Đền thờ của Chúa
Ga 2,13-22
Lễ Vượt Qua của dân Do-thái gần đến, Chúa Giêsu lên Giêrusa-lem; Người thấy ở trong đền thờ có những người bán bò, chiên, chim câu và cả những người ngồi đổi tiền bạc. Người chắp dây thừng làm roi, đánh đuổi tất cả bọn cùng với chiên bò ra khỏi đền thờ, Người hất tung tiền của những người đổi bạc, xô đổ bàn ghế của họ, và bảo những người bán chim câu rằng: “Hãy đem những thứ này đi khỏi đây, và đừng làm nhà Cha Ta thành nơi buôn bán”.
Môn đệ liền nhớ lại câu Kinh Thánh: “Sự nhiệt thành vì nhà Chúa sẽ thiêu đốt tôi”.
Bấy giờ người Do-thái bảo Người rằng: “Ông hãy tỏ cho chúng tôi thấy dấu gì là ông có quyền làm như vậy”. Chúa Giêsu trả lời: “Các ông cứ phá huỷ đền thờ này đi, nội trong ba ngày Ta sẽ dựng lại”. Người Do-thái đáp lại: “Phải bốn muơi sáu năm mới xây được đền thờ này mà ông, ông sẽ dựng lại trong ba ngày ư?” Nhưng Người có ý nói đền thờ là thân thể Người. Vì thế, khi Chúa Giêsu từ cõi chết sống lại, các môn đệ mới nhớ lời đó, nên đã tin Kinh Thánh và tin lời Người đã nói.
“Chúa Giêsu nói: ‘Các ông cứ phá huỷ đền thờ này đi, nội trong ba ngày Ta sẽ dựng lại’. Người có ý nói đền thờ là thân thể Người.” (Ga 2,19.21)
A- Phân tích (Hạt giống…)
Bài Phúc Âm tường thuật việc Chúa Giêsu đánh đuổi những người buôn bán trong sân đền thờ Giêrusalem. Hành động này được các nhà chú giải gọi là “Thanh tẩy Đền thờ”.
Thanh tẩy như thế nào? Chính Chúa Giêsu giải thích “Đừng làm nhà Cha Ta thành nơi buôn bán”.
Thực ra những thứ được bày bán trong sân Đền thờ cũng nhằm phục vụ cho việc thờ phượng bên trong Đền thờ thôi (cung cấp các lễ vật, đổi tiền cho người ta nộp thuế Đền thờ).
Nhưng những thứ đó đã làm lệch lạc sự thờ phượng, vì người bán thì chạy theo lợi nhuận, người mua thì nghĩ rằng có thể dùng những lễ vật ấy để mua lòng Thiên Chúa, thậm chí giới tư tế quản lý Đền thờ cũng ăn tiền hối lộ của những người muốn có một chỗ buôn bán trong sân Đền thờ.
Tóm lại, Chúa Giêsu thanh tẩy đền thờ là thanh tẩy một lối thờ phượng lệch lạc,không phải là thờ Thiên Chúa, mà là thờ quyền lợi của mình, dùng lễ vật dâng cho Thiên Chúa để mua chuộc Thiên Chúa để Ngài bảo vệ và củng cố quyền lợi vật chất của mình.
Khi Chúa Giêsu nói với những kẻ chất vấn Ngài “Các ông cứ phá hủy Đền thờ này đi, nội trong ba ngày Ta sẽ xây dựng lại”. Ngài ngầm cho biết Đền thờ mới chính là thân thể Ngài. Như vậy, qua hành động thanh tẩy đền thờ Giêrusalem, Chúa Giêsu còn cho biết thêm: sự thờ phượng đích thực của thời Tân Ước là thờ phượng Thiên Chúa qua Chúa Giêsu.
B- Suy gẫm (…nẩy mầm)
1. Lời Chúa hôm nay mời gọi chúng ta kiểm điểm lại việc thờ phượng của chúng ta:
– Thờ Chúa hay là thờ quyền lợi của chúng ta? Chúa chỉ là một phương tiện mà chúng ta lợi dụng để tìm kiếm và củng cố quyền lợi của mình.
– Khi chúng ta dâng lên Chúa những lời cầu nguyện, những việc lành và những lễ vật thì chúng ta cùng lắm chỉ mới làm như người Do Thái xưa thôi. Chúng ta có biết kết hợp với Chúa Giêsu, với thập giá và lễ tế của Ngài không?
– Sự thờ phượng đích thực không phải chỉ ở trong nhà thờ, mà còn trong cuộc sống: sống “vì Người, với Người và trong Người”, cho dù cách sống đó là điên rồ đối với cái nhìn của thế gian.
