Lòng thương xót Chúa sẽ biến đổi thế giới
GIỜ CHẦU LÒNG THƯƠNG XÓT CHÚA
Xin nhấn vào tên (PDF hoặc Word) để tải file PDF và file Word cho giờ Chầu Lòng Thương Xót Chúa.
BÀI CHIA SẺ : LÒNG THƯƠNG XÓT CHÚA SẼ BIẾN ĐỔI THẾ GIỚI
Hơn 150 ngàn người đã tham dự buổi đọc kinh Truyền Tin đầu tiên trong triều đại Giáo Hoàng của ĐTC Phanxicô trưa Chúa Nhật ngày 17 tháng 03 năm 2013.
Từ sáng sớm rất nhiều tín hữu và khách hành hương đã tuôn về Quảng trường Thánh Phêrô để tham dự buổi đọc Kinh Truyền Tin và gặp gỡ vị Giáo Hoàng thứ 266 của Giáo Hội Công Giáo. Ngài là vị Giáo hoàng đầu tiên đến từ tân thế giới và là người đầu tiên lấy danh hiệu Phanxicô.
Đúng 12 giờ trưa, ĐTC Phanxicô xuất hiện tại cửa sổ phòng làm việc của ngài trông xuống quảng trường, giữa tiếng reo vui mừng của các tín hữu. Trong bài huấn dụ ngắn trước khi đọc kinh, sau lời chào, Đức Thánh Cha đã nhấn mạnh đến lòng thương xót của Thiên Chúa dành cho mỗi người chúng ta. ĐTC nói:
Trong buổi đọc kinh Truyền Tin đầu tiên sau khi được bầu làm giáo hoàng, Đức Thánh Cha Phanxicô đã nói: “Dung mạo của Thiên Chúa là dung mạo của một người Cha đầy lòng thương xót, đầy nhẫn nại với chúng ta. Người thấu hiểu chúng ta, chờ đợi chúng ta và luôn tha thứ cho chúng ta mà không bao giờ mệt mỏi, nếu chúng ta chạy đến với Người với tâm hồn sám hối… Lòng thương xót sẽ biến đổi thế giới. Một chút lòng thương xót thôi cũng làm cho thế giới bớt lạnh lẽo và thêm công chính” (Kinh Truyền Tin, 17- 03-2013).
Tiếp đến Đức Thánh Cha nói rằng, trong những ngày này Ngài đã đọc một tác phẩm của thần học gia Kasper. Và chính tác phẩm đã gợi hứng cho ngài về lòng thương xót của Thiên Chúa. Ngài nói:
“Đức Hồng Y Kasper nói về việc lắng nghe lòng thương xót, và lời này có thể biến đổi tất cả. Lòng thương xót có thể làm cho thế giới trở nên ấm áp hơn và công bằng hơn. Do đó, chúng ta cần hiểu lòng thương xót của Thiên Chúa, Ngài là một người cha đầy lòng thương xót đối với mỗi người chúng ta. Hãy nhớ lại lời của ngôn sứ Isaia: “Tội các ngươi dầu có đỏ như son, cũng ra trắng như tuyết. có thắm tựa vải điều, cũng hóa trắng như bông” (Is 1,18). Lòng thương xót đẹp biết bao!”
Sau đó ngài kể lại một câu chuyện trong kinh nghiệm mục vụ của ngài. Ngài nói:
“Tôi nhớ, vào năm 1992, khi còn là Giám mục, tôi đi dâng lễ tại một nhà thờ cho các bệnh nhân. Trong thánh lễ này tôi cũng giải tội cho một số người. Cuối thánh lễ, tôi đứng dậy vì tôi phải ban bí tích thêm sức. Lúc đó, có một người phụ nữ lớn tuổi tới gần tôi, bà rất khiêm nhường. Tôi nhìn người phụ này và nói với bà: “Thưa bà, bà có muốn xưng tội không?”
Bà đáp: “Thưa có.”
“Nhưng nếu bà không có tội…”.
Và bà trả lời tôi rằng: “Tất cả chúng ta đều có tội”. Bà đáp lại: “Chắc chắn Thiên Chúa tha thứ tất cả”.
“Nhưng làm sao bà biết, thưa bà?” Tôi hỏi lại.
