“Nếu anh em thực hành, thì thật phúc cho anh em!” (30.4.2015 – Thứ năm, sau Chúa Nhật IV Phục Sinh)

“Nếu anh em thực hành, thì thật phúc cho anh em!”

(Ga 13, 16-20)

 

Sau khi rửa chân cho các môn đệ, Đức Giê-su nói: 16 “Thật, Thầy bảo thật anh em: tôi tớ không lớn hơn chủ nhà, kẻ được sai đi không lớn hơn người sai đi.17 Anh em đã biết những điều đó, nếu anh em thực hành, thì thật phúc cho anh em!

18 Thầy không nói về tất cả anh em đâu. Chính Thầy biết những người Thầy đã chọn, nhưng phải ứng nghiệm lời Kinh Thánh sau đây: Kẻ đã cùng con chia cơm sẻ bánh lại giơ gót đạp con.19 Thầy nói với anh em điều đó ngay từ lúc này, trước khi sự việc xảy ra, để khi sự việc xảy ra, anh em tin là Thầy Hằng Hữu.

20 Thật, Thầy bảo thật anh em: ai đón tiếp người Thầy sai đến là đón tiếp Thầy, và ai đón tiếp Thầy là đón tiếp Đấng đã sai Thầy.”

  1. Thực hành và mối phúc (c. 16-17)

Sau khi rửa chân cho các môn đệ (Ga 13, 3-5) và giải thích ý nghĩa (c. 12-15), Đức Giê-su nói:

Thật, Thầy bảo thật anh em: tôi tớ không lớn hơn chủ nhà, kẻ được sai đi không lớn hơn người sai đi. Anh em đã biết những điều đó, nếu anh em thực hành, thì thật phúc cho anh em!

(c. 16-17)

Nghe lời này của Đức Giê-su, chúng ta có thể hiểu ngay rằng, để hưởng mối phúc, chúng ta được mời gọi, trong mọi sự, sống tương quan với Người theo khuôn mẫu chủ và tớ, hay khuôn mẫu người sai đi và người được sai đi. Tuy nhiên, nếu chúng ta nối kết lời nói này của Đức Giê-su với hành động rửa chân Ngài vừa thực hiện và với lời giải thích, chúng ta sẽ hiểu hoàn toàn khác hẳn. Thật vậy, ngay sau khi rửa chân cho các Tông Đồ, Người nói:

Anh em có hiểu việc Thầy mới làm cho anh em không? Anh em gọi Thầy là Thầy, là Chúa, điều đó phải lắm, vì quả thật, Thầy là Thầy, là Chúa. Vậy nếu Thầy là Chúa, là Thầy mà còn rửa chân cho anh em, thì anh em cũng phải rửa chân cho nhau.

Như thế, đây mới là việc thực hành mang lại mối phúc mà Đức Giê-su muốn thông truyền cho chúng ta: trong các mối tương quan gia đình, xã hội và Giáo Hội, sự khác biệt “người trên kẻ dưới” là không thể tránh được, nhưng chúng ta được mời gọi “rửa chân cho nhau”, và nhất là người trên “rửa chân” cho kẻ dưới, chủ nhân “rửa chân” cho tôi tớ, người sai đi “rửa chân” cho người được sai đi, như chính Thầy Đức Giê-su, vốn là Đức Chúa của chúng ta, đã “rửa chân” cho từng người chúng ta.

 

  1. Mầu nhiệm Thập Giá (c. 18-19)

Tuy nhiên, trong mầu nhiệm Thập Giá, Đức Giê-su còn đi xa hơn hành vi rửa chân, hay đúng hơn hành vi rửa chân đã loan báo mầu nhiệm Thập Giá rồi, khi Ngài nói: “Chính Thầy biết những người Thầy đã chọn, nhưng phải ứng nghiệm lời Kinh Thánh sau đây: Kẻ đã cùng con chia cơm sẻ bánh lại giơ gót đạp con”.

