Chứng từ của một số người Do Thái sống sót trong trại tập trung Auschwitz
Ngày 27 tháng giêng vừa qua, là ngày kỷ niệm cuộc diệt chủng Do Thái Shoah. Ngày này đã được Liên Hiêp Quốc thành lập hồi năm 2005 để tưởng niệm các nạn nhân của Đức Quốc Xã trong thời Đệ Nhị Thế Chiến. Năm nay, nó trùng với 70 năm kỷ niệm ngày các đoàn quân Nga giải phóng trại tập trung Auschwitz bên Ba Lan, là trại tập trung lớn nhất, trong số hàng chục trại tù rải rác nhiều nơi trong nước Đức. Đã có 12 triệu người bị đầy ải và sát hại trong các trại tập trung Đức quốc xã, trong đó có 6 triệu người Do thái. Trong số các nạn nhân có các chính trị gia bất đồng chính kiến, các người tàn tật, người du mục Rom và Sinti, các người đồng tính luyến ái, các chứng nhân Giêhôva và 1,5 triệu trẻ em. Đây cũng là ngày tưởng niệm những người đã liều mạng che chở các người bị bách hại. Trong trại tập trung Auschwitz là trại Đức Quốc Xã đã xây để thực hiện giải pháp cuối cùng chống lại người Do Thái tại Âu châu, đã có 1,2 triệu người bị giết chết, đa số là Do Thái. Nhưng cũng có 100.000 tín hữu công giáo Ba Lan bị giết trong các lò hơi độc. Trong những ngày trước khi rút lui hay bị bắt, quân Đức Quốc Xã đã vội vàng thiêu hàng ngàn xác tù nhân, nhưng vẫn còn hàng ngàn xác khác chất đống ở sân trại tập trung Auschwitz.
Tham dự lễ nghi tưởng niệm tại Auschwitz chiều ngày 27 tháng giêng, đã có 38 phái đoàn các nước đến từ khắp nơi trên thế giới. với khoảng 300 nạn nhân sống sót.
Trong cùng ngày ĐHY Stanislaw Dziwisz, TGM Cracovia, nơi có trại tập trung Auschwitz, đã chủ sự lễ tưởng niệm tại Trung tâm đại kết đối thoại và cầu nguyện do Giáo Hội thành lập tại Auschwwitz. Cùng đồng tế thánh lễ, có ĐTGM Celestino Migliore, Sứ Thần Tòa Thánh tại Ba Lan. Trong số những người tham dự thánh lễ, có khoảng 150 cựu tù nhân của trại tập trung. Giảng trong thánh lễ, ĐHY nói: “Khi đặt câu hỏi làm sao Thiên Chúa hiện diện trong hỏa ngục Auschwitz, chúng ta phải nhớ lời nói cuối cùng của Chúa là một lời an bình. An bình là một ơn chúng ta phải cầu xin. Đó là lý do tại sao chúng ta lại họp nhau nơi đây để cầu nguyện, trước khi tiến một bước khác, là rút tỉa ra những kết luận từ quá khứ và từ những chứng nhân của lịch sử.”
ĐHY cũng đặt vấn nạn về trách nhiệm của con người đối với những hành động tàn ác tại Auschwitz. Đồng thời, ngài cũng nói rằng việc giải thoát trại tập trung này cũng là một lời nhắc nhở: hòa bình có thể đạt được nhờ cố gắng của con người. Ngài cũng đề cập đến nhiều sáng kiến lớn được đề ra để nhắc nhớ các thế hệ tương lai về quá khứ, đồng thời để xây dựng tương lai trong tinh thần trách nhiệm.
Sau đây là chứng từ của vài nạn nhân con sống sót của cuộc diệt chủng Do thái nói trên, đặc biệt là chứng từ của bà Liliana Segre.
