Mừng Xuân Con Gà- Đổi Mới Con Tim

Du xuân trong cái nhìn đức tin

Phụng đề:

 

TIỄN BÍNH THÂN, CON NGƯỜI NÊN SÁM HỐI

MỪNG ĐINH DẬU, CUỘC SỐNG ĐƯỢC CANH TÂN

Sửa soạn giao thừa tiễn Bính Thân

Chào mừng Đinh Dậu – đón Tân xuân

Lau chùi nhà cửa cho tươm tất

Dọn sạch tâm can phút tẩy trần (1)

Bệ kiến Minh Quân (2) cần sám hối

Mừng đời đắc thọ phải canh tân

Hàng năm đổi mới con người cũ

Để “nhật tân” rồi “hựu nhật tân” (3).

 

Đã gần tới Tết Nguyên đán (mùng một Tết nhằm ngày 28/01/2017). Hồi còn nhỏ, cứ mong ngày Tết mau đến để được lì xì và ăn bánh chưng. Mong, nhưng mãi chẳng thấy nó đến, có cảm tường ngày dài lê thê (thời gian cũng chỉ có 360 ngày mà tưởng chừng như bất tận). Nay tuổi đã gần bát tuần (80), thì lại thấy sao mà mau hết năm như vậy, thoáng một cái là đã thêm một tuổi. Ấy thế là lại mong cho ngày Tết chậm đến (vì bây giờ thèm ăn đất hơn là thèm ăn bánh chưng). Oái oăm thật! Nói cho vui vậy, cái ngày đó mình có mong nó mau tới cũng không được, mà có muốn lùi lại thời gian cũng chẳng xong. Thôi thì xin nghiêm chỉnh vào đề:

            Theo âm lịch thì năm nay (2017) là năm Đinh Dậu, gọi nôm na là năm Con Gà (chiếu theo 12 con giáp: “Tý – Chuột; Sửu – Trâu; Dần – Hổ; Mão – Mèo; Thìn – Rồng; Tỵ – Rắn; Ngọ – Ngựa; Mùi – Dê; Thân – Khỉ; Dậu – Gà; Tuất – Chó; Hợi – Heo). Nói đến gà là nghĩ ngay đến tiếng gáy của nó. Gà thường gáy vào những thời điểm: sáng, trưa, chiều, tối, nửa đêm. Buổi sáng, gà thường gáy rất sớm (khoảng 4 giờ sáng), và vì thế người Việt Nam quen gọi là “tiếng gà báo thức” (báo cho con người biết trời sắp sáng, thức dậy để chuẩn bị làm việc). Cái hành động tốt đẹp đó của con gà khiến kẻ viết bài này liên tưởng tới sứ vụ loan báo Tin Mừng (loan báo cho mọi người biết “Đêm sắp tàn, ngày gần đến” – Rm 13, 12; ngày Chúa quang lâm đã cận kề – Gc 5, 7-8)). Nhân dịp đầu Xuân, xin được chia sẻ đôi điều cảm nghĩ:

Tiền thân của Ki-tô giáo là Do-thái giáo, vì Do-thái là dân được tuyển chọn đầu tiên. Là Ki-tô hữu, cũng nên tìm hiểu xem ngày Tết của Dân Chúa có tục lệ gì đáng suy gẫm. Ngày Tết của người Do-thái (Rosh Hashanah), hay ngày đầu năm của lịch Do-thái cổ xưa không trùng với Tết dương lịch, mà bắt đầu vào khoảng tháng Tư dương lịch, tức vào dịp lễ Phục Sinh của Ki-tô giáo. Lễ Phục Sinh đánh dấu mầu nhiệm Vượt Qua của Đức Ki-tô (“Chúa Ki-tô đã hoàn tất công trình cứu chuộc nhân loại và tôn vinh Thiên Chúa cách hoàn hảo, nhất là nhờ mầu nhiệm Vượt Qua của Người; nhờ đó, Người đã chết để tiêu diệt sự chết của chúng ta và sống lại để khôi phục sự sống cho chúng ta.” – AC, số 18); đồng thời cũng là ấn chứng lễ Vượt Qua của dân tộc Do-thái (Xh 12, 1-28). Vì thế, có thể coi ngày Tết của Do-thái là dịp mừng đại lễ Vượt Qua.