Quả vậy, trình thuật Tin Mừng theo thánh Gioan về việc Đức Giê-su rửa chân cho các môn đệ được đánh dấu rõ nét từ đầu đến cuối bởi hành vi phản bội:

  • Ma quỉ đã gieo vào lòng Giu-đa…” (c. 2 và 27), ở đây Giuđa được nhìn như là nạn nhân của Sự Dữ.
  • Người biết ai sẽ nộp Người” (c. 11): Giuđa được nhìn như là tác nhân.
  • Nhưng phải ứng nghiệm lời Kinh Thánh sau đây: kẻ đã cùng con chia cơm sẻ bánh lại giơ gót đạp con” (c. 18; trích Tv 41, 10). Giuđa được nhìn trong Kế Hoạch cứu độ của Thiên Chúa.

Trước hết, chúng ta cần nhận ra rằng, bản chất đích thực của hành vi phản bội phức tạp hơn chúng ta tưởng ; thực vậy, cùng với Giu-đa, còn có ma quỉ và hơn nữa cả hai được tháp vào trong kế hoạch cứu độ của Thiên Chúa. Giuđa, và cùng với Giu-đa là Satan, không những không ngăn cản được tình yêu của Đức Giêsu, nhưng vô tình làm cho tình yêu ấy trở nên tuyệt đối và đi đến cùng. Tình yêu đến cùng dành cho các môn đệ, trong đó có Giuđa, cho từng người chúng ta.

Đức Giê-su cúi mình xuống rửa chân cho từng người chúng ta; nhưng có người lại “giơ gót đạp Ngài”. Cả hành vi này, Ngài cũng đón nhận trong bình an và bao dung, ngang qua cái chết trên Thập Giá (x. Mt 26, 50). Đó chỉ có thể là sự khôn ngoan và sức mạnh thần linh, mời gọi chúng ta nhận ra Đức Giê-su Ki-tô là Con Thiên Chúa, là Đấng Hằng Hữu:

Thầy nói với anh em điều đó ngay từ lúc này, trước khi sự việc xảy ra, để khi sự việc xảy ra, anh em tin là Thầy Hằng Hữu.

Xin cho sức mạnh và sự khôn ngoan của Thập Giá chinh phục con tim của chúng ta.

 

  1. Hiệp thông trọn vẹn (c. 20)

Trong đời sống xã hội, cũng như trong đời sống đức tin và ơn gọi, sự phân cấp là không thể không có, Đức Giê-su không phá bỏ, nhưng thay đổi những tương quan này ở chiều sâu. Chẳng hạn, Ngài nói, chúng ta chỉ có một Cha và một Thầy, còn chúng ta đều là anh chị em của nhau. Thực vậy, nhờ mầu nhiệm Vượt Qua, Đức Ki-tô phục sinh làm cho chúng ta trở nên Con của Cha, giống như Ngài là Con của Cha, trở nên “anh chị em” của Ngài và “anh chị em” của nhau, vì tất cả chúng ta đều có cùng một Cha. Điều này có nghĩa là, cho dù chúng ta xưng hô như thế nào, tương quan ruột thịt như thế nào, chúng ta đều được mời gọi sống tình “huynh đệ” dưới mắt Chúa Cha và theo gương Đức Giê-su.

Như thế, tuy có sự khác biệt, chúng ta được mời gọi sống không phân biệt, vì tình yêu dâng hiến Đức Ki-tô dành cho từng người chúng ta; như thánh Phaolô nói: trong Đức Ki-tô, không còn phân biệt Do thái hay Hy lạp, đàn ông hay phụ nữ, tự do hay nô lệ. Nghĩa là, chúng ta được mời gọi sống sự hiệp thông “huynh đệ” để làm chứng cho Tin Mừng của Đức Ki-tô, như chính Ngài muốn hiệp thông trọn vẹn với chúng ta:

Thật, Thầy bảo thật anh em: ai đón tiếp người Thầy sai đến là đón tiếp Thầy, và ai đón tiếp Thầy là đón tiếp Đấng đã sai Thầy.

Lời này của Đức Giêsu diễn tả sự hiệp thông trọn vẹn giữa môn đệ, Thầy và Cha. Sự hiệp thông này là kết quả của “mầu nhiệm” rửa chân, và nhất là của nhiệm tích Thánh Thể. Đó là chính là mối phúc mà Đức Ki-tô muốn ban tặng nhưng không cho chúng ta:

Anh em đã biết những điều đó, nếu anh em thực hành, thì thật phúc cho anh em!

 

Lm Giuse Nguyễn Văn Lộc