Lòng thương xót trong tông huấn Thiên Chúa giàu lòng thương xót
Trong từ điển Hy lạp-Pháp, miséricorde là « eleoV » : lòng tốt hay thiện chí đối với người cùng khổ với ước muốn giúp đỡ họ. Điều này được nói trong thư Phaolô gởi tín hữu Êphêsô 2,4 để diễn tả một đặc tính mạnh mẽ nhất của Thiên Chúa. Trong hai Giao Ước của lịch sử cứu độ, từ này thường được nhắc đến, và có tới 199 lần trong tông huấn Thiên Chúa giàu lòng thương xót (Dives in misericordia) của thánh giáo hoàng Gioan Phaolô II.
Lòng thương xót (miséricorde) là từ la tinh đến từ misereor (tôi thương) và từ cor (tim). “Có lòng thương xót” như thế có nghĩa là “có lòng thương từ trong tim mình”[1]. Thánh Phaolô đã nói rằng lòng thương xót Chúa thật sự giàu có (x. Ep 2,4-5 ; 2 Co 1,3). Tác giả của sách Xuất Hành thì nói rằng lòng thương xót Chúa chan chứa (x. Xh 34,6).
Đức Gioan Phaolô II tìm thấy ý nghĩa đầy đủ của Chúa Cha thương xót trong Đức Kitô : “Đức Kitô mặc cho truyền thống cựu ước về lòng thương xót một ý nghĩa dứt khoát. Ngài không chỉ nói và giải thích nhờ các hình ảnh và dụ ngôn, nhưng nhất là nhập thể và nhân vị hóa truyền thống đó. Theo một nghĩa nào đó, Ngài chính là lòng thương xót” (DM 2§2). Nhập thể, nhân cách hóa, trở nên lòng thương xót là những diễn đạt ý nghĩa để chỉ ra rằng Chúa Cha trở nên “hữu hình” và “sờ thấy” nơi Chúa Con. Chúa Cha cụ thể hóa lòng thương xót của Ngài.
Từ ngữ “lòng thương xót” được coi như một thực thể sống động : nhiều người “nói với lòng thương xót Chúa” (DM 2§5), chạy đến với lòng thương xót (DM 2§7), “kêu gọi lòng thương xót” (DM 3§7 ; 4§2, §4, §10 ; 15§1 ; 15§5), “được biết đến lòng thương xót” (DM 7§3). Với những cụm từ này, chúng ta hiểu rằng lòng thương xót là chính Chúa giàu lòng thương xót.
Trong tông huấn, tình yêu và lòng thương xót cũng đi liền với nhau, khi thì đi với nhau bằng chữ “và”, khi thì bằng dấu “gạch ngang”, khi thì lòng thương xót là tính từ.
Ý nghĩa của lòng thương xót được hiểu hơn nếu chúng ta đọc lại chương Ba của tông huấn và giải thích tu từ học (chú thích số 52 sẽ nói ở phần Cựu ước). Lòng thương xót là kinh nghiệm đặc biệt của dân tuyển chọn (x. DM 4§1). Theo lời các ngôn sứ, lòng thương xót có một sức mạnh đặc biệt của tình yêu, mạnh hơn tội lỗi và sự bất trung (DM 4§3), mạnh hơn sự chết (DM 8) nhờ cái chết của Đức Kitô. Nó cũng là kinh nghiệm nội tại của mỗi người Do thái (x. DM 4§4). Cách chung, “nó tạo nên đời sống của dân Ítraen cách đặc biệt : là sự thân mật với Thiên Chúa, nội dung đối thoại với Ngài” (DM 4§9).
Lòng thương xót trong Cựu ước được đề cập ngay ở đầu Tân ước khi Mẹ Maria ca ngợi và Giacaria tôn vinh : Lòng thương xót trải dài từ đời này đến đời kia (x. DM 5§1).
Lòng thương xót là di sản của Cựu ước, được đơn giản hóa và đào sâu trong Đức Kitô qua dụ ngôn người cha nhân hậu (x. DM 5§2). Dụ ngôn diễn tả căn tính và mầu nhiệm của Lòng thương xót Chúa cho dù không thấy cụm từ này trong đó (x. DM 5§2). Tính giản dị và chiều sâu của Lòng thương xót diễn tả ước muốn phẩm giá được tìm lại của người con (x. DM 5§5) và sự trung thành của người cha với chính mình (x. DM 6§1). Chúng còn chỉ ra nỗi lo lắng, sự hào hiệp, tình thương, niềm vui, xúc động của người cha vì “người con đã chết và nay được tìm thấy” (DM 6§2).
Nhờ lòng thương xót, tương quan giữa cha và con được tôn trọng. Người con thấy chính mình, thấy rõ các việc làm của mình và với người cha, nó là một tài sản mới (x. DM 6§4). Người cha quên đi hết lỗi lầm của con (x. DM 6§4). Như thế, tình yêu trong Tin mừng và cụ thể trong dụ ngôn trở nên lòng thương xót, trong đó ý nghĩa của nó trở nên sáng sủa.
