Mục Tử đích thực

Chúa Nhật IV PS B: Ga 10,11-18

Hình ảnh người mục tử hướng dẫn đàn chiên được bắt rễ sâu trong kinh nghiệm của dân du mục thời Cựu Ước (x. St 4,2). Mục tử vừa là thủ lãnh, vừa là người bạn đồng hành, là người hùng mạnh có sức bênh đỡ đàn chiên chống lại thứ dữ (x. 1Sm17, 34-37; Mt 10,16; Cv 20,29). Người mục tử cũng tế nhị đối với đàn chiên mình, biết lối sống của chúng và thích nghi với hoàn cảnh sống của chúng (x. St 33,13tt). Như thế, không thể nghi ngờ gì nữa về quyền bính của người mục tử. Quyền bính ấy được đặt nền tảng trên sự tận tụy và yêu thương.

Vào thời Tân Ước, một mặt Đức Giêsu lên án loại mục tử vô trách nhiệm giống như kẻ chăn thuê và bị đồng hóa với bọn trộm cướp và hạng sát nhân, mặt khác Người tự nhận mình Mục Tử đích thực sẵn sàng hy sinh mạng sống của mình để bảo vệ đàn chiên. Trong bài Tin Mừng hôm nay, Người còn phác họa cho chúng ta chân dung của người mục tử đích thực với những phẩm tính không thể thiếu.

Người mục tử đích thực trước hết là người biết rõ tình trạng của từng con chiên: “Tôi biết chiên của tôi, và chiên của tôi biết tôi” (Ga 10,14). Cái “biết” thì có nhiều cấp độ. Ở đây, Chúa Giêsu cho thấy cái “biết” của Người về đàn chiên là cái biết trọn vẹn. Thật vậy, Người đã so sánh mức độ của cái “biết” này ngang với việc Người biết Chúa Cha và Chúa Cha biết Ngươi “như Chúa Cha biết tôi, và tôi biết Chúa Cha”. Chúng ta làm sao có thể tìm được cái “biết” nào rõ ràng hơn cái biết của sự hiệp thông Ngôi Vị trong Mầu nhiệm Ba Ngôi Thiên Chúa!

Người mục tử đích thực sẵn sàng làm mọi cách để bảo vệ đàn chiên, ngay cả khi có thể hy sinh mạng sống mình. Dám hy sinh mạng sống không phải chỉ để bảo vệ đơn thuần mớ tài sản của mình. Hành động hy sinh là vì đàn chiên đã trở thành những người bạn của anh, trở thành một phần cuộc sống của anh, trở thành một phần trong con người anh.

Người mục tử đích thực còn là người luôn mang trong mình khao khát và nỗ lực tìm cách hợp nhất chiên thành một đàn duy nhất: “Tôi còn có những chiên khác không thuộc ràn này. Tôi cũng phải đưa chúng về” (Ga 10,16). Trong bối cảnh này, Chúa Giêsu muốn nói đến những người dân ngoại. Họ là những người không thuộc đàn chiên được tuyển chọn, nhưng họ cũng được mời gọi hợp thành một đoàn chiên duy nhất vì họ đã được sinh ra bởi cùng một gốc gác.

Chính Chúa Giêsu là người mục tử như thế. Những gì Người nói đã được minh chứng qua cuộc khổ nạn và phục sinh của Người. Chính người đã hy sinh tính mạng vì đoàn chiên mà không để đàn chiên phải bơ vơ hư mất: “Những người Cha đã ban cho con, con không để mất một ai” (Ga 18,9). Như vậy, sứ điệp Lời Chúa hôm nay mời gọi người tín hữu hãy chiêm ngắm dung mạo người Mục Tử tốt lành là Chúa Giêsu, từ đó dõi  theo bước chân của Người để không trở thành “con chiên lạc” trong đàn chiên của Chúa.

Một cách nào đó, mỗi người tín hữu cũng là “mục tử” trong cương vị sống của mình. Lời Chúa mời gọi mỗi người tín hữu hãy trở thành những “mục tử” nhiệt thành, sống dấn thân với sự tận tụy và đầy lòng yêu thương. Qua đó, khát mong của Chúa Giêsu có thể được thực hiện “Tôi còn có những chiên khác không thuộc ràn này. Tôi cũng phải đưa chúng về” (Ga 10,16).

Giuse Đoàn Văn Tuân