Tha tội
Thứ Sáu Tuần I Mùa Thường Niên
Mc 2,1-12
1 Sau ít ngày, Chúa Giêsu lại trở về Capharnaum; nghe tin Người đang ở trong nhà, 2 nhiều người tuôn đến đông đảo, đến nỗi ngoài cửa cũng không còn chỗ đứng, và Người giảng dạy họ. 3 Người ta mang đến cho Người một kẻ bất toại do bốn người khiêng. 4 Vì dân chúng quá đông, không thể khiêng đến gần Người được, nên họ dỡ mái nhà trên chỗ Người ngồi một lỗ to, rồi thòng chiếc chõng với người bất toại xuống. 5 Thấy lòng tin của họ, Chúa Giêsu nói với người bất toại rằng: “Hỡi con, tội lỗi con được tha”. 6 Lúc ấy, có một ít luật sĩ ngồi đó, họ thầm nghĩ rằng: 7 “Sao ông này lại nói thế? Ông nói phạm thượng. Ai có quyền tha tội, nếu không phải là một mình Thiên Chúa”. 8 Chúa Giêsu biết tâm trí họ nghĩ như vậy, liền nói với họ: “Tại sao các ông nghĩ như thế? 9 Nói với người bất toại này: ‘Tội lỗi con được tha’ hay nói: ‘Hãy chỗi dậy vác chõng mà đi’, đàng nào dễ hơn? 10 Nhưng (nói thế là) để các ông biết Con Người có quyền tha tội dưới đất”. – Người nói với kẻ bất toại: 11 “Ta truyền cho con hãy chỗi dậy, vác chõng mà về nhà”. 12 Lập tức người ấy đứng dậy, vác chõng ra đi trước mặt mọi người, khiến ai nấy sửng sốt và ngợi khen Thiên Chúa rằng: “Chúng tôi chưa từng thấy như thế bao giờ”.
“Nói thế là để các ông biết Con Người có quyền tha tội dưới đất.” (Mc 2,10)
A- Phân tích (Hạt giống…)
Văn thể của đoạn này là “câu nói trong khung”, nghĩa là tác giả tuy kể một câu chuyện nhưng chuyện đó chỉ là một cái khung để làm nổi bật một câu nói của Chúa Giêsu. Câu nói quan trọng đó là c.5 “tội lỗi con được tha”. Chính câu nói này và cuộc tranh luận về nó mới là trọng tâm. Chuyện chữa người bất toại chỉ là một cơ hội, một cái khung.
Chi tiết văn phạm đáng chú ý: Động từ ở thể thụ động (được tha), hiểu ngầm kẻ tha tội là Thiên Chúa. Chúa Giêsu chính là Thiên Chúa. Thiên Chúa đã tha tội rồi, trước khi anh này phải dâng lễ theo luật buộc (x. Lv 6,17-23).
Quyền tha tội là độc quyền của Thiên Chúa. Bởi vậy các luật sĩ phản ứng ngay “Ông nói phạm thượng”. Chú ý họ dùng động từ “phạm thượng” y như lời cáo trạng trước Thượng Hội Đồng Do thái (x. Mc 14,63-64).
B- Suy gẫm (… nẩy mầm)
1. Người ta khiêng anh bất toại đến để mong Chúa Giêsu chữa bệnh cho anh. Nhưng Chúa Giêsu tha tội trước rồi sau đó mới chữa bệnh. Tội là thứ bệnh của linh hồn, nguy hiểm hơn bệnh thể xác. Nhưng chúng ta thường làm ngược với Chúa Giêsu: khi mang bệnh thể xác thì chúng ta lo lắng chạy chữa mau lẹ, còn khi mang tội chúng ta lại không lo.
2. Thân nhân của người bất toại rất tích cực lo cho anh khỏi bệnh: khiêng đến nơi Chúa Giêsu đang giảng, chen lấn, leo lên mái nhà, gở mái, thòng dây xuống… Ước gì ai cũng biết tích cực lo chữa bệnh linh hồn cho thân nhân mình như vậy.
3. Ngày kia thánh Phanxicô Salêsiô cho một người xưng tội. Người này xưng rất thành thật, khiêm nhượng và hết lòng ăn năn. Thánh nhân cảm động lắm. Sau khi xưng tội xong, người ấy hỏi:
– Bây giờ cha biết tất cả những sự xấu xa của con rồi. Cha nghĩ thế nào về con?
– Bây giờ cha nhìn con như một đấng thánh.
– Chắc cha phải nói ngược lại mới được.
– Không. Cha nói theo lương tâm của cha. Con bây giờ hoàn toàn khác trước rồi.
