Phòng vấn ĐHY Antonio Maria Vegliò, Chủ tịch Hội Đồng Toà Thánh Mục Vụ cho Người Di Cư và Lưu Động
Mùng 8 tháng 2 vừa qua, là Ngày Quốc Tế Chống Nạn Buôn Người lần thứ nhất. Ngày này đã do Liên Hiệp các Dòng Nam và Liên Hiệp cácĐòng Nữ Thăng Tiến và do Hội Đồng Tòa Thánh Mục Vụ Cho Người Di Cư và Lưu Động bảo trợ. Nó đã được thành lập theo ý muốn của Đức Thánh Cha Phanxicô cử hành vào ngày mùng 8 tháng 2, lễ thánh nữ Josephine Bakhita. và có đề tài là: “Thắp lên một ngọn đèn chống nạn buôn người”.
Thánh nữ Bakhita, thuộc bộ lạc Daju, sinh vào khoảng năm 1869 tại làng Olgossa trong vùng Đarfur ở mạn tây Sudan, trong một gia đình khá giả có 7 người con. Vào năm 1877, Bakhita bị một nguởi A rập buôn nô lệ bắt cóc như đã bắt cóc chị của Bakhita hai năm trước đó, và chị bị bắt buộc đi bộ tới El Obed, cách đó 960 cây số. Nhưng trước khi tới nơi, chị đã bị bán hai lần. Trong vòng 12 năm sau đó, chị bị bán 3 lần nữa, và bị chấn thương tâm thần đến quên tên thật của mình, và nhận tên Bakhita, có nghĩa là “may mắn”, mà các nô lệ gọi chị. Chị cũng bị bắt buộc theo Hồi giáo. Tại El Obeid, chị bị bán cho một thương gia A Rập giầu, và có bổn phận hầu hạ hai con gái của ông. Nhưng có lần chị làm vỡ một cái bình, nên bị con trai ông chủ đánh đập đến bị trọng thương. Tiếp đến, chị bị bán cho một ông tướng người Thổ Nhĩ Kỳ và phải hầu hạ mẹ và vợ của ông ta. Cả hai người này nổi tiếng là tàn ác với các nô lệ. Không ngày nào mà chị không bị đánh đập, trên ngưởi chị có đến 114 thương tích.
Vào năm 1882, dưới sự đe dọa tấn công của quân cách mạng Mahdist, vị tướng người Thổ bán hết nô lệ, chỉ giữ lại 10 người để bán sau, trước khi về nước. Tới Khartum, ông bán Bakhita cho ông Phó lãnh sự Ý Callisto Legnani. Chị được đối xử rất tử tế. Hai năm sau khi ông Legnani chuẩn bị về Italia, chị xin đi theo. Năm 1885, Bakhita tới Genova. Ông Legnani gặp lại bạn cũ ở Khartum trước đó, là Augusto Michieli, và tặng Bakhita cho bà Maria Turina Michieli, và họ mang Bakhita về biệt thự tại Zianigo gần Mirano vùng Veneto. Chị sống tại đây ba năm và trở thành vú nuôi của Alice, con bà Maria Turina. Ít năm sau đó, gia đình Michieli quyết định bán gia tài để trở lại sống bên Sudanl, vì ông Michieli đã mua được một khách sạn lớn bên đó. Nhưng việc bán nhà đất kéo dài, năm 1888, ông bà Michieli phải gửi Bakhita và con gái cho các nữ tu Canossian tại Venezia . Khi mọi chuyện xong xuôi, bà Michieli trở vể Italia đón Bakhita và con gái sang Sudan. Nhưng Bakhita từ chối đi theo, vì chị đang theo học gíáo lý để chuẩn bị vào đạo và muốn tận hiến cuộc đời cho Chúa. Tòa án Italia phán quyết Bakhita không phải là nô lệ, và vì đã tới tuổi trưởng thành, nên có quyền tự quyết. Bakhita quyết định ở lại trong dòng các nữ tu Canossian.
Chị được rửa tội, lấy tên thánh là Josephine Margaret và Fortunata. Trong cùng ngày, chị được lãnh bí tích Rửa Tội, Thêm Sức và rước lễ từ tay ĐHY Thượng phụ Venezia Giuseppe Sarto, sau này là Đức Giáo Hoàng Piô X.
Trong dòng, chị Bakhita làm bếp, làm phòng thánh, giữ cửa, tiếp xúc với mọi người và sống hiền lành tươi vui thánh thiện cho tới khi qua đời năm 1947 tại tu viện Schio. Chị đã được Đức Gioan Phaolô phong thánh năm 2000.
