Lời Chúa: Thứ Hai Tuần II Thường Niên A

Khi chàng rể còn ở với họ

 
 
Thứ Hai Tuần II Thường Niên A
Lời Chúa: 

Mc 2,18-22

18Bấy giờ các môn đệ ông Gioan và các người Pharisêu đang ăn chay; có người đến hỏi Đức Giêsu: “Tại sao các môn đệ ông Gioan và các môn đệ người Pharisêu ăn chay, mà môn đệ ông lại không ăn chay?” 19Đức Giêsu trả lời: “Chẳng lẽ khách dự tiệc cưới lại có thể ăn chay, khi chàng rể còn ở với họ? Bao lâu chàng rể còn ở với họ, họ không thể ăn chay được. 20Nhưng khi tới ngày chàng rể bị đem đi rồi, bấy giờ họ mới ăn chay trong ngày đó. 21Chẳng ai lấy vải mới mà vá áo cũ, vì như vậy, miếng vá mới đã vá vào sẽ kéo vải cũ, khiến chỗ rách lại càng rách thêm. 22Cũng không ai đổ rượu mới vào bầu da cũ, vì như vậy, rượu sẽ làm nứt bầu, thế là rượu cũng mất mà bầu cũng hư. Nhưng rượu mới, bầu cũng phải mới!”

(Nguồn: Ủy Ban Thánh Kinh / HĐGMVN)

Chẳng lẽ khách dự tiệc cưới lại có thể ăn chay, khi chàng rể còn ở với họ? (Mc 2,19)

 
Suy niệm: 

Một trong những nét khác biệt giữa Gioan Tẩy Giả với Đức Giêsu là sự khắc khổ nhiệm nhặt. Gioan được coi là người “không ăn bánh, không uống rượu” (Lc 7, 33). Còn Đức Giêsu bị mang tiếng là “tay ăn nhậu” với quân thu thuế (Lc 7, 34). Chúng ta đã từng thấy ngài ăn tại nhà ông Lêvi hay ông Dakêu. Các người Pharisêu cũng là những người thích ăn chay nhiều lần trong tuần, dù ngày ăn chay chính thức hàng năm của đạo Do Thái chỉ là ngày lễ Xá tội.

Như thế có sự khác biệt khá rõ giữa môn đệ của Đức Giêsu với môn đệ của Gioan Tẩy Giả và môn đệ của người Pharisêu. Một bên có vẻ thoáng và thoải mái, một bên thì khắc khổ nhiệm nhặt. “Tại sao môn đệ của ông lại không ăn chay?” Có người đã dám hỏi thẳng Đức Giêsu như thế. Ngài đã trả lời bằng một cách dùng một hình ảnh dễ hiểu và đầy ý nghĩa. Vào thời Đức Giêsu, tại Paléttin, cũng như tại nhiều vùng quê ngày nay, đám cưới là một biến cố mừng vui có tính làng xã. Chẳng thể nào hiểu được chuyện một người đi ăn cưới với khuôn mặt buồn của kẻ đang ăn chay.

“Chẳng lẽ khách dự tiệc cưới lại có thể ăn chay, khi chàng rể còn ở với họ” Đức Giêsu tự ví mình với chàng rể, còn môn đệ là khách dự tiệc cưới. Bầu khí trong nhóm môn đệ của ngài là bầu khí vui tươi của một lễ thành hôn bởi lẽ thời đại thiên sai đã đến rồi. Đức Giêsu, Đấng Mêsia dân Ítraen mong đợi từ lâu, nay có mặt. Ngài là chàng rể kết duyên với cô dâu là dân tộc Ítraen của ngài. Đức Giêsu đã làm trọn điều các ngôn sứ nói trong Cựu Ước về việc Thiên Chúa lập hôn ước với dân của Người (Hs 2, 21-22; Is 62, 4-5).

“Nhưng khi tới ngày chàng rể bị đem đi khỏi họ, bấy giờ họ mới ăn chay.” Sau khi Đức Giêsu chịu cái chết dữ dằn, được phục sinh và lên trời, Giáo Hội bước vào một giai đoạn mới, giai đoạn chờ đợi ngài quang lâm. Trong giai đoạn này, khi Chúa Giêsu vừa vắng mặt, vừa hiện diện, Các Kitô hữu ăn chay, vác thánh giá theo Chúa Giêsu, dù họ vẫn luôn sống trong niềm vui, bởi tin vào Đấng đã phục sinh vinh hiển.

