Thiên Chúa là Đấng toàn năng và đầy lòng từ bi thương xót nhưng tại sao Ngài lại để xảy ra các tai ương, những đau khổ và bất công trong xã hội? Thiên Chúa là tình yêu sao Ngài lại để con cái mình phải chịu bao nỗi buồn đau, khổ cực tưởng chừng như tuyệt vọng?
Đây quả là một điều rất khó hiểu đối với trí khôn của con người, một đàng chúng ta tin Thiên Chúa là Đấng toàn năng và đầy lòng từ bi thương xót, nhưng thực tế trong cuộc đời chúng ta lại phải gặp biết bao tai ương, những bất công, cực khổ, đau buồn. Trong lúc đau khổ tột cùng, người ta dễ thất vọng và có thể đi tới chỗ tuyệt vọng, chán nản cũng như cảm nhận rằng: Thiên Chúa đã bỏ rơi mình.
“Lạy Chúa, con một niềm tin tưởng nơi Ngài. Những đau đớn xót xa mà anh chị em con đang phải gánh chịu là do đâu? Tại tội con hay cha mẹ con? Con đã cố gắng sống tốt ơn gọi tu trì trong Dòng Mân Côi. Bố mẹ con đã sống ơn gọi Kitô hữu một cách tích cực: chuyên cần cầu nguyện, siêng năng lãnh nhận các Bí Tích và hăng say xây dựng cộng đoàn giáo xứ, Giáo Hội và xã hội. Bố mẹ con đang khỏe mạnh, chưa lo việc dựng vợ gả chồng cho 2 em út… Tại sao anh chị em chúng con phải mồ côi sớm vậy? Anh chị em chúng con còn trẻ người non dạ. Ai sẽ thay thế bố mẹ chúng con để dạy dỗ, hướng dẫn và là chỗ dựa tinh thần vững chắc cho anh chị em chúng con? Tại sao Chúa lại cất cả mẹ và bố chúng con khi Chúa biết chúng con rất cần các ngài. Tại sao Ngài lại để con, gia đình con khổ? Chúa ơi! Tại sao vậy? Chúa ơi! Anh chị em con phải làm gì bây giờ?”
Quả thật, những tư tưởng trên cứ luẩn quẩn trong tâm trí tôi từ khi Chúa gọi người bố của chúng tôi về với Ngài sau một vụ tai nạn. Sự chia ly vĩnh viễn của bố tôi đối với anh chị em chúng tôi quá đột ngột, nhanh chóng. Điều đáng nói nữa là, cái chết của người bố đã xảy ra sau cái chết của mẹ tôi tròn 08 tháng. Chiều tối Chúa Nhật 22.03.2015 tôi nhận tin mẹ bị tai nạn giao thông đang khi mẹ từ nhà thờ trở về nhà tôi sau khi tham dự Thánh Lễ. Chiều Chúa Nhật 22.11.2015, tôi nghe tin sét đánh: “Em ơi, bố bị tai nạn nặng lắm lúc trên đường đi Chầu và Lễ ở Xuân Đài. Hai anh đang đưa bố đi cấp cứu…”.
Cả bố và mẹ tôi đều bị thương rất nặng ở não, dù anh chị em chúng tôi đã bằng mọi cách cố gắng chạy chữa cho bố mẹ, cùng với sự nhiệt tâm của các bác sĩ tại bệnh viện Bạch Mai, và Việt Đức nhưng chúng tôi đã mồ côi cả mẹ lẫn bố vào ngày thứ hai, 23.03.2015 và thứ hai, 23.11.2015. Đây quả là một sự trùng hợp khó hiểu và là một nỗi đau đớn xót xa vô hạn cho anh chị em tôi.
