Ngày thế giới của những người tị nạn: bốn số phận của người di dân

Theo Liên Hiệp Quốc, có 60 triệu người trên thế giới ở trong hoàn cảnh phải bỏ nhà ra đi vì chiến tranh hoặc vì bạo lực.

 Syria-Kos.jpg
Người di dân Syria được cứu ở đảo Kos, Hy Lạp

Thứ hai 20 tháng 6 là Ngày Thế giới của người tị nạn, ngày này diễn ra trong bối cảnh của cơn khủng hoảng cao độ do xung đột ở Syria và nạn độc tài ở Êrythrê.

Báo «Thập giá» ghi lại hai cuộc tị nạn hiện nay, làm nhớ lại hai cuộc tị nạn trước đây, cuộc tị nạn của «thuyền nhân» và cuộc tị nạn trong thời chiến tranh Bosnia.

Theo Cao Ủy Tị Nạn Liên Hiệp Quốc, 1 trên 122 người trên thế giới là người tị nạn hay người phải rời khỏi nhà mình ngay tại trong nước.

Diễn giải theo con số, có nghĩa là có 60 triệu người, – gần một nửa dân số nước Pháp -,  có quy chế này hoặc sẽ có quy chế này, theo Công ước Genève, vì họ đã phải bỏ làng, bỏ thành phố, bỏ xứ ra đi vì bị đe dọa bởi bạo lực và các cuộc xung đột.

Theo Cao Ủy Tị Nạn, từ trước đến nay, ngưỡng của con số 60 triệu chưa bao giờ được đạt đến. Như vậy cần phải nhắc đến con số này nhân ngày Thế giới của người tị nạn, ngày 20 tháng 6, một ngày được ghi nhớ từ năm 2001.

Làm sao nói đến tầm quan trọng của sự kiện này khi trong những tháng gần đây, báo chí nói dài dài những trang đen tối về câu chuyện của những người tị nạn? Những lời chứng bi thảm, giữa cấp kỳ và hy vọng, trong các trại tị nạn ở Thổ Nhĩ Kỳ, Hy Lạp, Calais.

Hoặc ở những nơi khác trên thế giới mà mọi người ít biết đến, nơi có những trẻ em – càng ngày càng có những trẻ vị thành niên bị cô lập! -,  những người đàn bà, những người đàn ông tìm «chỗ trú ẩn»: ở Liban nơi người tị nạn Syria chiếm 1.3 triệu người trên 4.1 triệu người dân; ở thành phố Dadaab, Kenya, nơi có trại tị nạn lớn nhất thế giới với hơn 300 000 người tị nạn Somalia ở đây từ hơn một phần tư thế kỷ nay…

Chính xác chúng tôi đi về hướng hy vọng. Hai người tị nạn làm lại cuộc đời, một bà người Cao Miên đã định cư ở Pháp từ 35 năm nay, một người Serbia từ Bosnia đến từ 20 năm nay, họ cùng ở đây chung với hai người khác, cũng xây dựng lại cuộc đời: một người Êrythrê làm thông dịch tiếng Lêtônia và một thanh niên trẻ Syria ở Paris từ gần một năm nay, anh đang dũng cảm tiếp tục học.

Mỗi người kể câu chuyện đời mình, và cũng như bao nhiêu cuộc đời khác, cuộc đời của một thế giới luôn biến động.

«Sống một mình không phải dễ»

Mahmoud Hamdan, 21 tuổi, người gốc Syria

Anh là người ở thành phố Homs, Syria, «sinh viên không biên giới» này đã tìm đường đi của mình ở Pháp, anh ghi tên học ngành Vi tính và Toán ở quận 8, Paris.

«Quyền người Pháp, một gia sản quý báu»

Claire Ly, 70 tuổi, người gốc Cao Miên

Bà Claire Ly đã sống sót qua những trại tập trung khủng khiếp dưới thời khmer đỏ giữa  những năm 1975 và 1979, lúc đó bà mang thai và mẹ của một bé trai. Được quân đội Việt Nam giải phóng, bà đến trại tị nạn Thái Lan và xin tị nạn chính trị ở Pháp năm 1980.

 «Bây giờ tôi có tự do»

Robel Taages, 30 tuổi, người Êrythrê, tị nạn ở Lêtônia

Cách đây 6 tháng, Robel Taages rời thành phố Asmara, Êrythrê để trốn chế độ độc tài của tổng thống Issayas Afeworki. Cùng với vợ và một trong những đứa con của mình, họ đi qua Âu châu để đến Lêtônia. Đó là một trong những gia đình đầu tiên mà xứ Balte chấp nhận bảo trợ trong một chương trình của Âu châu.

 «Không có gì gay go cho bằng sống trong chiến tranh»

Milomir Kovacevic, 55 tuổi, người gốc Bosnia (Yougoslavia cũ)

«Milo» đã sống giai đoạn bao vây khủng khiếp ở Sarajevo trong thời kỳ chiến tranh với Bosnia. Thân phụ của ông bị ám sát chết. Chính ông bị bắt cóc và được cứu trong đường tơ kẻ tóc. Năm 1995, lúc đó ông 34 tuổi và phải sống 1000 ngày trong tình trạng bị bao vây, sau đó ông trốn qua Zagreb, tại đây ông xin được chiếu khán vào Pháp.

(Nguyễn Tùng Lâm dịch, phanxico.vn 21.06.2016/
la-croix.com, 2016-06-20)