Trong các ngày từ 13 tới 15 tháng 10 năm nay hội nghị thượng đỉnh G7 về nông nghiệp đã diễn ra tại Bergamo bắc Italia, với sự tham dự của các bộ trưởng và đại diện nông nghiệp của các nước Italia, Pháp, Đức, Nhật Bản, Canada, Anh quốc, Hoa Kỳ, tổ chức Lương nông quốc tế FAO và với sự hiện diện của ông Phil Hogan, uỷ viên nông nghiệp âu châu.
Mục đích của hội nghị thượng đỉnh là dấn thân chống lại nạn phung phí thực phẩm, nạn đói kém, việc bảo vệ sản phẩm và các đường lối chính trị cụ thể . Hội nghị đã do ông Maurizio Martina bộ trưởng canh nông, lương thực và rừng của Italia chủ sự. Với “Tuyên ngôn Bergamo” các nước tham dự viên cương quyết dấn thân hoạt động cụ thể từ nay cho tới năm 2030 để cho 500 triệu người ra khỏi nạn đói kém”. Bộ trưởng Martina nhấn mạnh rằng sự cộng tác nông nghiệp là điều định đoạt giúp đạt mục tiêu này, vì đa số những người bị đói sống trong các vùng quê.
Thật thế, nạn đói kém là một vấn đề nông nghiệp đầu tiên. Vì vậy chúng tôi đã quyết định tạo thuận tiện cho việc sản xuất có thể thực hiện được đặc biệt bên Phi châu, qua việc chia sẻ các thực hành tốt giúp gia tăng khả năng đối phó của các cộng đoàn địa phương, và đồng hành với việc phát triển của họ. Liên quan tới việc bảo vệ lợi tức của các nông dân bộ trưởng Martina ghi nhận: Có các lãnh vực cần phải gia tăng cố gắng như việc bảo vệ đất đai và sự khác biệt sinh học, trong sáng hơn trong việc đề ra giá cả thực phẩm, và triệt để giảm sự phung phí thực phẩm. Trên các bình diện này cần phải gia tăng ý thức: mỗi người phải cảm thấy mình có trách nhiệm riêng. Chính để lôi cuốn giới nông dân, bằng cách làm cho họ cảm thấy họ là người đầu tiên tham dự vào chương trình hoạt động, mà chính quyền Italia đã tổ chức tuần hội nghị tại Bergamo này để trình bầy hàng chục đề tài liên quan tới quyền có thực phẩm, tiếp tục công việc Italia đã làm trong cuộc triển lãm quốc tế tại Milano. Đã không chỉ có sự đóng góp của đại diện các quốc gia, mà cũng có cả người trẻ, các tổ chức phi chính quyền, giới nông dân, các cơ quan và hiệp hội đã đưa ra các điểm hay đẹp đối chiếu với công việc của các bộ truởng. Từ Bergamo chúng tôi tái đề ra thách đố để bảo đảm cho quyền có thực phẩm của mỗi một người sống tại bất cứ vĩ tuyến nào trên thế giới này.
** Trong số các dấn thân của Tuyên ngôn Bergamo có sự chú ý tới việc bảo vệ lợi tức của các nông dân sản xuất, đặc biệt là các nông dân bé nhỏ, đang gặp khó khăn vì cuộc khủng hoảng do nạn thay đổi khí hậu gây ra. Hội nghị đã giao cho tổ chức Lương Nông quốc tế FAO nhiệm vụ nghiên cứu một chương trình hành động cụ thể và nhận diện một định nghĩa thống nhất về tai ương, hiện còn đang thiếu. Việc cộng tác nông nghiệp với Phi châu tiến hành qua sự phát triển việc kết nghĩa anh em, và cung cấp các hiểu biết và kỹ thuật cho Phi châu, hiện là vùng có 20% dân khổ đau vì nghèo thực phẩm. Bên cạnh đó là việc trong sáng xác định giá cả để bảo vệ giới nông dân đứng trước cuộc khủng hoảng thị trường và sụt giả cả trong các năm qua. Tổ chức FAO sẽ cung cấp cho các giới sản xuất các dụng cụ cần thiết để xác định giá cả, bằng cách chú ý tới các dự đoán hướng đi của các thị trường. Ngoài ra đề tài nóng bỏng nhất đã được thảo luận trong hội nghị là nạn phung phí thực phẩm. Cần phải có sự cộng tác giữa mọi quốc gia và đề ra các hành động và luật lệ giúp giảm nạn dư thừa thực phẩm liên quan tới một phần ba tổng dân số thế giới. Sau cùng, cần theo dõi các hệ thống sản xuất địa phương, qua việc theo đuổi các đường lối chính trị hữu hiệu, được nghiên cứu kỹ lưỡng, và thăng tiến tương quan giữa vùng đất phát xuất, các chi nhánh phổ biến, và bảo vệ người tiêu thụ khỏi nạn lừa đảo thực phẩm.