Trong cuộc họp báo giới thiệu ngày quốc tế chống nạn buôn người sáng ngày mùng 3 tháng 2 tại Phòng báo chí Tòa Thánh, ĐHY Peter Turkson, Chủ tịch Hội Đồng Tòa Thánh Công Lý và Hòa Bình, nhắc lại một nhận xét của Đức Thánh Cha Phanxicô trong sứ điệp Ngày Hòa Bình Thế Giới đầu năm nay, đó là: “Tuy cộng đồng quốc tế đã chấp nhận nhiều hiệp định để chấm dứt nạn nô lệ dưới mọi hình thức và đề ra nhiều chiến lược để bài trừ hiện tượng này, nhưng ngày nay,vẫn còn hàng triệu người – trẻ em, người lớn nam nữ thuộc mọi lứa tuổi – bị tước đoạt mất tự do và bị bó buộc phải sống trong những điều kiện giống như nô lệ”. Theo ĐHY Turkson, những người đang kêu gào mong được giải thoát, tìm được nơi thánh nữ Josephine Bakhita, một cựu nô lệ, một chứng nhân gương mẫu về niềm hy vọng. Chúng ta, các nạn nhân và những người bênh vực họ, không thể làm gì tốt hơn là noi gương cuộc sống và phó thác những cố gắng của chúng ta cho sự chuyển cầu của thánh nữ”.
ĐHY cũng nói rằng Ngày Thế Giới chống nạn buôn người là một sự động viên gây ý thức và cầu nguyện trên bình diện quốc tế để chống lại tệ nạn đáng kinh tởm này.
Trong cuộc họp báo, đã có bốn nữ tu trình bầy các chứng từ và các sáng kiến chống nạn buôn người, đặc biệt là tổ chức “Talithà kum” do Liên mạng quốc tế đời sống thánh hiến chống nạn buôn người thành lập hồi tháng 9 năm 2009, và nay gồm 24 mạng thành viên tại 81 quốc gia, tích cực hoạt động cứu giúp, bênh vực các nạn nhân, cũng như động viên dư luận chống lại nạn buôn người.
Sau đây là một vài nhận xét của ĐHY Antonio Maria Vegliò, Chủ tịch Hội Đồng Tòa Thánh Mục Vụ cho người di cư và lưu động.
+++
Hỏi: Thưa ĐHY, tại sao Đức Thánh Cha lại cho thành lập Ngày quốc tế cầu nguyện và suy tư về nạn buôn người trên thế giới?
Đáp:
Cùng tư tưởng với các Giáo Hoàng tiền nhiệm, Đức Thánh Cha Phanxicô đặc biệt chú ý tới thảm cảnh của nạn buôn người và tìm các hành động cụ thể đế chống lại tệ nạn nô lệ hiện đại này trong tất cả mọi hình thái của nó, mà nhiều lần, ngài đã định nghĩa như là “một tội phạm chống lại nhân loại”. Nạn buôn bán người quả thật là một báo động cho toàn thể xã hội, và cho thấy nó liên lụy tới các quốc gia thuộc mọi đại lục. Theo các số liệu của Tổ chức lao động quốc tế, hiện trên thế giới có 21 triệu người là nạn nhân của việc buôn bán người với mục đích khai thác tình dục hay lao động cưỡng bách, lấy cơ phận, ăn xin, làm đầy tớ trong các gia đình, hôn nhân cưỡng bách và nuôi con bất hợp pháp. Hơn 60% trên tổng số 21 triệu nạn nhân là phụ nữ và trẻ em.
Đức Thánh Cha xin tất cả mọi người chiến đấu chống lại sự thờ ơ và chống lại nền văn hóa gạt bỏ “để không là nô lệ, nhưng là anh chị em với nhau”, như ngài đã khích lệ trong sứ điệp gửi Ngày Hoà Bình Thế Giới lần thứ 48. Các lời kêu gọi của Đức Thánh Cha hướng thẳng tới các giới chức lãnh đạo và các cơ cấu xã hội. Ngài cũng nhắc nhớ cho từng người biết trách nhiệm xã hội của mình, là chống lại hiện tượng tội phạm này, liên lụy tới cả các doanh nghiệp và các dây xích phân phối, để đừng có ai trở thành đồng lõa với thái độ nín lặng hay với sự thờ ơ của các tổ chức tội phạm kiếm lời hàng tỷ Euros, bằng cách khai thác cuộc sống của các người nam nữ và trẻ em trong tình trạng nô lệ
Hỏi: Thưa ĐHY, hiện tượng buôn bán người này có dính líu tới hiện tượng di cư đến mức nào?
