Trước hết, tôi tin vào Thiên Chúa, bởi tôi ý thức trong tận đáy lòng mình rằng, có một cơ chế tinh thần không thể tách rời với vạn vật. Sự sống, tình yêu, và ý nghĩa được kết nối về mặt tinh thần. Có một “nghiệp” không thể tách rời có ở khắp nơi và trong mọi sự, việc tốt tự nó là hạnh phúc, và việc xấu tự nó là sầu thảm. Các tôn giáo có những cách nói khác nhau về điều này, nhưng khái niệm này là một trong những khái niệm then chốt của mọi tôn giáo và là định nghĩa về đạo đức căn bản. “Anh em đong bằng đấu nào sẽ được đong lại bằng đấu ấy.”
Đây là cách diễn đạt của Chúa Giêsu về khái niệm này. Và cũng có thể nói là: Không khí bạn thở ra chính là không khí bạn hít vào. Nói đơn giản là: Nếu chúng ta chặt hạ quá nhiều cây, thì chúng ta sẽ sớm hít vào khí ôxy-cácbon. Nếu chúng ta phát ra yêu thương, thì sẽ gặp yêu thương. Nếu chúng ta phát ra thù hận và giận dữ, thì sẽ sớm thấy mình bị vây quanh bởi thù hận và giận dữ. Hiện thực có một cơ cấu, với sự thiện nảy sinh sự thiện, và sự dữ nảy sinh sự dữ.
Tôi tin vào Thiên Chúa vì tôi thấy sự hỗn loạn đến mù quáng vẫn không thể nào biến nó thành đạo đức căn bản. Chỉ có Thiên Chúa toàn năng mới có thể xây dựng được hiện thực như chúng ta có lúc này.
Lý do tiếp theo tôi tin vào Thiên Chúa là vì tôi thấy sự hiện hữu của linh hồn, trí khôn, yêu thương, vị tha, và mỹ thuật. Những điều này không thể đơn giản nảy sinh từ hỗn loạn, từ hàng tỷ tỷ thứ bất kỳ xuất hiện trong vũ trụ, mà không có một sức mạnh yêu thương thúc đẩy qua hàng tỷ năm. Những hỗn loạn vô trật tự, thiếu khôn ngoan và tình yêu, không thể tạo ra linh hồn và mọi sự cao đẹp nhất bên trong nó, là trí khôn, yêu thương, vị tha, thiêng liêng và mỹ thuật. Tâm hồn chúng ta và mọi thứ cao đẹp quý báu trong nó, thật sự chỉ là sản phẩm của những sự ngẫu nhiên trong một tiến trình vô định hay sao?
Tôi tin vào Thiên Chúa, vì nếu tâm hồn chúng ta có thật, thì Thiên Chúa cũng thế.
Một điều nữa, tôi tin vào Thiên Chúa vì Tin Mừng có tác dụng, nếu chúng ta thực hiện. Những gì chúng ta thấy nơi Chúa Giêsu và những gì Ngài dạy, đồng hưởng với những gì quý báu nhất, cao cả nhất, và ý nghĩa nhất trong cuộc đời và trong mỗi người chúng ta. Hơn nữa, điều này thể hiện trong cả cuộc đời chúng ta. Bất kỳ lúc nào tôi có đức tin và dũng cảm dể sống Tin Mừng, để liều lĩnh vì sự thật, thì tôi luôn thấy năm chiếc bánh biến ra nhiều cho hàng ngàn người ăn và thấy Đavid đánh bại Goliath. Nhưng Tin Mừng chỉ thành hiện thực khi tôi táo bạo thực hiện nó.
Dĩ nhiên có thể có người phản đối rằng nhiều người chân thành, đầy đức tin đã liều cả mạng sống, và tin vào Tin mừng, nhưng lại không được gì mấy. Họ kết thúc trong cảnh nghèo, khốn khổ, mất mát. Nhưng đấy là xét đoán của chúng ta theo tiêu chuấn thế gian này, theo Tin Mừng của Thịnh vượng, một thứ nói rằng kẻ chiến thắng là những ai đạt được nhiều nhất trong đời này. Tin Mừng của Chúa Giêsu gạt nó đi. Bất kỳ ai cố hết sức mình để trung tín sống Tin Mừng, thì sẽ được ban một điều vượt trên cả thành công thế gian, cụ thể là một niềm vui thâm sâu hơn của cuộc đời đáng sống, một niềm vui mà chính Chúa Giêsu đã bảo đảm là sâu sắc hơn, và bền vững hơn bất kỳ niềm vui nào khác.
Tôi tin vào Tin Mừng vì Tin Mừng! Và cầu nguyện cũng vậy!
Cuối cùng nhưng không kém quan trọng, tôi tin vào Thiên Chúa vì cộng đoàn đức tin có từ xa xưa, từ thời Chúa Giêsu sống, chết, và phục sinh, cộng đoàn đó đã rửa tội cho tôi đi vào đức tin. Xuyên suốt lịch sử, mọi cộng đồng nhân loại đều là một cộng đồng đức tin, tin vào Thiên Chúa, thờ phượng, một nghi lễ thiêng liêng.
Tôi tin vào Thiên Chúa vì sự tồn tại của các gia đình đức tin, sự tồn tại của giáo hội và bí tích.
Luận văn tiến sỹ của tôi là về các bằng chứng kinh điển về sự hiện hữu của Thiên Chúa, lập luận về sự hiện hữu của Thiên Chúa từ các trí giả lớn trong lịch sử: Anselm, Thomas Aquinas, Descartes, Leibnitz, Spinoza, và Alfred North Whitehead. Tôi đã viết gần 500 trang nói rõ và đánh giá những bằng chứng này, rồi cuối cùng đi đến kết luận rằng:
Chúng ta không tin vào Thiên Chúa vì sức thuyết phục của một phương trình toán học hay một tam đoạn luận logic. Chúng ta thấy Thiên Chúa hiện hữu thật, khi sống một cuộc đời chân thật, thành tâm.
J.B. Thái Hòa dịch – Phanxico