Sau đây chúng tôi xin gửi tới quý vị bài phỏng vấn ông Giangi Milesi, chủ tịch tổ chức phi chính quyền cộng tác và phát triển Italia gọi tắt là CESVI, về nạn đói kém trên thế giới hiện nay. Từ năm 2008 tổ chức CESVI công bố bản tường trình hằng năm liên quan tới tệ nạn này. Ông Milesi đã hoạt động chống nạn đói trên thế giới từ 30 năm qua, và hiện nay tổ chức CESVI hoạt động tại 27 quốc gia trong các bối cảnh khó khăn nhất, nơi nạn đói khiến cho mạng sống của hàng trăm ngàn người gặp nguy hiểm.
Hỏi: Thưa ông Milesi, trong bản tường trình mới về nạn đói trên thế giới, người ta nhận thấy tại nhiều quốc gia nạn đói kém ở mức báo động. Đâu là các chướng ngại chính cản ngăn việc cải tiến tình hình này thưa ông?
Đáp: Trong lúc này đây kẻ thù lớn nhất của cuộc chiến chống tệ nạn đói kém là sự bất ổn chính trị, do các chính quyền không cai trị, và do các cuộc chiến không tuyên bố gây ra. Tại các nước như Siria và Libia hiện nay chẳng hạn, thì không thể nào thành công trong việc chống lại nạn đói kém. Cũng như tại Ấn Độ, nơi thói tục phân biệt giai cấp đưa tới hiện tượng nô lệ.
Hỏi: Chúng ta biết rằng các lý do của nạn đói trên thế giới rất là phức tạp. Trong số các lý do này cũng có sự kiện khí hậu thay đổi nữa. Sự thay đổi khí hậu có sức nặng nào đối với hiện tượng đói kém thưa ông?
Đáp: Các thay đổi khí hậu có các ảnh hưởng sâu rộng. Trước hết chúng khiến cho các mùa trong năm thay đổi. Theo sau các vụ hạn hán kéo dài là các trận mưa lũ lớn tới độ gây ra lụt lội và soi mòn đất đai, khiến cho mùa màng nông nghiệp bị thiệt hại. Từ nhiều năm nay chúng tôi đang chống lại nạn lũ lụt tại Á châu, khiến cho hàng triệu người phải di tản. Hiện nay chúng tôi đang chiến đấu chống lại nạn hạn hán trong vùng Sừng Phi châu và vùng trung Phi châu, nơi có thêm nạn bất ổn chính trị nữa. Trong các quốc gia có nền nông nghiệp vốn đã nghèo nàn này, sự bất ổn chính trị tạo ra các thiệt hại to lớn, bởi vì các nông dân và những người sống về nghề chăn nuôi thú vật mất hết mọi sự, và phải bỏ không canh tác đất đai hay chăn nuôi. Sự kiện này tạo ra các hiện tượng phức tạp như thu mua đất đai bỏ hoang và các tiến trình di cư.
Hỏi: Thái độ của các người thương thuyết về hiện tượng khí hậu thay đổi như của tổng thống Donald Trump của Hoa Kỳ, có thể tạo ra các ảnh hưởng nào trên nỗ lực đang được thực hiện cả với hội nghị quốc tế về các thay đổi khí hậu COP 23 trong tuần đầu tháng 11 vừa qua, thưa ông?
Đáp: Sự kiện tổng thống Hoa Kỳ nháy mắt đối với loại chính trị này đương nhiên gây âu lo. Việc Hoa Kỳ bỏ rút lui khỏi Thoả hiệp Paris cũng sẽ liên quan tới việc sản xuất và sử dụng than đá, gây ra hiện tượng hâm nóng trái đất. Ngoài ra, châu Mỹ đang phải trả giá rất kinh khủng vì các thay đổi khí hậu này. Vùng quần đảo Caraibi là một trong các vùng hay bị cuồng phong tàn phá nặng nề nhất, và nó đưa hiện tượng El Ninho tới khắp nơi trên thế giới, với các hậu quả tàn phá mà chúng ta từng biết. Tuy nhiên, cũng thật là chính sách thương thuyết đã bị dồn vào chân tường, và cả Trung Quốc cũng bắt đầu chú ý tới nạn ô nhiễm môi sinh, cả khi cho tới nay họ chỉ âu lo miệng.
Hỏi: Đâu là vai trò tổ chức CESVI của ông trong bối cảnh này?
Đáp: Nhiệm vụ của nó là duy trì cao sự chú ý tới tính cách phức tạp này của nạn đói. Không có các đơn thuốc đơn sơ sẵn sàng trong cuộc chiến chống lại nạn đói, là một hiện tượng đa chiều kích, nhưng cần phải duy trì một cái nhìn toàn cầu và lạc quan. Sự thiếu tin tưởng gây thiệt hại cho nhiều cố gắng, trong khi các dấu chỉ cho thấy rằng có thể đánh bại nạn đói, và có thể có đủ thực phẩm cho mọi người. Chỉ cần biết phân phối tốt hơn, thắng vượt các bất bình đẳng, phát triển một đường lối chính trị hoà bình, và chiến đấu chống lại các thay đổi khí hậu.
