Người Công giáo Lào chuẩn bị cho Đại hội Giới trẻ Á châu

Laotian-Catholics.jpg
Giáo dân xếp hàng rước lễ trong Thánh lễ Mình Máu Thánh Chúa Kitô hôm 18-6. Nhà thờ chính tòa Thánh
Tâm cử hành Thánh lễ Chúa nhật bằng tiếng Việt, tiếng Lào và tiếng Anh. Ảnh: ucanews.com

Tham dự viên Đại hội Giới trẻ Á châu ở Lào tham dự hội trại tập huấn do 3 nhà đào tạo Thái Lan hướng dẫn.

20 người trẻ Lào thuộc cả ba nhóm sắc tộc – H’Mông, Khamu và Lào Loum – tham dự khóa tập huấn tại trung tâm phát triển giới trẻ của dòng Nữ tử Bác ái tại thủ đô Viên Chăn từ ngày 17-18/6.

Một người phụ nữ Philippines làm tình nguyện viên tại trung tâm phát triển một năm nay cũng tham gia hội trại.

Những người trẻ Công giáo này đến từ 3 trong số 4 giáo phận ở Lào, tập trung thực hành kỹ năng xây dựng tinh thần đồng đội và còn củng cố kỹ năng tiếng Anh nữa.

Joseph, lãnh đạo tình nguyện viên trẻ, cho biết anh rất háo hức muốn có cơ hội gặp gỡ những người trẻ Công giáo khác tại Đại hội Giới trẻ Á châu sắp tới được tổ chức tại giáo phận Semarang của Indonesia từ ngày 2-6/8.

“Dịp này không chỉ để nói về đức tân hồng y của chúng tôi hay 17 vị tử đạo được tôn phong Chân phước tháng 12 năm ngoái mà còn làm cho Giáo hội Công giáo hoàn vũ biết đến cộng đồng đức tin ở Lào”, Joseph phát biểu với ucanews.com.

“Các bạn trẻ và tôi còn sẵn sàng làm chứng về cách sống đức tin trong quốc gia cộng sản, trong đó đa số công dân theo Phật giáo”.

Đức tân hồng y mà Joseph nhắc tới là Đức cha Louis-Marie Ling Mangkhanekhoun. Đức tân Hồng y Ling, 73 tuổi, nằm trong danh sách 5 tân hồng y được Đức Thánh cha Phanxicô công bố hôm 21-5. Công nghị hồng y dự kiến diễn ra vào ngày 28-6, ngay trước ngày lễ hai Thánh Phêrô và Phaolô. Đức tân Hồng y Ling là người dân tộc Khamu, bộ tộc sống ở vùng đồi núi đến từ miền bắc Lào và miền nam Trung Quốc.

17 vị tử đạo được nhắc đến gồm có các linh mục, giáo lý viên và giáo dân đã được Giáo hội Công giáo tuyên bố tử đạo. Các ngài bị giết hại trong giai đoạn bạo lực chống tôn giáo dưới thời cộng sản Pathet Lào từ năm 1954-1970.

Tôn giáo thiểu số

Joseph, 27 tuổi, vốn thuộc thế hệ Công giáo thứ 3, kể khi còn đi học anh là người duy nhất giơ tay lên khi giáo viên chủ nhiệm hỏi bạn nào không phải là Phật tử.

Kitô hữu chiếm khoảng 1% trong số 7 triệu dân Lào, trong đó có khoảng 45.000 người Công giáo.

Từ khi còn nhỏ, Joseph đã nhận thấy có sự hiểu lầm rất lớn về Kitô giáo nơi người dân địa phương. “Người ta phao tin đồn rằng người mẹ nào muốn rửa tội cho con cần phải ngủ với linh mục”, anh dẫn một ví dụ.

BK, người dân tộc Khamu làm việc trong chính quyền, nói chế độ cộng sản trong quốc gia này hạn chế quyền tự do tín ngưỡng. “Nhưng tình hình càng khó khăn, đức tin của chúng tôi càng mạnh”.

Silae, giáo dân 25 tuổi đến từ Viên Chăn, có cùng quan điểm với BK. Anh nói “khi không được phép xây thêm nhà thờ trong thủ đô, chúng tôi vẫn có thể làm nhiều hơn và tốt hơn trong khuôn viên nhà thờ hiện nay”.

Nhờ bên ngoài trợ giúp

Giải thích về sự có mặt của các nhà đào tạo Thái Lan, Joseph cho biết các lãnh đạo giới trẻ địa phương kết nối với những người trẻ khác bằng cách kết bạn với họ và “vì họ tin tưởng và chia sẻ những vấn đề riêng tư với chúng tôi như bạn bè, chúng tôi không thể đảm nhận vai trò đào tạo”.

Joseph nói thêm anh không được đào tạo chính thức để trở thành lãnh đạo giới trẻ trong Giáo hội nhưng “áp dụng phương pháp học tập thông qua trải nghiệm”.

Khi có diễn giả khách mời nước ngoài, người trẻ thường chú ý lắng nghe hơn, Joseph nhận xét. Hai người nói tiếng Thái Lan và tiếng Lào có thể hiểu nhau.

Ban Đặc trách Giới trẻ trực thuộc Văn phòng Giáo dân và Gia đình của FABC tổ chức Đại hội Giới trẻ Á châu với sự hợp tác của các Ủy ban Giới trẻ trực thuộc các hội đồng giám mục quốc gia. Sự kiện này được tổ chức 3 năm một lần.

“Giới trẻ Á châu hân hoan sống Phúc Âm tại châu Á đa văn hóa”, là chủ đề của Đại hội Giới trẻ Á châu lần thứ 7 sẽ được tổ chức tại Yogyakarta thuộc giáo phận Semarang.

Đại hội Giới trẻ Á châu lần thứ 6 với chủ đề “Hỡi Bạn trẻ Á châu, hãy thức tỉnh!” được tổ chức tại Hàn Quốc năm 2014.

(UCAN 21.06.2017)