“Vì nếu Thiên Chúa không tha thứ cho chúng ta, thế giới này sẽ không tồn tại”. Nghe những lời đó, tôi định hỏi bà rằng: “Bà ơi, nói cho tôi biết, phải chăng bà học ở trường đại học Gregoriana.” Bởi vì đây chính là sự khôn ngoan của Chúa Thánh Thần. Một sự khôn ngoan nội tâm về lòng thương xót của Thiên Chúa. Chúng ta đừng bao giờ quên lời này: Thiên Chúa không bao giờ mệt mỏi tha thứ cho chúng ta, không bao giờ! Và vấn đề của chúng ta là gì? Thưa, vấn đề là chúng ta chán nản, chúng ta không muốn, chúng ta không mong muốn sự tha thứ. Ngài không bao giờ bỏ cuộc, không bao giờ! Thiên Chúa là người cha yêu thương luôn tha thứ. Ngài có một trái tim đầy lòng thương xót dành cho tất cả chúng ta. Và chúng ta cũng cần học và thương xót người khác. Chúng ta hãy cầu xin sự chuyển cầu của Mẹ Chúng ta, vì chính ngang qua mẹ, lòng thương xót của Thiên Chúa đã được thực thi giữa con người.”
Câu chuyện sau đây là một minh họa :
Cách đây gần 2 năm, có một người đàn ông đến xin gặp tôi để xưng tội sau nhiều năm bỏ Chúa. Vừa xưng, ông vừa khóc lóc rất là thảm thiết. Khi được hỏi lý do nào thúc đẩy ông đến với tòa giải tội thì ông trả lời : Vì ông đã tham dự giờ chầu Lòng Thương Xót Chúa. Ông còn nói rõ, khi tham dự giờ chầu, ông được nghe nói rằng : Dù tội lỗi con người có đỏ như son, thì trong biển thương xót của Chúa, Ngài cũng sẽ làm cho tâm hồn được nên trắng như tuyết. (Is 1,18). Chính điều đó đã làm cho ông dằn vặt và suy nghĩ mấy đêm liền. Để rồi sáng nay ông quyết định đến với tòa giải tội, là tòa của lòng thương xót Chúa để được đón nhận sự khoan dung và tha thứ của Chúa.
Lòng Chúa Thương Xót là một Quà Tặng Cho Nhân Loại
Lòng Chúa Thương Xót là một quà tặng cho nhân loại như trong thông điệp ĐTC Gioan Phaolô II chuẩn bị cho Chúa Nhật Lòng Thương Xót Chúa ngày 3/4/2005 trước khi ngài qua đời: “Như là món quà tặng cho nhân loại mà đôi lúc dường như bị hoang mang và lấn át bởi quyền lực sự dữ, bởi ích kỷ và sợ hãi, nhưng Chúa Phục Sinh đã ban tình yêu của Ngài xuống để khỏa lấp, để hòa giải và mở lại trái tim cho tình yêu. Một tình yêu biến đổi cõi lòng và đem lại bình an.
Chủ Nhật Lòng Thương Xót Chúa 15/4/2007, ĐTC Benedicto đã chọn tổ chức sinh nhật của mình dù rằng sinh nhật của ngài là 16/4. Ngài nói : Hãy có đức tin nơi Lòng Chúa Thương Xót! Từng ngày hãy trở nên con cái của Lòng Chúa Thương Xót. Lòng Thương Xót là chiếc áo ánh sáng Chúa đã ban cho ta ngày Rửa Tội. Ta không được phép để ánh sáng này bị dập tắt, trái lại nó phải sáng lên trong ta mỗi ngày để đem Tin Mừng của Thiên Chúa đến cho trần gian.
Theo ĐTC, trước khi làm chứng nhân cho Lòng Thương Xót của Thiên Chúa, ta phải đích thân lãnh nhận quà tặng của Lòng Thương Xót Chúa. Tất cả những ai khi lãnh nhận bí tích Thánh Tẩy, đều nhận được “Một quà tặng lớn lao của Lòng Chúa Thương Xót”. Hãy để cho ánh sáng của Lòng Thương Xót ngày Rửa Tội “lớn lên trong ta từng ngày” bằng việc thực hành lòng thương xót.