Tính giản dị và chiều sâu của lòng thương xót trong dụ ngôn còn là một “thực tại sám hối” (DM 6§5). Sám hối là trở về, tái lập giá trị của người con (x. DM 6§5). Người con chỉ mong đối xử công bằng của cha, nhưng cha đã cho nó lòng thương.
Chân lý về lòng thương xót được diễn tả đầy đủ trong mầu nhiệm vượt qua nơi đó sự cao cả khôn sánh của con người được tỏ ra trong chiều kích nhân loại, còn chiều sâu của tình yêu được tỏ ra trong chiều kích thiêng liêng. Nếu người cha trong dụ ngôn trung thành với con, thì Ngôi Con trong mầu nhiệm vượt qua thỏa mãn tình yêu trung thành và sáng tạo của Cha (x. DM 7§1). Trong mầu nhiệm này, lòng thương xót được mạc khải cách viên mãn vì sự Cứu chuộc đem lại cho tình yêu sức mạnh sáng tạo (x. DM 7§3). Lòng thương xót không chỉ mạc khải cho những người tin nhưng còn cho tất cả và cho mỗi người (x. DM 7§5). Như thế, lòng thương xót Chúa thật vô biên (x. DM 13§4) và đạt tới đỉnh cao. Đấng chịu đóng đinh chờ đợi lòng thương xót của phía con người. Con người được tôn trọng hơn. Nếu con người là đối tượng của lòng thương xót, thì nó cũng phải “thi hành lòng thương xót” (DM 8§4). Chúng ta nhớ lại những lời trong cuộc phán xét cuối cùng : “Mỗi khi các người làm gì cho một trong những anh em bé mọn nhất của Ta đây là làm cho chính Ta” (Mt 25, 40). Lòng thương xót vô biên của Thiên Chúa dẫn Người Con đến độ hạ mình để rồi khi bị treo trên thập giá, Ngài tạo ra lòng thương xót nhân loại, nhưng Ngài không cần nhận lòng thương xót đó từ nhân loại. Rồi trong sự phục sinh, Con Thiên Chúa đã có kinh nghiệm tận căn của lòng thương xót, tức kinh nghiệm của Cha mạnh hơn sự chết (x. DM 8§7).
Trong mầu nhiệm vượt qua, Thiên Chúa đến tìm và nâng phẩm giá con người trong Người Con để tái lập và thăng tiến phẩm giá khi rút điều thiện từ mọi hình thức sự dữ. Lòng thương xót là “chiều kích không thiếu của tình yêu ; nó như tên gọi thứ hai, và đồng thời cách riêng mà Ngài mạc khải và thực thi để chống lại sự dữ hoành hành trong thế gian (x. DM 7§6). Nếu lòng thương xót được mạc khải tận căn bởi thập giá, nó lại được mạc khải đầy đủ trong phục sinh (x. DM 8§2 et §6). Nếu như trong sự chết của Đức Kitô, lòng thương xót mạnh hơn tội lỗi, thì trong sự phục sinh, nó mạnh hơn sự chết (x. DM 8§7). Ở trần gian, lòng thương xót được mạc khải như tình yêu (x. DM 8§3), còn khi cánh chung, tình yêu phải được mạc khải như lòng thương xót (x. DM 8§3).
« Các nhà thần học khẳng định rằng lòng thương xót là thuộc ngữ lớn nhất của Thiên Chúa, là sự hoàn hảo nhất của Ngài » (DM 13§1), « là thuộc ngữ đáng tôn vinh của Đấng Sáng tạo và cứu chuộc » (DM 13§3). Có thể cảm nghiệm cách mạnh mẽ nhất trong Bí tích Thánh Thể và sám hối (x. DM 13§3).
Trong sứ mệnh ở trần gian, Chúa Giêsu dạy chúng ta thi hành lòng thương xót để có lòng xót thương (x. DM 14§1). Bởi thế, lòng thương xót không bao giờ là hành vi hay tiến trình đơn phương trong các tương quan (x. DM 14§2). Nếu như thế thì nó không hoàn hảo, bị méo mó, nhưng phải là song phương (x. DM 14§3) : có như vậy mới xứng đáng là con cái Thiên Chúa và làm như vậy là tham dự vào lòng thương xót của Thiên Chúa.
Lòng thương xót có tương quan với sự công chính. Đức thánh Giáo Hoàng Gioan Phao lô II viết rằng « Lòng thương xót là nguồn sâu xa nhất của sự công chính và nó có thể làm cho con người là chính mình. » (DM 14§4). Sự công chính chất chứa tình yêu để làm nên lòng thương xót trong Thiên Chúa. Có như vậy, lòng thương xót mới ban cho con người một phẩm giá xứng đáng, cho phép con người có được vị trí xứng hợp trong các tương quan (x. DM 14§5). Nó giúp con người sống tôn trọng vì trong đó chất chứa lòng kiên nhẫn, yêu thương, con tim nhạy cảm (x. DM 14§6). Tóm lại, trong tông huấn Dives in misericordia của Đức Gioan Phaolô II, sứ điệp và cuộc vượt qua của Đức Kitô chỉ ra lòng thương xót vô biên của Chúa Cha.
Minh Sáng