Giải đáp của Cha Edward McNamara, Dòng Đạo Binh Chúa Kitô, giáo sư phụng vụ tại Đại học Regina Apostolorum (Nữ Vương các Thánh Tông Đồ), Rôma.
Hỏi: Là một linh mục, tôi gặp khó khăn với sự việc rằng, với Sách Lễ Rôma hiện tại, linh mục bỏ một chút Bánh Thánh vào trong Chén thánh, trước nghi thức bẻ bánh, vốn diễn ra trong khi đọc Kinh “Lạy Chiên Thiên Chúa”. Tại sao có sự thay đổi đặc biệt này? – SK, Milford, bang Connecticut (Mỹ).
Đáp: Trên thực tế, sự thay đổi là trong vị trí của chữ đỏ trong Sách Lễ Rôma hơn là sự thay đổi trong thực hành.
Trong bản dịch trước đây, chữ đỏ vào lúc bẻ bánh nói:”Sau đó, hát hoặc đọc kinh “Lạy Chiên Thiên Chúa….”
Sau Kinh “Lạy Chiên Thiên Chúa”, chữ đỏ nói tiếp: “Kinh này có thể lặp lại nhiều lần cho đến khi việc bẻ bánh hoàn tất, nhưng lần cuối cùng vẫn kết “Xin ban bình an cho chúng con”.
“Trong khi đó, linh mục bẻ bánh trên đĩa, lấy một miếng nhỏ bỏ vào chén và đọc thầm: “Xin cho việc hòa Mình và Máu Ðức Giêsu Kitô, Chúa chúng con, mà chúng con sắp lãnh nhận đem lại cho chúng con sự sống muôn đời”.
Còn bản dịch mới, theo sách lễ tiếng Latinh, có một cách tiếp cận hơi khác. Sau khi “mọi người tỏ cho nhau dấu bình an và bác ái theo phong tục địa phương. Chủ tế chúc bình an cho phó tế hay cho người giúp lễ”, chữ đỏ nói: “Rồi linh mục bẻ bánh trên đĩa, lấy một miếng nhỏ bỏ vào chén và đọc thầm: “Xin cho việc hòa Mình và Máu Ðức Giêsu Kitô, Chúa chúng con, mà chúng con sắp lãnh nhận đem lại cho chúng con sự sống muôn đời”.
Sách lễ tiếp tục: “Trong khi đó, hát hoặc đọc kinh “Lạy Chiên Thiên Chúa”….Nếu việc bẻ bánh kéo dài, có thể lặp lại nhiều lần kinh “Lạy Chiên Thiên Chúa”, nhưng lần cuối cùng vẫn kết “xin ban bình an cho chúng con”.
Như thế, mặc dù thứ tự của chữ đỏ đã bị đảo ngược, các hành động được mô tả là chính xác như nhau: Bánh thánh được bẻ ra, và một chút bánh được bỏ vào Chén thánh, trong khi cộng đoàn hát hay đọc kinh “Lạy Chiên Thiên Chúa”. Chìa khóa để hiểu cả hai chữ đỏ này là sự sử dụng từ ngữ “trong khi”. Trong các bản dịch trước đây, chữ “trong khi” được đặt ở hành động bẻ Bánh thánh, còn trong bản dịch mới, chữ “trong khi” được đặt ở lúc hát hay đọc kinh “lạy Chiên Thiên Chúa”.
Từ quan điểm này, chúng ta không thực sự xử lý một sự thay đổi nhưng với một sự sửa chữa. Trình tự trong bản dịch mới thực sự là đúng bản gốc, và được tìm thấy trong các ngôn ngữ khác. Chính bản dịch cũ bằng tiếng Anh là khác với các bản dịch khác.
Mặc dù hành động được mô tả là giống hệt nhau, tôi nghĩ rằng việc nhắc đến sự bẻ bánh trước là nhằm nhấn mạnh rằng đây là yếu tố phụng vụ quan trọng nhất tại thời điểm này. Kinh “Lạy Chiên Thiên Chúa” đi kèm theo hành động bẻ bánh và chuẩn bị sẵn sàng cho việc rước lễ, như thế là nhằm nhấn mạnh tầm quan trọng của việc bẻ bánh.
Thật vậy, việc bẻ bánh là một trong bốn yếu tố cơ cấu của việc cử hành Thánh Thể, vốn luôn hiện diện ở trong hình thức này hay hình thức khác kể từ thời các Tông Đồ. Bốn yếu tố là: chuẩn bị bánh và rượu; lời nguyện chúc phúc và tạ ơn được nói trên các lễ vật bởi vị linh mục chủ sự, để bánh rượu sẽ trở nên Mình và Máu Chúa Kitô; Bánh Thánh được bẻ ra; Mình Máu thánh được trao cho các tín hữu Rước lễ. Bằng cách này, hành động của Chúa Kitô vào ngày Thứ Năm Tuần Thánh – cầm lấy, dâng lời cảm tạ, bẻ ra và trao cho các môn đệ – được thực hiện để tưởng nhớ Người muôn đời.
Một điều nguy hiểm có thể có của bản dịch cũ, khi nhắc trước tiên đến kinh “Lạy Chiên Thiên Chúa”, có thể làm cho các tín hữu tin rằng việc hát kinh này là hành động chính, trong khi nghi thức bẻ bánh lại mờ nhạt, đến độ gần như có thể nói là linh mục làm cho nhanh việc bẻ bánh này.
(Nguyễn Trọng Đa/ Zenit 24.7.2012)