Đức Ông Carlo Rocchetta chào đời tại Prato thủ phủ Toscana ở miền Trung nước Ý vào năm 1943 và thụ phong Linh Mục năm 1968. Tốt nghiệp đại học Giáo Hoàng Gregoriana, ngài dạy môn thần học bí tích tại hai đại học Gregoriana và Laterano.
Năm 2002 Đức Ông thành lập tại Montemorcino ở ngoại ô thành phố Perugia, Casa della Tenerezza (Nhà Trìu Mến). Đây là Trung Tâm tu đức dành cho các cặp đính hôn, các đôi vợ chồng, đặc biệt là các cặp vợ chồng gặp khó khăn hoặc ly thân, ly dị. Mỗi tháng Đức Ông gặp gỡ khoảng từ 140 đến 150 cặp vợ chồng đến Trung Tâm để bày tỏ nỗi đau khổ gia đình hoặc để tham khảo ý kiến trong cuộc sống hôn nhân. Xin trích dịch lá thư Đức Ông trả lời cho vấn nạn của một người chồng trẻ đau khổ.
(Nguyên văn lá thư của người chồng). Thưa Cha Carlo kính mến. Con là Andrea. Vốn bản tính trầm tĩnh nhưng luôn luôn bị vợ con là Anna tấn kích mỗi khi nàng tỏ ra bất mãn đối với con. Có lẽ vốn ban đầu là một đứa bé ngoan hiền rồi lớn lên là một thanh niên đứng đắn mà con cảm thấy cái buồn bã của vợ con là một tấn kích cho rằng con chỉ là một anh chồng bất tài bất lực, không xứng đáng với tình yêu của nàng! Tất cả những thái độ tiêu cực ấy khiến con sống khép kín, rơi vào nỗi cô đơn hoặc phản ứng ngược lại bằng cử chỉ vũ phu và giận dữ. Xin Cha cho con biết phải làm thế nào để thoát ra cái bẫy sập khiến con mất hết tự do?
(Thư trả lời của Đức Ông Carlo Rocchetta). Andrea rất thân mến. Anh nói đúng. Cái mà anh đang rơi vào hoặc có nguy cơ rơi vào, đúng là một ”cái bẫy”, cái bẫy xúc cảm! Xin nói ngay là bước đầu tiên anh nên thực hiện chính là làm một cuộc nghiên cứu lọc luyện tình cảm của anh. Cuộc nghiên cứu này sẽ giúp anh phân biệt trạng thái tâm hồn của hiền thê anh cũng như nét âu sầu của nàng mà anh cảm thấy mình bị tố cáo. Đây là hai cấp bậc khác nhau của một thực tại khách quan. Ngoài ra mối hòa điệu của chính anh đối với vợ cũng có hai bậc khác nhau. Đàng sau cái thái độ của chị Anna có lẽ chị không có chủ ý xúc phạm. Đó chỉ là một cách thức kích động sự giúp đỡ hay một nhu cầu cần được lắng nghe, thông cảm và yêu thương. Bây giờ chính là lúc anh nên trở thành nơi nương tựa cho hiền thê, chứ đừng để mình rơi vào cạm bẫy của xúc cảm để rồi hoặc lặng câm khép kín hoặc phản ứng ngược lại bằng thái độ giận dữ cộc cằn. Nếu anh thoát ra được ”cái bẫy” của chính anh đặt ra thì anh sẽ tìm được lời nói đúng vào thời điểm thuận tiện, hoặc nếu cần thì nên giữ thinh lặng. Nhưng trong bất cứ lối hành xử nào thì điều quan trọng là làm cho vợ anh cảm thấy rằng anh yêu thương vợ hết lòng. Đôi lúc chỉ cần một cái nhìn trìu mến, một vòng tay ấm áp, đủ để bày tỏ tình yêu hơn vạn lời nói vô ích. Rồi khi hoàn cảnh cho phép thì cả hai vợ chồng nên cùng nhau tìm kiếm – với lòng khiêm tốn và sự chân thật – lý do nào khiến nàng không cảm thấy hài lòng thỏa mãn. Nhưng trong bất cứ hoàn cảnh nào, xin anh nhớ kỹ rằng, chỉ duy nhất bầu khí trìu mến yêu thương mới có thể thoa dịu mọi nỗi bất bình và mọi cái cay đắng khó chịu.
Tôi còn muốn nhấn mạnh với anh điều này là, trong hôn nhân, đôi vợ chồng phải trở thành bác sĩ chữa trị và chăm sóc sức khoẻ thể lý và tinh thần cho người bạn đời dấu ái của mình. Mà để trở thành bác sĩ thì phải dủ bỏ mọi trạng thái cảm xúc có thể làm mờ mắt, mất sáng suốt và thiếu trưởng thành. Hãy trở nên cặp vợ chồng trưởng thành để có thể nhận ra những điểm tốt những cái hay những điều tích cực nơi người bạn đời của mình.
Nhưng điều quan trọng trên hết và trước hết để xây dựng hạnh phúc gia đình và bảo tồn tình yêu của đôi vợ chồng Công Giáo, chính là việc đôi vợ chồng biết cầu nguyện chung và lãnh các bí tích để nhận được dồi dào ơn thánh Chúa trợ giúp. Các đôi vợ chồng Công Giáo nên luôn luôn ghi nhớ rằng họ không đơn độc trong hành trình cuộc sống. THIÊN CHÚA luôn đồng hành với họ. Giống như xưa kia Đức Chúa GIÊSU Phục Sinh đã đồng hành với hai lữ khách trên đường về làng Emmau. Điều quan trọng là đôi vợ chồng Công Giáo phải nhận ra sự hiện diện của Chúa trong bí tích Thánh Thể và lắng nghe Lời Ngài. Nếu sống đúng như thế thì mọi sự sẽ được tái sinh và đổi mới.
… “Có lời trách mắng không đúng lúc, có kẻ thinh lặng mà lại biết điều. Thà trách mắng còn hơn giận dữ. Người thú tội thì tránh được bao hệ lụy. Kẻ dùng bạo lực mà thi hành lẽ phải, chẳng khác nào hoạn quan muốn hại đời con gái. Có kẻ thinh lặng mà được kể là khôn ngoan, còn kẻ ba hoa thì đáng ghét. Có kẻ thinh lặng vì chẳng biết nói chi, có kẻ thinh lặng để chờ thời. Người khôn ngoan biết thinh lặng chờ dịp tốt, còn kẻ bép xép, dại khờ lại bỏ lỡ cơ may. Kẻ nhiều lời sẽ bị chán ghét, người hiếu thắng thì bị khinh chê” (Sách Huấn Ca 20,1-8).
(”NOI, Genitori e Figli”, Mensile di Vita familiare, Supplemento ad Avvenire del 26 Settembre 2010, n.144, Anno XIV, trang 42)
(Sr. Jean Berchmans Minh Nguyệt, RadioVaticana 12.11.2015)