Nét đẹp trong bữa ăn của người Công giáo

‘Bữa cơm gia đình’ là một trong những vẻ đẹp truyền thống văn hóa độc đáo mang tâm hồn người Việt. Đẹp bởi cách ăn và cách mời tao nhã; đặc trưng bởi những đồ dùng như mâm, bát, đũa, thìa, dĩa… Truyền thống bởi có sự đoàn tụ của ba thế hệ: ông bà, cha mẹ, con cháu… ngồi quây quần bên nhau. Vì thế, bữa cơm chính là nơi giúp cho tình gia đình thêm thắm đượm hơn bao giờ hết. Ở đó, cháu con như được lớn lên về mọi chiều kích và truyền thống gia đình bởi những lời ân cần dạy bảo của ông ba, mẹ cha…

Tuy nhiên, những năm gần đây, bữa cơm gia đình đang bị phá vỡ và mai một dần dần, do ảnh hướng lối sống chủ nghĩa cá nhân hưởng thụ, ảnh hưởng của “đô thị hoá, hay ‘nền kinh tế thị trường”, đã thúc đẩy công nhân ‘tăng ca’, để được ‘tăng tiền’. Cũng  trong bối cảnh ấy, các trường học cũng thi đua ‘dạy tốt, học tốt’, cũng bằng cách ‘tăng ca’ để học sinh chạy theo ‘cái guồng’ của ‘bệnh thành tích’… Do đó, càng ngày, cha mẹ con cái ít có thời giờ gặp gỡ nhau, sự gắn kết trong gia đình giữa các thành viên trở nên lỏng lẻo, thiếu sự chia sẻ, không còn “no nê tình người” như ngày xưa nữa.  Người Công giáo cũng không nằm ngoài cái thực trạng đó. Tuy nhiên, ở đây người viết chỉ muốn khởi đi từ cung cách thực hành đức tin trong bữa ăn của các gia đình Công giáo: vốn là nét đẹp của đạo Công giáo, nhưng nay đã bị mai một ít nhiều.

Mỗi khi hè về và tết đến, gia đình lại đoàn tụ đông đủ nhất, cái thực trạng lộn xộn khi thánh hóa giờ ăn được bộc lộ ở rất nhiều gia đình. Chẳng hạn, bố hay mẹ cứ nguyện kinh; trong khi đó chị này cứ chuyển đồ từ khu nấu ăn ra bàn ăn, chị kia thì đang so đũa hay lấy đồ ăn cho con cái, các cháu thì ‘chỉ chỏ ý ới’ gì đó, anh dể này cứ rót rượu, anh dể kia cứ hoàn thiện khâu pha chế nước chấm cho xong… Nói chung, gần như chẳng mấy ai ý thức mình đang tham dự việc thánh hóa bữa ăn nữa; khá nhiều thành viên Làm dấu thì như ‘phẩy ruổi’, thôi thì ‘mỗi người mỗi phách’; một số khác, không biết đã Làm Dấu chưa, nhưng thưa Amen! thì to phải biết, ra vẻ ta đây sốt sắng và tử tế như ai!

Đến đây, người viết chột dạ suy nghĩ: chỉ mất chỉ vỏn vẹn 15 giây để nguyện kinh cho có tâm tình mà khó vậy sao? Thiết tưởng, đây chẳng phải là những đòi hỏi gì ghê gớm, mà chỉ là những phép lịch sự nhân bản tối thiểu với Chúa và với nhau mà thôi

Thực ra, cái khoảnh khắc thánh hóa như thế, người ta cũng không dám đánh giá rằng: gia đình ấy có lề lối gia giáo, truyền thống đạo đức hay không, nhưng cũng nói lên một phần cung cách thực hành Đức tin chưa mấy trưởng thành. Có thể, mọi người đã không sốt ruột với 15 giây nguyện kinh, cho bằng những thói quen ấy đã có từ lâu, và cứ như thế, chẳng ai bảo ai, nên cũng chẳng mấy ai ý thức cần được thay đổi.

Có thể nói rằng, chỉ với động tác Làm Dấu và Đọc Kinh Lạy Cha cho thật trang trọng, ấy là chúng ta đang thực hiện một hành vị tạ ơn, hành vi linh thánh, cũng là cách tuyên xưng Đức tin thật ý nghĩa, là thái độ căn bản của người Ki-tô hữu rồi. Bởi chưng, tất cả những gì chúng ta là và chúng ta có… đều là hồng ân Chúa ban. Đó cũng chính là tâm tình mà thánh Phao-lô hằng khuyên nhủ con cái mình: “Dù anh chị em ăn uống hay làm bất cứ việc gì, hãy làm vì vinh danh Thiên Chúa” ( 1Cr 10:31).

Ước mong sao, trong dịp tết này, các bậc cha mẹ Công giáo hãy ý thức về điều này hơn nữa. Hãy tập cho các thành viên trong gia đình biết Làm Dấu và Nguyện Kinh cho thật sốt sắng, trước và sau bữa ăn. Cũng có nhiều dịp tham dự bữa ăn có bè bạn lương giáo, các gia đình trở nên lúng túng và ngần ngại trong việc Thánh Hóa. Thiết nghĩ, chúng ta chỉ cần ra hiệu và xin phép quan khách để bắt đầu cử hành Đức tin Công giáo như vẫn quen làm.

Cuối cùng, xin được gợi ý với các gia đình về phút thánh hóa: trước bữa ăn, khi mọi người và mọi sự đã tương đối ổn định, vị gia trưởng ra hiệu để mọi người cùng thinh lặng và ngừng mọi hoạt động trong giây lát, sau đó Làm Dấu và đồng thanh Nguyện Kinh Lạy Cha. Nguyện kinh xong, ai nấy lại tiếp tục hoàn thiện phần vụ của mình, thì thật là lý tưởng. Đôi khi cũng nên thánh hóa bằng Lời Kinh Chúc Lành (hoặc tự phát) cho phong phú: Xin Chúa chúc lành cho chúng con và những của ăn này mà chúng con sắp lãnh nhận do lòng quảng đại của Chúa, để chúng con sống, chúng con phục vụ và làm sáng danh Chúa. Chúng con cầu xin nhờ Đức Ki-tô Chúa chúng con. Amen… Sau bữa ăn, một số ít gia đình có thói quen cảm ơn bằng Kinh Sáng Danh và lời nguyện tắt cầu nguyện cho các tiền nhân… Đây cũng là truyền thống rất tốt lành của giáo phận Bùi Chu chúng ta, hy vọng các gia đình gắng thực hành, để Danh Chúa được Cả Sáng trong gia đình mình mỗi ngày một hơn.

 
Tác giả bài viết: Giuse Phạm Quang