+++
Piero Teracina đã bị đi đầy cùng 8 người trong gia đình, ông là người duy nhất sống sót trở về. Trước sự kiện có những người chối bỏ cuộc diệt chủng này, ông cho đó là một lời sỉ nhục không thể nào chịu đựng nổi. Ông nói: “Làm sao mà có thể chối bỏ cuộc diệt chủng được? Gia đình chúng tôi cả thảy 8 người bị đi đầy, chỉ có một mình tôi trở về. Khi chúng tôi ra đi từ Roma ngày 16 tháng 10 năm 1943, tất cả là 1.023, người kể cả một em bé còn chưa có tên, nhưng đã chỉ có 161 người sống sót trở về. Những người kia đã không tới Auschwwitz, nhưng tôi nhớ họ. Vậy họ đã biến đi đâu mất? Tại Auschwitz, tôi còn nhớ như in khi chúng tôi tới…, mẹ tôi ôm hôn tôi, những lời cha tôi nói với tôi… Tôi nhớ hết. Nhưng tôi là người duy nhất trong gia đình 8 người đã trở về.”
Tại Birkenau, ông Sami Modiano, do thái gốc Rodi, khi đó 13 tuổi, cũng đã mất hết người thân. Ông nói: “Rồi tới một lúc nào đó, khi bạn ở trong cái hỏa ngục ấy, bạn nhận ra rằng từ Birkenau, không có lối thoát khác ngoài cái chết. Và sự thật là nhiều người đã nhận ra điều này và họ quyết định tự tử: họ chạy ra hàng rào thép gai có luồng điện mạnh và nhảy vào đó cho điện giật chết… Tôi có một vết thương không bao giờ lành nữa. Tôi có các thinh lặng của tôi, cũng như các ám ảnh và các trầm cảm của mình. Tôi tiếp tục đau khổ. Nhất là khi tôi gặp các ngưởi trẻ và phải cắt nghĩa cho họ biết các điều này, đối với tôi, đó thật là một đau khổ khổng lồ, nhưng tôi làm điều đó. Tôi làm nó bởi vì tôi hiểu rằng Thiên Chúa Cha Vĩnh Cửu đã chọn tôi để thông truyền cho các bạn trẻ thuộc thế hệ mới này, ký ức điều tôi đã sống, để nó không tái diễn.”
Bà Liliana Segre bị đầy sang Auschwitz Birkenau lúc 13 tuổi. Các kinh nghiệm kinh hoàng đã sống, bà đã kể lại trong cuốn sách tựa đề “Cho tới khi nào ngôi sao của tôi còn chói sáng”.
Sau đây là bài phỏng vấn bà dành cho phái viên Fabio Colagrande của chương trình ý ngữ đài Vatican.
+++
Hỏi: Bà có kỷ niệm nào về thời thơ ấu không?
Đáp:
Tôi đã là một bé gái rất an bình, rất được yêu mến và nâng niu chiều chuộng trong gia đình. Mọi người đều hướng về tôi. Nhưng từ lúc bị bắt, tôi bắt đầu biết tới một thế giới khác, dửng dưng với điều đã xảy ra cho một nhóm nhỏ các công dân Italia gốc Do Thái, không được hàng xóm láng giềng biết tới. Đến độ sau chiến tranh, khi tôi tìm lại các bạn gái cùng trường, họ đã không nhận thấy sự vắng mặt của tôi và đã hỏi tôi: “Chị đã biến đi đâu mất vậy?” Tôi đã muốn trả lời “biến sang Auschwitz”, nhưng lúc đó tôi đã không có sức mạnh làm điều ấy.
Hỏi: Trong chuyến xe lửa đem bà tới trại tập trung Auschwitz với cha của bà và biết bao nhiêu người khác, một lúc nào đó, bà đã nói “Tôi cảm thấy mình đã trở thành người lớn”. Tại sao vậy?
Đáp:
Đó đã là một chuyến đi của những con người bình thường tới một đích điểm không được biết. Họ đã lên và xuống xe lửa như thú vật bị đem đi giết trong các toa xe ấy. Đã có cả một chặng đường, không phải chỉ qua Rừng Đen hay các nơi khác chúng tôi không biết. Đó đã là một lộ trình nội tâm của các trìu mến, của tình yêu thương, của các lời nói cuối cùng, của các cái nhìn của người sau đó đi tới cái chết.
Hỏi: Tại sao lúc đó bà lại cảm thấy mình là người lớn?
