Luật sư người Công Giáo có được phép giúp một tín hữu Công Giáo trong vụ ly hôn dân sự không?

 

ly-di-230x200Câu hỏi: Một luật sư Công Giáo có thể giúp một tín hữu Công Giáo trong một vụ ly hôn dân sự không?

Trả lời: Đây là một vấn đề khó và tế nhị, nếu xét về tính cẩn trọng, kinh nghiệm và khả năng có thể gây gương xấu. Trước năm 1965, khi những vụ ly hôn dân sự không nhiều, hầu hết các luật sư Công Giáo đều được dạy là cách chung không nên tham gia vào những vụ ly hôn.

Trong một tập tài liệu nhỏ có tựa đề Những nguyên tắc luân lý pháp lý, phần 9, “Hôn nhân – Luật – Luật sư”, R.P. Murray đã nói rằng: Các luật sư Công Giáo có thể bào chữa cho trường hợp của đương sự từ chối ly hôn trong một hôn nhân hợp pháp; bào chữa cho trường hợp của đương sự có hôn nhân bị Giáo Hội tuyên bố vô hiệu; bào chữa cho trường hợp của đương sự chỉ muốn bảo vệ các quyền hợp pháp, chứ không ly dị vì muốn tái hôn. “Theo đó, ngoài những trường hợp hiếm hoi này, luật sư Công Giáo phải từ chối tham gia tố tụng cho vụ án ly hôn cho dù các bên liên quan không phải là người Công Giáo, vì giả định là họ tin rằng hôn nhân là bất khả phân ly.”

Trước năm 1965, tức là trước cuộc bùng nổ của cái gọi là luật ly hôn “vô tội”, nhiều luật dân sự có những quy định tương đối nghiêm ngặt, thậm chí là khắt khe, liên quan đến việc ly hôn. Chẳng hạn, luật của New York trước năm 1965 chỉ cho phép ly dị trong trường hợp có ngoại tình. Điều này dẫn tới việc có một số người rời bỏ tiểu bang, còn những người ở lại thì phải khai man để được ly hôn. Việc khai man này cũng là một lý do khác giải thích tại sao các luật sư Công Giáo chân chính không nên dính líu vào các thủ tục ly hôn.

Đồng thời, Công Đồng Vatican II đã than phiền “cơn dịch ly hôn” như là một trong “những quái dạng” làm lu mờ đi nét tuyệt hảo của hôn nhân. Theo Công Đồng, không chỉ sự thiện hảo của cá nhân nhưng sự thiện hảo của xã hội con người và Kitô giáo cũng được nối kết mật thiết với hôn nhân bền vững và đời sống gia đình.

Tuy nhiên, giáo luật cũng cho phép ly thân (GL 1151-1155) với điều kiện không được tái hôn. Xuất phát từ đức ái Kitô giáo và mối bận tâm điều tốt đẹp cho gia đình, giáo luật cũng khuyến khích bên bị hại hãy tha thứ những lầm lỗi cho bên kia và đừng chia cắt đời sống hôn nhân (GL 1152, triệt 1). Tuy nhiên, nơi nào có mối nguy hại lớn cho linh hồn hay thể lý của người khác hay cho trẻ em, hay nơi nào “đời sống chung” trở nên quá khó khăn, thì có thể ly thân theo luật (Gl 1153, triệt 1).

Tuy nhiên, vì Giáo Hội muốn nâng đỡ hôn nhân nên, vì đức ái Kitô giáo cũng như vì điều tốt đẹp cho gia đình, luật sư Công Giáo nên cố gắng hòa giải giữa họ để bảo vệ tầm quan trọng của hôn nhân bất khả phân ly, cho dù việc hòa giải đó có thể không thành công. Với nền tảng này, chúng ta có thể đọc thấy những dòng sau trong Giáo Lý Giáo Hội Công Giáo: “Nếu sự ly dị theo toà đời là cách duy nhất để bảo đảm một số quyền lợi chính đáng, để lo cho các con hoặc để bảo vệ di sản, thì có thể được dung thứ và không tạo thành một lỗi phạm nào về luân lý” (Gl 2383).

Nếu nó không tạo thành một lỗi phạm về luân lý thì tôi nghĩ rằng một luật sư Công Giáo có thể trợ giúp một tín hữu Công Giáo bảo vệ quyền lợi trong một vụ ly hôn dân sự khi đây là cách duy nhất để bảo vệ hay đảm bảo những quyền lợi pháp lý nào đó.

(trích trong SMITH, Msgr. WILLIAM B,. Modern Moral Problems: Trustworthy Answers to Your Tough Questions, edited by Donald Haggerty, Ignatius Press, San Francisco, 2012, tr 130)

Lược dịch: Pr. Lê Hoàng Nam, SJ