Mấy người phụ nữ cùng đi (18.9.2015 – Thứ Sáu Tuần 24 Thường niên)


1
 Đức Giê-su rảo qua các thành phố, làng mạc, rao giảng và loan báo Tin Mừng Nước Thiên Chúa. Cùng đi với Người, có Nhóm Mười Hai 2 và mấy người phụ nữ đã được Người trừ quỷ và chữa bệnh. Đó là bà Ma-ri-a gọi là Ma-ri-a Mác-đa-la, người đã được giải thoát khỏi bảy quỷ, 3 bà Gio-an-na, vợ ông Khu-da quản lý của vua Hê-rô-đê, bà Su-san-na và nhiều bà khác nữa. Các bà này đã lấy của cải mình mà giúp đỡ Đức Giê-su và các môn đệ.


Suy Niệm 

 

Nhóm Mười hai cùng đi với Thầy Giêsu qua các thành phố, làng mạc,

để rao giảng và loan báo Tin Mừng Nước Thiên Chúa (c. 1).

 Chuyện các môn đệ nam giới đi theo Thầy

 là chuyện bình thường trong xã hội Do Thái.

 Chuyện lạ ở đây là chuyện cùng đi với Thầy còn có các phụ nữ.

Các bà đi theo Thầy, rong ruổi trên những nẻo đường của vùng Galilê.

 Họ như thuộc cùng một nhóm với các môn đệ.

Vào thời Đức Giêsu, chuyện phụ nữ đi chung như thế quả là gây sốc.

 Nếu một phụ nữ cứ tiếp xúc với nam giới ở ngoài họ hàng,

 thì bản thân chị ấy và gia đình sẽ phải mang tiếng xấu.

 Vả lại chẳng ông chồng nào chịu để cho vợ mình làm như vậy.

 

Những phụ nữ đã đi theo Thầy Giêsu từ Galilê.

Câu này nói lên căn cước của nhóm phụ nữ.

Họ đã theo Thầy đến chỗ Thầy chịu đóng đinh (Lc 23, 49).

 Họ đã theo Thầy đến chỗ Thầy được mai táng (Lc 23, 55).

 Họ là những người đầu tiên ra thăm mộ vào sáng sớm (Lc 24, 1-3).

 Theo Tin Mừng Mátthêu (28, 9-10), Máccô (16, 9) và Gioan (Ga 20, 18),

 chính họ là những người đầu tiên được thấy Đấng phục sinh

 Hai môn đệ Emmau tuy không tin lời chứng của các phụ nữ về Phục sinh,

 nhưng hai ông đã gọi họ là những phụ nữ trong nhóm chúng tôi (Lc 24, 22).

 Những phụ nữ này còn có mặt cùng với nhóm Mười Hai,

để cầu nguyện chung, sau khi Thầy Giêsu được cất về trời (Cv 1, 13-14).

 Như thế nhóm phụ nữ này đã kiên trì và can đảm đi theo Thầy Giêsu,

 từ Galilê đến Núi Sọ, và từ Núi Sọ đến cộng đoàn Giáo Hội sơ khai.

 Một cách nào đó, họ xứng đáng được gọi là người môn đệ.

 

Đức Giêsu đã không chỉ thu hút được các môn đệ nam theo Ngài.

 Qua việc trừ quỷ và chữa bệnh, Ngài đã làm cho nhiều cuộc đời tươi trở lại.

 Một nhóm phụ nữ khi được chữa lành, đã muốn tỏ lòng biết ơn,

 trong đó có bà Gioanna, là người đã lập gia đình, giàu có và quyền quý.

 Họ quyết định đi theo Đức Giêsu và các môn đệ như những trợ tá.

 Họ dùng của cải mình có để phục vụ các ngài (c. 3).

 Không nên coi việc phục vụ của nhóm phụ nữ là thấp kém,

 vì các môn đệ cũng được mời gọi làm người phục vụ anh em (Mc 10, 43).

 Và chính Thầy Giêsu cũng đã sống như một người phục vụ (Lc 22, 27).

 Không thấy nói đến việc các phụ nữ này được Thầy Giêsu sai đi rao giảng.

 Có lẽ vì vào thời đó ở nước Do Thái, người ta còn coi thường phụ nữ,

và không coi các phụ nữ như những chứng nhân đáng tin.

 

Khi nhìn Nhóm Thầy Giêsu cách đây hai mươi thế kỷ,

chúng ta thấy Thầy đã táo bạo, dám đi ngược với nền văn hóa thời đó.

 Ngài mở rộng thế giới của phụ nữ, vốn chỉ giới hạn trong gia đình.

 Phụ nữ hôm nay được mời gọi tham gia vào những công việc chung.

 Chúng ta cần thấy sự hiện diện tích cực của các phụ nữ lo việc bác ái,

 dạy giáo lý, làm việc cho giáo xứ, hay ở trong các tổ chức của giáo phận.

 Làm sao có được nhiều phụ nữ thánh thiện và năng động như Mẹ Têrêsa?

Cầu Nguyện 

 

Giữa một thế giới

đề cao quyền lực và lợi nhuận,

 xin dạy con biết phục vụ âm thầm.

 

 Giữa một thế giới say mê thống trị và chiếm đoạt,

 xin dạy con biết yêu thương tự hiến.

 

 Giữa một thế giới đầy phe phái chia rẽ,

xin dạy con biết cộng tác và đồng trách nhiệm.

 

 Giữa một thế giới đầy hàng rào kỳ thị,

xin dạy con biết coi mọi người như anh em.

 

 Lạy Chúa Ba Ngôi,

 Ngài là mẫu mực của tình yêu tinh ròng,

 xin cho các kitô hữu chúng con

 trở thành tình yêu

 cho trái tim khô cằn của thế giới.

 

 Xin dạy chúng con biết yêu như Ngài,

 biết sống nhờ và sống cho tha nhân,

 biết quảng đại cho đi

 và khiêm nhường nhận lãnh.

 

 Lạy Ba Ngôi chí thánh,

 xin cho chúng con tin vào sự hiện diện của Chúa

ở sâu thẳm lòng chúng con,

 và trong lòng từng con người bé nhỏ. 

 

Lm Antôn Nguyễn Cao Siêu, SJ