Sống Lòng Thương Xót Chúa mỗi ngày
Khi nhận được Lòng Thương Xót từ Đức Kitô, chúng ta được kêu gọi tiến bước vào thế giới như những con người của lòng thương xót và thứ tha. Như Thiên Chúa đã bày tỏ lòng thương xót cho ta thế nào thì ta cũng được gọi để bày tỏ lòng thương xót ấy cho tha nhân, đặc biệt cho những ai tối cần đến. Nếu không, chứng tá cho Lòng Chúa Thương Xót sẽ mất đi độ tin cậy và sự toàn vẹn. Chúa nói với Faustina : “Ta đòi hỏi con việc làm cho lòng thương xót phát xuất từ tình yêu đối với Ta. Con sẽ tỏ bày lòng thương xót với những người chung quanh con, mọi nơi mọi lúc. Con không được lùi bước hay biện hộ hoặc tự miễn trách nhiệm cho bản thân việc đó. Ta ban cho con ba cách sử dụng lòng thương xót đối với người thân cận : Thứ nhất – bằng việc làm, thứ hai – bằng lời nói, thứ ba – bằng lời cầu nguyện. Trong cả ba cấp đó cần chứa đựng đầy lòng thương xót, và đó là bằng chứng không thể nghi ngờ được của tình yêu dành cho Ta. Chính nhờ cách này mà một linh hồn có thể tôn vinh và tôn kính lòng thương xót của Ta.” (NK, 742).
ĐTC Benedicto nhắc nhủ: “Ta cần phải sống lòng thương xót mỗi ngày, đồng thời cho phép Lòng Chúa Thương Xót biến đổi ta nên những người có lòng thương xót. Để rồi thế giới này đến lượt tự nó sẽ được biến đổi bởi sự khải hoàn của Lòng Thương Xót sống động”.
Theo gương thánh Faustina và theo lời kêu gọi của các vị chủ chăn trong giáo hội, ta có thể quảng bá việc tôn kính lòng thương xót Chúa, lần chuỗi lòng thương xót, cử hành lễ kính lòng thương xót, dâng những khổ đau của ta làm hy lễ tình yêu cho tha nhân. Ta cũng có thể nên sạch nơi “Tòa Thương Xót” của bí tích Hòa Giải. Ta cũng có thể kêu gọi mọi người đến với lòng thương xót của Chúa, khích lệ tất cả, đặc biệt các tội nhân hãy tin cậy vào lòng thương xót ấy. Ta có thể tham dự Đại Hội Thế Giới về Lòng Thương Xót, hoặc giúp tổ chức cộng đoàn Lòng Chúa Thương Xót trong các xứ đạo. Ta có thể làm một tông đồ, một nhân chứng của lòng thương xót bằng chính cuộc sống của ta. Chúa đang kêu mời ta sống chứng tá lòng thương xót từng ngày trong gia đình, trong cộng đoàn, ngoài xã hội, khi thuận lợi cũng như khi không thuận lợi, hãy có lòng thương xót đối với tha nhân như Thiên Chúa xót thương ta. Cầu nguyện và tín thác nơi Chúa phải là điều quan trọng khi theo đuổi hoạt động như thế.
Vượt lên trên, ta hãy phấn đấu cho “lòng thương xót sống động của Chúa đi tới khải hoàn” để đáp ứng huấn lệnh của ĐTC Benedicto : Hãy đi và làm nhân chứng cho Lòng Chúa Thương Xót, nguồn hy vọng của mọi người và của toàn thế giới.
Đức Thánh Cha Phanxicô công bố mở Năm Thánh đặc biệt vào cuối năm 2015
Đúng hai năm sau ngày lên ngôi Giáo Hoàng, Ngày 13 tháng Ba 2015, tại Đền thờ Thánh Phêrô, Đức Thánh Cha Phanxicô đã công bố mở một “Năm Thánh đặc biệt” gọi là “Năm Thánh Lòng Thương xót”. Năm Thánh bắt đầu với việc mở Cửa Thánh tại Đền thờ Thánh Phêrô vào ngày 08-12-2015, Đại lễ Đức Mẹ Vô Nhiễm nguyên tội, và kết thúc vào ngày 20-11-2016, Đại lễ Chúa Giêsu Kitô, Vua Vũ Trụ.
Việc mở Năm Thánh 2015 diễn ra nhân dịp kỷ niệm 50 năm bế mạc Công đồng Vatican II vào năm 1965. Điều này thật ý nghĩa, vì Năm Thánh sẽ thúc đẩy Giáo hội tiếp tục công trình mà Vatican II đã khởi sự.
