Dấu lạ của tình thương
Mc 8,11-13
11Những người Pharisêu kéo ra và bắt đầu tranh luận với Đức Giêsu, họ đòi Người một dấu lạ từ trời để thử Người. 12Người thở dài não nuột và nói: “Sao thế hệ này lại xin một dấu lạ? Tôi bảo thật cho các ông biết: thế hệ này sẽ không được một dấu lạ nào cả.” 13Rồi bỏ họ đó, Người lại xuống thuyền qua bờ bên kia.
Sao thế hệ này lại xin một dấu lạ (Mc 8,12)
Thánh Máccô đặt cuộc tranh luận giữa Chúa và những người Biệt phái, sau một loạt phép lạ Chúa Giêsu đã thực hiện khi bắt đầu sứ vụ công khai của Ngài. Phép lạ mới nhất là việc hóa bánh và cá ra nhiều cho đám đông theo Ngài. Những người Biệt phái đã bắt đầu nghe nói đến hoặc chính mắt họ chứng kiến các phép lạ của Chúa Giêsu, nhưng họ không tin.
Ở đây, chúng ta thấy rõ tương quan giữa phép lạ và lòng tin của con người. Chúa Giêsu không làm phép lạ trước hết là để biểu lộ quyền năng của Thiên Chúa, loan báo những dấu chỉ của Nước Trời và kêu gọi lòng tin nơi con người, do đó phép lạ là một lời mời gọi hơn là một cưỡng bách.
Khi những người Biệt phái đòi hỏi một dấu lạ, thái độ đó gợi lại sự thử thách mà người Do Thái trong thời kỳ lang thang trong sa mạc cũng đã đòi hỏi nơi Thiên Chúa; thái độ đó cũng tương tự thái độ của satan khi đến cám dỗ Chúa Giêsu. Thật thế, satan đã bảo Chúa Giêsu hãy gieo mình xuống từ thượng đỉnh Đền thờ như một cử chỉ vừa ngoạn mục vừa cả thể. Nhưng Chúa Giêsu đã mượn lời của chính Thiên Chúa nói với dân Do Thái trong Cựu Ước để khước từ cám dỗ của satan: “Ngươi chớ thử thách Thiên Chúa là Chúa ngươi.” Trước sự cứng lòng tin của những người Biệt phái. Chúa Giêsu đã khước từ mọi phép lạ, hay đúng hơn, Ngài không làm phép lạ nào để nói với họ hơn là cái chết của Ngài trên Thập giá, bởi vì chỉ cái chết ấy mới có thể lôi kéo mọi người về với Thiên Chúa.
Giáo Hội tiếp tục công cuộc cứu rỗi của Chúa Kitô; qua cuộc sống của mình, Giáo Hội cũng đang lặp lại những phép lạ của Chúa Giêsu như một lời mời gọi. Thế nhưng, đâu là dấu chỉ đáng tin cậy nhất mà Giáo Hội có thể chứng tỏ cho con người thời nay? Với những phát minh mỗi ngày một tân tiến, con người thời nay dường như vẫn đang tự hào thực hiện được nhiều phép lạ trong mọi địa hạt. Do đó, đối với con người ngày nay, không một dấu lạ nào đáng tin hơn nơi Giáo Hội cho bằng chính cái chết của Chúa Giêsu trên Thập giá mà Giáo Hội có thể lặp lại nơi chính mình. Giáo Hội chỉ đáng tin cậy khi Giáo Hội khước từ vẻ hào nhoáng bên ngoài, để mặc lấy thái độ vâng lời và phục vụ của Chúa Kitô; Giáo Hội chỉ đáng tin cậy khi Giáo Hội là thể hiện của một tình yêu vô vị lợi, một tình yêu của Đấng sẵn sàng hy sinh và chết cho người mình yêu.
Dấu lạ cả thể mà có lẽ con người thời nay đang chờ đợi nơi Giáo Hội chính là dấu lạ của tình thương. Nói như Stalin, thế giới này chỉ cần mười người như thánh Phanxicô Assisi, thì cũng đủ để thay đổi bộ mặt. Người ta mãi mãi vẫn nhớ khuôn mặt từ tốn nhân hậu của một Gioan XXIII; hoặc dù ngài chỉ như một ánh sao băng, người ta khó mà quên được nụ cười hiện thân của lòng nhân từ nơi Đức Gioan Phaolô I; lòng hy sinh quảng đại của Mẹ Têrêsa Calcutta cũng là một dấu lạ cả thể mà con người thời đại đang tìm thấy nơi Giáo Hội.
Lạy Chúa, xin cho mỗi chúng con luôn ý thức rằng mình đang là một dấu hỏi, một lời mời gọi đối với những người chưa nhận biết Chúa Kitô. Xin cho chúng con biết đến với nhau bằng tình thương chân thật, vì trên hết mọi dấu lạ là dấu lạ tình thương. Xin cho cuộc sống đạo của chúng con sẽ là một dấu chỉ diễn tả tình thương Chúa.