Ðiều khác biệt với các dân tộc khác là ngày Tết của người Do-thái không phải là ngày đầu tháng Giêng của họ, mà là một ngày vào khoảng giữa tháng Giêng. Như thế, nửa tháng đầu của tháng Giêng được coi là những ngày cuối năm. Người Do-thái thường tổ chức lễ hội cuối năm (giống như ở Việt Nam tổ chức lễ Tất niên), “Trong 7 ngày lễ hội cuối năm này, người ta phải thanh toán cho hết tất cả những gì còn lại của năm cũ, là hiện thân của linh khí thảo mộc năm cũ: những gì ăn được thì phải ăn cho hết, không ăn được thì phải tiêu hủy hay đốt cháy hết. Không được phép để lại bất cứ thứ gì thuộc mùa màng cũ khi đã bắt đầu mùa gặt cho vụ mùa mới. Tục lệ này phát xuất từ lệnh truyền của Ðức Chúa: “Các ngươi chớ để chi còn lại đến sáng mai, nếu còn lại, hãy thiêu đi.”  (Xh 12, 10) Theo đó, linh khí thảo mộc của mùa cũ hay năm cũ phải hoàn toàn biến mất trước khi linh khí thảo mộc của mùa mới hay năm mới xuất hiện.” (xc “Tết của dân Do-thái xưa” – nguồn: simonhoadalat.com)

Để đón mừng Năm Mới, dân Việt Nam cũng như các dân tộc khác, lo quét dọn nhà cửa, lau chùi bàn ghế, đồ dùng thờ cúng (lư hương, đèn nến)… đồng thời làm mới lại khung cảnh bằng cách sơn phết, trang hoàng phòng khách, rồi trưng bày hoa quả bánh trái cho tươm tất. Ngoài những công việc đó ra, còn có tục “tắm tất niên”, không những là vấn đề vệ sinh (thân thể sạch sẽ), mà còn có ngụ ý tẩy rửa dơ bẩn ô uế toàn bộ con người cũ để trở thành con người mới. Tục tắm tất niên (và nói chung tất cả công việc vừa nêu) để chuẩn bị dự tiệc tất niên vào giờ phút Giao thừa cũng có thể được coi như việc “tẩy trần” (rửa sạch bụi). Như thế thì tiệc tất niên chính là “tiệc tẩy trần” vậy. Nói cách cụ thể tất cả phong tục đón Tết của Do-thái và Việt Nam xưa đểu có thể coi đó là việc tẩy trần (sám hối) để đổi mới (canh tân) cuôc sống con người.

Trở lại với các bài Kinh Thánh trong ngày đầu năm đón Tết. Trước hết ngày đầu năm là ngày vui mừng đón Chúa Xuân. Suy niệm bài đọc 1 lễ Tân niên (Is 11, 1-9) sẽ thấy tiên báo về thời điểm Chúa Xuân xuất hiện, đó chính là “Vị minh quân dòng dõi vua Đa-vít”. Khi đó, “Thần khí ĐỨC CHÚA sẽ ngự trên vị này: thần khí khôn ngoan và minh mẫn, thần khí mưu lược và dũng mãnh, thần khí hiểu biết và kính sợ ĐỨC CHÚA.” Với “Đai thắt ngang lưng là đức công chính, giải buộc bên sườn là đức tín thành”, vị minh quân ấy sẽ khiến cho “sói sẽ ở với chiên con, beo nằm bên dê nhỏ. Bò tơ và sư tử non được nuôi chung với nhau, một cậu bé sẽ chăn dắt chúng. Bò cái kết thân cùng gấu cái, sư tử cũng ăn rơm như bò. Bé thơ còn đang bú giỡn chơi bên hang rắn lục, trẻ thơ vừa cai sữa thọc tay vào ổ rắn hổ mang.” Vị Chúa Xuân ấy, vị minh quân ấy chính là Đức Vua Giê-su giáng thế đem lại bình an và sự sống vĩnh cửu cho nhân loại.

