Lòng thương xót, đề tài căn bản thời nay

Lòng thương xót, một đề tài căn bản của thế kỷ 21
 
Vào hậu bán thế kỷ 20, hai Đức giáo hoàng đã nhận ra cách rõ rệt “những dấu chỉ thời đại”, các ngài yêu cầu chúng ta một lần nữa đặt vấn đề lòng thương xót trong sứ điệp và thực hành của Giáo Hội, đức Gioan XXIII, “giáo hoàng tốt lành”, mà dân Ý vẫn gọi ngài, là người đầu tiên đã nêu lên thách đố này. Trong nhật ký thiêng liêng, người ta đã thấy nhiều suy tư rất sâu xa về lòng thương xót Chúa. Đối với ngài, đó là tên đẹp nhất mà ngài sử dụng để nói với Chúa : nỗi thống khổ của chúng con là ngai của lòng thương xót Chúa[1]. Ngài trích thánh vịnh 89,3 : “Lòng thương xót Chúa đời đời con ca tụng”[2].
 

Vì vậy đây chính là đề tài ở trong tim ngài cách đặc biệt và cũng là sự thân tín, chín muồi trong thời gian, mà Đức Gioan XXIII sẽ nói ngày 11/10/1962, trong diễn văn khai mạc Công đồng Vatican II, để đem lại tinh thần cho Vatican II. Tại đó, ngài khẳng định rằng Công đồng không phải là bằng lòng nhắc lại giáo huấn của Giáo Hội như đã nhận được. Giáo Hội biết “đi ngược lại với những sai lầm của mọi thời đại”.
 
“Hôm nay, Hiền thê cần chạy đến phương thuốc của lòng thương xót, hơn là nắm giữ những vũ khí của sự khắt khe”[3].
 
Một cung giọng mới được ban ra, điều được nhân loại lắng nghe. Trong Công đồng, không thiếu những hiệu quả được sinh ra. Vì như đức giáo hoàng mong muốn, không tài liệu nào trong 16 tài liệu Công đồng nhắm đến bỏ hay thay đổi học thuyết của Giáo Hội như Giáo Hội được ban truyền. Không có một ý định nào cắt đứt truyền thống Giáo Hội. Nhưng tất cả đã mang một cung giọng mới và một cách công bố sứ điệp Tin mừng cách mới mẻ. Theo đức giáo hoàng, các tài liệu Công đồng đã thiết lập mối liên hệ giữa lòng thương xót và chân lý[4]. Đức Gioan XXIII đã định nghĩa cách tiếp cận mới này khi nói về sứ mạng mục vụ của Công đồng.
 
Khái niệm “mục vụ” đã tạo ra nhiều tranh luận trong và ngay sau Công đồng, có khi lại là nguồn gốc của những người hiểu sai. Ở đây, có thể khẳng định : sự tiếp cận mới mà đức Gioan XXIII mong muốn, chắc chắn có liên quan tới điều mà ngài loan báo trong diễn văn khai mạc khi nói về phương thuốc của lòng thương xót. Từ đó, đề tài lòng thương xót trở thành căn bản, không chỉ cho công đồng, mà còn cho cả Giáo Hội hậu Công đồng, đặc biệt cho mục vụ của Giáo Hội.
 
Đức giáo hoàng Gioan Phaolô II đã theo đuổi và đào sâu điều đức Gioan XXIII đã khai mở. Không còn chỉ ngồi ở văn phòng để tìm hiểu mà ngài đã suy niệm về lòng thương xót. Đức Gioan Phaolô II là một trong những người hiếm có, sống lịch sử đau thương của thời đại chúng ta và cảm nhận điều đó trong xác thịt của ngài. Ngài đã lớn lên gần Auschwitz ; trong thời trẻ và những năm đầu linh mục, rồi với tư cách giám mục Cracovie, ngài đã biết nỗi khổ của thế chiến thứ 2 và 2 hệ thống độc tài, ngài có kinh nghiệm nhiều về đau khổ trong đời sống riêng và đời sống dân ngài. Triều đại của ngài đánh dấu bởi liên tiếp những khủng bố và, trong những năm cuối đời, được đánh dấu bằng đau khổ cá nhân. Bằng chứng của đau khổ này là lời giảng dạy mạnh mẽ, qua nhiều bài giảng và nhiều sách vở. Như thế ngài biến sứ điệp lòng thương xót thành sợi dây dẫn dắt suốt triều đại giáo hoàng của ngài và ngài đã ghi dấu lòng thương xót một lần cho tất cả trong lịch sử Giáo Hội thế kỷ 21.
 
Tông huấn thứ 2 của triều đại Thiên Chúa giàu lòng thương xót (1981) đã dành cho đề tài lòng thương xót. Trong tông huấn này, đức thánh cha nhắc lại rằng chỉ sự công bằng thì không đủ, vì sự công bằng cực độ cũng có thể trở thành bất công cực độ. Lễ phong hiển thánh của thiên niên kỷ thứ 3 ngày 30/4/2000 không phải là ngẫu nhiên : lễ được chọn gắn với đề tài lòng thương xót. Vì ngày đó, đức Gioan Phaolô II đã phong thánh cho thánh Faustina Kowalska (+1938), nhà thần bí Ba Lan, đến khi đó rất ít được chúng ta biết đến. Cuốn nhật ký cho thấy nữ tu giản dị này đã đi xa hơn nhiều so với thần học tân kinh viện và lời giảng dạy của chị đơn thuần trìu tượng và siêu hình về các thuộc ngữ của Thiên Chúa. Trung thành với Kinh thánh, chị đã định nghĩa lòng thương xót như thuộc ngữ tối cao của Thiên Chúa, sự hoàn hảo thần linh siêu việt. Như thế, chị được ghi vào trong dòng dõi truyền thống lớn của thần bí nữ giới. Ở đây cũng phải nhắc đến thánh Catarina Sienna và Têrêxa Lisieux.
 
