Chúc phúc
Lc 6,20-26
20 Khi ấy, Chúa Giêsu đưa mắt nhìn các môn đệ và nói:
“Phúc cho các ngươi là những kẻ nghèo khó, vì nước Thiên Chúa là của các ngươi.21 Phúc cho các ngươi là những kẻ bây giờ đói khát, vì các ngươi sẽ được no đầy. Phúc cho các ngươi là những kẻ bây giờ phải khóc lóc, vì các ngươi sẽ được vui cười. 22 Phúc cho các ngươi, nếu vì Con Người mà người ta thù ghét, trục xuất và phỉ báng các ngươi, và loại trừ các ngươi như kẻ bất lương, 23 ngày ấy các ngươi hãy hân hoan và reo mừng, vì như thế, phần thưởng các ngươi sẽ bội hậu trên trời. Chính cha ông họ cũng đã đối xử với các tiên tri y như thế.
24 “Nhưng khốn cho các ngươi là kẻ giàu có, vì các ngươi hiện đã được phần an ủi rồi. 25 Khốn cho các ngươi là kẻ đã được no nê đầy đủ, vì các ngươi sẽ phải đói khát. Khốn cho các ngươi là kẻ hiện đang vui cười, vì các ngươi sẽ ưu sầu khóc lóc.26 Khốn cho các ngươi khi mọi người đều ca tụng các ngươi, vì chính cha ông họ cũng từng đối xử như vậy với các tiên tri giả”.
(Nguồn: Uỷ ban Thánh Kinh / HĐGMVN)
“Phúc cho các ngươi là những kẻ nghèo khó, nhưng khốn cho các ngươi là kẻ giàu có.” (Lc 6,20.24)
A- Phân tích (Hạt giống…)
Trong khi Thánh Matthêu ghi lại 8 lời chúc phúc của Chúa Giêsu, thì Thánh Luca chỉ ghi 4 lời chúc phúc và kèm theo những lời quở trách.
Những kẻ được chúc phúc là những người nghèo, đói khát, đang phải khóc lóc, bị bách hại.
Những người bị chúc dữ là những người đang giàu có, no đầy, vui cười, được tâng bốc.
Điều nên chú ý là: không phải tự thân, sự nghèo nàn khổ sở là hạnh phúc, nhưng nó mang lại hạnh phúc khi nó giúp người ta không dính bén với trần gian và chỉ để hướng lòng về Chúa. Cũng không phải tự thân, sự giàu có sung sướng là xấu, nhưng nó có thể trở thành nguồn bất hạnh khi nó trói buộc lòng con người vào thế giới vật chất đời này.
B- Suy gẫm (…nẩy mầm)
1. “Phúc cho các ngươi là những kẻ nghèo khó. Nhưng khốn cho các ngươi là những kẻ giàu có”: Có một bộ phim được chiếu trên truyền hình, kể chuyện một gia đình nghèo nhưng được sống hạnh phúc, về sau khi họ giàu lên thì không còn hạnh phúc nữa. Có lẽ dụng ý của Đài khi chiếu phim này là để đưa ra một lời cảnh giác cho mọi người trong thời kỳ đất nước đang mở cửa theo hướng kinh tế thị trường. Nghèo chưa hẳn là khổ, và giàu chưa hẳn là sướng. Sướng hay khổ là do lòng người, hay nói cho đúng hơn, do những giá trị mình theo đuổi. Nhưng gia đình ấy khi còn nghèo thì mọi người biết lo lắng và hy sinh cho nhau; đến khi giàu thì mạnh ai nấy lo hưởng thụ một cách ích kỷ.
2. Trong bài Phúc Âm này, Thánh Luca chú ý ghi rõ những chữ “bây giờ” và “sẽ”. Nghĩa là có thể có sự thay đổi tình trạng. Bây giờ đang khổ nhưng sau này có thể hạnh phúc; ngược lại bây giờ đang sung sướng thì sau này có thể sẽ khổ. Người đang khổ vật chất nhưng biết tìm kiếm những giá trị siêu nhiên thì sẽ hạnh phúc; ngược lại kẻ đang sung sướng với những giá trị vật chất nhưng cứ bám vào chúng mà không vươn lên những giá trị siêu nhiên thì sẽ bất hạnh.
3. Chúa rất yêu thương và rất công bình: ngay cả những người đang khổ, Chúa cũng ban cho họ hạnh phúc, một thứ hạnh phúc lạ lùng mà sự khôn ngoan thế gian không nghĩ ra được.
Xin cho con đừng bi quan trong những cái khổ hiện tại của con, nhưng biết tìm trong đó nguồn hạnh phúc siêu nhiên.
(Lm. Carôlô Hồ Bặc Xái)
Lạy Chúa Giê-su Thánh Thể,
Chúa là Thiên Chúa giầu sang nhưng lại tỏ bày cho chúng con thấy Chúa thật đơn sơ, nghèo hèn. Chúa mang lấy thân phận con người trong nghèo khó. Chúa ở lại với chúng con qua tấm bánh đơn hèn. Chúa ẩn mình nơi nhà tạm đơn sơ. Chúa muốn trút bỏ mọi vinh quang của một vì Thiên Chúa cao cả để gần gũi và cảm thông với phận người chúng con. Chúng con xin tri ân tình yêu thẳm sâu của Chúa.
Nhưng Chúa ơi, sao Chúa lại sinh ra trong thân phận người nghèo? Ðói nghèo cực khổ lắm! Vừa túng thiếu, vừa vất vả nhọc nhằn, lại bị người đời khinh bỉ, xem thường! Phải chăng, Chúa chỉ muốn đồng cảnh ngộ để đồng cảm với chúng con? Chúa đã chọn lối sống nghèo để an ủi cho số đông nhân loại hôm nay đang đối diện với cái nghèo. Và con đã hiểu, Chúa chọn lối sống nghèo để nhắc nhở cho chúng con về giá trị vật chất đời này chỉ là tạm thời. Cuộc sống trong Nước của Chúa mới có giá trị trường tồn. Xin Chúa giúp chúng con biết sống nghèo như Chúa. Biết chọn sống nghèo để gần Chúa, gần anh em hơn là giầu sang mà bỏ Chúa, và xa rời tha nhân. Xin giúp chúng con biết sống cho người nghèo và vì người nghèo, để chúng con biết tìm niềm vui trong cuộc sống bác ái mến thương.
Lạy Chúa, xin cho chúng con biết tìm kiếm Nước trời bằng những của ăn không bao giờ hư nát là những việc lành phúc đức, những hy sinh từ bỏ đàng tội lỗi, những ước muốn hoàn thiện mỗi ngày nên giống Chúa là Ðấng hoàn thiện. Amen.
(Lm. Jos. Tạ Duy Tuyền)