Cho đến khi Chúa Xuân trưởng thành, Người bắt đầu thi hành sứ vụ rao giảng Tin Mừng bằng những bài giảng dậy hết sức thuyết phục, đồng thời hoàn tất sứ vụ bằng cuộc khổ nạn chết trên thập giá và sống lại hiển vinh. Theo lịch Phụng vụ, lễ Tân niên được tùy ý chọn một trong ba bài Tin Mừng (Mt 6, 25-34; hay Mt 5, 43-48; hay Ga 14, 23-27). Bài TM theo thánh Gio-an (Ga 14, 23-27) là đoan văn trích trong “những lời cáo biệt” (Ga 13, 31-38 ; 14, 1-31) trước khi Đức Giê-su bước vào cuộc khổ nạn. Vì biến cố chưa xảy ra, nên khi nghe lời Thầy báo trước, các môn đệ rất hoang mang, lo lắng; nhiều người đã hỏi lại Thầy, trong số đó có “Ông Giu-đa, không phải Giu-đa Ít-ca-ri-ốt, nói với Đức Giê-su: “Thưa Thầy, tại sao Thầy phải tỏ mình ra cho chúng con, mà không tỏ mình ra cho thế gian?” Đức Giê-su đáp: “Ai yêu mến Thầy, thì sẽ giữ lời Thầy. Cha Thầy sẽ yêu mến người ấy. Cha Thầy và Thầy sẽ đến và ở lại với người ấy.” (Ga 14, 22-23). Giữ Lời Thầy dạy, mà Thầy đã dạy thế nào?

Trong bài Tin Mừng theo thánh Gio-an (Ga 14, 23-27), Đức Ki-tô chỉ khuyên là hãy giữ Lời Người, mà Lời ấy không phải của Người, nhưng là của Đấng đã sai Người. Người không nói rõ ở đoạn này vì Lời Người dạy nhiều lắm, nhiều không kể xiết; nhưng nếu đọc qua bài Tin Mừng theo Thánh Mát-thêu (Mt 6, 25-34), thì cũng hiểu được một phần. Đó là Lời khuyên dạy mọi người đừng lo cái ăn cái mặc thường ngày, việc ấy đã có Thiên Chúa quan phòng lo cho (“Vì vậy Thầy bảo cho anh em biết: đừng lo cho mạng sống: lấy gì mà ăn; cũng đừng lo cho thân thể: lấy gì mà mặc. Mạng sống chẳng trọng hơn của ăn, và thân thể chẳng trọng hơn áo mặc sao?” – Mt 6, 25). Đừng lo cái ăn cái mặc, nhưng hãy lo “tìm kiếm Nước Thiên Chúa và đức công chinh của Người, còn tất cả những thứ kia, Người sẽ thêm cho” (Mt 6, 33). Tuy nhiên, đến phần cuối, thì Người lại dạy: ”Vậy, anh em đừng lo lắng về ngày mai: ngày mai, cứ để ngày mai lo. Ngày nào có cái khổ của ngày ấy.” (Mt 6, 34).

Khuyên “đừng lo cái ăn cái mặc”, rồi lại khuyên “chuyện ngày mai cứ để ngày mai lo”; nhưng cuối cùng thì “Ngày nào có cái khổ của ngày ấy”. Quả thật vấn đề cơm áo gạo tiền đã làm khổ con người không ít, cho dù chuyện đó thuộc ngày mai, cứ để ngày mai lo; nhưng khi ngày mai trở thành hôm nay thì lại phải lo. Hóa cho nên ngày nào cũng khổ vì lo lắng cơm áo gạo tiền; một cái vòng luẩn quẩn bám riết lấy con người, mà cũng vì thế, nên: “Nóng nảy, bực bội khiến ngày đời bị rút ngắn, và lo lắng làm cho già trước tuổi.” (Hc 30, 24); “Mối lo lắng trong lòng khiến con người suy sụp.” (Cn 12, 25); “những nỗi lo lắng sự đời, bả vinh hoa phú quý cùng những đam mê khác xâm chiếm cõi lòng, bóp nghẹt Lời khiến Lời không sinh hoa kết quả gì.” (Mc 4, 19).