Đáp:
Tôi đã luôn luôn là bé gái của cha tôi, nhưng lúc đó, chính tôi lại là người che chở ông trong sự tuyệt vọng của ông, bởi vì chịu đựng một chuyện như thế, như là con cái thì dễ hơn như là cha mẹ. Khi tôi đã trở thành mẹ, rồi bà nội bà ngoại, tôi đã hiểu tới tận cùng sự tuyệt vọng mà cha tôi đã phải có. Và trong lúc đó, tôi hài lòng vì đã làm cho cha tôi cảm thấy tất cả tình yêu của tôi.
Hỏi: Bà đã kể rằng trong những ngày sống tại Auschwitz, bà đã tín thác nơi bản năng sống còn và với trí khôn, bà đã thành công trong việc trốn chạy điều đang phải sống, có đúng thế không?
Đáp:
Với cha tôi, tôi có thói quen nhìn trời, và cha tôi đã mang tôi vào vũ trụ. Thế giới của các vì sao là một thế giới hấp dẫn, vì thế tôi đã tìm cách nhìn các vì sao tại trại tập trung Auschwitz và tôi đã chơi một trò chơi trẻ con với chính mình: đó là đồng hóa mình với một vì sao nhỏ. Tuy nhiên, các trò chơi nhỏ này không đủ để giúp sống còn, cần phải sống ngày qua ngày…
Hỏi: Bà kể rằng đã có một sự dày vò lương tâm đối với một thiếu nữ chết trong trại tập trung Auschwitz: đó là cô Janine… Tại sao vậy?
Đáp:
Cô gái người Pháp này đã làm việc chung một máy với tôi từ lâu, vì thế giữa chúng tôi, có sự gần gũi, và đây không phải là điều ít ỏi trong trại tập trung. Nhưng tôi đã không chấp nhận các xa cách, tôi đã không thể chịu đựng được việc tôi bám chặt vào một ai đó, rồi thấy họ bị giật ra khỏi mình. Do đó, tôi đã tạo cho mình một cái áo giáp. Khi sau một lần thanh lọc và tôi đã qua được, tôi cảm thấy người ta bắt Janine, vì chiếc máy đã cắt đi hai lóng của hai ngón tay Janine. Đó đã là điều kinh khủng và tôi luôn luôn kể lại cho người trẻ nghe khi nói chuyện với họ. Lúc đó, tôi đã không có sức mạnh để quay lại nhìn Janine và nói với chị ấy một lời tốt lành, hay gọi tên chị ấy. Tôi đã bước tới một bước và mặc áo vào. Cả khi tôi biết là người ta sẽ đem Janine vào lò hơi độc. Tôi đã không bao giờ tha thứ cho chính mình.
Hỏi: Từ 25 năm nay, bà đã quyết định kể lại trang sử đen tối này của cuộc đời mình. Bà có cảm thấy người ta muốn biết nó không?
Đáp:
Trong các trường học, chắc chắn là có rồi. Người trẻ đáp trả lại rất hay. Họ đưa ra các câu hỏi vô tận. Trong các trường hợp khác bên ngoài môi trường học đường, tôi rất ít khi đề cập đến các đề tài này. Nhất là giữa những bạn bè, đã già cả rồi, luôn có một chút trạng thái bệnh hoạn nào đó, hay rất dốt nát, hoặc cố ý muốn đóng cái tủ xấu hổ ấy, một sự xấu hổ cũng là của Italia nữa.
Hỏi: Thưa bà Segre, bà muốn những ai đọc cuốn sách “Cho tới khi nào ngôi sao của tôi còn chói sáng” này?
Đáp:
Tôi là một bà nội bà ngoại, và các bà nội bà ngoại luôn luôn kể chuyện cổ tích, xưa kia là các chuyện ngụ ngôn xấu, nhưng giả tưởng. Trái lại, tôi đã viết một câu chuyện thật, tặng cho các cháu lý tưởng của tôi và tôi hy vọng là chúng đọc nó. (RG27-1-2015)
Linh Tiến Khải
(Vatican 2015-03-02)