Acacio Pinto, một nhà nghiên cứu trẻ Công giáo người Timor-Leste, chuyên gia về các vấn đề kinh tế và xã hội giải thích với hãng thông tấn Fides: “Timor-Leste, với khoảng 97% dân số theo Công giáo, là quốc gia có đông người Công giáo nhất tại châu Á về tỷ lệ phần phần trăm. Tuy nhiên, quốc gia này không theo thể chế thần quyền hoặc quyết định chọn Công giáo làm quốc giáo. Hiến pháp nhìn nhận sự đóng góp của Giáo hội Công giáo đối với quyền tự quyết của người dân, nhưng duy trì nguyên tắc tự do tôn giáo. Do đó sự kiện Thủ tướng hiện nay Mari Amudi Alkatiri là người theo Hồi giáo thuộc Đảng Cách mạng Timor-Leste Độc lập (Fretilin) không phải là một vấn đề. Đây là nhiệm kỳ thứ hai của ông trong vai trò người lãnh đạo chính phủ: nhiệm kỳ thứ nhất khi Timor-Leste tái thiết lập nền độc lập vào năm 2002; đến năm 2006 ông quyết định từ chức vì bất ổn chính trị và quân sự”.
Pinto nói tiếp: “Mặc dù có niềm tin tôn giáo khác với phần đông dân số, trong một xã hội đa nguyên như xã hội Timor-Leste, ông Alkatiri không vấp phải những thành kiến về phía những nhà lãnh đạo hoặc đảng phái chính trị chính. Tài quản trị cũng như tiếng tăm của ông trong việc quan tâm đến các chính sách tài chính đã chiếm được cảm tình của nhiều công dân, gồm cả những nhà lãnh đạo Giáo hội Công giáo. Chẳng hạn Đức cha Basilio do Nascimento, người đứng đầu giáo phận Baucau, đã ủng hộ việc ông Alkatiri lên làm Thủ tướng của đất nước”.
Cuối cùng nhà nghiên cứu Pinto kết luận: “Chúng ta sẽ xem liệu chính phủ có vượt qua được giai đoạn khó khăn này hay không: Tình trạng chính trị bấp bênh hiện nay là do sự kiện đảng của ông đang có những vấn đề trong Quốc hội. Chúng ta sẽ đợi xem liệu người đứng đầu chính phủ có ở lại cho tới cuối năm hay không. Nhưng nếu ông không tiếp tục, thì chắc chắn đó không phải là do yếu tố tôn giáo”.
(Theo Agenzia Fides, 13/12/2017)