Sự lo lắng thái quá làm lu mờ lòng trông cậy, bởi vì nó khuyến khích con người chú tâm vào những rắc rối vật chất mà quên mất món ăn tinh thần là Lời Chúa. Sự lo lắng còn làm suy giảm niềm tin, và lấy mất sự bình an thật sự của bản thân. Trong sa mạc, dân Israel đã quên sự săn sóc của Chúa, quá lo lắng về thức ăn, nước uống… nên khổ đủ thứ (Ds chương 11-14). Chính Đức Giê-su đã dạy: “Hỏi có ai trong anh em, nhờ lo lắng, mà kéo dài đời mình thêm được dù chỉ một gang tay?” (Mt 6, 27). Như vậy, điều quan trọng mà Thiên Chúa mời gọi người tín hữu trong ngày đầu năm đó là biết tín thác vào vòng tay quan phòng yêu thương của Thiên Chúa. Người vẫn mời gọi đừng nhìn xem trời đất mà đoán vận trời, để tránh, để né; nhưng hãy khiêm tốn nhìn nhận có một Thiên Chúa là Đấng tác sinh muôn loài.

Nhìn nhận Thiên Chúa để quy phục Người; nhìn nhận Thiên Chúa để sống dưới ánh mắt xót thương của Người; nhìn nhận Người để bớt ưu tư lo lắng; trái lại biết phó thác đời sống mình cho Người coi sóc. Thánh Phê-rô đã dạy các tín hữu của mình: “Mọi lo âu, anh em hãy trút bỏ cho Chúa, và Chúa sẽ chăm sóc anh em.” (1Pr 5, 7). Thánh Phao-lô cũng nhắc nhở trong thư gửi tín hữu Cô-rin-tô: “Tôi muốn anh chị em không phải bận tâm lo lắng điều gì” (1Cr 7,32); hoặc như lời thư gửi tín hữu Phi-lip-phê: “Anh em đừng lo lắng gì cả. Nhưng trong mọi hoàn cảnh, anh em cứ đem lời cầu khẩn, van xin và tạ ơn, mà giãi bày trước mặt Thiên Chúa những điều anh em thỉnh nguyện.” (Pl 4, 6).

Tóm lại, đừng lo lắng thái quá cho cuộc sống trần thế, mà hãy lưu tâm đến Lời Chúa để tìm kiếm Nước Trời. Tất nhiên với con người bất toàn, không thể sống mà không lo chuyện cơm áo gạo tiền. Chuyện đó cũng là lẽ thường tình; nhưng phải hiểu rằng “lo lắng cho vợ con, anh em và thân thích chỉ là phụ thuộc; còn nỗi lo sợ lớn hơn cả và chính yếu hơn cả là Đền Thờ đã được thánh hiến.” (2Mcb 15, 18). “Đền thờ đã được thánh hiến” đó không gì khác hơn là chính con người Ki-tô hữu (1Cr, 3, 16; Rm 8, 9-11). Nói cách cụ thể là hãy làm sao cho có được cái tâm an bình, để tìm đến với Lời Chuá trong ngày đầu năm, ngõ hầu cầu cho bản thân, cho anh em, cho cả gia đình nhân loại được Chúa thương ban hồng ân hòa bình.

