Đức Giáo hoàng giải thích mật nghị cho trẻ em
Đức Phanxicô nhấn mạnh khi ngài giải thích việc bầu chọn giáo hoàng cho các em bé: “Người được chọn, có thể không phải là người thông minh nhất, người láu lỉnh nhất, người làm các chuyện nhanh nhất, nhưng là người Chúa muốn chính xác lúc đó cho Giáo hội”. Ngài tiếp tục triển khai trước các em bé của giáo xứ Maria Josefa ở ngoại ô Rôma ngày 19 tháng 2 vừa qua: “Đó là một tiến trình phải cầu nguyện rất nhiều (…) Mình không được trả tiền (…) Mình không rút thăm (…) Và Chúa, Thần Khí là người quan trọng nhất. Qua các em bé, Đức Phanxicô giải thích tiến trình dài của mật nghị, nơi có “các yếu tố của con người và sự can thiệp của Thần Khí” hòa lẫn vào nhau trước khi đi đến kết quả cuối cùng. Nét độc đáo của các lời trao đổi giữa Đức Thánh Cha và trẻ em về câu hỏi này – điểm xuyết qua các câu khôi hài và đối đáp của trẻ con – xứng đáng để ghi lại nguyên văn ở đây.
Đối thoại với trẻ con
Tất cả bắt đầu từ câu hỏi của em Alessandro: “Vì sao cha thành Giáo hoàng?”. Đức Phanxicô trả lời: “Bởi vì có những người phạm tội. Một trong những người phạm tội này là người đó” (ngài chỉ hồng y Agostino Vallini, Tổng đại diện giáo phận Rôma, và trẻ con bật cười). Đức Phanxicô nói tiếp: “Con có biết vì sao người ta thành Giáo hoàng không?. Cha sẽ giải thích cho con. Con có biết người ta thành Giáo hoàng như thế nào không?” (“Không!”, các em trả lời). “Người ta có trả tiền để làm Giáo hoàng không?” (“Không!”). Nhưng nếu có một ai trả nhiều, nhiều, rất nhiều, cuối cùng người đó có làm Giáo hoàng được không?” (“Không!”) “Không. Người ta cũng không rút thăm. Vậy phải làm như thế nào? Ai bầu Giáo hoàng? Các con suy nghĩ kỹ nghe: Ai bầu Giáo hoàng?” (“Các hồng y?”) “Các hồng y. và cha Agostino Vallini là hồng y, cha là cha tổng đại diện giáo phận Rôma. Cha ở trong số 115 hồng y đã họp nhau lại để bầu Giáo hoàng”.
“Và các hồng y họp nhau lại, họ nói chuyện với nhau, họ suy nghĩ, họ lập luận, nhưng quan trọng nhất là họ cầu nguyện. Họ ở trong phòng kín, có nghĩa là họ không thể nói chuyện với người ở bên ngoài, họ bị cô lập và họ vào Nhà Nguyện Sixtine để bầu Giáo hoàng. Họ nói chuyện với nhau về những gì mà Giáo hội cần bây giờ, vì thế họ phải chọn giữa những người khác nhau, người này hay người kia. Và Chúa đã gởi Thần Khí đến để giúp họ bầu Giáo hoàng. Rồi mỗi người bầu và đếm phiếu. Ai có được hai phần ba số phiếu thì người đó là Giáo hoàng”.
Đức Phanxicô nói thêm: “Như các con thấy đó, trong tiến trình này, có rất nhiều lời cầu nguyện. Người ta không trả tiền, người ta không có các bạn bè quyền thế để làm ảnh hưởng, không. Trong nhóm người bầu Giáo hoàng, ai là người quan trọng nhất? Các con suy nghĩ kỹ nhé! Ai là người quan trọng nhất? (Một em bé trai trả lời: “Giáo hoàng!”). “Không, khi đó Giáo hoàng chưa được bầu.” (Một vài em trả lời: “Chúa”) “Chúa và đó là Thần Khí, Đấng qua các lá phiếu bầu chọn Giáo hoàng. Và rồi người được chọn không phải là người thông minh nhất, người láu lỉnh nhất hay người làm các việc nhanh nhất, nhưng là người Chúa muốn cho Giáo hội lúc đó”. (“Đúng!”, tất cả các em đều đồng thanh trả lời)”.
Khi đó đến lượt Đức Phanxicô hỏi các em: “Cha hỏi các con một câu, nhưng các con suy nghĩ kỹ nhé. Khi bầu chọn cha, các cha có 115 người: ai là người thông minh hơn tất cả? (“Cha!”, các em trả lời) “Không!” (Nhiều em khác nói: “Tất cả!”) “Không. Người thông minh nhất, người thông minh nhất…” )“Chúa”, các em trả lời). “Chính Chúa là người thứ 116… Chúng ta không biết, nhưng người được chọn không nhất thiết là người thông minh nhất. Có những người thông minh hơn người đó, nhưng Chúa đã chọn người đó. Và như trong tất cả các chuyện trong đời sống, thời gian trôi qua, Giáo hoàng phải chết cũng như tất cả mọi người, hoặc phải về hưu, như Đức Bênêđictô XVI cao cả đã về hưu vì ngài không còn sức khỏe. Rồi sẽ có một giáo hoàng khác, cũng bầu theo cách đó: được chọn bởi một nhóm các hồng y dưới ánh sáng của Thần Khí. Alessandro, con cho cha biết, con hài lòng với câu trả lời không? Cha không lầm chứ? Cha không nói dối chứ? Cám ơn con”.