Mọi người trong hai dòng tộc nội ngoại, quý linh mục, chủng sinh, tu sĩ, các tổ chức đạo đời, bạn bè thân hữu gần xa tới an ủi, giúp đỡ, động viên, cầu nguyện, hiệp dâng thánh lễ cho bố mẹ và khích lệ tinh thần cho anh chị em chúng tôi. Nhưng nỗi buồn đau trong tôi vẫn nặng trĩu, lòng tôi quặn thắt, cổ họng đắng chát, ngẹn ứ. Sự mất mát lớn lao quá, làm sao có thể bù đắp được? Câu nói của một người bạn của bố mẹ cứ văng vẳng bên tai tôi: “Tại sao bố mẹ cháu ăn ở như thế mà khổ vậy?” Đau xót quá, nghiệt ngã quá Chúa ơi! Phải chăng lúc đó Ngài vắng mặt? Phải chăng Ngài đã làm ngơ trước đau khổ của chúng con?
Đôi lúc, người ta trách Thiên Chúa, bởi vì nếu Ngài quan phòng mọi sự thì Ngài phải chịu trách nhiệm khi những đau khổ xảy đến cho con cái Ngài, ít nhất Ngài cũng phải chịu can thiệp để tai hoạ đừng xảy ra chứ?
Người ta thường nghĩ rằng: những điều xấu hay không may mắn đã xảy ra cho những người có vẻ không đáng bị như thế. Nhưng Chúa đã cho phép những điều ấy xảy ra vì những lý do của Ngài, chúng ta có thể hiểu hoặc không thể hiểu được.
Trong giây phút đau khổ tột cùng trên Thập giá, Chúa Giêsu đã từng kêu lên: “Lạy Cha, lạy Cha, sao Cha bỏ con?” (Mc 15, 34; Mt 27, 46). Sau khi chịu những nhục mạ và những cực hình tàn bạo của con người, Chúa Giêsu cảm thấy bị bỏ rơi đến mức tột cùng, cảm thấy một sự trống rỗng mênh mông: hoàn toàn vắng bóng Thiên Chúa, không còn cảm giác về sự hiện diện của Cha, Đấng mà Ngài gọi bằng Abba. Thiên Chúa từ bỏ Thiên Chúa. Thiên Chúa dường như đã không còn là Thiên Chúa nữa khi Ngài bị tước đoạt trần trụi vì tội lỗi chúng ta. Kinh nghiệm bỏ rơi cho thấy Chúa Giêsu đang ở mức độ tột cùng của mọi nỗi cô đơn: bị loài người từ bỏ không nói chi, nhưng dường như cũng bị chính Thiên Chúa chối từ. Thánh Gioan Thánh Giá cho biết: “Đó là tình trạng bỏ rơi thê thảm nhất mà Chúa Giêsu cảm nghiệm trong cuộc sống trần thế của Ngài… Theo thể thức ấy, Chúa Kitô bị hủy diệt và hầu như trở nên hư không”. Chúa Giêsu đã từng chịu những nỗi đau khổ ê chề nhất mà cuộc đời có thể mang lại. Trong mức đau khổ tột đỉnh mà Con Thiên Chúa phải chịu đã mở rộng trước mắt ta đỉnh cao tình yêu mà Ngài dành cho loài người.
Trong một kinh nghiệm nồng nhiệt, Chị Chiara Lubich đã nói:
“Để chúng con được ánh sáng, Chúa đã trở nên mù lòa.
Để chúng con được hiệp nhất, Chúa đã chịu xa cách Chúa Cha.
Để chúng con được khôn ngoan, Chúa đã trở nên “dốt nát”.
Để chúng con được trở nên vô tội, Chúa đã trở thành người “tội lỗi”.
Để chúng con hy vọng, Chúa đã hầu như tuyệt vọng.
Để Thiên Chúa ở trong chúng con, Chúa đã cảm nghiệm tình trạng bị bỏ rơi.
Để chúng con chiếm hữu Thiên đàng, Chúa đã cảm nghiệm hỏa ngục.”
Theo sách Gióp, ông Gióp là một người giàu có và có lòng kính sợ Thiên Chúa, nhưng rồi bao nhiêu tai nạn dồn dập đã xảy ra trên đời sống ông: con chết, tài sản tiêu tan và chính ông mắc phải một chứng nan y không thuốc thang nào chữa trị được. Vợ ông trước hoàn cảnh đó chẳng những không thông cảm lại còn lên tiếng chế nhạo, còn những người bạn thì cho rằng ông tội lỗi đầy mình nên mới nên nông nỗi đó. Trong hoàn cảnh đau khổ và cô đơn tột cùng, ông Gióp vẫn vững tin vào Thiên Chúa, ông vẫn kiên trì chịu đựng tất cả vì ông tin rằng mọi sự đều do Thiên Chúa gửi tới.
