Mt 24,42-51
Đặt trong sơ đồ chung của Thánh Mát Thêu:
Hai chương 24-25 (từ hôm nay đến thứ bảy) là bài giảng về thời cách chung. Ý chính của bài giảng này là ngày tận thế là việc Đức Kitô quang lâm. Ý tưởng đi liền với ý tưởng trên là những biến cố vô cùng hệ trọng này buộc người ta phải chọn lựa dứt khoát hoặc đón nhận hoặc từ chối Đức Kitô. Nhưng không phải chớ tới lúc đó mới chọn, mà phải chọn ngay từ bây giờ. Do đó những biến cố ấy và sự chọn lựa ấy có ảnh hưởng tới cách sống hằng ngày trong hiện tại.
A. Phân tích (Hạt giống…)
Hai dụ ngôn về tên trộm và người quản gia:
Dụ ngôn tên trộm: vì không ai biết bao giờ trộm sẽ đến, do đó lúc nào cũng phải đề cao cảnh giác.
Dụ ngôn người quản gia: người quản gia trung tín làm việc theo tinh thần trách nhiệm, lúc nào cũng chu toàn công việc được giao, chứ không phải lúc có mặt chủ mới làm tốt còn khi vắng mặt chủ thì bê tha.
B. Suy niệm (…nẩy mầm)
1. Áp dụng bài học của dụ ngôn hai tên trộm: Ta biết luôn đề cao cảnh giác để bảo vệ tài sản vật chất, sao không làm như thế đối với tài sản thiêng liêng vốn quý giá hơn nhiều.
2. Ta cũng có thể áp dụng bài học của dụ ngôn người quản gia trong hai bình diện:
Đối với bề trên: cách tôi làm bổn phận khi có mặt và khi không có mặt bề trên có khác nhau hay không?
Đối với Chúa: phải chăng khi gặp nguy hiểm, khi đau yếu, khi đụng chuyện khó khăn tôi mới cư xử đàng hoàng với Chúa?
3. Trách nhiệm: “Con người là tạo vật duy nhất gánh lấy trách nhiệm đối với chính bản thân, đối với tha nhân, đối với thiên nhiên và trước mặt Thiên Chúa” (Chờ đợi Chúa).
4. Một ngôi trường bị nổ. Cả trăm học sinh và giáo viên bị thiệt mạng. Nhiều gia đình chết 2 hay 3 em. Chính quyền địa phương sai người đến điều tra nguyên nhân vụ nổ. Trong một cuộc dò hỏi, vợ một công nhân xây dựng ngôi trường đó nói: trước khi thảm kịch xảy ra, chồng bà đã biết việc xây đường ống dẫn khí đốt ở trong đó có vấn đề.
– Cái gì? Chồng bà biết rõ việc đặt đường ống dẫn khí có vấn đề?
– Đúng vậy.
– Thế chồng bà có báo việc đó cho ai biết không?
– Không.
Vậy chồng bà phải chịu trách nhiệm về sự cố đó, chồng bà cũng là một tội phạm. (Góp nhặt).
5. Một người dân thuộc một bộ lạc miền núi được đưa đi thăm một đô thị. Ngay đêm đầu tiên ông đã giật mình thức giấc vì tiếng trống vang khắp đô thị. Người ta cho anh biết đó là tiếng trống báo động về một hỏa hoạn vừa xảy ra tại khu phố. Chẳng bao lâu cuộc hỏa hoạn được dập tắt. Trở về làng, ông đã báo cáo với các chức sắc trong làng như sau: Người thành thị có một hệ thống chữa cháy rất kỳ diệu: khi có hỏa hoạn là người ta chỉ cần đánh trống là ngọn lửa liền được dập tắt ngay tức khắc. Nghe thế, các chức sắc liền sai người đi mua đủ loại trống về phát cho dân làng. Không bao lâu sau đó, hỏa hoạn xảy đến trong làng mọi người đều đem trống ra khua inh ỏi vì tin chắc tiếng trống sẽ xua đuổi được thần lửa. Thế nhưng ngọn lửa vô tình cứ thiêu rụi từ căn nhà này đến căn nhà khác trước cái nhìn ngỡ ngàng thất vọng của mọi người.
Tình cờ ghé thăm bộ lạc và được nghe kể lại, một người dân thành thị giải thích: các ngươi tưởng tiếng trống có thể dập tắt ngọn lửa ư? Không phải thế. Người ta đánh trống để đánh thức dân chúng và kêu họ tích cự tham gia chữa cháy chứ không phải ngồi chờ ngọn lửa tắt dần đâu.
Trong Tin Mừng hôm nay Chúa Giêsu nói đến sự tỉnh thức. Nhưng tỉnh thức không có nghĩa là ngồi đó khoanh tay mà chờ đợi. (“Mỗi ngày một tin vui”).
(Lm. Carôlô Hồ Bặc Xái)