Phân tích
Đoạn Tin Mừng này gồm hai câu chuyện:
1. Chúa Giêsu loan báo lần thứ hai Ngài sẽ chịu nạn: Nội dung hầu như giống y như lần thứ nhất (x.16,21), chỉ khác một điều là Ngài sắp bị nộp vào tay “người đời” (Lần thứ nhất: “chịu nhiều đau khổ do các kì mục thượng tế và kinh sư”).
2. Vấn đề nộp thuế vào đền thờ:
Mọi người đàn ông Do Thái, kể cả những người sống ngoài lãnh thổ Palestina, đều phải nộp cho đền thờ hàng năm một món tiền thuế là hai đồng drachme, tương đương với giá hai ngày công. Số tiền này dùng để trang trải các chi phí của đền thờ. Người ta bắt đầu thu thuế vào quãng 15 ngày trước Lễ Vượt Qua. Vấn đề được nêu ra là Chúa Giêsu có phải nộp thứ thuế này hay không?
Chúa Giêsu trước hết đưa ra một định hướng nền tảng cho vấn đề, sau đó mời độc giả tìm đến một giải pháp thực tế.
Định hướng nền tảng được trình bày bằng một dụ ngôn: Các bậc vua chúa thường không thu thuế con cái họ mà chỉ thu thế các thần dân khác: “Vậy, con cái thì được miễn”: được miễn bởi vì chúng không phải nộp thù lao hay phải làm tạp dịch để bố chúng xem chúng là con. Tương quan phụ tử phát sinh từ một sự nhưng không mà tương quan chủ tớ không hề có. Chúa Giêsu đã kiên nhẫn dạy các môn đệ mình cư xử với Thiên Chúa như với Người Cha của họ là Đấng ngự trên trời và là Đấng luôn trung tín với con cái mình mà chẳng hề đòi buộc chúng phải nộp thuế. (Claude Tassin).
Một giải pháp thực tế: “Nhưng để khỏi làm gai mắt họ anh hãy lấy đồng tiền ấy nộp thuế cho họ, phần của Thầy và phần của anh”. Các Kitô hữu gốc Do Thái luôn tự do trong việc nộp thuế đền thờ. Họ luôn chu toàn bổn phận nộp thuế để tránh gây hoang mang vô ích cho đồng bào mình, bởi vì không nộp thuế thì họ sẽ khiến cho các người kia có cảm tưởng họ đã ly khai khỏi dân Israel.
Suy gẫm
1. “ Con Người sắp bị nộp vào tay người đời”: Động từ bị nộp ở thể thụ động hiểu ngầm người nộp chính là Thiên Chúa. Thiên Chúa nộp ai và nộp cho ai? Thưa nộp Chúa Con cho người thế gian.
Ta hãy suy gẫm về tình thương của Thiên Chúa: Ngài ban cho loài người Người Con độc nhất mà Ngài rất yêu quý.
Ta cũng hãy suy nghĩ về sự hy sinh tự hạ của Chúa Giêsu: Là Con Thiên Chúa, Ngài sẵn lòng bị nộp vào tay người đời để cho người đời hành hạ và giết chết.
2. “nhưng ngày thứ ba Ngài sẽ sống lại. Các môn đệ rất đỗi buồn phiền”: Các môn đệ buồn phiền chỉ vì nhớ phần thứ nhất của lời loan báo (Chúa Giêsu bị giết) chứ không để ý đến phần thứ hai (Ngài sẽ sống lại).
Xin cho con luôn nhớ rằng Thập giá là đường dẫn tới vinh quang, vì có nhớ như thế con mới có thể lạc quan vác Thánh Giá theo Chúa.
3. Câu chuyện này nhắc mọi tín hữu góp phần mình vào đền thờ, vào việc chung của Giáo hội. Đây là một bổn phận công bằng, vì ta đã hưởng những ơn ích của Giáo hội thì ta cũng phải góp phần mình vào đấy, góp phần bằng vật chất và bằng tinh thần.
4. Thánh Mát Thêu viết Tin Mừng trong giai đoạn Do Thái giáo đã khai trừ các Kitô hữu. Cho nên lẽ ra ho không có bổn phận đóng góp cho đền thờ Giê-ru-sa-lem nữa. Thế mà, “để khỏi làm cớ vấp phạm” (làm dịp cho người Do Thái kết án là tại Kitô hữu bỏ bổn phận trước đó), họ vẫn chu toàn bổn phận nộp thuế cho đền thờ.
Có nhiều việc tôi không bị buộc làm, nhưng “để khỏi gây cớ vấp phạm” và vì bác ái, tôi vẫn nên làm.
5. Chúa Giêsu nói với Phê rô: “Anh ra biển thả câu, con cá nào câu được trước hết thì hãy bắt lấy, mở miệng nó ra: anh sẽ thấy một đồng tiền 4 quan. Hãy lấy tiền ấy nộp thuế cho họ, phần của Thầy và của anh” (Mt17,27).
Là một ngư phủ, việc câu cá đối với Phê rô là việc dễ dàng. Chúa Giêsu đã sai Phê rô làm một việc trong tầm tay của ông để tuân hành luật lệ xã hội. Nhưng đồng thời trong cuộc sống, Ngài luôn lưu ý Phê rô và các môn đệ về thế đứng của họ: sống trong thế gian nhưng không thuộc về thế gian. Qua đó, tôi đọc ra nơi Chúa Giêsu một khả năng tinh tế: hòa mình vào thế giới nhưng không đánh mất bản sắc riêng của mình.
Trong thực tế, nhiều lần tôi đã lạm dụng hai chữ “hội nhập” để ngụy biện cho những ích kỷ, lười biếng, và những hành động thiếu yêu thương, công bằng trong bổn phận của một Kitô hữu.
Bài Ðọc I: (Năm II) Ed 1, 2-5. 24 – 2, 1a
“Ðây là hình lạ trông giống vinh quang của Chúa”.
Trích sách Tiên tri Êdêkiel.
Ngày mồng năm trong tháng, năm thứ năm vua Gioakim bị lưu đày, có lời Chúa phán cùng tư tế Êdêkiel, con của Buzi, ở xứ Calđêa, trên bờ sông Côbar. Chính tại đây, bàn tay Thiên Chúa đã đặt trên tôi.
Tôi nhìn thấy có một cơn gió mạnh từ phương bắc thổi đến. Có một đám mây to lớn và lửa bao bọc chung quanh và bốn bề có ánh sáng phát ra, và ở giữa bầu lửa như vàng pha sáng chói. Chính giữa, có giống gì như bốn con vật hình dáng giống như hình người.
Và tôi nghe tiếng cánh của chúng như tiếng nước lũ, như tiếng của Chúa vạn năng; khi chúng đi thì khác nào như đám đông người, như tiếng đạo quân: khi chúng dừng lại thì chúng xếp cánh xuống. Vì khi chúng nghe có tiếng trên không trung, trên đầu chúng, thì chúng dừng lại và xếp cánh xuống.
Và trên không trung, trên đỉnh đầu chúng, có cái gì như một viên ngọc thạch, hình như chiếc ngai, và trên ngai đó, phía trên hẳn, có hình giống như hình người. Và tôi thấy người như vàng pha sáng chói, bên trong, tứ bề khác nào như lửa, từ lưng người trở lên, và từ lưng trở xuống, tôi thấy có gì như lửa chiếu sáng chung quanh, giống như cái mống hiện ra trên mây trong ngày mưa: đó là hình thể chiếu sáng chung quanh. Ðây là hình lạ trông giống vinh quang của Chúa. Tôi nhìn thấy thì sấp mặt xuống đất.