« Mọi thức ăn đều thanh sạch » (11.2.2015 – Thứ tư, sau Chúa Nhật V Thường Niên)

« Mọi thức ăn đều thanh sạch »
(Mc 7, 14-23)

 

14 Sau đó, Đức Giê-su lại gọi đám đông tới mà bảo: “Xin mọi người nghe tôi nói đây, và hiểu cho rõ:15 Không có cái gì từ bên ngoài vào trong con người lại có thể làm cho con người ra ô uế được; nhưng chính cái từ con người xuất ra, là cái làm cho con người ra ô uế.16 Ai có tai nghe thì nghe!”

17 Khi Đức Giê-su đã rời đám đông mà vào nhà, các môn đệ hỏi Người về dụ ngôn ấy.18Người nói với các ông: “Cả anh em nữa, anh em cũng ngu tối như thế sao? Anh em không hiểu sao? Bất cứ cái gì từ bên ngoài vào trong con người, thì không thể làm cho con người ra ô uế,19 bởi vì nó không đi vào lòng, nhưng vào bụng người ta, rồi bị thải ra ngoài?”

Như vậy là Người tuyên bố mọi thức ăn đều thanh sạch.20 Người nói: “Cái gì từ trong con người xuất ra, cái đó mới làm cho con người ra ô uế.21 Vì từ bên trong, từ lòng người, phát xuất những ý định xấu: tà dâm, trộm cắp, giết người,22 ngoại tình, tham lam, độc ác, xảo trá, trác táng, ganh tỵ, phỉ báng, kiêu ngạo, ngông cuồng.23 Tất cả những điều xấu xa đó, đều từ bên trong xuất ra, và làm cho con người ra ô uế.”

  1. Ở lại với Đức Giê-su

Khi nghe Đức Giê-su giảng dạy, và nhất là khi Ngài giảng bằng các dụ ngôn, không chỉ đám đông không hiểu, nhưng cả các môn đệ nữa (x. Mc 4, 10). Cũng giống như chúng ta hôm nay, chúng ta nghe Lời Chúa mỗi ngày, nhưng không phải lúc nào chúng ta cũng hiểu, thậm chí có những lúc chúng ta cũng chẳng chú ý lắng nghe. Chính vì thế, Đức Giê-su hay kết thúc bài giảng bằng câu nói này : « Ai có tai để nghe, thì hãy nghe ! » Vậy, xin Thánh Thần làm cho đôi tai của chúng ta biết nghe Lời Chúa.

Các môn đệ không hiểu, nhưng thay vì bỏ qua hay bỏ đi, các môn đệ theo Đức Giê-su về nhà và hỏi Ngài về các dụ ngôn trong bầu khi thân mật. Đúng là Đức Giê-su có trách các môn đệ :

Cả anh em nữa, anh em cũng ngu tối như thế sao? Anh em không hiểu sao?

(c. 18)

Nhưng Ngài vẫn luôn kiên nhẫn giải thích (x. Mc 4, 13-20). Vì thế, trong việc lắng Lời Chúa, và nhất là khi cầu nguyện với Lời Chúa, chúng ta cũng cần kiên nhẫn lưu lại với Chúa để nghe Ngài giải thích. Và Lời Chúa, khi được hiểu, sẽ giải thoát chúng ta khỏi những khuynh hướng lệch lạc, những hình ảnh sai lầm về Chúa, về mình và về người khác, khỏi chính sự dữ và mang lại kết quả gấp trăm, như Người đã nói : “Còn kẻ được gieo trên đất tốt, đó là kẻ nghe Lời và hiểu, thì tất nhiên sinh hoa kết quả và làm ra, kẻ được gấp trăm, kẻ được sáu chục, kẻ được ba chục” (Mt 13, 23).

 

  1. Giải thoát khỏi cái nhìn lệch lạc về lương thực

Thật vậy, Lời Chúa trong bài Tin Mừng hôm nay giải thoát chúng ta khỏi quan niệm lệch lạc về lương thực, đó là coi khinh lương thực, nhìn lương thực như một thứ cám dỗ, như dịp tội, hay như cạm bẫy. Vì thế, để đền tội hay trở nên thánh thiện, phải ăn chay, nhịn ăn nhịn uống[1]. Tuy nhiên, Đức Giê-su tuyên bố:

Mọi thức ăn đều thanh sạch.

Mọi thức ăn đều thanh sạch, bởi vì đó là ơn huệ Thiên Chúa ban từ thủa tạo thiên lập địa, như các trình thuật sáng tạo mạc khải (x. St 1 và 2), nhất là Thánh Vịnh 136:

Chúa ban lương thực cho tất cả chúng sinh.
Muôn ngàn đời Chúa vẫn trọn tình thương.

