Cứng lòng tin
Mc 6,1-6
1 Khi ấy, Chúa Giêsu trở về quê nhà và các môn đệ cùng theo Người.
2 Đến ngày Sabbat, Người vào giảng trong hội đường, và nhiều thính giả sửng sốt về giáo lý của Người, nên nói rằng: “Bởi đâu ông này được như vậy? Sao ông được khôn ngoan như vậy? Bởi đâu tay Người làm được những sự lạ thể ấy? 3 Ông này chẳng phải bác thợ mộc con bà Maria, anh em với Giacôbê, Giuse, Giuđa và Simon sao? Chị em ông không ở với chúng ta đây sao?” Và họ vấp phạm vì Người.
4 Chúa Giêsu liền bảo họ: “Không một tiên tri nào mà không bị khinh bỉ ở quê hương, gia đình họ hàng mình”.
5 Ở đó Người không làm được phép lạ nào, ngoại trừ đặt tay chữa vài bệnh nhân, 6và Người ngạc nhiên vì họ cứng lòng tin. Người đi rảo qua các làng chung quanh và giảng dạy.
(Nguồn: Uỷ ban Thánh Kinh / HĐGMVN)
“Không một tiên tri nào mà không bị khinh bỉ ở quê hương, gia đình họ hàng mình.” (Mc 6,4)
A- Phân tích (Hạt giống…)
Thánh Marcô đã từng cho thấy thái độ không tin nơi những người bà con của Chúa Giêsu (x. Mc 3,20-21: họ nói Ngài mất trí và muốn bắt người về quê; Mc 3,31: Họ ngăn cản Ngài rao giảng). Trong đoạn này, Mc ghi nhận thêm thái độ không tin của những người cùng làng với Ngài.
Lý do không tin là thành kiến ‘Bụt nhà không thiêng’: “Ông ta không phải là bác thợ, con bà Maria, và anh em của các ông Giacôbê, Gioxê và Simon sao? Chị em của ông không phải là bà con lối xóm với chúng ta sao?” (câu 3).
Hậu quả của thái độ không tin: “Ngài đã không làm được phép lạ nào tại đó; Ngài chỉ đặt tay trên một vài bệnh nhân và chữa lành họ” (câu 5).
B- Suy gẫm (… nẩy mầm)
1. Ta dễ ngưỡng mộ tài năng và đức độ của những “người dưng” và coi thường những “người nhà”. Thánh Gioan Tiền hô nói với dân do thái “Có một vị ở giữa các ông mà các ông không biết” (Ga 1,26). Trong nếp sống cộng đoàn, thái độ này không có tác dụng khuyến khích và tôn trọng nhau.
2. “Gần chùa gọi bụt bằng anh”. Phải chăng vì Chúa quá gần và quá dễ dãi với ta nên ta coi thường Chúa?
3. Tin vào một Chúa Giêsu đang làm những phép lạ hiển hách ở Capharnaum thì dễ hơn là tin vào một Chúa Giêsu là bác thợ mộc, là anh chị em ta. Bài Phúc Âm hôm nay khuyến khích ta làm điều thứ hai, tức là tin vào Chúa Giêsu trong đời thường, trong công việc, trong anh chị em…
4. Một bề trên tu viện công giáo đến tìm một ẩn sĩ ấn giáo tại chân núi Hy Mã Lạp Sơn và trình bày về tình trạng bi đát của tu viện ông: Trước kia tu viện này là một trung tâm thu hút nhiều khách hành hương. Nhà thờ lúc nào cũng vang tiếng hát của giáo dân từ khắp nơi đến. Trong tu viện không còn chỗ nhận thêm người vào tu hàng ngày đến gõ cửa nữa. Thế mà bây giờ tu viện chẳng khác nào một ngôi chùa hoang phế. Nhà thờ vắng lặng, tu sĩ thì leo teo mấy người, cuộc sống thật là buồn tẻ. Vị bề trên hỏi tu sĩ ấn giáo cho biết nguyên nhân nào hay lỗi lầm nào đã đưa tu viện tới tình trạng trên đây. Tu sĩ ấn giáo ôn tồn bảo: “Các tội đã và đang xảy ra trong cộng đoàn đó là tội vô tình.” Và ông giải thích: “Đấng Cứu Thế đã cải trang thành một người trong quý vị, nhưng quý vị không nhận ra Ngài.”
