Lời Chúa: Thứ Hai Tuần Thánh

Dầu thơm

Thứ Hai Tuần Thánh
Lời Chúa: 

 Ga 12,1-11

Sáu ngày trước lễ Vượt Qua, Đức Giê-su đến làng Bê-ta-ni-a, nơi anh La-da-rô ở. Anh này đã được Người cho sống lại từ cõi chết. Ở đó, người ta dọn bữa ăn tối thết đãi Đức Giê-su ; cô Mác-ta lo hầu bàn, còn anh La-da-rô là một trong những kẻ cùng dự tiệc với Người. Cô Ma-ri-a lấy một cân dầu thơm cam tùng nguyên chất và quý giá xức chân Đức Giê-su, rồi lấy tóc mà lau. Cả nhà sực mùi thơm. Một trong các môn đệ của Đức Giê-su là Giu-đa Ít-ca-ri-ốt, kẻ sẽ nộp Người, liền nói: “Sao lại không bán dầu thơm đó lấy ba trăm quan tiền mà cho người nghèo ?” Y nói thế, không phải vì lo cho người nghèo, nhưng vì y là một tên ăn cắp : y giữ túi tiền và thường lấy cho mình những gì người ta bỏ vào quỹ chung. Đức Giê-su nói : “Hãy để cô ấy yên. Cô đã giữ dầu thơm này là có ý dành cho ngày mai táng Thầy. Thật vậy, người nghèo thì bên cạnh anh em lúc nào cũng có ; còn Thầy, anh em không có mãi đâu.”
Một đám đông người Do-thái biết Đức Giê-su đang ở đó. Họ tuôn đến, không phải chỉ vì Đức Giê-su, nhưng còn để nhìn thấy anh La-da-rô, kẻ đã được Người cho sống lại từ cõi chết. Các thượng tế mới quyết định giết cả anh La-da-rô nữa, vì tại anh mà nhiều người Do-thái đã bỏ họ và tin vào Đức Giê-su.

Đức Giê-su nói: “Hãy để cô ấy yên. Cô đã giữ dầu thơm này là có ý dành cho ngày mai táng Thầy.” (Ga 12,7)

 
Suy niệm: 