(Tv 136, 25)

Và ơn huệ lương thực nhắc nhớ nhưng ơn huệ khác : trời đất, sự sống muôn loài, sự sống con người… Thật vậy, trong trình thuật “Sáng Tạo Bảy Ngày”, hành động ban lương thực của Thiên Chúa, là điểm tới, là mục đích, hay ít nhất là hành động cuối cùng trong quá trình sáng tạo, vì thế sau đó, Thiên Chúa nói: “Rất tốt đẹp” (c. 31). Có thể nói, Thiên Chúa dựng nên muôn loài và con người là để “cho ăn”! Nghĩa là để làm cho sống. Và trong ơn huệ sự sống, đã chất chứa lời hứa trao ban sự sống, sự sống dồi dào rồi, “sự sống dồi dào”, không phải là sự sống “ăn no mặc ấm” và “êm trôi êm trôi”, nhưng là sự sống mạnh hơn sự chết. Đức Ki-tô đến để làm rõ và thực hiện lời hứa này (x. Ga 10, 10).

Chúng ta hãy dành nhiều thời giờ để suy niệm, chiêm ngắm và cảm nếm ơn huệ lương thực. Của ăn của uống hằng ngày, nhất là các bữa ăn: chúng ta có đón nhận như ơn huệ của Thiên Chúa không? Và qua ơn huệ lương thực, chúng ta có đón nhận sự sống mỗi ngày ở mức độ căn bản nhất như là hồng ân, như lời diễn tả tình yêu và lòng bao dung của Chúa không, để cho mỗi ngày sống của chúng ta trở thành lời tạ ơn và ca tụng Chúa? Như lời mở đầu Giờ Kinh Sáng mời gọi:

Lạy Chúa Trời, xin mở miệng con,
cho con cất tiếng ngợi khen Người.

Và Bánh Thánh Thể chính là điểm tới của ơn huệ lương thực, được Thiên Chúa ban cho loài người từ thủa tạo thiên địa và được hiện tại hóa mỗi ngày; bởi lẽ khi chúng ta cầu nguyện: “Xin cho chúng con lương thực hàng ngày” trong kinh Lạy Cha, Chúa không chỉ ban cho chúng ta lương thực làm cho chúng ta sống mỗi ngày, nhưng còn ban Lương Thực mang lại sự sống đích thực hôm nay và mãi mãi: “Tôi là bánh hằng sống từ trời xuống. Ai ăn bánh này, sẽ được sống muôn đời. Và bánh tôi sẽ ban tặng, chính là thịt tôi đây, để cho thế gian được sống” (Ga 6, 51).

Lương thực chỉ trở nên cạm bẫy, khi chúng ta sử dụng như những sự vật nhằm thỏa mãn nhu cầu và lòng ham muốn ; và lòng ham muốn thì không cùng, không cần tương quan tình thương và mù quáng với tương quan tình thương.

 

  1. Giải thoát khỏi lòng ham muốn

Chính tình yêu Thiên Chúa, tình yêu Thiên Chúa dành cho chúng ta, nhất là tình yêu đến cùng của Người được thể hiện nơi Đức Giê-su Ki-tô, và tình yêu đến cùng chúng ta ước ao dành cho Chúa, chứ không thể là bất cứ điều gì khác, giúp mỗi người chúng ta giữ được lệnh truyền, nghĩa là làm chủ được lòng ham muốn. Bởi vì, theo thánh Phao-lô, lệnh truyền đặc trưng là « ngươi không được ham muốn » (Rm 7, 7).

Thế mà, ham muốn chính là đặc điểm của thú tính và là nguồn phát sinh ra mọi ý định xấu, như Đức Giê-su kể ra trong bài Tin Mừng : tà dâm, trộm cắp, giết người, ngoại tình, tham lam, độc ác, xảo trá, trác táng, ganh tỵ, phỉ báng, kiêu ngạo, ngông cuồng.

Chính việc ghi nhớ ơn huệ sẽ làm phát sinh nơi con tim của chúng ta tình yêu và lòng ước ao đáp trả trong tâm tình tạ ơn, ca tụng và dâng hiến (x. Tv 104 và Tv 139).

Suốt cuộc đời tôi sẽ ca tụng Chúa,
sống ngày nào, xin đàn hát kính Thiên Chúa của tôi.

(Tv 104, 33)

Lm Giuse Nguyễn Văn Lộc