Hỏi: Mục tiêu không nạn đói do Liên Hiệp Quốc đề ra từ nay cho tới năm 2030 có thực tế không thưa ông?
Đáp: Một cách tổng quát thì tôi tin là không. Còn có quá nhiều “lỗ đen”, và cần phải có một cố gắng lớn để thay đổi vài chiến thuật, làm sao để các quyền con người được tôn trọng. Cũng có các quốc gia, như Congo, Libia, Sudan và Siria, trong đó thiếu các dữ kiện và điều này giả thiết rằng tình trạng thê thảm. Ngoài ra cũng có hai nước Somalia và Burundi nữa.
Hỏi: Thưa ông Milesi, vậy đâu là các thách đố đối với tương lai? Và ông tiếp cận chúng như thế nào?
Đáp: Phương pháp còn hữu hiệu là suy nghĩ một cách toàn cầu, và hành động một cách toàn cầu. Chúng tôi sẽ theo đuổi khả năng đối phó với va chạm của các cộng đoàn trong các chương trình nông nghiệp, bằng cách làm cho các tác nhân trở thành các người được hưởng lợi. Song song chúng tôi cũng tiếp tục với các can thiệp cấp bách, để phân phát thực phẩm ở những nơi nào các tình trạng rất là nguy ngập, nhưng nỗ lực một cách chính yếu là yểm trợ các dự án cho nông dân có các tài nguyên cần thiết để họ đừng bỏ hoang đất đai, và bắt đầu trở lại hay khởi sự các hoạt động mới. Có một đề tài nòng cốt trong hiện tượng đó là số người sống tại thành thị đông hơn số người sống tại nông thôn, nơi người dân có cuộc sống nghèo hơn. Việc tập trung về các thành phố này tạo ra các thiệt hại khác nữa, như trong trường hợp Haiti, nơi đã xảy ra trận động đất lớn năm 2010. Trận động đất đã gây ra các thiệt hại to lớn, chính vì các thành phố được xây dựng với các vật liệu tạm bợ và trên các vùng đất dễ sụt lở.
Hỏi: Ông có thể đơn cử vài thí dụ của biết bao dự án mà tổ chức CESVI theo đuổi trong dấn thân chống lại nạn đói hay không?
Đáp: Có một dự án đồng thời cũng trở thành một trường hợp nghiên cứu rất hay đó là dự án chúng tôi đang thực hiện tại Zimbabwe giáp giới với Botswana. Tại đây tổ chức CESVI đã được Uỷ ban âu châu tiếp xúc để tái linh hoạt việc trồng cam, đã bị gián đoạn vì các thay đổi khí hậu khiến cho các cây cam còn nhỏ bị chết. Ngoài can thiệp kỹ thuật đã cho phép phục hồi nước dưới lòng đất và tưới bón các cánh đồng, công việc quan trọng nhất đã là sát cánh với cộng đoàn địa phương để cho phép họ gia nhập thị trường thương mại thế giới, và có thể quản lý sinh hoạt một cách tự lập. Trong rừng vùng Amazzonia trái lại, chúng tôi lo việc lấy hạt dẻ của Brasil là một thực phẩm cực tốt, qua một dự án phát triển và duy trì rừng. Ngoài ra, từ nhiều năm nay chúng tôi có các chương trình phát triển dân chủ trong vùng tam giác của nước Myanmar, bị hạn hán, lũ lụt và soi mòn. Tại đây chúng tôi đã tạo thuận tiện cho việc thành lập các uỷ ban trong làng quyết định các hoạt động nông nghiệp của nông dân.
Hỏi: Thưa ông, có một khía cạnh khác nữa mà tổ chức rất chú ý đó là việc giải phóng nữ giới, cả trong lãnh vực nông nghiệp nữa, có đúng thế không?
Đáp: Đúng thế, bởi vì cần chú ý rằng 80 % sức lao động dấn thân trong nông nghiệp là phụ nữ, nhưng lại chỉ có 2% trong số họ là chủ đất đai mà thôi. Đem trở lại cho họ các quyền lợi tư hữu là một phương thế giúp bảo đảm một sự phát triển nông nghiệp, vì nữ giới chú ý nhiều hơn tới việc đầu tư và là các người vô địch trong việc trả lại vốn. Nói một cách ngắn gọn, chị em phụ nữ cống hiến nhiều bảo đảm thành công đối với các dự án nhắm tới họ như là các tác nhân chính. Con đường cho một thế giới tốt lành hơn đi ngang qua các lựa chọn cá nhân.
(Linh Tiến Khải, RadioVaticana 18.12.2017)