TUẦN THÁNH.
THỨ HAI.
Is 42,1-7; Ga12,1-11.
A. Hạt giống…
Trong 3 ngày đầu Tuần Thánh, các bài đọc thứ nhất đều trích từ sách tiên tri Isaia, viết về người tôi tớ Thiên Chúa, chịu đau khổ một cách nhẫn nhục để chuộc tội cho loài người. Còn các bài Tin Mừng thì thuật lại những việc xảy ra trong những ngày cuối cùng trước khi Chúa Giêsu bước vào cuộc tử nạn.
Bài Tin Mừng hôm nay thuật lại việc Chúa Giêsu được xức dầu tại Bêtania, “6 ngày trước Lễ Vượt Qua”, tức là 6 ngày trước khi Ngài chết. Có 3 vai đáng chú ý:
-Maria: Việc cô lấy một cân dầu thơm hảo hạng xức chân Chúa Giêsu và lấy tóc mình mà lau biểu lộ lòng yêu mến (không tiếc tiền của) và sự kính trọng (lấy tóc lau chân) đối với Ngài. Phần Chúa Giêsu thì còn coi việc làm này có ý nghĩa cử hành trước nghi thức mai táng Ngài.
-Giuđa: Lời hắn chỉ trích Maria phí của biểu lộ lòng tham tiền của hắn. Đối với Giuđa lúc này, tiền của còn quý hơn tình nghĩa đối với Chúa Giêsu. Chính vì thế thánh Gioan là người vốn tế nhị mà hôm nay còn nói “Y nói thề không phải vì lo cho người nghèo mà vì y là một tên ăn cắp: y giữ túi tiền và thường và thường lấy cho mình những thứ gì người ta bỏ vào quỹ chung”.
– Các thượng tế: Họ “quyết định giết luôn cả Ladarô nữa, vì tại anh mà nhiều người Do Thái đã bỏ họ và tin vào Chúa Giêsu”. Rõ ràng họ đang bị tính ghen ghét xui khiến. Nếu họ có nói lý do giết Chúa Giêsu là gì đi nữa thì việc họ muốn giết Ladarô rõ ràng là vì uy tín của Chúa Giêsu vượt hơn uy tín của họ.
B…Nẩy mầm.
1. Gía tiền của bình dầu thơm mà Maria đã đổ ra để xức chân Chúa Giêsu là 300 đồng, bằng lương 300 ngày công, nghĩa là gần suốt một năm. Mà gia đình Bêtania không khá giả gì. Maria yêu mến Chúa Giêsu “bằng mọi giá, chẳng tiếc bất cứ thứ gì cả. Trước đây, Maria cũng đã làm hài lòng Chúa khi bỏ hết mọi việc để ngồi bên chân Ngài và lắng nghe lời Ngài (Lc10,38-42). Lòng yêu mến Chúa của Maria không phải chỉ là tình cảm suông, cũng không chỉ thể hiện bằng lời nói, mà còn bằng thái độ không tiếc bất cứ thứ gì với Chúa, nhất là tiền bạc và thời gian.
2. Một bình dầu thơm được đánh giá 2 cách khác nhau: Maria dùng nó như phương tiên phục vụ Chúa, Giuđa coi đó là một giá trị vật chất đáng thèm muốn.
3. Giuđa nói: “sao không bán dầu thơm đó lấy 300 đồng mà cho người nghèo”. Nhiều khi người nghèo bị lấy làm chiêu bài để che đậy cho lòng tham, để tô vẽ bộ mặt đạo đức của kẻ giả hình.
4. “Người nghèo thì anh em luôn có bên cạnh, còn Thầy thì anh em chẳng có mãi đâu”. Phục vụ Chúa và phục vụ tha nhân đều là hai việc tốt. Tuy nhiên Chúa dạy ta hai điều:
a/ Phải biết cân nhắc khi nào thì ưu tiên cho việc nào;
b/ Đừng viện cứ phục vụ tha nhân mà bỏ bổn phận phục vụ Chúa.
5. Các thượng tế quyết định giết luôn cả Ladarô, đó là thái độ “giận cá chém thớt”, một thái độ mà nhiêu khi nếu không để ý , chúng ta cũng dễ mắc phải.
6. George Horace Lorimer, chủ bút tờ Saturday Evening Post trong nhiều năm, có lần viết: “Có tiền và có những cái mua bằng tiền là tốt. Nhưng biết dùng tiền và đừng để mất những thứ tiền không mua được thì còn tốt hơn”.
Có thể kể những thứ sau đây tiền không mua được:
Tiền không mua được tình bạn chân thực.
Tiền không mua được lương tâm trong sạch.
Tiền không mua được niềm vui mạnh khoẻ.(Góp nhặt).
92.- NGƯỜI BÁN THỊT DÊ
Vua Chiêu Vương nước Sở mất nước, phải bỏ chạy. Có người bán thịt dê tên là Duyệt, cũng chạy theo vua.
Sau vua Chiêu Vương lại trở về lấy lại được nước. Vua bèn thưởng cho những người chạy theo khi trước, trong đó có cả anh hàng thịt dê nữa. Ai ai cũng nhận thưởng, chỉ một người hàng thịt dê từ chối, nói rằng:
“Trước nhà vua mất nước, tôi mất nghề bán thịt dê; nay nhà vua còn nước, tôi còn nghề bán thịt dê. Thế là tôi lại giữ được nghiệp cũ đủ ăn rồi, còn đâu dám mong thưởng gì nữa”.
Vua cố ép. Người hàng thịt dê thưa rằng: “Nhà vua mất nước không phải là tội tôi, nên tôi không dám liều chết; nhà vua lấy lại được nước, không phải là công tôi, nên tôi không dám lĩnh thưởng..
– Vua bảo: Để rồi ta đến nhà ngươi chơi vậy. Người hàng thịt dê nói: Theo phép nước Sở, phàm người nào có công to, được trọng thưởng thì vua mới đến nhà. Nay tôi xét mình tôi, trí mưu không đủ giữ được nước, dũng cảm không đủ giết được giặc. Quân giặc vào trong nước, tôi lánh nạn, phải theo nhà vua, chớ có phải là cất ý theo nhà vua đâu! Nay nhà vua muốn bổ phép nước mà đến chơi nhà tôi, tôi e thiên hạ nghe thấy mà chê cười chăng.
– Chiêu Vương thấy nói, ngảnh lại bảo Tư Mã Tử Ky rằng: Người hàng thịt dê này tuy làm nghề hèn hạ mà dãi bày nghĩa lý rất cao xa. Nhà ngươi làm thế nào mời được người ấy ra nhận chức tam công cho ta.
Người hàng thịt dê nói: Tôi biết chức tam công là quí hơn cửa hàng bán thịt dê, bổng lộc nghìn vạn, giàu hơn tiền lãi bán thịt dê. Nhưng tôi đâu dám tham tước lộc mà để nhà vua mang tiếng là gia ơn không phải nghĩa. Tôi thực không dám nhận. Xin cho về giữ lấy nghề bán thịt dê”. Nói đoạn lùi ngay ra.