2. Chúa Giêsu rất hiền từ, nhưng hôm nay Ngài rất giận, đến nỗi Ngài đánh đập người ta, xô ngã bàn ghế, hất tung tiền bạc… Tại sao? Vì Ngài thấy Thiên Chúa bị lợi dụng thành một món hàng buôn bán. Khi ta không thờ phượng Chúa mà chỉ coi Thiên Chúa như một món hàng thì Chúa Giêsu cũng nổi giận như vậy.
3. Tâm hồn chúng ta cũng là Đền thờ Thiên Chúa. Chúng ta hãy xem lại trong đó thực sự có Chúa hay không? Hay chỉ có tiền bạc, lợi lộc, thú vui…? Có cần Chúa Giêsu thanh tẩy tâm hồn ta không?
4. Một công nhân hầm mỏ được một anh bạn hỏi:
– Anh làm gì trong Hội Thánh Kinh Hải ngoại vậy?
– Tôi làm việc dịch thuật.
– Anh mà đòi dịch thuật?
– Đúng, tôi lo dịch Lời Chúa trong Thánh Kinh vào đời sống hằng ngày của tôi. (Trích: Góp nhặt)
5. Một số nhà truyền giáo đến thăm Mahatma Gandhi. Ông đề nghị các Ngài hát một bài Thánh ca.
– Bài nào? – các nhà truyền giáo hỏi lại.
Mahatma Gandhi liền nói:
– Bài nào mà quí vị thấy là diễn tả đức tin sâu sắc nhất.
Tất cả đồng thanh hát bài Suy tôn Thánh giá. (Trích: Góp nhặt)
6. “Đừng làm nhà Cha Ta thành nơi buôn bán” (Ga 2,16)
Khi còn là sinh viên, Mahatma Gandhi đã đi lại khá nhiều tại Nam Phi. Ông đã say mê đọc Thánh Kinh và vô cùng cảm kích về bài giảng trên núi của Chúa Giêsu. Mahatma Gandhi xác tín rằng Kitô giáo là giải pháp cho mối ung nhọt phân chia giai cấp đục khoét xã hội Ấn Độ. Ông nghĩ đến việc gia nhập Hội Thánh Công Giáo.
Thế nhưng ngày nọ, khi đến nhà thờ để dự lễ và đón nhận vài lời chỉ dẫn, ông đã thất vọng: vừa đến cửa nhà thờ thì ông bị những người da trắng chận ông lại và nói với ông rằng nếu ông muốn tham dự Thánh lễ thì hãy tìm đến một nhà thờ dành riêng cho người da màu.
Mahatma Gandhi đã ra khỏi nhà thờ và ông đã không bao giờ trở lại bất cứ nhà thờ nào nữa.
Vô tình hay hữu ý, ai trong chúng ta cũng có thể là một chướng ngại vật ngăn cản nhiều người muốn tìm đến với Giáo Hội. Một lời nói, một cử chỉ, một cách sống, nếu đi ngược với tinh thần của Phúc Âm, đều có thể là một cách xua đuổi người khác ra khỏi nhà thờ.
Lạy Chúa, xin giúp con cải thiện bản thân, để mỗi ngày xứng đáng là đền thờ Chúa hơn, để con là trung gian, nhờ đó con người tìm đến với Chúa và Giáo hội của Người. (Epphata)
Lạy Chúa Giêsu Thánh Thể,
Chúa đã tỏ ra oai nghiêm và quyết liệt khi dùng roi xua đuổi bọn con buôn ra khỏi Đền Thờ mà không ngại bị họ thù ghét, làm hại. Nếu Chúa sống trong thời đại của chúng con hôm nay, chắc hẳn Chúa cũng đã phải mạnh tay hơn để tẩy uế, khi nhiều ngôi Thánh Đường bị coi thường. Một số nhà thờ vì không có khuôn viên và chung quanh là đường đi, nên bị một số người thiếu ý thức đem rác đến đổ bừa bãi, biến sân nhà thờ trở thành một bãi rác công cộng, mất vẻ mỹ quan nơi Nhà Chúa. Rồi những phần tử bất hảo cũng kéo đến tổ chức ăn nhậu, bài bạc, hút chích…gây cảnh ồn ào náo loạn, làm mất sự trang nghiêm trật tự lẽ ra phải có ở nơi dành riêng cho việc thờ phượng.
Xin cho chúng con can đảm đóng góp phần mình vào việc tẩy uế đền thờ bằng mọi phương cách. Nhất là xin cho chúng con biết quan tâm đến đền thờ tâm hồn nơi mỗi con người. Amen.