Lm. Antôn Nguyễn Cao Siêu

Cầu nguyện: 

Lạy Chúa Giê-su Thánh Thể,

Qua bí tích Thánh Thể, Chúa viếng thăm cuộc đời chúng con. Chúa không chỉ đụng chạm đến linh hồn chúng con mà còn ngự trị trong con người chúng con. Xin Chúa hãy chiếm đoạt linh hồn và thân xác chúng con. Xin chữa lành hồn xác chúng con trong ân sủng của Chúa. Xin Chúa luôn ở lại để chia sẻ với những lo âu trong cuộc sống chúng con.

Lạy Chúa Giê-su mến yêu, Chúng con cám ơn Chúa đã luôn thi thố tình thương của Chúa cho chúng con. Ðôi tay Chúa luôn chúc lành, xoa dịu cho những mảnh đời bất hạnh mà Chúa gặp trên đường. Ðôi chân Chúa đã đi đến cùng của sự thí mạng sống vì hạnh phúc tha nhân. Sự hiện diện của Chúa luôn mang lại sự bình an và hoan lạc cho những ai diễm phúc được Chúa viếng thăm. Năm xưa trong tiệc cưới Canna, Chúa đã làm phép lạ cho nước hoá thành rượu để nhờ đó bữa tiệc được trọn vẹn niềm vui. Xin cho chúng con được xứng đáng đón rước Chúa viếng thăm. Xin đừng để những tham sân si dòng đời làm chúng con mất đi sự trong trắng tâm hồn. Xin giúp chúng con biết chọn Chúa làm phần gia nghiệp hơn là những vinh hoa phú quý trần gian.

Lạy Chúa, Chúa là niềm vui của cuộc đời chúng con. Xin cho chúng con luôn tìm đến Chúa để kín múc suối nguồn tình yêu vô tận từ trái tim yêu thương của Chúa. Xin Chúa chúc lành cho ngày sống chúng con luôn được bình an trong bàn tay quan phòng của Chúa. Amen.

Lm. Giuse Tạ Duy Tuyền

Xin mời xem thêm:

BÀI ĐỌC I:

Dt 5, 1-10

“Dầu là Con Thiên Chúa, Người đã học vâng phục do những đau khổ Người chịu”.

Bài trích thư gửi tín hữu Do-thái.
Tất cả các vị Thượng tế được chọn giữa loài người, nên được đặt lên thay cho loài người mà lo việc Chúa, để hiến dâng lễ vật và hy lễ đền tội. Người có thể thông cảm với những kẻ mê muội và lầm lạc, vì chính người cũng mắc phải yếu đuối tư bề. Vì thế cũng như người phải dâng lễ đền tội thay cho dân thế nào, thì người dâng lễ đền tội cho chính mình như vậy. Không ai được chiếm vinh dự đó, nhưng phải là người được Thiên Chúa kêu gọi, như Aaron. Cũng thế, Ðức Kitô không tự dành lấy quyền làm thượng tế, nhưng là Ðấng đã nói với Người rằng: “Con là Con Cha, hôm nay Cha sinh ra Con”. Cũng có nơi khác Ngài phán: “Con là Tư tế đến muôn đời theo phẩm hàm Menkixêđê”. Khi còn sống ở đời này, Chúa Kitô đã lớn tiếng và rơi lệ dâng lời cầu xin khẩn nguyện lên Ðấng có thể cứu Mình khỏi chết, và vì lòng thành kính, Người đã được nhậm lời. Dầu là Con Thiên Chúa, Người đã học vâng phục do những đau khổ Người chịu, và khi hoàn tất, Người đã trở nên căn nguyên ơn cứu độ đời đời cho tất cả những kẻ tùng phục Người. Người được Thiên Chúa gọi là Thượng tế theo phẩm hàm Menkixêđê.

(Nguồn: Ủy Ban Thánh Kinh / HĐGMVN)