Một giáo hoàng cho mỗi thời buổi
Như thế một giáo hoàng không nhất thiết phải thông minh hơn hay được chuẩn bị hơn, nhưng người mà theo các đồng bạn của mình – trong sự cân nhắc của con người và trong thinh lặng của cầu nguyện – phù với hình ảnh mà họ nhắm để đáp ứng cho nhu cầu của Giáo hội lúc đó. Bầu chọn – được thực hiện trong sự tôn trọng các quy trình theo giáo luật – được thánh hóa bởi nhân vật chính thứ 116, đó là Thần Khí. Và phản ảnh câu châm ngôn được cho là của thánh Vincent de Lérins đã từng khẳng định từ thế kỷ thứ 5: “Có những giáo hoàng Chúa ban, có những giáo hoàng khác, Chúa bao dung và còn có những giáo hoàng Chúa khiển trách họ”.
Tháng 8 năm 1978, Đức Hồng y Giuseppe Siri, tổng giáo phận Gênes cử hành một trong các thánh lễ để bầu người kế vị Đức Phaolô VI trước khi bắt đầu mật nghị, ngài đã nhấn mạnh yếu tố nhân bản này khi ngài nói với các bạn hồng y của mình: “Tôi thấy cần thiết phải nói với các bạn hồng y đáng kính và nhắc lại chúng ta sắp thi hành một bổn phận mà sẽ bất xứng khi nói: ‘Thần Khí lo!’ Chúng ta buông bỏ mà không làm việc, không đau đớn cho xung động đầu tiên, cho đề nghị không hợp lý”.
Không là thánh, không khôn ngoan, nhưng thận trọng
Và những lời nổi tiếng của thư số 24 trong tập thư tín của Thánh Bernard, đan viện trưởng Clairvaux, người được mệnh danh là tiến sĩ có lời văn ngọt ngào như mật, ngài nhấn mạnh đức tính phải có để là người cai quản tốt. Đức Albino Luciani (Giáo hoàng Gioan-Phaolô I) đã tóm tắt một cách tuyệt diệu trong một chương của quyển sách Illustrissimi của ngài khi ngài chính xác nhắc đến Thánh Bernard: “Chúng ta ở trong mật nghị. Các hồng y còn lưỡng lự, còn bất định giữa các ứng viên. Người thì được nhắc đến về sự thánh thiện, người thì về văn hóa cao của mình, người thì về tính thực tiển.” Một hồng y đã kết thúc sự bất định này và trích thư của Thánh Bernard:
“Không có lợi gì nếu cứ lần chần tránh né hoài, ngài nói, trường hợp chúng ta đã được cân nhắc đến trong lá thư số XXIV của tiến sĩ Bernard. Chỉ cần áp dụng và công việc sẽ tiến hành tốt. Ứng viên đầu tiên là một vị thánh? Vậy thì, cầu nguyện cho chúng tôi, oret pro nobis, ngài đọc vài Kinh Lạy Cha cho chúng tôi là những kẻ có tội. Người thứ nhì có văn hóa cao ư? Chúng tôi rất sung sướng, xin dạy cho chúng tôi, doceat nos, ngài sẽ viết vài quyển sách uyên bác. Người thứ ba thận trọng ư? Ước mong người này cai quản chúng ta và trở thành giáo hoàng”. “Chúng ta nghiêng mình trước những người, trong số chúng ta, là những người khôn ngoan, mộ đạo nhưng chúng ta bầu người có đức tính thận trọng”, Đức Albino Luciani đã đọc trong bài diễn văn ở Đại học Liên Bang Santa Maria, Ba Tây vào tháng 11 năm 1975.
Thánh Bernard de Clairvaux, tiến sĩ có lời văn ngọt ngào, đã chuẩn bị cả một loạt lời dặn dò cho học trò mình là Eugène III, Giáo hoàng từ năm 1145 đến 1153, có tên là “Lời khuyên cho một Giáo hoàng” (bản văn này gần đây đã được xuất bản ở Ý). Một tập sách vẫn còn giá trị cho ngày hôm nay: “Con là Giáo hoàng, con là tôi tớï: cho các tông đồ, cấm thống trị”, Thánh Bernard khẳng định. “Bây giờ là lúc để tỉa, Giáo hoàng là người kế vị Thánh Phêrô, không phải là người kế vị Constantin.” Lời nói của ngài dành cho các cọng sự chung quanh Giáo hoàng và chung quanh giáo triều đặc biệt quan trọng trong bối cảnh tình hình hiện nay: “Họ càng tuyên bố là tôi tớ của ngài, thì họ lại càng muốn làm luật”.
(Giuse Nguyễn Tùng Lâm chuyển dịch, RadioVaticana 22.02.2017)
fr.aleteia.org, Andrea Tornielli, Vatican Insider, 2017-02-21)