“Thân trần truồng sinh từ lòng mẹ,
Tôi sẽ trở về đó cũng trần truồng.
Đức Chúa ban cho, Đức Chúa lại lấy đi.
Xin chúc tụng danh Đức Chúa” (G 1,21).
Và ông luôn luôn sẵng sàng đón nhận dù cái sướng hay cái khổ: “chúng ta đón nhận điều lành từ Thiên Chúa, còn điều dữ lại không biết đón nhận sao?” (2,10b).
Ông Gióp rất mạnh mẽ và vững tin vào Thiên Chúa, nhưng trước những đau khổ dồn dập vừa thấy mặt bạn, ông Gióp đã oà khóc và kêu lên: “Tại sao Thiên Chúa lại để tôi khổ như thế này?”
Trong lúc đau khổ chúng ta thường trách Chúa: “Lạy Chúa, tại sao Ngài im lặng?”
Thiên Chúa đã để cho Đức Giêsu – con yêu dấu của Ngài phải chịu đựng nỗi đau khổ tột cùng trên thập giá. Ông Gióp đau đớn xót xa, òa khóc khi cảm nhận mình quá đau khổ. Bản thân người viết cảm thấy cuộc sống quá chua xót, nghiệt ngã khi phải trải qua nỗi đau khổ, thử thách tưởng như tuyệt vọng cho dù đã tự trấn an mình bằng bao lời yên ủi trong Kinh Thánh cũng như kinh nghiệm cuộc sống hay bao lời an ủi của bạn bè thân hữu gần xa.
Lạy Chúa, loài người chúng con vốn yếu đuối, giới hạn đang khi chới với ngụp lặn trong đau khổ, buồn phiền chúng con rất cần được sự nâng đỡ, cảm thông, chia sẻ của Ngài, của Mẹ Maria và của mọi người.
Sự ra đi của những người thân trong gia đình đã khiến ta nhận thức rằng cuộc đời không thể êm xuôi như một giòng sông lững lờ trôi về biển cả. Cuộc đời mưa lũ đau khổ. Chẳng ai né tránh được những đau khổ, muộn phiền. May mắn thay! Không ai phải đương đầu với nó một mình, bởi vì, chúng ta còn có Thiên Chúa, có Mẹ Maria và có nhau.
Chúng ta không thể cầu nguyện để ép Thiên Chúa ban lại sự sống cho những người thân đã qua đời. Nhưng chúng ta có thể làm được một việc vô cùng quan trọng là cầu nguyện cho cho người thân và hãy để họ nối kết yêu thương trong gia đình, họ hàng mỗi khi ta nhớ về những kỷ niệm, di ngôn của người đã khuất. Chúng ta hãy cố gắng đừng để sự ra đi của người thân trở thành niềm tuyệt vọng, u sầu và mất mát đức tin nơi chúng ta.
Tuy nhiên trên tất cả, chúng ta phải nhớ rằng Thiên Chúa là tốt lành, công bình, yêu thương và nhân từ. Những thử thách, đau khổ chúng ta gánh chịu thật khó hiểu, nhưng trong cái nhìn đức tin và sự phó thác vào tình yêu quan phòng, thương xót của Thiên Chúa “tin cậy Chúa bằng tất cả tấm lòng” cho dù đau đớn, xót xa. Hãy tin rằng: Thiên Chúa không chậm trễ hay lừa dối ta. “Tất cả những ai đang vất vả mang gánh nặng nề, hãy đến cùng Tôi, Tôi sẽ cho nghỉ ngơi bồi dưỡng” (Mt 11, 28).
Nguyện xin Thiên Chúa thương chúc lành cho gia đình con và nâng đỡ thiện chí cũng như sự yếu hèn của anh chị em trong gia đình con, hầu chúng con có thể can đảm đứng vững trong đức tin và phó thác trong tình yêu quan phòng của Thiên Chúa.
Nt. M. Ripsimina Bùi Thị Liễu, FMSR