Mười năm một nhịp cầu của lòng Mến

 

longmenDạo còn đi dạy Giáo Lý, chúng tôi hay đố các em đa số là dân sống tại Sàigòn: Cầu nào nặng nhất ? Các em dễ dàng trả lời: Cầu Sắt. Hỏi cầu nào nhẹ nhất ? Quá dễ, Cầu Bông ! Lại hỏi cầu nào… chua nhất ? Có em cũng nhanh trí đoán ra: Cầu Kiệu, vì củ kiệu thì chua. Cầu nào chóng mặt nhất ? Trả lời Cầu Quay ( bây giờ, sau 75, người ta bỏ cây cầu này rồi ).

Nhiều em thông minh nên các câu hỏi sau đó tuy khá lắt léo nhưng các em vẫn trả lời ngon ơ: Cầu nào nóng nhất ? Cầu Nhị Thiên Đường ( vì dầu gió hiệu Nhị Thiên Đường rất nóng ). Cầu nào đen nhất ? Tưởng bó tay, vậy mà vẫn có em reo lên: Cầu Chà Và, mấy người Chà Và – phiên âm từ địa danh Java, bên Indonesia, có nước da đen thật sự !

Thế rồi chúng tôi đố cầu nào lớn nhất thế giới, nghĩ một lúc có em thông minh trả lời được: Cầu Vồng ! Lại đố cầu nào ngắn nhất, nhiều câu trả lời sai, không khí căng lên, rồi bất ngờ có em vẫn giải được: thưa Cầu… Chì ạ ! Hay quá, đúng là cầu chì bé tẹo, ngắn tủn, có mấy xăngtimét để nối được dòng điện trong nhà.

Cuối cùng chúng tôi hỏi các em: Vậy cầu nào là cầu vừa cao nhất, lớn nhất, dài nhất, rộng nhất mà lại ngắn nhất, nhanh nhất, tuyệt vời nhất ? Các em ngẩn người ra một lúc trước một loại cầu gì mà lạ lùng như thế. Các em ngờ ngợ đoán ra chắc không phải các cây cầu xây bằng gỗ, đá, gạch, bêtông, nhưng ở đây là đố mẹo, có điều chi đó kỳ diệu thiêng liêng… Và các em cùng ồ lên: Thưa cha, đó là Cầu Nguyện ạ !

Ấy là chuyện hồi đó lâu lắm rồi, nếu bây giờ có dịp đố các em, đố mọi người, tôi nhớ ra thêm, còn có thể đố: cầu nào là cầu đẹp nhất, tốt nhất, bền nhất, cần nhất, quý nhất ? Và câu trả lời chúng ta sẽ có ngay: đó là Cầu Yêu Thương, với hai mố cầu đôi bên là Thiên Chúa và con người, là mỗi người với mọi người, là sẻ chia và đón lấy, là cho đi và nhận về. Chúng ta gọi chung bằng một tên trân trọng: Nhịp Cầu Bác Ái.

Thế giới hôm nay người ta xây thêm rất nhiều những cây cầu hiện đại, hoành tráng, có khi nối được đất liền với những hòn đảo xa, thế nhưng người ta lại bỏ hoang phế những nhịp cầu quan tâm trợ giúp, không thèm nhìn ngó tới, dù phía bên kia có khi là người đồng bào, là người hàng xóm, thậm chí là chính người trong gia đình ruột thịt của mình, đang gặp hoạn nạn cùng cực, bất lực trong nước mắt, không biết gọi ai, cầu cứu ai.

Thế giới hôm nay lại có những thứ vũ khí kinh khủng có thể phá huỷ hàng loạt những cây cầu chiến lược sinh tử khiến đối phương không còn được tiếp viện hay hết đường tháo chạy, khi ấy người ta không ngờ cũng lần hồi đánh xập luôn cả những nhịp cầu sự sống, nhịp cầu thân hữu, đồng cảm, nhịp cầu chạnh lòng thương giữa con người với con người, đào cho sâu thêm vực thẳm của khác biệt giàu nghèo, cuốc cho rộng thêm khoảng cách của chênh lệch giữa các tầng lớp trong xã hội, khoét cho xót xa thêm những vết thương của lương tâm con người.

Trong bối cảnh như thế, Nhịp Cầu Bác Ái được nhiều người hẹn nhau, họp nhau xúm lại, cùng nhau vun đắp, xây dựng, cứ nối dài mãi, vượt qua cả đại dương để con người ân cần tìm gặp con người, nhất là những mảnh đời tưởng đã mất hy vọng, tưởng đã bị vùi lấp giữa đổ nát hoang tàn của tai ương hoạn nạn, của bệnh tật nan y, của hiểm hoạ phá thai, của loạn ly xa quê, của nghèo đói và mù chữ triền miên…

Quý độc giả lưu ý thấy luôn luôn ở cuối trang báo điện tử Ephata này là những thông tin về những bệnh nhân nghèo được trợ giúp ở khắp mọi miền đất nước trong tròn 10 năm qua. Tên gọi của chuyên mục là CHƯƠNG TRÌNH NHỊP CẦU BÁC ÁI PHANXICÔ.

Ắt hẳn cha Trịnh Tuấn Hoàng, Dòng Thánh Phanxicô cùng những anh chị em khởi xướng đi xây Nhịp Cầu Bác Ái cũng chẳng ngờ công trình mình làm mãi mà chẳng thấy hoàn tất, mười năm rồi chứ đâu phải ít ! Vâng, sẽ còn phải đổ mồ hôi sôi nước mắt, sẽ còn phải hứng chịu nhiều oan uổng ngộ nhận, sẽ còn phải vận dụng thêm nhiều sáng kiến để Nhịp Cầu Yêu Thương của mình thêm vững và chắc, với dự báo còn phải tiếp tục vươn xa, phóng đi, toả nhánh rộng ra nhiều hướng hơn nữa.

Và vì là Nhịp Cầu Bác Ái, nhịp cầu của Yêu Thương, nhịp cầu của Lòng Mến, chúng ta chợt nhớ đến đoạn Lời Chúa của Thánh Phaolô trong Bài Ca Lòng Mến ( 1Cr 13, 4 – 8 ), những lời vàng rất đáng để chúng ta khắc lên bảng đồng thật to, gắn trang trọng ngay ở đầu cầu, để tất cả mọi người khi bắt đầu đi qua cầu, ngay từ mố cầu đều đã có thể đọc được, ngẫm nghĩ và thấm thía, nằm lòng cho những dấn thân vị tha và hướng thượng của đời mình:

Lòng Mến thì nhẫn nhục, Lòng Mến thì hiền hậu,

Lòng Mến không ghen tương, Lòng Mến không vênh vang, tự đắc, Lòng Mến không làm điều bất chính, Lòng Mến không tìm tư lợi, Lòng Mến không nóng giận, Lòng Mến không nuôi hận thù,
Lòng Mến không mừng khi thấy sự gian ác,
Lòng Mến vui khi thấy điều chân thật.

Lòng Mến tha thứ tất cả, Lòng Mến tin tưởng tất cả,

Lòng Mến hy vọng tất cả, Lòng Mến chịu đựng tất cả.

Lòng Mến không bao giờ mất được…

Lm. Giuse LÊ QUANG UY, DCCT,

Nhịp Cầu Bác Ái Phanxicô 2004 – 2014