Đáp:
Các tổ chức tội phạm đã biến việc buôn bán người, trở thành một dịch vụ làm ăn, và chúng tìm thấy đất mầu mỡ nơi các cuộc di cư. Các nạn nhân bị quyến rũ cho việc khai thác công nhân và khai thác tình dục, thường được di chuyển sang các nước gần, hay sang các đại lục khác, với các chuyến du hành, chẳng hạn như với các chiếu khán du lịch hay các vé máy bay. Nhiều lần khác, các nạn nhân bị đem đi trên các tầu chở hàng hay ẩn dấu. Nếu họ sống sót sau chuyến đi, họ bị biến thành nô lệ tại quốc gia họ được chở đến. Trong việc di cư bất thường, tình trạng của các người di cư kinh tế cũng thê thảm, vì họ chạy trốn nghèo đói, hay các người xin tỵ nạn vì trốn chạy các bách hại hay chiến tranh. Cả trong các quốc gia kỹ nghệ, sự kiện các người di cư hay tỵ nạn đến, là một dịp kiếm lợi nhuận dễ dàng cho các tay tội phạm lợi dụng sự tuyệt vọng của các anh chị em dễ tổn thương này – đa số họ là phụ nữ đơn độc hay có các con nhỏ, hoặc các trẻ em đi một mình. Nhiều người trở thành các nạn nhân bị khai thác bóc lột bởi các tổ chức tội phạm có khả năng tiếp xúc với họ và khiến cho họ trở thành vô hình. Chính vì vậy, điều nền tảng là phải củng cố các hoạt dộng thông tin về các quyền và các bổn phận của người di cư, bằng cách nhận diện ra những người dễ bị tổn thương nhất, cần được trợ giúp một cách đặc biệt như các trẻ em vị thành niên đi một mình, nạn nhân của tệ nạn buôn người, các người di cư có nguy cơ bị khai thác bóc lột. Trợ giúp các lực lượng an ninh để nhận diện các người dễ gặp nguy cơ. Thế rồi, cần thông tin tức cho người di cư và ty nạn liên quan tới các nguy hiểm gắn liền với việc di cư bất hợp pháp, tới việc buôn người và biến thành nô lệ với mục đích khai thác, cũng như việc lưu trú bất hợp pháp trên đất của quốc gia đó.
Hỏi: Thưa ĐHY, phần đóng góp của Giáo Hội tại địa phương và trên bình diện quốc tế nhằm chống lại nạn buôn bán người,hiện như thế nào, và Giáo Hội có thể làm được gì hơn nữa không ?
Đáp:
Từ nhiều năm nay Giáo Hội cống hiến phần đóng góp của mình trên bình diện quốc tế khi tham dự các hội nghị cấp cao nhằm che chở các nạn nhân, lên tiếng nói và gây ý thức về đề tài buôn người. Trên bình diện địa phương, các Giám Mục của các Hội Đồng Giám Mục hoạt động can thiệp với các chính quyền để gây ý thức đối với hiện tượng buôn bán người, chẳng hạn như tại Philippines, bên Thụy Sĩ và bên Hoa Kỳ.
Thế rồi cũng có các tổ chức công giáo của xã hội dân sự hoạt động trên mạng. Tôi nghĩ tới COANET là mạng của các tổ chức công giáo chống nạn buôn người, được Caritas Quốc Tế hỗ trợ. Đây là tổ chức mà Hội Đồng Toà Thánh mục vụ cho người di cư và lưu động cũng tham dự với tư cách là quan sát viên. Nhiều tổ chức Caritas rải rác đó đây trên thế giới cũng cống hiến các chương trình trợ giúp, che chở và hội nhập các nạn nhân. Ngoài ra, còn có một mạng lưới dầy, gồm các nữ tu trên thế giới cứu mạng sống của những người vô tội và tái trao ban cho họ phẩm giá là người. Giáo Hội tiếp tục và sẽ tiếp tục tố cáo tệ nạn buôn người này của nhân loại, và thật là quan trọng việc tổ chức các cuộc hội thảo bàn tròn có thế thiết định với các cơ cấu chính quyền của mọi nước để làm nảy sinh ra một khung cảnh pháp lý quan trọng, như trường hợp tại Italia cách đây mấy năm.
(SD 3-2-2015; RG 7-2-2015)
(Vatican 05/03/2015)
Linh Tiến Khải