A.Phân tích (Hạt giống…)
Thánh Luca cho biết rõ ý nghĩa của dụ ngôn này là dạy “các môn đệ phải cầu nguyện luôn, không được nản chí”. Dụ ngôn có hai vai :
– bà góa : trong xã hội do thái, các bà góa chịu nhiều thiệt thòi và không ai bênh vực. Bà góa này có lẽ bị người ta ức hiếp nhưng vì không ai bênh vực nên chỉ còn biết chạy đến kêu cứu với thẩm phán.
– thẩm phán : lẽ ra nhiệm vụ của ông là bênh vực những người bị ức hiếp. Nhưng ông thẩm phán này không bênh vực bà góa vì bà chẳng có lợi gì cho ông cả. Dù vậy, nhờ bà cứ kiên trì kêu xin nên cuối cùng ông cũng xử công bình cho bà.
* Bài học : một người bất công như viên thẩm phán mà còn phải chịu thua lòng kiên trì của bà góa. Huống chi Thiên Chúa tốt lành, Ngài sẽ mau chóng bênh vực kẻ kêu xin Ngài cách kiên trì.
Tuy nhiên, có nhiều kẻ không kiên trì nên đã mất lòng tin. Đó là ý nghĩa câu cuối cùng : “Nhưng khi Con Người ngự đến. liệu Người còn thấy lòng tin trên mặt đất nữa chăng ?”.
B. Suy niệm (…nẩy mầm)
1. “Nhiều người có thói quen xưng thú một cách máy móc “Con có chia trí lo ra trong khi đọc kinh xem lễ”. Để việc xưng thú một cách ý thức hơn, có lẽ chúng ta nên nói “Con thiếu tin tưởng và kiên trì trong khi cầu nguyện”… Chúng ta cầu xin, nhưng không tin đủ rằng Thiên Chúa sẽ nhận lời chúng ta” (trích “Mỗi ngày một tin vui”).
2. Chúng ta đã từng kinh nghiệm, có nhiều điều ta cầu xin mãi mà chẳng được như ý. Nhưng đừng vội kết luận rằng : Hễ lần nào xin mà không được như sở thích, là chứng tỏ Chúa không tốt với tôi. Thử suy nghĩ mà xem : – Ai cũng xin trúng số độc đắc ( độc đắc : chỉ một người duy nhất trúng) – Đứa trẻ nằng nặc đòi được ở nhà chơi không chịu đi học (thường không được như ý, còn bị thêm roi vọt). – Nước nào đang bị chiến tranh cũng quen cầu xin theo kiểu ‘Mẹ ơi, đoái thương xem nước Việt Nam, trời u ám chiến tranh điêu tàn…’, nhưng ý Chúa quan phòng chưa muốn thế…
3. Việt Nam ta có câu truyện truyền thuyết về ‘ông già Ba Tri’ kiên trì gan góc. Ông lặn lội tới tận triều đình Huế, gõ trống trước cung điện vua để kêu nài, và cuối cùng đã được nhận lời.
4. Beppo Sala là một cậu bé 8 tuổi. Cha mẹ cậu rất nghèo mà phải nuôi tới 6 đứa con. Mẹ cậu lại sắp sinh thêm đứa thứ 7. Tuy còn nhỏ nhưng Beppo cũng biết khi đứa bé sinh ra thì nó phải thiếu thốn như thế nào. Cậu muốn làm một việc gì đó để giúp cha mẹ. Cậu nhịn ăn quà, dùng tiền mua một chiếc bong bóng bay. Cậu viết một bức thư ngắn cột vào bong bóng rồi thả cho bay lên trời. Bức thư viết “Chúa ơi, trong vài tuần nữa mẹ con sẽ sinh em bé. Nhưng gia đình chúng con nghèo quá. Xin Chúa giúp chúng con tìm được một chiếc chăn và vài bộ quần áo cho nó. Đồ cũ thôi cũng được. Con là Beppo Sala, nhà ở Arcorle”. Beppo về nhà hồi hộp chờ đợi. Chờ đã 3 ngày mà chẳng thấy gì cả. Đến ngày thứ tư, một nhân viên bưu điện mang tới nhà Beppo một thùng giấy lớn có ghi rõ “Người nhận : Beppo Sala, Arcorle. Người gởi : Rovingo”. Trong nhà chẳng ai có quen người nào tên Rovingo cả nên bảo nhân viên bưu điện trả về người gởi. Nhưng không có địa chỉ người gởi nên cậu bé đành mở thùng ra coi. Trong thùng toàn là quần áo trẻ con rất sạch và đẹp. Có cả một chiếc chăn nhỏ nữa. Thì ra một người nào đó tên Rovingo đã tình cờ nhặt được chiếc bong bóng và bức thư của cậu bé nên đã thay Chúa gởi quà cho em của cậu.
Nhiều khi Thiên Chúa đáp lời cầu nguyện của chúng ta bằng một cách thức và vào một thời điểm mà chúng ta không ngờ. (Pastor Paterno).
5. Một người đưa tin phóng ngựa tới một ngôi nhà cửa đóng kín. Ông gõ cửa nhưng không ai mở cả. Ông biết trong nhà có người vì trước đó ông đã nhìn qua cửa sổ thấy họ. Bởi đó ông nổi cáu vừa la lớn tiếng vừa dùng hết sức mình đập vào cánh cửa. Sau khi ông đập cửa tới 30 lần thì một cái đầu mới thò ra qua một lỗ nhỏ trên cánh cửa, hỏi :
– Ông có muốn vào không ?
– Muốn vào không ư ? Tôi đã kêu cửa muốn khàn cả cổ rồi đây này.
– Xin ông thông cảm. Mỗi ngày rất nhiều đứa bé hàng xóm cứ đến gõ cửa để phá chơi rồi lại chạy trốn. Ban đầu chúng tôi tưởng ông cũng thế. Nhưng khi nghe thấy ông vẫn kiên trì kêu cửa, chúng tôi biết ông muốn vào thật nên mới mở cho ông. (Bruno Hagspiel).
6. “Chẳng lẽ Thiên Chúa lại không bênh vực những kẻ Người đã tuyển chọn, ngày đêm hằng kêu cứu với Người, dù Người có trì hoãn ?” (Lc 18,7)
“Khi tạo dựng nên ta Thiên Chúa không cần hỏi ý ta, Người không thể cứu rỗi ta nếu ta không cộng tác với Người”.
Chuyện kể về thánh Vincent Ferrier sau khi gặp các tội nhân cứng lòng, khuyên bảo mấy cũng không chịu trở lại. Ngài đã gia tăng việc ăn chay, hãm mình, cầu nguyện.. Ngài than thở, năn nỉ cùng Chúa ban ơn để cứu các linh hồn ấy khỏi sa hoả ngục.
Nhưng Chúa ơi, được ích gì nếu lời cầu nguyện ấy không có sự cộng tác, đồng ý của đối tượng cần được cứu rỗi ?
Vâng, đã hơn một lần con đặt ra câu hỏi đó, vì nghi ngờ. Con đã đòi hỏi Chúa phải làm cho con điều này, thực hiện cho con điều nọ… Và con thất vọng khi không đạt được điều con muốn.