau:

 “Mọi Kitô hữu có trọn quyền xưng tội với cha giải tội nào đã được chuẩn nhận cách hợp thức mà mình thích, mặc dầu vị ấy thuộc một lễ điển khác”.

Như vậy, các Kitô hữu có quyền xưng tội với cha giải tội nào mà mình thích. Các Kitô hữu thuộc Giáo Hội Latinh cũng có thể xưng tội với cha giải tội thuộc một lễ điển công giáo khác tuỳ theo họ thích.

Tuy nhiên, điều kiện được đặt ra ở đây là cha giải tội phải được chuẩn nhận cách hợp thức.

Riêng trong trường hợp lâm cơn nguy tử, điều kiện này không còn đòi buộc nữa và các Kitô hữu, nếu họ muốn, có thể xưng tội với một tư tế không được chuẩn nhận, mặc dầu có sự hiện diện của một tư tế được chuẩn nhận (Điều 976).

Theo Điều 844 §2, với một vài điều kiện, các Kitô hữu cũng có thể chạy đến một thừa tác viên không công giáo thuộc về một Giáo Hội mà trong Giáo Hội đó bí tích Sám Hối được ban cách thành sự.

“Mỗi khi nhu cầu đòi hỏi hoặc khi có một lợi ích thiêng liêng thật sự, và với điều kiện là tránh được nguy cơ lầm lẫn hoặc tương đối tôn giáo, những Kitô hữu đang ở trong tình trạng bất khả thể lý hoặc luân lý không thể đến với một thừa tác viên Công giáo, thì được phép lãnh nhận các bí tích Sám Hối, Thánh Thể và Xức Dầu Bệnh Nhân từ những thừa tác viên không Công giáo, nếu các bí tích ấy được ban cách thành sự trong Giáo Hội của các vị đó”.

Ngoài các cha giải tội thường lệ, các chủng sinh luôn luôn có trọn quyền đến với bất kỳ cha giải tội nào trong hoặc ngoài chủng viện, nhưng phải tôn trọng kỷ luật của chủng viện (Điều 240 §1).

Các thành viên trong các Hội dòng cũng có quyền tự do chính đáng trong việc chọn cha giải tội cho mình, miễn là vẫn giữ nguyên kỷ luật của tu hội (Điều 630 §1). Giáo luật cũng lưu ý các Bề Trên đừng giải tội cho những người thuộc quyền mình, trừ khi những người này tự ý yêu cầu điều này (Điều 630 §4).

Các thành viên của các Tu hội đời cũng được tự do trong việc lãnh nhận bí tích Sám Hối (Điều 719 §3).

 

Lm LG Huỳnh Phước Lâm