Yêu thương nhau
Mc 10,1-12
1 Khi ấy, Chúa Giêsu đến địa hạt xứ Giuđêa và miền bên kia sông Giođan. Dân chúng lại tụ họp bên Người và Người lại dạy dỗ họ như thường lệ. 2 Những người biệt phái đến gần và hỏi thử Người rằng: “Người ta có được phép ly dị vợ mình chăng?” 3 Người đáp: “Môsê đã truyền cho các ông thế nào?” 4 Họ thưa: “Môsê cho phép làm giấy ly dị và cho ly dị”. 5 Bấy giờ Chúa Giêsu đáp lại: “Chính vì sự cứng lòng của các ông mà Môsê đã viết ra điều luật đó. 6 Nhưng lúc khởi đầu cuộc sáng tạo, Thiên Chúa đã dựng nên một người nam và một người nữ. 7 Bởi đó người nam sẽ lìa cha mẹ để luyến ái vợ mình, 8 và hai người sẽ nên một huyết nhục. Vì thế, họ không còn là hai mà là một huyết nhục. 9 Vậy sự gì Thiên Chúa đã kết hợp, loài người không thể phân rẽ”.
10 Về đến nhà, các môn đệ lại hỏi Người về điểm đó. 11 Và Người bảo các ông: “Ai bỏ vợ mình và lấy vợ khác, thì phạm tội ngoại tình đối với người vợ trước. 12 Và người nữ bỏ chồng mà lấy chồng khác, thì cũng phạm tội ngoại tình”.
(Nguồn: Ủy ban Thánh Kinh / HĐGMVN)
“Sự gì Thiên Chúa đã kết hợp, loài người không thể phân rẽ” (Mc 10,9)
A- Phân tích (Hạt giống…)
Những người biệt phái phỏng vấn Chúa Giêsu về vấn đề ly dị.
Ngay trong giới biệt phái cũng có hai lập trường ngược nhau về vấn đề này: Lập trường dễ dãi (đứng đầu là Rabbi Hillel) cho phép li dị vì những cớ tầm thường; lập trường khắc khe (đứng dầu là Rabbi Shammai) chỉ ly dị trong những trường hợp ngoại tình. Tuy khác nhau nhưng hai lập trường này có điểm chung là cho phép ly dị.
Còn lập trường của Chúa Giêsu là tuyệt đối không được ly dị: “sự gì Thiên Chúa đã kết hợp, loài người không thể phân rẽ”.
Nhân dịp này Chúa Giêsu còn dạy cách sống đời hôn nhân: phải yêu thương nhau (luyến ái) và đồng tâm nhất trí (nên một huyết nhục) với nhau.
B- Suy gẫm (…nẩy mầm)
1. Tình trạng ly dị ngày càng gia tăng là biểu hiện của những tật xấu căn bản hơn của con người thời nay, đó là không trung thành và hay thay đổi, sống theo sở thích hơn là theo trách nhiệm. Tình trạng ly dị cũng cho chúng ta hiểu rằng sống chung thủy với một tình yêu là điều rất khó.
Lạy Chúa, mới ngày nào con cảm thấy rất yêu mến Chúa, sao hôm nay lòng con đã bớt nồng nàn, và không biết ngày mai sẽ ra thế nào nữa! Phần Chúa thì muôn đời vẫn một mực yêu thương con. Xin gìn giữ con mãi mãi trong tình yêu thương của Chúa.
2. Đời sống độc thân của những người dâng mình cho Chúa là một dấu chỉ, một bằng chứng và một sự khích lệ cho những kẻ sống đời hôn nhân:
Dấu chỉ về một tình yêu hoàn toàn không vị kỷ.
Bằng chứng rằng trung thành với tình yêu đã cam kết là một điều có thể.
Vì là dấu chỉ và là bằng chứng nên nó là một sự khích lệ.
Xin cho các Linh mục, Tu sĩ sống đời tận hiến của mình một cách vui vẻ và trung thành.
(Lm. Carôlô Hồ Bặc Xái)
Lạy Chúa Giêsu Thánh Thể,
Chúa là tình yêu. Tình yêu Chúa luôn bền vững sắt son. Chúa đã lập bí tích Thánh Thể như dấu chỉ cho tình yêu bất tận mà Chúa dành cho chúng con. Xin Chúa gìn giữ chúng con trong tình yêu của Chúa. Xin giúp chúng con biết sống trung tín với nhau như Chúa đã sống cho chúng con.
Lạy Chúa, Chúa đã thăm dò và thử thách chúng con. Chúa biết rõ chúng con khi chúng con ngồi và khi đứng. Xin chớ để chúng con sa chước cám dỗ nhưng xin gìn giữ chúng con luôn trung thành sống cho Chúa. Xin giúp chúng con vượt qua giới hạn bản thân để sống bao dung với mọi người. Xin giúp chúng con biết đón nhận nhau trong yêu thương tha thứ như Chúa đã tha thứ cho chúng con.
Lạy Chúa, xin cho các gia đình biết sống hoà hợp với nhau, biết vượt thắng những hiểu lầm, những ích kỷ để sống rộng lượng và tha thứ cho nhau. Xin gìn giữ các gia đình trong tình yêu của Chúa, để mỗi thành viên trong gia đình biết chu toàn bổn phận của mình, và cùng nhau xây dựng gia đình được an vui hạnh phúc. Amen.
(Lm. Jos. Tạ Duy Tuyền)