Trong chuyến thăm Lagiewniki, ngoại ô Cracovie, nơi thánh Faustina đã sống, ngày 7/6/1997, đức thánh cha đã nói rằng lịch sử đã ghi lại lòng thương xót trong kinh nghiệm bi thương của thế chiến thứ 2, trong đó lòng thương xót là sự hỗ trợ đặc biệt và là nguồn vô tận của niềm hy vọng. Theo đức Gioan Phaolô II, sứ điệp này cách nào đó đã tạo nên hình ảnh triều đại giáo hoàng của ngài. Trong bài giảng nhân dịp phong thánh cho nữ tu Faustina, ngài đã tuyên bố sứ điệp này phải là tia sáng trên con đường của con người trong thiên niên kỷ thứ ba. Trong chuyến đi cuối cùng về quê hương, ngài đã long trọng dâng thế giới cho lòng thương xót ngày 17/8/2002 tại Lagiewniki. Dịp này, ngài trao cho Giáo Hội trách nhiệm truyền cho thế giới lửa lòng thương xót. Theo đề nghị của nữ tu Faustina, ngài đã thiết lập Chúa nhật sau Phục sinh, là “Chúa nhật trắng”, Chúa nhật lòng thương xót.
 
Như thế, nhiều người đã thấy dấu hiệu Quan phòng trong việc đức giáo hoàng này được gọi về nhà Cha trước Chúa nhật lòng thương xót ngày 2/4/2005. Đức giáo hoàng Biển Đức XVI đã diễn đạt ý này trong thánh lễ phong chân phước cho đức Gioan Phaolô II ngày 1/5/2011, cũng là Chúa nhật lòng thương xót. Ngày lễ an táng ngày 8/4/2005, trên quảng trường thánh Phêrô, lúc còn là hồng y Ratzinger, trong tư cách là niên trưởng hồng y đoàn, ngài đã nhấn mạnh rằng lòng thương xót là mối bận tâm chính của vị tiền nhiệm. Ngài đã nói:
 
“Đức Gioan Phaolô II đã diễn tả cho chúng ta mầu nhiệm vượt qua như mầu nhiệm của lòng thương xót Chúa. Ngài đã viết trong cuốn sách cuối cùng rằng giới hạn định đoạt cho sự dữ “dứt điểm là lòng thương xót””.
 
Đây là một trích dẫn trong sách mà đức Gioan Phaolô II đã cho xuất bản chỉ một vài tháng trước khi qua đời dưới tựa đề Ký ức và Căn cước, lần cuối cùng tóm tắt mối ưu tư chính của ngài[5]. Trong thánh lễ khai mạc công nghị ngày 18/4/2005, đức hồng y Ratzinger đã viết:
 
“Trong niềm vui sướng, chúng ta nghe loan báo năm hồng ân: lòng thương xót đặt giới hạn cho sự dữ – Đức Thánh Cha đã nói với chúng ta. Chúa Giêsu Kitô là lòng thương xót Chúa trong Ngôi vị. Sứ mệnh của Đức Kitô đã trở thành sứ mệnh của chúng ta qua việc xức dầu thánh; chúng ta được gọi kêu loan truyền không chỉ qua lời nói nhưng qua đời sống, với các dấu chỉ hữu hiệu của bí tích, “năm ân sủng của Thiên Chúa”.
 
Vì vậy, không ngạc nhiên ngay từ tông huấn đầu tiên Thiên Chúa là tình yêu, 2006, đức Biển Đức 16 đã theo những bước đi của vị tiền nhiệm và đào sâu chiều kích thần học cho vấn nạn này. Trong tông huấn xã hội Tình yêu trong chân lý, 2009, ngài đã cụ thể hóa đề tài này khi đặt nó trong tương quan với những thách đố mới của thế giới này. Khác với những tông huấn xã hội trước, ngài không lấy công bình làm khởi điểm, nhưng tình yêu với tư cách nguyên lý căn bản của học thuyết xã hội của Giáo Hội. Khi chọn khởi điểm mới, ngài đã đặt ra những nền tảng mới để làm sáng tỏ cách đa dạng vấn nạn lòng thương xót trong bối cảnh rộng hơn.
 
Như vậy, ba đức giáo hoàng của hậu bán thế kỷ 20 và đầu thế kỷ 21 đã nói với chúng ta về lòng thương xót Chúa. Tuyệt nhiên, không phải là đề tài thứ yếu, nhưng đúng là một đề tài căn bản của Tân và Cựu ước, một chủ đề căn bản cho thế kỷ 21 để trả lời cho “các dấu chỉ thời đại”.
 
Minh Sáng chuyển ngữ
Nguồn : Đức Hồng Y Walter Kasper, Lòng Thương Xót, Khái niệm căn bản của Phúc Âm, chìa khóa của đời sống kitô, nxb Béatitudes, 4/2015 –