Nhận được lời giải đáp, vị bề trên hớn hở trở về tu viện. Ông tập họp mọi người lại và loan báo cho họ biết Đấng Cứu Thế đang cải trang thành một người trong nhà. Các tu sĩ đều mở to đôi mắt và quan sát nhau. Ai là Đấng Cứu Thế cải trang vậy? Nhưng có điều chắc là một khi Ngài đã cải trang thì không ai có thể nhận ra Ngài được. Mỗi người trong họ đều có thể là Đấng Cứu Thế.
Vậy là từ đó mọi người đều đối xử với nhau như với Đấng Cứu Thế. Chẳng bao lâu, bầu khí yêu thương huynh đệ, sức sống và niềm vui đã trở lại với tu viện. Từ khắp nơi người ta lại tìm đến tu viện để tĩnh tâm và cầu nguyện. Nhiều người trẻ cũng đến xin gia nhập cộng đoàn. (Trích ”Món quà giáng sinh”)
5. “Không một tiên tri nào mà không bị khinh bỉ ở quê hương, gia đình họ hàng mình.” (Mc 6,4)
Ra trường với mảnh bằng sư phạm trong tay, tôi được cử dạy tại một ngôi trường gần nhà. Tôi rất sung sướng vì khỏi phải đi xa. Tôi đã cố gắng vận dụng mọi kiến thức và khả năng để giảng dạy cho các em, và điều đó làm cho tôi rất vui.
Một ngày kia, tình cờ tôi nghe thấy các em nói với nhau: “Ổng ở gần nhà tao đó. Mày có biết không, hồi nhỏ ổng dốt lắm. Anh tao nói môn toán ổng “xơi ngỗng” hoài!”.
Từ ngày đó, tôi phải chấp nhận những ánh mắt nghi ngờ, những dấu chấm hỏi làm nhức nhối con tim. Dù sao tôi vẫn không thể thoái nhiệm hay dễ dàng rời xa lý tưởng của mình.
Xin giúp con theo Chúa đến cùng trên con đường yêu thương và phục vụ, dù có bị rẻ rúng giữa những người mà con đã hết lòng yêu thương và phục vụ. (Epphata)
(Lm. Carôlô Hồ Bặc Xái)
Lạy Chúa Giêsu Thánh Thể,
Chúa yêu thương chúng con nên Chúa đã nhập thể cứu đời. Chúa hòa mình giữa dòng đời như bao phận người. Chúa trở nên một con người giống như chúng con ngoại trừ tội lỗi. Chúng con cám ơn Chúa đã mặc lấy thân phận con người để nâng chúng con lên làm con Thiên Chúa. Xin Chúa giúp chúng con biết gìn giữ phẩm giá làm con cái Thiên Chúa qua đời sống thánh thiện của mình.
Lạy Chúa Giêsu mến yêu, thói đời thường “gần chùa gọi Bụt bằng anh”. Con người thường đánh giá nhau theo định kiến có sẵn trong đầu. Ðôi khi còn bị ác cảm, yên trí về địa vị, gia tộc và quá khứ của một người, khiến chúng con đánh giá sai lệch và nông cạn về nhau. Thực tế là vậy, khi chúng con đã không có cái nhìn khách quan sẽ dẫn đến những nhận định bất công và thiếu trung thực. Vì “Yêu ai thì nói quá ưa – Ghét ai nói thiếu nói thừa như không”. Xin giúp chúng con biết nhìn nhận nhau là anh em con một Cha trên trời. Xin giúp chúng con đối xử với nhau như đối xử với chính Chúa đã mang lấy thân phận con người. Xin cho chúng con luôn tôn trọng lẫn nhau và đối xử công bằng với nhau. Xin loại trừ nơi chúng con những cái nhìn thiển cận, nông cạn và thiếu bác ái với nhau.
Lạy Chúa, Chúa đã yêu thương và yêu thương cho đến cùng. Cho dù có bị xem thường, phản bội hay loại trừ. Xin giúp chúng con biết theo Chúa trên con đường phục vụ, cho dù có bị khinh khi giữa những người mà chúng con đang phục vụ. Amen.
(Lm. Jos. Tạ Duy Tuyền)