Ai cũng nghĩ muốn có hoà bình thì phải chấm dứt chiến tranh, khủng bố. Nghĩ như thế tuy không sai, nhưng chưa đủ, vì hòa bình là một ơn Chúa ban và cũng là một kế hoạch phải được thực hiện, nhưng chẳng bao giờ đạt được trọn vẹn. Một xã hội đã giao hòa với Thiên Chúa thì tiến đến gần hòa bình hơn, và hòa bình không chỉ là vắng bóng chiến tranh, cũng không đơn giản là kết quả của một ưu thế quân sự hay kinh tế, càng không phải là những thủ đoạn dối trá hoặc các dàn xếp chính trị khôn khéo. Hòa bình, trên thực tế, là kết quả của một quá trình thanh luyện và nâng cao văn hoá, đạo đức và tinh thần của mỗi người và của từng dân tộc, một quá trình mà trong đó nhân phẩm con người được tôn trọng đầy đủ. Thanh luyện, nâng cao văn hoá, đạo đức và tinh thần, chỉ có như thế thì mới có được cái tâm an bình. Muốn có hoà bình, mỗi người và mọi người cần thiết phải có một cái tâm an bình trước đã.

Năm 2017 là năm đầu tiên trong kế hoạch ”Mục vụ Gia đình” 3 năm của Hội Đồng GMVN (Năm 2016-2017: Chuẩn bị cho người trẻ bước vào đời sống hôn nhân; Năm 2017-2018: Đồng hành với các gia đình trẻ; Năm 2018-2019: Đồng hành với những gia đình gặp khó khăn). Để thực hiện cách hiệu quả kế hoạch, điều kiện tiên quyết là phải có được một cái tâm an bình, ngõ hầu chung tay góp sức xây dựng một mùa Xuân Thanh Bình, một nền hoà bình trường cửu trên quê hương Việt Nam, cho đến tận cùng trái đất – cách riêng đối với các gia đình trẻ hiện nay đang phải đối đầu với những thách đố thời đại đi ngược lại với Lời Chân Lý. Vâng, xin hiệp lời cầu nguyện: “Lạy Chúa từ nhân, xin cho con biết mến yêu và phung sự Chúa trong mọi người. Lạy Chúa, xin hãy dùng con như khí cụ bình an của Chúa… Xin thương ban xuống những ai lòng đầy thiện chí ƠN AN BÌNH“ (TCCĐ “Kinh Hóa Bình”).

Ôi! Lạy Chúa! Theo âm lịch thì năm nay (2017) là năm Con Gà (Đinh Dậu). Cúi xin Chúa ban Thánh Linh cho con có được tinh thần sáng suốt và nhất là lòng dũng cảm, để con có thể trở nên như con gà hằng báo hiệu bình minh bằng tiếng gáy thức tỉnh con người; ngõ hầu đem Lời Chúa đi rao giảng khắp nơi. “Cúi xin Đấng tạo thành trời đất, xuống cho đoàn con muôn ngàn phúc cả từ núi thánh Sion.” (Tv 133, 3). Ôi! “Lạy Thiên Chúa từ bi nhân hậu, trong ngày đầu năm mới chúng con họp nhau đây để dâng lời chúc tụng ngợi khen Chúa. cúi xin Chúa mở lượng hải hà, ban cho hết mọi người chúng con trong năm 2017 (Đinh Dậu) này được bình an mạnh khoẻ, càng thêm tuổi càng thêm nhân đức hầu đáng hưởng phúc lộc dồi dào. Chúng con cầu xin, nhờ Đức Ki-tô Chúa chúng con. Amen.” (Lời nguyện nhập lễ, lễ Tân niên).

JM. Lam Thy ĐVD.

———————————

Chú thích: (1) “Tẩy trần” ( 洗 塵 ): Rửa sạch bụi bặm. Ngụ ý: Rũ sạch những nhơ uế phiền tạp trong đời. Ví dụ: “Tẩy trần vui chén thong dong, Nỗi lòng, ai ở trong lòng mà ra?” (Truyện Kiều câu 1571-1572)

(3) Bài đọc 1 lễ Tân niên (Is 11, 1-9) có chủ đề: “Vị Minh Quân dòng dõi vua Đa-vit”, tiên báo Đức Vua Giê-su giáng thế.

(2) “Nhật tân, nhật nhật tân, hựu nhật tân 日新 , 日日新 ; 又日新 ” (Nho giáo): Ngày một mới, ngày ngày mới, lại ngày càng mới (ngụ ý: kiên trì canh tân để trở thành con người mới).