“Nâng cấp” niềm tin

Thời tổ tiên ta còn ăn lông ở lỗ, sự giới hạn của con người trước thiên nhiên vạn vật ảnh hưởng đời sống tâm linh. Tổ tiên ta sợ đủ thứ: Sợ sấm sét bão giông, sợ rừng thiêng nước độc, sợ thú dữ rắn rồng… Từ đó mà ông bà ta quan niệm “đất có thổ công sông có hà bá”, nơi đâu cũng có thần thánh ma quỷ, rồi thờ không thiếu thứ gì.

Qua dòng lịch sử, con người khôn ngoan hiểu biết hơn nên nhận biết là qui luật tự nhiên là bình thường, muôn vật dẫu to mạnh mấy cũng không bằng con người. Thế rồi từ thờ vật, tổ tiên ta chuyến qua thờ người: Thờ vua chúa, vĩ nhân, ông bà cha mẹ…

Rồi nhân loại văn minh tiến bộ, con người khám phá trái đất, vươn ra vũ trụ mới nhận ra mình còn rất nhiều giới hạn. Về nhân cách, sống cả đời chả xứng. Về tri thức, học suốt kiếp cũng chả biết bao nhiêu. Về tinh thần, tàn đời vẫn u mê… Rồi tự nhủ lòng: “Con người sống tệ vậy sao dám để kẻ khác thờ!”. Càng khám phá bản thân và vũ trụ, con người càng kinh ngạc nhận ra mình cùng muôn loài cũng chỉ là thụ tạo của một bàn tay quyền năng vô biên tác tạo.

Và, niềm tin con người tiếp tục thăng cấp lên. Họ truy tầm chân lý nơi Đấng Vô Biên đó, có thể là Phật, là Chúa, là Alla… Họ đặt lòng kính ngưỡng của mình vào đó. Người Công giáo VN theo dòng thăng tiến tâm linh, 500 năm trước chúng ta cũng thờ ông bà cha mẹ, rồi tổ tiên được khai sáng để đưa niềm tin vào vị trí xứng hợp nơi Thiên Chúa. Từ Thiên Chúa, chúng ta lại đưa tổ tiên mình vào vị trí xứng hợp là lòng hiếu kính, để dạy nhau sống yêu thương thảo hiếu hơn.

Người Công giáo không bỏ thờ ông bà cha mẹ, mà là thăng cấp niềm tin cho phù hợp với sự hiểu biết khôn ngoan của con người thời đại này.

Linh mục Giuse Nguyễn Đức Thịnh

Hãy bình luận đầu tiên

Để lại một phản hồi

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiện thị công khai.


*