Trong Năm Thánh, các bài đọc Thánh lễ Chúa nhật của Mùa Thường niên sẽ được lấy trong Phúc Âm theo Thánh Luca, người vẫn được gọi là “tác giả Phúc Âm của lòng thương xót”. Dante Alighieri thì mô tả Thánh Luca là “scriba mansuetudinis Christi” (người kể lại nét dịu hiền của Chúa Kitô). Có rất nhiều dụ ngôn nổi tiếng về lòng thương xót trong Phúc Âm Thánh Luca: con chiên đi lạc, đồng tiền đánh mất, người cha đầy lòng thương xót.
Việc long trọng công bố chính thức Năm Thánh sẽ diễn ra với việc công bố Sắc lệnh tại trước Cửa Thánh vào ngày Lễ kính Lòng Chúa Thương xót – ngày lễ này do Thánh giáo hoàng Gioan Phaolô II thiết lập và cử hành vào Chúa nhật thứ II Phục sinh.
Với “Năm Thánh Lòng Thương xót”, Đức Thánh Cha Phanxicô muốn đặt trọng tâm nơi lòng thương xót của Thiên Chúa, Đấng mời gọi các tín hữu trở về với Người. Gặp gỡ Chúa sẽ giúp chúng ta biết thực thi lòng thương xót.
Nghi thức khai mạc Năm Thánh là việc mở Cửa Thánh. Cửa này là cửa chỉ được mở trong thời gian diễn ra Năm Thánh và đóng lại vào tất cả các năm khác. Bốn Đại Vương cung thánh đường ở Roma đều có Cửa Thánh, đó là các Vương cung thánh đường: Thánh Phêrô, Thánh Gioan Latêranô, Thánh Phaolô Ngoại thành và Đức Bà Cả. Nghi thức mở Cửa Thánh biểu trưng ý nghĩa: trong Năm Thánh, các tín hữu được ban cho một “con đường đặc biệt” để hưởng Ơn cứu rỗi.
Các Cửa Thánh của các Vương cung thánh đường khác cũng sẽ được mở sau khi mở Cửa Thánh Vương cung thánh đường Thánh Phêrô.
Như một phương cách đề cao tầm quan trọng của sự tha thứ và canh tân mối quan hệ của mỗi chúng ta với Thiên Chúa, ơn toàn xá sẽ được ban trong năm Thánh. Ân xá là tha các hình phạt tạm vì tội – thường được ban cho các tín hữu hành hương đến Roma cùng với một số các điều kiện khác : xưng tội, rước lễ, cầu nguyện theo ý Đức Giáo Hoàng, và thực hiện những việc bác ái đơn giản như thăm viếng bệnh nhân….
Những ai không thể hành hương đến Rôma cũng có thể được hưởng ân xá bằng cách xưng tội và rước lễ, cầu nguyện theo ý Đức giáo hoàng, khi đi viếng hay tham dự một cử hành phụng vụ chung tại một nhà thờ được Đức giám mục địa phương chỉ định.
Kết :
Trong buổi đọc kinh Truyền Tin ngày 11-01-2015, Đức Thánh Cha Phanxicô đã nói: “Ngày nay chúng ta rất cần đến lòng thương xót, Điều quan trọng là các tín hữu sống lòng thương xót ấy và đem vào các môi trường xã hội khác nhau. Anh chị em hãy lên đường! Chúng ta đang sống trong thời đại của lòng thương xót, đây là thời đại của lòng thương xót”.
Rồi trong Sứ điệp Mùa Chay năm nay, Đức Thánh Cha cũng bày tỏ: “Tôi mong muốn biết bao rằng nơi nào Giáo hội hiện diện, đặc biệt là các giáo xứ và các cộng đoàn của chúng ta, nơi ấy sẽ trở thành những hải đảo thương xót giữa lòng đại dương vô cảm!”.
Ước mong sao mỗi chúng ta biết quảng đại đáp lại huấn lệnh của ĐTC Bênêđictô : Hãy đi và làm nhân chứng cho Lòng Chúa Thương Xót, nguồn hy vọng của mọi người và của toàn thế giới.
Hơn nữa còn cần phải sống lòng thương xót mỗi ngày, đồng thời cho phép Lòng Chúa Thương Xót biến đổi ta nên những người có lòng thương xót. Để rồi thế giới này đến lượt tự nó sẽ được biến đổi bởi sự khải hoàn của Lòng Thương Xót sống động”.
Vì Lòng Thương Xót Chúa sẽ biến đổi thế giới và làm cho thế giới trở nên ấm áp hơn và công bằng hơn.
Lm. Giuse Vũ Đức Hiệp
tổng hợp từ các nguồn tài liệu