– Nhưng tội lỗi con đã phạm thì luôn luôn ở với con mà.
– Không phải thế đâu con ạ. Khi bà Mađalêna đã ăn năn trở lại, Chúa xem bà như một đấng thánh. Chỉ có bọn Pharisêu giả hình cứ coi bà là kẻ tội lỗi.
– Nhưng đối với cha, con muốn biết cha nghĩ thế nào về quá khứ của con?
– Cha không nghĩ thế nào cả. Điều gì không có trước mặt Chúa thì cha không nghĩ đến. Cha chỉ biết ngợi khen Chúa và vui mừng vì con đã trở lại với Chúa. Cha muốn cùng các thánh trên trời vui mừng với con.
Nói xong, thánh nhân khóc. Người kia bỡ ngỡ hỏi:
– Cha khóc à? Chắc cha khóc vì thấy con phạm nhiều tội quá?
– Cha khóc vì thấy con đã sống lại với Chúa.
Thánh nhân biết rõ phép Giải tội không phải là che dấu tội ta đã phạm, nhưng là rửa sạch hết mọi tội ta đã khiêm nhường xưng ra. (Trích “Phúc”)
4. Thấy lòng tin của họ, Chúa Giêsu nói với người bất toại rằng: “Hỡi con, tội lỗi con được tha.” (Mc 2,5)
“Căn nhà bỗng nhiên bị bốc cháy. Ông bố nghe tin liền chạy về. Về đến nơi, ông thấy đám cháy đã bốc cao và nghe có tiếng kêu thất thanh ‘Ba ơi cứu con’. Khi thấy bóng đứa con út trên tầng cao, ông đã nhờ đội cứu hoả giăng lưới bảo hộ để cho cậu nhảy xuống. Nhưng cậu vẫn do dự và sợ hãi. Lúc ấy ông la lên: ‘Ba đây, đừng sợ. Nhảy xuống đi’. Nhận ra tiếng của cha và thấy bóng ông qua khói lửa, cậu đã thu hết can đảm nhảy xuống. Mở mắt ra, cậu đã nằm trong vòng tay của cha. Niềm tin đã cứu sống cậu.”
Tương tự như thế, niềm tin vào Chúa khiến người bại liệt được chữa lành. Niềm tin cũng đem lại ơn tha thứ cho biết bao tội nhân. Vâng niềm tin đã làm cho cuộc sống tươi sáng và hạnh phúc hơn.
Lạy Chúa, xin cho con luôn tin tưởng phó thác vào tình yêu của Chúa. Xin cho con biết gieo mình vào bàn tay Ngài giữa cuộc sống bao nỗi băn khoăn khắc khoải, để cuộc sống được an vui và hạnh phúc hơn. (Epphata)
(Lm. Carôlô Hồ Bạc Xái)
Cầu nguyện:
Lạy Chúa Giêsu Thánh Thể,
Chúa là Thiên Chúa chúng con tôn thờ. Ngoài Chúa ra chúng con không tìm được đâu sự tín thác cậy trông. Xin nâng đỡ cuộc đời chúng con trong tình thương quan phòng của Chúa. Xin Chúa biến đổi lòng chúng con thanh sạch xứng đáng là đền thờ của Chúa.
Lạy Chúa Giêsu mến yêu, việc Chúa làm thật đáng ca ngợi từ đời này đến đời kia. Chúa thi ân giáng phúc cho mọi hạng người. Chúa ban ơn thiêng để cứu thoát biết bao mảnh đời bất hạnh lầm than. Người người đến với Chúa đều tìm được niềm vui của ơn giải thoát. Ai đền với Chúa cũng tìm được niềm vui của ân sủng và tình thương của Chúa. Xin cho chúng con biết chạy đến cùng Chúa mỗi khi gặp thử thách gian truân. Trên vạn nẻo đường với biết bao rủi ro xin cho chúng con biết tín thác nơi tình yêu quan phòng của Chúa. Xin đừng để chúng con thất vọng vì biết bao sự dữ bủa vây mà thiếu bàn tay nâng đỡ của Chúa. Xin Chúa luôn ở cùng chúng con mọi ngày như lời Chúa đã hứa. Xin Chúa luôn là thành luỹ chở che cuộc đời chúng con.
Lạy Chúa, Chúa là Ðấng thành tín và rất mực yêu thương xin giúp chúng con luôn ngợi ca tình thương của Chúa qua những ơn lành Chúa ban xuống trên hồn xác chúng con. Amen.
(Lm. Jos. Tạ Duy Tuyền)